Lý do khiến cả Elon Musk và Mark Zuckerberg cũng không đủ sức biến giấc mơ 'siêu ứng dụng' thành hiện thực

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Siêu ứng dụng là tham vọng trong mơ của các CEO ở Thung lũng Silicon, nhưng nó chỉ có thể là một “giấc mơ viển vông” trước những thách thức về quy định và khu vực.

Các giám đốc công nghệ của Thung lũng Silicon đang ngày càng nói nhiều hơn về việc theo đuổi một giấc mơ mà chưa công ty phương Tây nào có thể đạt được. Đó là xây dựng một siêu ứng dụng.

Hãy tưởng tượng một ứng dụng cho phép bạn trả tiền thuê nhà, gọi taxi, chia sẻ hình ảnh và video, nhắn tin cho bạn bè và mua hàng tạp hóa hoặc TV mới. Đó sẽ là sự kết hợp của Amazon, Uber, Instagram, Whatsapp và Venmo hay bất kỳ ứng dụng ngân hàng nào hiện đang được sử dụng.

Vấn đề là những ứng dụng có thể làm tất cả những thứ này đã tồn tại bên ngoài nước Mỹ và châu Âu: WeChat là siêu ứng dụng hàng đầu ở Trung Quốc; Careem đang dần đạt được vị thế đó ở Trung Đông; Rappi ở Mỹ Latinh và Grab ở Đông Nam Á.

Các CEO công nghệ muốn nhân rộng mô hình này ở phương Tây, với tiếng nói lớn nhất về siêu ứng dụng trong những tháng gần đây là ông chủ mới của Twitter. Vài tuần trước khi hoàn tất thỏa thuận mua Twitter trị giá 44 tỷ USD của mình, Elon Musk đã tweet rằng "mua Twitter là một công cụ thúc đẩy để tạo ra X, ứng dụng của mọi thứ".

Mark Zuckerberg và Evan Spiegel (CEO của Snapchat) cũng ấp ủ tham vọng siêu ứng dụng từ lâu. Microsoft được cho là muốn xây dựng một siêu ứng dụng có thể cạnh tranh với Google.

Tham vọng này mang đầy ý nghĩa. Mặc dù WeChat ở Trung Quốc về tổng thể có thể nhỏ hơn so với các công ty công nghệ lớn của Mỹ, xét theo số lượng người dùng. Nhưng nó sở hữu một thứ mà tất cả đối thủ đều khao khát: Sự chú ý của người dùng. Rất khó để có số liệu thống kê liên quan được cập nhật, nhưng một thống kê năm 2017 từ nhà đầu tư Mary Meeker đã xác định thời gian người dùng Trung Quốc dành cho WeChat và QQ, một ứng dụng nhắn tin, là 1,9 tỷ giờ mỗi ngày. Con số này nhiều hơn tất cả các ứng dụng khác cộng lại về mặt thời gian.

Nhưng các nỗ lực để tạo ra một siêu ứng dụng ở Mỹ có thể là nơi khiến mọi giấc mơ tỷ phú lụi tàn, bởi có những rào cản quá lớn.

6348324ec03fe400197b628b-1671092350770197363032-1671099832256-16710998327401118381147.jpg

Các CEO ở Thung lũng Silicon muốn gì

"Ứng dụng của mọi thứ" theo quan niệm của các tỷ phú công nghệ dường như trông hơi khác nhau. Đầu năm nay, Musk đã đánh giá cao WeChat và gọi nó là "Twitter, cộng với PayPal, cộng với rất nhiều thứ khác, tất cả đều hợp thành một."

Tại Meta, công ty mẹ của Facebook, "siêu ứng dụng" là một từ cấm kỵ vì nó quá trừu tượng. Nhưng rõ ràng CEO Mark Zuckerberg muốn có thứ gì đó “giống như” một siêu ứng dụng. Nỗ lực của công ty nhằm xây dựng các khả năng thanh toán độc lập thông qua dự án chuỗi khối Libra/Diem đã thất bại, nhưng các ứng dụng khác trong dòng sản phẩm của họ như Instagram và WhatsApp đang phát triển mạnh về chức năng thanh toán và thương mại điện tử.

Đúng như Mark Zuckerberg và nhóm của ông đã nhận thấy, các khoản thanh toán rất quan trọng đối với bất kỳ siêu ứng dụng nào.

“Fintech là một phần trong hoạt động hoặc nguyện vọng của hầu hết các siêu ứng dụng”, một nghiên cứu được công bố vào tháng 10 trên tạp chí Media, Culture & Society cho biết việc có thể trả tiền cho mọi thứ là cốt lõi dẫn đến thành công của WeChat.

Nhưng các khoản thanh toán là một vấn đề khó giải quyết đối với các công ty ở Thung lũng Silicon. Chuyện thanh toán mọi thứ bằng điện thoại ở Mỹ vẫn còn tương đối hiếm so với Châu Âu và các vùng lãnh thổ khác. Theo nghiên cứu của eMarketer, một nửa số người dùng điện thoại thông minh ở Mỹ “dự kiến” sẽ chấp nhận thanh toán di động vào cuối năm 2025 . Ngược lại, 64% dân số Trung Quốc đã thực hiện thanh toán trên điện thoại của họ vào cuối năm 2021, theo một báo cáo từ China UnionPay, một công ty dịch vụ tài chính nhà nước.

Hiện đã có các ứng dụng thanh toán được phát triển tốt, tồn tại dưới dạng Venmo hoặc Cash App, nhưng nỗ lực ngược lại để xây dựng các dịch vụ phi thanh toán vào các ứng dụng đó có thể là một quá trình dài hơi. Bởi sự cạnh tranh để dẫn đầu thị trường mà họ đang tham gia rất khốc liệt và người dùng Mỹ đã trở nên quá quen thuộc với nhiều lựa chọn ứng dụng.

Các công ty sẽ gặp khó khăn trong việc tạo ra sự kết dính cần thiết để làm cho một siêu ứng dụng hoạt động theo cách mà WeChat đã làm, vốn đã thu hút hơn 1 tỷ người dùng nhờ sự kết hợp giữa dịch vụ và thanh toán để đảm bảo mọi người không phải tìm kiếm việc giải quyết nhu cầu của mình ở nơi khác.

Lý do khiến cả Elon Musk và Mark Zuckerberg cũng không đủ sức biến giấc mơ 'siêu ứng dụng' thành hiện thực - Ảnh 2.
Có nhiều lý do khiến giấc mơ siêu ứng dụng trở nên mong manh ở Mỹ.​

Siêu ứng dụng thành công nhất xuất hiện ở Trung Quốc

Theo một sách trắng xuất bản vào năm 2020 của CPP Investments, một công ty quản lý tài sản của Canada, các siêu ứng dụng ở Châu Âu và Bắc Mỹ "dự kiến sẽ phát triển rất khác" so với những nơi như Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Bởi đó là các vùng đất nơi có "những lỗ hổng nghiêm trọng về cơ sở hạ tầng".

Những lỗ hổng này khiến cho "sự thâm nhập của thanh toán điện tử là tối thiểu" ở nhiều nền kinh tế đang phát triển. Chẳng hạn, ở Ấn Độ, gần một phần tư người trưởng thành không có tài khoản ngân hàng. Đây là cơ hội khiến những thị trường như thế này trở nên chín muồi cho một siêu ứng dụng đáp ứng những nhu cầu đó. Ở Trung Quốc, điện thoại thông minh là điểm truy cập Internet đầu tiên đối với một bộ phận lớn dân số.

Nhưng ngân hàng và thương mại điện tử đã phát triển tốt ở Mỹ và Châu Âu, nơi người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn. Một siêu ứng dụng mới sẽ rất khó tiếp cận loại người dùng phức tạp và ít tin tưởng vào những cách thanh toán mới này.

Có một lý do rõ ràng khác khiến siêu ứng dụng thành công nhất lại xuất hiện ở Trung Quốc. Đó là các chính sách pháp lý mạnh mẽ của chính quyền đã ngăn cản các đối thủ cạnh tranh nước ngoài cung cấp cho người tiêu dùng Trung Quốc bất kỳ giải pháp thay thế nào.

Lý do khiến cả Elon Musk và Mark Zuckerberg cũng không đủ sức biến giấc mơ 'siêu ứng dụng' thành hiện thực - Ảnh 3.
App Store sẽ không cho các siêu ứng dụng cơ hội để tồn tại.​

Những “người gác cổng” của Thung lũng Silicon sẽ luôn cản đường giấc mơ siêu ứng dụng

Các công ty công nghệ Mỹ đang nuôi dưỡng tham vọng tạo ra siêu ứng dụng sẽ cần phải chống lại các cơ quan quản lý của chính họ, các cơ quan quản lý ở nước ngoài và cả App Store của Apple.

Ủy ban Thương mại Liên bang Hoa Kỳ (FTC) đang tập trung mạnh mẽ hơn vào cạnh tranh và quyền riêng tư của người dùng. Việc tạo ra các siêu ứng dụng gần như chắc chắn sẽ yêu cầu sự hợp nhất tích cực thông qua việc mua lại, và điều này sẽ thu hút rất nhiều sự giám sát của các cơ quan chức năng. Hiện tại, các cơ quan quản lý của Mỹ đang hướng tới cách tiếp cận của châu Âu hơn đối với quyền riêng tư dữ liệu, theo cách ủng hộ cạnh tranh và phân mảnh.

Ngoài ra còn có thách thức mang tên Apple.

Với iOS là hệ điều hành dành cho điện thoại thông minh phổ biến nhất ở Mỹ, App Store của Apple có thể tạo nên hoặc phá vỡ sự thành công của một ứng dụng. Như sách trắng của CPP Investments lưu ý, siêu ứng dụng "có thể được coi là nền tảng điều hành cho thiết bị di động." Và Apple chỉ đơn giản là sẽ không cho phép hầu hết các ứng dụng loại quyền truy cập cấp thiết bị mà chúng có thể cần để hoạt động như một siêu ứng dụng.

Rõ ràng là có rất nhiều chướng ngại vật trên con đường đến với một siêu ứng dụng do Thung lũng Silicon sản xuất. Nhưng cơ hội mà một siêu ứng dụng mang lại rất hấp dẫn, và đó là lý do khiến nhiều CEO công nghệ đang cố gắng bất chấp mọi trở ngại để hiện thực hóa giấc mơ này.

Theo Genk​
 
Bên trên