Lý do đơn giản, có thể là vì tiền.
Chủ tịch kiêm CEO của Sony Interactive, Shawn Layden đã từng hứa với cộng đồng rằng “chúng tôi đang cân nhắc mọi khả năng có thể”.
“Các bạn cần hiểu rằng việc cho phép cross-play liên quan tới nhiều game khác nhau. Tôi tự tin rằng chúng tôi sẽ tìm ra được một giải pháp cộng đồng thấu hiểu và đồng tình, từ đó tiếp tục hỗ trợ Sony.”
Những lời này giống như đang câu giờ hơn là đưa ra giải pháp và hành động. John Smedley, một nhà phát triển game từng làm việc cho Sony đồng tình với quan điểm này. Anh từng tweet: “Khi tôi ở Sony, lý do không có cross-play rất đơn giản là vì tiền. Họ không muốn ai đó mua game trên Xbox rồi lại nhảy sang chơi tiếp trên PlayStation. Nghe ngô nghê nhưng thực tế là vậy đấy.”
Tính đến thời điểm hiện tại thì Sony vẫn trên đỉnh ngôi vương làng console. Tính đến hết năm tài khóa 2017, Sony đã bán được gần 80 triệu máy PS4 kể từ khi chính thức ra mắt tháng 11/2013. Xbox One thì chỉ vỏn vẹn gần 30 triệu máy theo dự đoán của nhiều chuyên gia vì Microsoft rất kín miệng trong vấn đề này.
Chẳng cần cross-play mà PS4 vẫn đang làm bá chủ. Tỷ lệ người chơi game mua máy PS4 theo bạn bè để chơi game chung cũng cao hơn nhiều Xbox One hay Switch. Vậy, có lý do gì để họ chiều lòng gamer?
Trong khi đó Microsoft và Nintendo đã cho phép gamer chơi cross-platform được một thời gian, giữa ba nền tảng PC, Xbox One và Switch. Dĩ nhiên việc cho phép cross-play sẽ khiến vòng đời một trò chơi được kéo dài hơn vì ai cũng có thể chơi cùng nhau không bị rào cản thiết bị.
Phóng viên Gamespot so sánh vui, Sony giống như đứa trẻ ích kỷ ở sân chơi, không chịu cho ai chơi chung đồ chơi của mình. Nhưng kỳ thực cross-platform đang giúp ai? Rõ ràng nó chỉ giúp các nhà phát triển game. Cross-play càng mạnh, tỷ lệ người mua game hoặc chơi game của họ cũng sẽ cao hơn nhiều. Bản thân Nintendo và Microsoft cũng chỉ đơn thuần nhắm mắt đưa chân mà thôi.
Còn về phần Sony, “trong mắt họ, họ đang dẫn đầu cuộc đua và không có ý định tụt lại phía sau. Họ tin rằng họ đang đi đúng hướng, và tham gia vào bất cứ thứ gì giúp Microsoft hay Nintendo bán được phần cứng sẽ khiến họ bị thiệt hại”, theo Micheal Pachter, nhà phân tích tại Wedbush Securities.
Dĩ nhiên Sony quan tâm tới lợi nhuận hơn là việc một phần nhỏ cộng đồng nói gì về mình. Bên cạnh cộng đồng Fortnite, họ còn những người chơi rất nhiều game độc quyền khác, thứ đừng mơ xuất hiện trên Xbox One hay Switch. Đó là nguồn kiếm tiền của Sony.
Có khả năng việc "chầy cối" trước cộng đồng sẽ là một canh bạc khá tệ cho Sony.
Họ mong chờ sức ép truyền thông sẽ dịu xuống, nhưng họ quên bài học của Microsoft hồi năm 2013 khi đòi áp dụng DRM dạng một game chỉ dành cho 1 tài khoản trên Xbox One. Chỉ đến khi có tình huống doanh số máy và game của Sony bị ảnh hưởng bởi việc họ không cho gamer chơi cross-platform, Sony mới bắt đầu có những động thái mềm mỏng.
Tiếc thay cho gamer, đối thủ của Sony, và các hãng game, doanh thu của gã khổng lồ Nhật Bản vẫn rất đáng nể tính đến thời điểm hiện tại. Còn Microsoft, chí ít thì hiện tại bài toán cross-play đem lại cho họ một hiệu ứng tích cực, vừa đẩy mạnh doanh số máy và phần nào khiến người chơi game xa rời đại kình địch của mình.
Nguồn Gamespot via Tinh Tế