Logitech G Pro X Gaming – Tai nghe gaming trong một thiết kế cổ điển

mrchubby

Chuyên viên tin tức
G Pro X Gaming Headset là chiếc tai nghe mới nhất được Logitech bổ sung vào dòng sản phẩm G-series dành riêng cho Gaming của hãng. G Pro và G Pro X là hai biến thể lạ lẫm nhất thì chúng mang những đường nét thiết kế hoàn toàn mới, không còn những đường cắt táo bạo và logo chữ G có đèn Led nổi bật, thay vào đó là một vẻ bề ngoài nhẹ nhàng hơn, cổ điển hơn và đồng thời cũng cao cấp hơn. Thế nhưng trái ngược với dáng vẻ bên ngoài ấy, tận sâu bên trong của G Pro X vẫn là những công nghệ âm thanh hàng đầu nhằm phục vụ cho mục đích không khác hơn: đó chính là Gaming!

logitech-g-pro-x-00.jpg

Chắc chắn G Pro và G Pro X Gaming là một sản phẩm đầy tranh cãi bởi chính dáng vẻ bề ngoài của nó, sự tiện lợi có vẻ sẽ được nhắc đến đầu tiên khi earcup không còn xoay ngang lại được, do đó vào những lúc không sử dụng và kéo headphone xuống đeo trên cổ, cặp earcup sẽ có phần bó vào cổ và gây nên cảm giác khá khó chịu, đặc biệt là đối với đất nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Ngoài sự tiện lợi đã được lược bỏ kể trên, cá nhân mình lại rất thích kiểu thiết kế mới khi người dùng có thể thoải mái sử dụng chiếc tai nghe này ở chốn đông người mà không vấp phải sự chú ý từ đám đông, bởi thông thường tai nghe Gaming sẽ khá kì dị với các đường cắt mạnh tạo vẻ khoa học giả tưởng.

logitech-g-pro-x-04.jpg

Phần bên ngoài earcup được hoàn thiện bằng nhựa nhám với một vòng tròn kim loại lớn có logo G đặt ngay chính giữa tạo nên một dáng vẻ khá sang trọng nhưng cũng không kém phần cổ điển cho G Pro X Gaming. Dáng vẻ cổ điển trên G Pro X Gaming còn được thể hiện qua cách Logitech hoàn thiện headband cũng như dây tín hiệu nối hai bên earcups, sợi dây tín hiệu này được hoàn thiện theo kiểu xoắn, trong khi headband lại sở hữu một thiết kế theo kiểu giả da may thủ công với một logo PRO khắc chìm ngay trên đỉnh. Tuy là một thiết kế cổ điển nhưng phần headband lại có khả năng uốn dẻo cực kỳ linh hoạt, cho phép người dùng có thể thoải mái sử dụng cho nhiều trường hợp mà không cần quá lo lắng về độ bền sản phẩm, thêm vào đó phần slider nhôm và khung headband thép đã giúp cho Logitech G Pro X Gaming duy trì được mức trọng lượng nhẹ trong khi vẫn rất chắc chắn, khiến bất cứ game thủ nào cũng sẽ phải hoàn toàn đồng ý rằng: G Pro X Gaming là một sản phẩm đáng giá cho công cuộc chinh phục các tựa game online cũng như offline hiện nay.

Microphone chắc chắn là phần cứng không thể thiếu trên một chiếc tai nghe gaming, và đối với G Pro X Gaming cũng vậy. Ngoài chất lượng ngon nghẻ, G Pro X Gaming còn cho phép chúng ta tháo rời phần cứng này, giúp cho việc sử dụng trở nên linh hoạt hơn. Nếu không gắn microphone vào chiếc tai nghe này, đồng thời không biết đến logo G danh tiếng của Logitech, thì cá nhân dám chắc không ai có thể nghĩ chiếc tai nghe mình đeo trên tai là một sản phẩm phục vụ cho Gaming.

logitech-g-pro-x-09.jpg

Microphone có thể tháo rời​

Với một dáng vẻ “hiền lành” cùng phụ kiện cáp riêng cho thiết bị di động, người dùng hoàn toàn có thể yên tâm mang theo và sử dụng G Pro X Gaming vào các hoạt động thường ngày mà không cần phải lo nghĩ về các vấn đề phát sinh khác.

Ngoài G Pro X và G Pro, hệ sinh thái Pro của Logitech còn bao gồm rất nhiều sản phẩm hấp dẫn với bề ngoài bắt mắt, bao gồm tai nghe Pro cũ, chuột Pro wireless, chuột Pro hero và keyboard Pro. Đáng chú ý Logitech còn bổ sung vào hệ sinh thái Pro Gaming một chiếc headstand, tuy không sở hữu bề ngoài quá khác biệt, nhưng nó sẽ giúp cho chiếc tai nghe Pro Gaming được treo lên một cách chắc chắn trong không gian “chơi bời” của các game thủ.

logitech-g-pro-x-11.jpg

Headstand mang thương hiệu Pro Gaming của Logitech​

Cảm giác đeo: điểm 10 cho sự thoải mái

Trên thực tế, Logitech G Pro X Gaming cho một cảm giác sử dụng thoải mái trong hàng giờ liền mà không tạo nên cảm giác bí tai, ngoài ra lực ép từ hai bên earcup cũng vừa đủ, đủ để âm thanh được tái tạo chính xác trong khi lực ép lên hai bên thái dương lại không bị quá mạnh như nhiều sản phẩm gaming khác. Với mỗi bên earpad, Logitech đã khéo léo thêm vào 2 kí tự L và R nhằm giúp người dùng tránh khỏi việc đeo nhầm bên – điều tối kị với Gaming mà khi mắc phải, hậu quả khôn lường sẽ phải đánh đổi bằng… chính mạng sống (tất nhiên là mạng sống của nhân vật trong game). Earpad của G Pro X Gaming có diện tích lớn, dù tai mình khá lớn nhưng vẫn lọt thỏm vào phía bên trong, phần mút của earpad sử dụng chất liệu memory foam mềm mại, do đó đối các game thủ bị cận, việc đeo thêm một chiếc kính để tăng thêm độ tỏ tường vẫn rất thoải mái.

logitech-g-pro-x-05.jpg

Cách đánh dấu L và R trên G Pro X​

logitech-g-pro-x-07.jpg

G Pro X cho cảm giác đeo rất thoải mái​

Đi kèm với G Pro X Gaming bao gồm 2 bộ earpad, một bộ mang chất liệu giả da được gắn sẵn khi mở hộp, và bộ còn lại mang chất liệu vải thoáng khí. Mang lại chất lượng âm thanh tốt nhất, có lẽ đó chính là bộ earpad chất liệu giả da bởi thiết kế của Pro X Gaming nhằm mục đích không để âm thanh thoát ra ngoài quá nhiều, tuy nhiên miếng đệm vải thoáng khí lại vô cùng phù hợp với khí hậu nóng ẩm tại Việt Nam, giúp việc đeo chiếc tai nghe Gaming của Logitech được dễ chịu hơn.

logitech-g-pro-x-08.jpg

Ngoài earpad êm ái với độ ép tai hài hòa, sự thoải mái trên Pro X Gaming còn được góp phần từ đệm đầu bằng cao su non mềm mại, không rõ độ bền của loại chất liệu này ra sao, có bị bong tróc theo thời gian hay không? Tuy nhiên lợi ích nó mang lại thực khó có thể chối cãi.

Pro X Gaming – chiếc tai nghe sáng giá cho Gaming và Phim ảnh

Logitech Pro X Gaming sử dụng driver 50mm với độ nhạy từ 20Hz-20kHz và trở kháng 32 Ohm, so với những dòng tai nghe trước đây từ Logitech, quả thực Pro X Gaming không mấy khác biệt, tuy nhiên driver đã được hãng tinh chỉnh lại, mang đến một chất âm chi tiết và tách bạch hơn. Với thiết kế earcup close hơn, không còn open như các dòng tai nghe trước, âm thanh mang lại trên Pro X Gaming gia tăng đáng kể được độ chi tiết và bass. Sử dụng Pro X Gaming, cá nhân có thể cảm nhận được những âm thanh mà trước đây chưa từng nghe thấy trong những tựa game đang chơi. Những âm thanh gió xào xạc, tiếng bước chân và chuyển động chân thực một cách đáng sợ khi đứng trước một kẻ thù trong game, đó chính là những gì mà Pro X Gaming tái tạo được.

logitech-g-pro-x-01.jpg

Ở chế độ âm thanh mặc định với cable đi kèm, không sử dụng card âm thanh rời qua USB, Pro X Gaming kiểm soát âm bass rất tốt, bass punchy, sub bass có độ lan tỏa và kiểm soát tốt trên một nền trung âm ấn tượng. Tuy nhiên ở chế độ này trung âm có phần bị Recessed – tức vocal chìm hơn âm thanh nền kha khá, điều đó sẽ không hề thích hợp với nghe nhạc cũng như những game có thoại nhiều. Tuy nhiên đó chỉ là câu chuyện “xài chay” không thông qua sound card USB mà Logitech trang bị kèm cho sản phẩm.

logitech-g-pro-x-03.jpg

Người dùng có thể tùy chọn dùng card onboard hoặc card rời thông qua cổng USB​

Với việc xài trực tiếp cổng 3.5mm thông qua sound card của máy tính, microphone dù không kích hoạt Blue Vo!ce nhưng vẫn thể hiện được chất lượng vượt trội với tác vụ chat và liên lạc trong game.

Hiệu năng chấp cánh với Logitech G-Hub

Thông qua Sound card USB, các khuyết điểm của của Logitech Pro X Gaming đã được triệt tiêu một cách đáng kể. Tuy nhiên có 2 tính năng vô cùng hấp dẫn trên Pro X Gaming mà nếu không sử dụng giải pháp phần mềm G-Hub của Logitech, thì chúng ta sẽ không thể kích hoạt được, đó chính là Blue Vo!ce qua microphone và DTS headphone:X 2.0 giả lập âm thanh vòm. Chi tiết hơn về hai công nghệ này, Blue Vo!ce mang lại các bộ lọc chuyên nghiệp trong thời gian thực, giúp lọc tạp âm và khiến cho giọng nói trở nên phong phú, trong trẻo và chuyên nghiệp hơn, trong khi đó DTS headphone:X 2.0 là phiên bản mới nhất của việc tái tạo hình ảnh âm thanh dựa trên đối tượng từ DTS với khả năng tái tạo âm trầm, độ rõ âm thanh và tín hiệu tiệm cận nâng cao. Hai tính năng này sẽ giúp các game thủ nâng cao được hiệu quả các kỹ năng của mình đối với những tựa game online thuộc thể loại FPS và MOBA.

logitech-g-pro-x-12.png

Giao diện G-Hub với các tùy chỉnh của Blue Vo!ce​

logitech-g-pro-x-13.png

Còn đây là phần chỉnh cho DTS headphone trên G-Hub​

logitech-g-pro-x-11.png

Cuối cùng là Equalizer – phần không thể thiếu cho các tai nghe gaming​

Như vậy, để sử dụng được các tính năng nâng cao, điều kiện cần kết nối Pro X Gaming qua sound card USB, và điều kiện đủ là sử dụng G-Hub từ Logitech. Thực tế DTS không mới, nhưng công nghệ Blue Vo!ce hứa hẹn sẽ mang lại những trải nghiệm gaming hoàn toàn khác biệt trong thế giới tai nghe chơi game hiện nay.

Và những điều chưa ưng ý?

Một âm thanh tách bạch và chi tiết trong một không gian chưa thực sự đủ rộng, đó thực sự là điều đáng tiếc nhất mình cảm thấy với G Pro X Gaming. Hiệu ứng DTS xuất sắc nhưng trình diễn trong một không gian chưa đủ lớn sẽ khó thể tạo nên trải nghiệm ấn tượng trong gaming và phim ảnh. Bên cạnh đó, để kích hoạt được 2 tính năng ăn tiền là Blue Vo!ce và DTS, người dùng sẽ phải cần đến một kết nối USB-A, tuy thuận tiện ở hiện tại nhưng đồng thời cũng là bất tiện trong tương lai, khi thời buổi USB-C đang lên ngôi và cổng headphone 3.5mm đang dần bị bức tử hiện nay.

Ngoài ra, các settings về âm thanh và microphone trong G-Hub có phần hơi rối rắm và nhiều bộ lọc tồn tại một cách không cần thiết, nếu Logitech điều chỉnh phần chức năng đơn giản hơn đôi chút, điều đó có lẽ sẽ mang lại trải nghiệm người dùng tuyệt vời hơn rất nhiều.

Kết

G Pro X Gaming thoải mái không? Chắc chắn rồi! Chất lượng âm thanh ổn không? Không có gì phải bàn cãi! Còn những khuyết điểm đã nêu? Hoàn toàn chấp nhận được! Tuy nhiên với giá bán lên đến gần 4 triệu đồng thì có lẽ chiếc tai nghe này sẽ khiến biết bao game thủ phải cân đo đong đếm khi đã phải lòng những tính năng ngon lành của G Pro X Gaming.

logitech-g-pro-x-02.jpg

Nếu bạn đang tìm kiếm một chiếc tai nghe chơi game với dáng vẻ truyền thống và cổ điển, nhưng vẫn được tích hợp các công nghệ âm thanh hàng đầu, thì Logitech G Pro X Gaming Headset chính là sản phẩm không thể sáng giá hơn ở thời điểm hiện tại!
 

Đính kèm

  • logitech-g-pro-x-06.jpg
    logitech-g-pro-x-06.jpg
    1.3 MB · Xem: 27
  • logitech-g-pro-x-10.jpg
    logitech-g-pro-x-10.jpg
    1.1 MB · Xem: 32
Chỉnh sửa lần cuối:
Bên trên