Đó là cảm giác của tôi khi đặt bút viết những cảm nhận về album mới nhất và cũng là album đầu tay của Lê Cát Trọng Lý mà “Lúng ta lúng túng” cũng là một nhạc phẩm trong đó. Tôi chọn ca khúc này làm tiêu đề cho bài viết bởi Lúng ta lúng túng là một nhạc phẩm đặc biệt trong album, một trong hai bài hát không phải do Lý tự tay sáng tác mà là sự đồng cảm với tác giả của bài hát.
Lúng túng bởi vì những cảm xúc âm nhạc mà Lê Cát Trọng Lý mang lại thật sự rất đặc biệt, khó mà thành những câu viết hoàn chỉnh và chân phương. Cũng lúng túng bởi khi tìm tên đặt cho bài viết, tôi mới giựt mình, tên gì lại có thể thể hiện hết cái thần và cái hồn của album lạ và độc này đây. Thôi thì đành lấy một chút cảm xúc chủ quan của bản thân làm điểm tựa cho những “thẩm mĩ âm nhạc” của mình lên tiếng.
Lê Cát Trọng Lý chỉ tự cho mình là “người hát những sáng tác của bản thân” dù tài năng của cô dù là sáng tác hay giọng ca đều đã được giới chuyên môn và khán giả đánh giá cao. Cũng có lẽ vì thế mà mãi sau 3 năm, Lý mới “khiêm tốn” phát hành album chính thức đầu tay với cái tên mộc mạc, chân phương:: Lê Cát Trọng Lý. Được thai nghén và ấp ủ suốt hơn 3 năm trời, album có 9 bài hát, ngoài những bài hát đã quen thuộc do chính Lý viết như: Chênh vênh, Giấc mộng lớn, Chuyến xe, Hương lạc, Mùa yêu, Trời ơi, còn có bài hát Không tên (cũng của Lê Cát Trọng Lý sáng tác) lần đầu trình làng và hai bài hát của hai nhạc sĩ khác: Cơn bão nghiêng đêm (Thanh Tùng) và Lúng ta lúng túng (Sa Huỳnh). Ngoài những người-bạn-âm-nhạc vốn gắn bó với Lý, lần này còn có thêm một Đặng Quốc Việt chơi piano rất trong sáng trong bonus Chênh Vênh của Bài Hát Việt được cover lại.
Thoạt nghe “Lê Cát Trọng Lý”, ta dễ dàng nhận ra, nét chân phương vốn có, vẫn là phong cách quen thuộc với tiếng guitar khá dìu dặt rất chất rất mộc mà vẫn trau chuốt. Giọng hát của Lý có dịp được phiêu theo nền acoustic mộc mạc đó, được thả sức mà dìu người nghe vào thế giới của riêng Lý. Khó mà cảm nhận rõ ràng hết những suy tư của một thiếu nữ vừa bước vào đời, nồng nhiệt và ngại ngùng trong tình yêu, sâu sắc trong cuộc đời. Một cái gì đó rất ư là chông chênh, nhưng khi ngẫm kĩ thì rất thấm, rất chất.
“Lê Cát Trọng Lý” khi mà xét riêng về giai điệu thôi đã không phải dành cho những kẻ hời hợt trong âm nhạc và suy nghĩ, mà chỉ dành cho những người thật sự muốn thả hồn mình vào một cõi riêng thật bình lặng. Rõ ràng, sẽ chẳng có gì thu hút. nếu bạn là một người trẻ đam mê những âm thanh sôi động đầy phấn khích. Bởi ở đây, không có dàn nhạc hiện đại hay giai điệu dồn dập mà chỉ là tiếng guitar thùng và một giọng hát trong trẻo trong những giai điệu vắng bóng những đoạn điệp khúc cao trào, khiến cho người nghe sẽ không lấy gì làm dễ dàng tập trung hết cả album.
Nhưng đó mới là Lý, những bài hát như những đoản văn trong một cuốn tản văn hay tùy bút của Nguyễn Tuân hay Nguyễn Ngọc Tư, chầm chậm, bình bình, không cuốn hút bằng những câu chữ sởn tóc gáy, nhưng lại gây thích thú nơi độc giả bằng chính những chiêm nghiệm của mỗi người với lời văn của tác giả.
Điểm qua các ca khúc trong album, cảm nhận một chút ngập ngừng, e ấp trong lời của Lúng ta lúng túng, một chút rạo rực nhưng cũng đằm thắm trong tình yêu của Mùa yêu, những “gió ru tình”, “khát nồng ấm” không nằm trong những ca khúc dễ dãi về nội dung. Tôi đặc biệt thích cách gieo từ của của Lý, có ai đã từng nghe tới “thoát ra những hì hục bình sinh siêng” bao giờ chưa? Một cô gái trẻ mà đã nói về kiếp, kiếp người, kiếp yêu…Những ca từ rất lạ, rất riêng của Lý: trần lao biết sinh diệt ( Giấc mộng lớn), gió ru tình, mây đan gối (Mùa yêu), mua mưa thâu mây tan mệnh bạc (Chênh vênh), giảng thơ lại vận (Hương Lạc)… Tôi có cảm giác đang được đọc những ca từ của một Trịnh Công Sơn nữ, bởi chỉ có ở nhạc Trịnh, những hình ảnh cô đặc về ý nghĩa và mang nhiều nỗi “ám ảnh nghệ thuật” (chữ dùng của nhà nghiên cứu Bùi Vĩnh Phúc) đến như vậy. Đơn giản bởi đó là cảm hứng của chủ thể trữ tình…
Xét cho cùng, “Lê Cát Trọng Lý” không phải không có điểm nhấn, bởi lẽ, theo tôi, cảm nhận tiếng guitar điêu luyện chính là điểm nhấn tốt nhất cho âm nhạc mộc, và chất, và xoáy sâu vào tâm trạng như của Lý. Giọng hát tưởng chừng đơn giản nhưng để hát được như thế không hề giản đơn. Không tin bạn có thể thử, chỉ duy nhất Lê Cát Trọng Lý mới hát được say sưa, trong sáng mà đầy xúc cảm lẫn kĩ thuật như thế.
Nhạc của Lý quyên rũ người nghe khi nó biến họ thành người đọc, người cảm nhận. Khi bạn bật album lên, nhìn booklet album, nuốt từng chữ và cứ để nhạc tự nó trôi đi, cảm xúc sẽ lắng lại. Những suy nghĩ của Lê Cát Trọng Lý là rất già-dặn-dành-cho-người-trẻ nên album không thích hợp cho những người muốn bùng nổ bằng những giai điệu dồn dập và những ca từ trơn tuột.
Thật sự với thẩm mĩ âm nhạc của tôi, thích những điểm nhấn, lần đầu khi nghe “Lê Cát Trọng Lý” đã không có được sự hài lòng. Nhưng rồi thử nghe lại lần hai, rồi lần ba, lần bốn, tôi bắt đầu cảm thấy thích thú. Mỗi lần nghe tôi lại thấy ở ca từ của Lý có nét lạ và độc đáo, mỗi lần lại có khám phá riêng, khiến nhạc của Lý không cũ ở nội dung. Về giai điệu, tuy quen thuộc và vì đúng “gu” của Lý nên các bài không có nhiều sai khác lớn về giai điệu, nhưng mỗi lần nghe tôi lại cảm giác được âm nhạc được đẩy lên cao ở một điểm khác nhau. Cứ như là cả bài đã “ẩn” sẵn rất nhiều điểm “đột biến”, rồi tùy cảm xúc của ta mà trồi dậy bắt lấy cái tai ta và gieo một ấn tượng.
Những bài thơ Haiku trên nền Acoustic, vâng đúng là như thế. Cái mộc và chất thiền theo một cách nào đó đã làm nên vẻ đẹp riêng cho album…
Không phải chỉ mình Lý hát acoustic, tôi đã từng nghe Acous’84, gần đây hơn là Cocktail của Hà Anh Tuấn, hay những ca khúc acoustic của Trung Quân, nhưng tất cả đều rất khác so với Lý. Lý bình lặng hơn nhưng cũng xoáy sâu hơn. Tôi thích chất mộc ấm của Hà Anh Tuấn hay cái cao vút của Trung Quân, nhưng ở Lý tôi chỉ cảm giác được hơi-hơi-thích sự kết hợp giữa mộc và trong trẻo trong cách xử lí bài hát của Lý nhưng tôi phải nói vô cùng thích thú trước ca từ mà Lý viết. Hà Anh Tuấn đã rất có lý khi hát acoustic không chỉ là thuần guitar thùng mà phối vào đó cả violon, trống… để thêm màu sắc cho âm nhạc. Có lẽ Lê Cát Trọng Lý cũng nên thử phá cách với một số ca khúc mới nhiều thanh âm hơn. Lý đã cover lại Chênh vênh bằng piano nhưng theo lời Lý thì nhiều khán giả không thích nên phải thu thêm bản acoustic, tôi biết Lê Cát Trọng Lý đã đóng đinh với các ca khúc như thế nên thay đổi không dễ dàng gì. Nhưng nghệ thuật luôn đòi hỏi tìm tòi những con đường mới, theo đuổi con đường mình chọn đã đành nhưng cũng nên thử sức mình. Ở album này tôi cảm nhận ở Lý một chút gì đó còn dè dặt. Hy vọng những album sau sẽ có nhiều đột biến hơn trong phong cách, vẫn là một Lê Cát Trọng Lý sâu sắc nhưng biến hóa hơn.
Một điểm cộng xin dành cho trình bày mĩ thuật của album với những bức tranh đầy tính gợi với hai gam màu đen trắng. Có những hình ảnh thật trong trẻo cũng có những hình ảnh thiêng về triết lí (như bức ảnh những vòng xoáy cuộc đời) đã lột tả được cá tính âm nhạc của Lý. Bức hình của “Không tên” lại đầy những gam màu dễ mang lại nhiều cảm xúc.
Lời cuối xin khen tặng cho sự khiêm tốn và mới mẻ trong chiến lược PR và quảng bá đứa con tinh thần của Lý. Không ồn ào rình rang nhưng báo giới và những bạn trẻ yêu nhạc vẫn biết và tìm đến. Cách bán hàng qua mạng và giao hàng tận nơi với cái giá 85,000 thể hiện rõ album này chỉ dành cho những ai thật sự thích nhạc của Lý, muốn tìm sự thăng hoa nơi cảm xúc âm nhạc. Album còn có chữ kí của chính Lê Cát Trọng Lý như một sự món quà ghi nhận những người đồng-hành-âm-nhạc của mình, những khán giả rất tinh tế. Bán hàng qua mạng rất mới,rất sáng tạo và Lý cũng không hề run sợ đĩa lậu hay chạy theo trào lưu phát hành album online của nhiều ca sĩ trẻ khác, một điểm cộng cho cá tính âm nhạc của Lý. Dù không rình rang nhưng album được người ta chào đón bởi chính cái chất của nó. Chúc mừng Lê Cát Trọng Lý!
Địa chỉ bán CD của Lê Cát Trọng Lý : Hệ thống nhà sách của Phương Nam. Giá tiền: 70k/CD có kèm Booklet
ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Ca từ: 9
Giai điệu: 7
Phối khí hòa âm: 8.5
Ý tưởng: 9
Mĩ thuật: 9
—————————–
Trung bình: 8.5 / 10
ALBUM ĐÁNG ĐỂ NGHE!!!
Nguyễn Trần Trọng Thuyết
Mã:
Nguồn: http://gocsuyngam.com/lung-ta-lung-tung-le-cat-trong-ly/