“Ban ngày em thấy dễ chịu hơn vì nghĩ cháu đang đi học, nhưng đêm về, em không thể chịu được vì nỗi nhớ cháu…”, người mẹ trẻ giọng run run, nói không hết câu khi kể về đứa con trai chưa tròn 3 tuổi vừa mất tại viện Nhi trung ương.
Mũi tiêm định mệnh
Bức thư điện tử đặc biệt mà tòa soạn chuyển cho tôi vào một buổi tối cuối tháng 8 là thư ngỏ của độc giả, một người mẹ trẻ vừa mất con, gửi Bộ trưởng Bộ Y tế. Bức thư với những lời lẽ nhẹ nhàng nhưng khiến người đọc vô cùng thấm thía. Thấm thía cái nỗi đau tột cùng của người trong cuộc, day dứt đến nôn nao khi sinh mạng của một em bé dường như đã không được níu giữ bằng “lương tâm” và “trách nhiệm”.
Tôi quyết định gác những công việc còn dang dở để tìm gặp người mẹ trẻ, tác giả của bức thư ngỏ.
Tiếp tôi tại ngôi nhà nằm cuối con ngõ nhỏ trên đường Hoàng Mai (Hà Nội) chị giới thiệu mình là Trương Phương Thảo, còn cháu nhỏ là Nguyễn Viết Minh, mất vào ngày cuối cùng của tháng 7/2009, khi mới 32 tháng tuổi.
Ban thờ cháu Minh nằm giữa phòng khách nhỏ, trên góc ban thờ là tập vở và cây bút. Quanh căn phòng vẫn còn đó nhiều dấu ấn của cháu nhỏ để lại: Chiếc xe đạp nhựa, vài tập sách tô màu, chiếc ba lô nhỏ cháu vẫn thường khoác đi học… Trên ban thờ, di ảnh của cháu với ánh mắt cười như nhói vào tim người đối diện. Thắp vội nén hương, tôi quay đi vì mắt bỗng cay xè…
Cháu Nguyễn Viết Minh khi gần được 3 tuổi (Ảnh gia đình cung cấp)
Giọng nói như vô hồn, thỉnh thoảng lại ngắt quãng vì xúc động của chị khiến tôi phải cố gắng lắm mới ghi lại được câu chuyện: “Sáng hôm đó, cháu Minh sốt cao nên em cho cháu đến viện Nhi khám. Làm thủ tục xếp hàng và nộp tiền xong, con em có vẻ sốt rất cao, đầu cháu rất nóng. Sốt ruột và lo lắng, em vào giục bác sỹ xin cho cháu khám. Vì trong lúc ngồi ngoài chờ đợi em biết số 28 xong trước đó 15 phút nhưng vẫn không thấy gọi số 29 (là số thứ tự của cháu). Thấy em vào xin, bà y tá giọng khó chịu bảo “từ từ sắp đến lượt rồi”. Em đành ra ngoài đợi cùng con.
Lúc này cháu đã rất mệt do sốt cao nhưng do em động viên nên cháu vẫn ngồi ngoan trên ghế để chờ. Một lúc lâu nữa, vẫn chưa thấy được gọi, em lại vào giục và lần này bác sỹ đồng ý cho cháu vào khám.
Kết quả khám, con em bị “viêm amiđan” và sốt 39,2 độ. Bác sỹ kê cho 2 viên thuốc giảm sốt. Sau đó, cháu được đưa vào khoa cấp cứu.
Lúc đó em nghĩ, khu cấp cứu chắc toàn bác sỹ giỏi để chữa những trường hợp khẩn cấp. Nào ngờ vào đó, em gặp 2 bác sĩ trẻ, dường như là thực tập, họ loay hoay nghe phổi rồi khám họng… Sau một hồi hỏi tình hình bệnh, họ bảo đưa cháu vào phòng cấp cứu để truyền nước.
Vào trong phòng, một bà y tá chọc ven cho con em rồi… tiêm cho cháu. Em giật mình hỏi “Ơ chị tiêm gì cho con em thế?, bà y tá bảo: “Đây là thuốc tiêm thông thường chữa viêm đường hô hấp trên. Tiêm thuốc này không sao hết”.
Sau khi tiêm, em phát hiện mặt con nổi những vết đỏ. Các bác sỹ đưa cháu ra phòng ngoài, làm các động tác cấp cứu, rồi đưa vào khu “hồi sức cấp cứu”. Sáu ngày sau cháu mất.
Cháu Minh trong những ngày cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương trước khi mất (Ảnh gia đình cung cấp)
Những điều day dứt
Người mẹ trẻ vừa kể chuyện, vừa liếc mắt nhìn lên ban thờ, nơi có bức ảnh của cháu bé với ánh mắt như luôn dõi theo mẹ. Chị kể, Sam (tên gọi âu yếm của Minh) hiếu động và sống rất tình cảm. Những ngày đầu nằm ở phòng hồi sức cấp cứu, mỗi khi tỉnh, cháu lại quờ tay với mẹ, kêu ngứa và đòi mẹ gãi. Sau đó, sức khỏe cháu chuyển biến rất xấu nên phải đưa vào phòng cách ly, kể từ đó, hai mẹ con không còn được gặp nhau.
Dường như không còn nước mắt, chị tức tưởi kể mà như hỏi tôi: “Ba ngày sau khi cháu nằm ở khoa hồi sức cấp cứu, bệnh viện thông báo cháu bị nhiễm Cúm B và họ sửa trên tờ bệnh án dòng chẩn đoán bệnh: “Sốc phản vệ/Viêm cơ tim” thành “Viêm phổi do cúm B”. Kết luận cuối cùng của bệnh viện là: cháu mất do cúm B.
Tại sao khi vào viện thì chẩn đoán cháu bị “viêm amidan”, nhưng sau khi cháu bị sốc phản vệ và phải nằm tại phòng Hồi sức cấp cứu thì bệnh viện lại kết luận cháu bị cúm B?”.
Tôi không thể giúp chị giải đáp câu hỏi đó, nên đành hứa sẽ mang điều băn khoăn này đến gặp lãnh đạo viện Nhi trung ương.
Câu chuyện giữa tôi và chị Thảo đứt quãng khi anh Tấn, bố cháu Minh đi làm về. Anh có vẻ cứng cỏi hơn, nhưng khi đề cập đến câu chuyện xung quanh cái chết của con, giọng anh vẫn lạc đi.
“Chúng tôi bây giờ chỉ muốn làm điều gì đó cho cháu vui, nên đã dùng toàn bộ số tiền viếng cháu để tài trợ cho 2 ca mổ tim, tổng chi phí khoảng 100 triệu đồng. Phía bệnh viện không nhận lỗi, chúng tôi đề nghị họ bồi thường bằng 2 ca mổ tim miễn phí nữa tại bệnh viện. Bệnh viện đã đồng ý và gọi đó là hỗ trợ gia đình chứ không phải bồi thường”.
Tuy nhiên, theo anh Minh, đã gần một tháng trôi qua mà việc mổ tim cho hai cháu bé có hoàn cảnh khó khăn như đã thỏa thuận vẫn chưa thực hiện được. “Trong hai bộ hồ sơ chúng tôi gửi đến thì một bộ được cho là nặng quá, hồ sơ khác thì bệnh viện cho rằng chưa đủ 6 tuổi nên không mổ”.
“Hiện tôi đang liên hệ với viện Tim và nhờ mọi người giới thiệu cho 2 trường hợp khác để yêu cầu Viện Nhi mổ, tôi sẽ không bỏ cuộc”, anh Tấn quay mặt, giấu vẻ xúc động nhưng vẫn quả quyết như vậy.
Nhắc lại lời hứa sẽ chuyển những thắc mắc của gia đình đến lãnh đạo Viện Nhi, tôi xin phép ra về. Như đoạn kết trong một cuốn tiểu thuyết, trời Hà Nội bỗng sầm sập mưa, tôi ra về mang theo nỗi xót xa, day dứt trĩu nặng trong lòng.
Ngay sau khi tiếp xúc với gia đình, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo viện Nhi trung ương và nhận được lời hẹn vào đầu tuần này. Chúng tôi rất hy vọng sẽ nhận được sự giải đáp thỏa đáng từ phía bệnh viện, để như nhiều mong muốn của bạn đọc trên một diễn đàn trẻ thơ, linh hồn bé Sam sẽ được siêu thoát.
Dân Trí