TT - Không đành lòng nhìn con gái quằn quại vì bỏng, ông xin các bác sĩ lóc da mình để cứu chữa cho con. Câu chuyện cảm động về sự hi sinh của người cha dành cho đứa con - cô gái đang chuẩn bị thi đại học thì tai họa xảy ra...
Ông Lê Thanh Tuấn và vợ bên giường của con gái. Hai đùi ông, máu rỉ ướt băng y tế vì lấy da cho con - Ảnh: T.Đạm
Cầm cố nhà cửa, lóc lấy da cho con. Tất cả tình thương vô bờ bến của người cha này chỉ mong núm ruột của mình qua cơn nguy kịch - Ảnh: T.Đạm
Tai họa đổ ập xuống gia đình nhỏ ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên vào ngày 24-6, khi cô học trò Lê Thị Hà Tuyên (thường gọi bé Út - NV) bị tai nạn do nổ bình gas tại phòng trọ học ở TP.Tuy Hòa.
Đó cũng là ngày khởi đầu hành trình giành giật sự sống từng ngày của hai cha con.
Bé Út vừa tròn 18 tuổi. Vốn hiếu động và nói chuyện líu ríu suốt ngày, vậy mà hơn tháng nay bé Út nằm thiêm thiếp. Toàn thân Út băng bó trắng toát. Ba bé Út - ông Lê Thanh Tuấn - hai tay vịn vào chiếc ghế nhựa, khó khăn cà nhắc tới sát giường thăm con. Hai bắp đùi ông máu rỉ tươm làn băng y tế mỏng: ông vừa trải qua ca phẫu thuật lóc da ở hai đùi để lấy da ghép cho bé Út.
Tai họa bất ngờ
Buổi trưa đó bé Út vẫn nấu cơm bằng bình gas mini như mọi hôm. Hai bình gas mini ở gần nhau nổ cùng lúc làm Út và cô bạn trọ học cùng phòng đều bốc cháy. Cả hai được chuyển vào Bệnh viện Phú Yên, nhưng riêng Hà Tuyên do phỏng toàn thân tới 66% nên các bác sĩ đành bó tay, tiên lượng khó qua khỏi.
Nhìn con nằm thoi thóp, người cha quyết định gom toàn bộ tiền bạc trong nhà được 4 triệu đồng, vay mượn thêm được 20 triệu nữa, chuyển Út vào Bệnh viện Chợ Rẫy.
Vật lộn với sự sống 10 ngày tại Chợ Rẫy, vợ chồng ông bàng hoàng khi được thông báo: Út bị thêm chứng nhiễm trùng máu. Nguy kịch dồn dập. Mỗi lần bác sĩ gọi lên nói chuyện là vợ chồng ông lo sợ, không biết con gái có qua nổi không. Mỗi ngày những đơn thuốc của con hết trên dưới 3 triệu đồng, với một gia đình nhà nông nghèo ở quê là một thử thách lớn. Ông vừa chăm con vừa quay về quê vay mượn. Cộng với việc cầm cố căn nhà ngói ba gian được cả thảy 60 triệu đồng. “Cố hết sức, tới đâu cũng ráng”, ông nói.
Hai mươi mấy năm nuôi ba đứa con ở thị trấn miền núi huyện Sông Hinh, dù chỉ với vài miếng đất thuê mướn để làm rẫy và bao gian truân nhưng chưa bao giờ ông Lê Thanh Tuấn cảm thấy bế tắc như bây giờ. Ở quê, dù phải chịu bệnh tật, di chứng sau khi đi bộ đội về nhưng chưa lúc nào ông Tuấn ngưng tay làm lụng nuôi ba đứa con ăn học. Sáng sớm lo làm rẫy, chiều về phụ giúp vợ bán buôn lặt vặt. Mấy mươi năm ông chưa hề ta thán. Có những lúc huyết áp tăng vọt tới 160-180mmHg, ông nằm một chỗ trách sao ông trời không cho mình khỏe mạnh nuôi con. Con cái với ông là tất cả.
Ngày con gái nhập viện ở Phú Yên ông lên cơn huyết áp, suýt ra đi vì biết các bác sĩ “chê”. Ở Chợ Rẫy, biết tin con bị nhiễm trùng máu, ông ngất xỉu tại chỗ. Nhưng rồi nghe các bác sĩ cho biết bệnh của con gái cần được ghép da đồng loại để hạn chế biến chứng do mất 50% da sau bỏng, ông quày quả đi tìm bác sĩ. Được bác sĩ khuyến cáo với bệnh huyết áp cao dễ gây nguy hiểm khi phẫu thuật nhưng ông Tuấn vẫn quyết hiến da ghép cho con.
Kỳ diệu thay, mong mỏi cứu sống con đã khiến ông vượt qua cuộc tiểu phẫu lấy da đầy đau đớn nhưng hoàn toàn tỉnh táo. Những cơn đau ở hai chân mới phẫu thuật như bay biến khi ông biết sự sống vẫn còn rất mong manh với bé Út. Khi khoảng da lấy ở ông đắp cho con vẫn còn thiếu, ông khẩn khoản nói bác sĩ lấy thêm da ở hai cánh tay, bụng, ngực hay bất cứ chỗ nào trên thân thể mình nhưng các bác sĩ từ chối vì ông không đủ sức khỏe để phẫu thuật nữa. Vậy là ngày ngày người ta lại thấy ông vịn ghế, vịn giường lần đến bên con trò chuyện, dỗ dành.
Vết thương chưa lành, giờ ông Tuấn phải chống ghế mỗi khi đi - Ảnh: Lê Vân
Phải cứu lấy con
Hết dỗ dành con gái, ông quay sang an ủi vợ: “Đừng lo, còn con là còn tất cả!”. Nhưng vợ ông - bà Lan - vẫn sụt sùi. Những giọt nước mắt chảy dài khi bà quay vào phòng bệnh thì thấy con nằm mê man, quay ra ngoài lại thấy khoản nợ to đùng mà cả đời bà chưa bao giờ dám nghĩ tới. Đã hơn 150 triệu đồng vợ chồng người nông dân này dồn sức cho con, phần lớn trong đó là vay mượn.
Bác sĩ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Hiện thể trạng của Hà Tuyên đã khá hơn và không còn bị nhiễm trùng máu. Tuy nhiên do đây là trường hợp có độ bỏng sâu tới 50% nên đến giờ vẫn chưa nói trước được điều gì. Chúng tôi đã tiến hành ba lần phẫu thuật, trong đó một lần ghép da đồng loại che phủ 20% vết bỏng mất da. Sắp tới bệnh nhân còn phải được phẫu thuật ít nhất 1-2 lần nữa. Dù đã qua giai đoạn nhiễm trùng máu nhưng chi phí điều trị mỗi ngày cũng tốn 1-1,5 triệu đồng/đơn thuốc!”. Ông Tuấn dù rất cứng cỏi cũng đã bỏ ăn mấy ngày nay vì vẫn chưa đi lại được để chạy vạy lo tiền điều trị cho con. Gầy xọp sau gần một tháng ở viện cùng con, ông xót xa: “Đời tôi đã bao lần cận kề cái chết, từng lăn lộn trong bom đạn nhưng chưa bao giờ tôi cảm thấy lo sợ như lúc này. Con bé còn quá trẻ. Giá mà tôi có thể thay nó nằm đó!”.
Theo bệnh án thì ông Tuấn có thể được ra viện (điều trị qua cuộc phẫu thuật lấy da - PV) nhưng với hai chân đi còn không nổi, tiền thì đã xoay đủ đường, nhà cũng thế chấp rồi nên ông đành xin bác sĩ nằm lại khoa thêm vài ngày. Ông kể về dự định sắp tới: “Ra viện tôi sẽ vừa vay mượn vừa kiếm việc gì đó làm để chạy tiền thuốc tạm thời cho bé Út. Dù thế nào cũng phải cứu lấy con, còn một ngày hi vọng tôi cũng ráng!”.
Nhưng ai cũng ái ngại cho ông: với hai chân lấy da còn chưa lành thì ai có thể thuê và ông làm được gì... ông cũng không biết. Gương mặt khắc khổ của ông - dù biết lối ra mờ mịt - vẫn rắn rỏi: phải cứu lấy con, còn một ngày cũng ráng!
Mã:
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=329647&ChannelID=89
Update:
Bạn đọc góp hơn 140 triệu đồng giúp bé Út
TT - Hàng trăm bạn đọc đã gọi điện, gửi mail đến tòa soạn hỏi thăm và có ý định hỗ trợ em Lê Thị Hà Tuyên (bé Út), nhân vật trong bài “Lóc da cho con” (Tuổi Trẻ ngày 2-8-2009) điều trị.
Trong đó, thông qua báo Tuổi Trẻ, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đóng góp 30 triệu đồng; ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch HĐQT Công ty SJC: 20 triệu đồng; ông Nguyễn Thành Long, tổng giám đốc Công ty SJC: 10 triệu đồng; hai chị Trần Thị Ngọc Anh và Trần Thị Ngọc Liễu (Việt kiều Úc): 3 triệu đồng; các anh chị: Ước, Thủy, Hoa, Hường, Đức (Q.Tân Bình): 800.000 đồng; hai bạn đọc Minh Long và Nguyễn Tự Tâm mỗi người 500.000 đồng.
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, bà Lê Thị Lan (mẹ bé Út) cho biết từ sáng sớm đã có một người đàn ông giấu tên mang theo báo Tuổi Trẻ, gửi giúp bé Út 500.000 đồng. Tổng cộng, trong ngày 2-8, nhiều đơn vị, cá nhân đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm và giúp bé Út hơn 80 triệu đồng. Trong đó chủ tiệm vàng Kim Cương (TP.HCM) giúp 30 triệu đồng. Số tiền bạn đọc giúp trực tiếp tại bệnh viện, mẹ bé Út đã gửi báo Tuổi Trẻ giữ hộ để lo điều trị lâu dài cho em.
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, hiện bé Út đang trong giai đoạn điều trị đặc biệt, cần hạn chế tiếp xúc với nhiều người, bạn đọc không nên đến bệnh viện thăm em nhiều quá.
Mã:
Sẽ che phủ vết thương bằng mọi cách
Ngày 2-8, bác sĩ Trần Đoàn Đạo, trưởng khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết dù trường hợp của em Lê Thị Hà Tuyên (bé Út) bị bỏng rất nặng nhưng bệnh viện sẽ tìm mọi cách điều trị cho em.
Theo bác sĩ Đạo, hiện tình trạng bé Út tương đối ổn, nhưng phải đợi đến hôm nay (3-8), sau khi thay băng xem da ghép cho em vào ngày 31-7 có dính hay không, các bác sĩ mới tiên lượng được. Mục đích điều trị bỏng là che phủ những vết thương còn lại để hạn chế những biến chứng có thể xảy ra. Có thể che phủ vết thương bằng hai cách: một, từ vật liệu sinh học (ghép da từ đồng loại, nuôi cấy tế bào), hai, ghép da từ những vật liệu không sinh học (giá thành khá cao). Sau đó mới tiến hành lấy những quỹ da còn lại trên cơ thể của bệnh nhân để ghép cho bệnh nhân, vì chỉ ghép trên chính da của bệnh nhân mới không bị thải ghép. Trong trường hợp bé Út được cứu sống, các bác sĩ sẽ tính tiếp tới quá trình điều trị sau bỏng như điều trị sẹo co rút, sẹo phì đại... Quá trình này cũng phức tạp và tốn kém như quá trình điều trị bỏng cho bệnh nhân.
Điều mà bác sĩ Đạo lo ngại nhất hiện nay là bé Út có nguy cơ bị nhiễm trùng đa kháng thuốc (vi trùng sẽ kháng lại với tất cả kháng sinh hiện có). Nếu điều đó xảy ra, tình trạng vết thương sẽ xấu đi và không thể ghép da tự thân cho bệnh nhân được. Bác sĩ Đạo nói: “Đó là nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra, còn trong thâm tâm tôi vẫn tràn trề hi vọng sẽ cứu được bệnh nhân này”.
THÙY DƯƠNG
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=329755&ChannelID=406
Chỉnh sửa lần cuối: