Bạn đang sử dụng smartphone, đặt ở bàn và nói chuyện với đồng nghiệp về một món đồ yêu thích. Sau đó, bạn cầm thiết bị lên để đọc báo hoặc vào Facebook và nhận ra rất nhiều quảng cáo về món đồ đó xuất hiện trước mắt. Điều đó có thể khiến bạn đặt câu hỏi, liệu điện thoại đang nghe lén mình.
Đó là điều mà tiến sĩ Brian Krupp, Giáo sư khoa học máy tính tại Đại học Baldwin Wallace (Indiana, Mỹ), cùng các cộng sự đang nghiên cứu. "Nếu smartphone đang sử dụng có ứng dụng được quyền truy cập micro, có khả năng bạn bị nghe lén", Krupp nói.
Để chứng minh, ông cùng phóng viên Ashley Knight của WBRC làm thử nghiệm. Cả hai đề cập đến kỳ nghỉ ở Bahamas (Mỹ), gồm cả đặt vé máy bay, nhà nghỉ đến lựa chọn đồ bơi. Những quảng cáo về chúng xuất hiện trên Instagram của Knight ít phút sau đó.
Theo Krupp, nhiều ứng dụng đòi hỏi một số quyền truy cập micro, ảnh và danh bạ nhưng trên thực tế chúng thu thập nhiều dữ liệu hơn cả quyền hạn. Chúng sau đó được bán cho các tổ chức chuyên kinh doanh thông tin người dùng.
Bên cạnh micro, Krupp cho rằng dữ liệu vị trí cũng được thu thập triệt để. "Địa điểm là điều được quan tâm không kém, bởi từ đó có thể gợi ý những thứ xung quanh cho đối tượng mà nhà quảng cáo nhắm tới", Krupp giải thích.
Trước việc thông tin cá nhân bị thu thập âm thầm, Krupp cho rằng các hãng như Apple, Facebook... nên minh bạch chúng, thay vì để người dùng "đoán già đoán non". Ông cũng nhấn mạnh người dùng cần ý thức hơn về việc cấp quyền cho ứng dụng và luôn đặt ra câu hỏi "ứng dụng cần quyền này để làm gì" trước khi nhấn chấp nhận hay từ chối.
Tuy nhiên, một số công ty bị cáo buộc có dịch vụ thu thập dữ liệu lên tiếng phủ nhận, trong đó mạnh mẽ nhất là Facebook. "Một số bài viết gần đây cho rằng chúng tôi lắng nghe các cuộc trò chuyện của mọi người, sau đó hiển thị quảng cáo có liên quan. Đây không phải là sự thật. Chúng tôi gợi ý quảng cáo dựa trên sở thích và hồ sơ cá nhân, không phải những gì bạn đang nói to", Facebook đăng trên website của mình.
Hồi đầu năm, Mark Zuckerberg trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ cũng khẳng định Facebook không nghe lén khách hàng. Người đứng đầu mạng xã hội lớn nhất thế giới nhấn mạnh đây là "thuyết âm mưu" và chỉ thừa nhận thu thập dữ liệu khi người dùng sử dụng tính năng quay video hoặc ghi âm, nhưng mục đích là "giúp dịch vụ tốt hơn".
Người dùng có thể kiểm tra các quyền đã cấp. Trên iPhone, vào Cài đặt > Quyền riêng tư > Micro và xem ứng dụng nào đang sử dụng và tắt nó đi nếu cần thiết. Trên smartphone, vào Ứng dụng > Quyền ứng dụng > Microphone và thực hiện tương tự.
Theo Số Hóa