Máy đào tiền ảo và ứng dụng cũng đào tiền ảo
Lâu nay việc đào tiền ảo được biết đến là dùng hệ thống máy tính thực hiện. Theo thống kê, đến tháng 6.2017, đã có khoảng 16.000 chiếc máy đào tiền ảo được nhập về Việt Nam.
Hiện nay, các cơ quan chức năng đang đề xuất dừng nhập khẩu loại máy móc này. Việt Nam hiện trở thành một trong vài quốc gia có các trại đào tiền ảo khá lớn.
Trong câu chuyện “làm ăn lớn” này, vụ việc Sky Mining với tổng giám đốc Lê Minh Tâm đang “mất dạng” chỉ là một điển hình. Trong vài ngày qua, trên mạng xuất hiện một clip được cho là do ông này tự quay và thông báo rằng không phải ông ta bỏ trốn mà chỉ đi chữa bệnh, sẽ trở lại và đền bù cho các nhà đầu tư (?).
Các gói đầu tư máy đào tiền ảo vào Cty Sky Mining từ 100-5.000USD được hứa hẹn sẽ hoàn vốn và lãi đến 300% sau 12 tháng, mỗi ngày lãi được 0,6%.
Vấn đề là, mức lãi này được trả theo lối huy động vốn đa cấp, “cắt thịt” nhà đầu tư sau để “chăm bón” cho nhà đầu tư trước.
Trên thực tế, còn có những mô hình đầu tư máy đào tiền ảo theo cách đầu tư thông thường, nhưng vẫn có rủi ro xảy ra khi hiệu quả đào được tiền ảo không bù được các chi phí bỏ ra, trong đó chi phí lớn nhất ngoài mua sắm thiết bị là tiền điện, thuê mặt bằng, Internet, nhân công…
Tuy nhiên trong hai năm trở lại đây, trên Internet xuất hiện thêm một “mặt trận” đào tiền ảo thứ hai chính là các ứng dụng “bạt ngàn” trên hai kho ứng dụng lớn nhất thế giới là App Store của Apple và Play Store của Google.
Apple với hơn 2 triệu ứng dụng đã từng xảy ra cuộc thanh lọc các ứng dụng rác cũng như ứng dụng tiền ảo và đào tiền ảo từ tháng 6.2018, cùng với đó cũng thanh lọc trên hai hệ điều hành iOS và MacOS.
Góp sức vào chiến dịch này còn có Facebook cũng đã cấm quảng cáo các ứng dụng tiền ảo trên nền tảng mạng xã hội lớn nhất hành tinh. Còn mới nhất, Google cũng “ra tay” tương tự như Apple vào ngày 29.7 vừa qua, kéo theo sau đó hàng loạt ứng dụng liên quan tới việc đào tiền ảo trên Play Store đã bị gỡ bỏ.
Vì sao “cấm cửa”?
Những tập đoàn lớn hàng đầu trên thế giới như Apple, Google và Facebook không phải tự dưng “cấm cửa” các sản phẩm công nghệ trên nền tảng của họ, mà phải có nguyên do và thậm chí các hệ lụy đã xảy ra mới thúc đẩy họ đi đến quyết định như vậy.
Còn nhớ vào tháng 3.2018, Bkav đã phát đi một thông cáo cho biết đã có hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus đào tiền ảo mới W32.AdCoinMiner.
Loại virus này được phát tán qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến Adf.ly và qua lỗ hổng phần mềm, với mục đích chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo. Đây được xem là hành vi lừa đảo, ăn cắp.
Hiểu một cách nôm na, muốn đào tiền ảo phải đổ tiền mua máy móc thiết bị, chi phí tiền điện, Internet… Nhưng với hacker khi “thả” virus ra môi trường mạng nhằm mục đích lây lan để chiếm quyền điều khiển của máy tính, chúng đã tận dụng các tài nguyên kể trên từ máy tính của người dùng và nguồn năng lượng cung cấp cho máy tính để đào tiền ảo mà không tốn bất cứ chi phí nào.
Trước đó, một virus đào tiền ảo khác phát tán video có đuôi .zip đã lây lan chóng mặt qua môi trường Facebook Messenger tại Việt Nam vào tháng 12.2017 cũng nhằm chiếm quyền tài khoản và máy tính để đào tiền ảo.
Như vậy có thể hiểu, một khi Apple, Facebook hay Google còn cho các ứng dụng đào tiền ảo “sống bám” trên nền tảng của mình thì hệ lụy gây ra không nhỏ chính là những vụ lừa đảo tận dụng thiết bị người dùng để đào tiền ảo.
Với các ứng dụng di động, khi người dùng không biết và không am hiểu mà tải về có thể đi kèm theo những virus, mã độc kích chạy ngầm việc đào tiền ảo khiến hao tốn tài nguyên dù người dùng trong quãng thời gian ấy không sử dụng đến thiết bị smartphone của mình đi nữa.
Có thể thấy rằng, năm 2017 là quãng thời gian tăng giá trong mơ của đồng Bitcoin và các đồng tiền ảo khác thì virus, mã độc lây lan để đào tiền ảo cũng bùng phát mạnh mẽ nhất trong sự thiếu hiểu biết nói chung của người dùng máy tính và điện thoại thông minh.
Vào tháng 1.2018 hãng bảo mật nổi tiếng Kaspersky Lab đã cảnh báo người dùng cần thận trọng để bảo vệ máy tính cũng như thiết bị di động để tránh bị hacker chiếm dụng tài nguyên chip xử lí, bộ nhớ RAM v.v… vào việc đào tiền ảo.
Cũng theo Kaspersky Lab, tội phạm mạng đã tinh vi và thủ đoạn hơn rất nhiều khi đã biết che giấu hành vi đào tiền ảo bằng các ứng dụng hợp pháp cung cấp trên môi trường Internet. Các vụ tấn công của tội phạm mạng với mục đích chiếm quyền kiểm soát thiết bị để đào tiền ảo đã tăng tới 44,5% trong năm 2017 và đang chiếm 32% trong tổng số các cuộc tấn công mạng trong 6 tháng đầu năm 2018.
Như vậy, không chỉ có những vụ lừa đảo liên quan tới đầu tư vào tiền ảo và đầu tư vào máy đào tiền ảo mà còn lừa đảo cả trên môi trường Internet chỉ nhằm chiếm dụng trái phép tài nguyên thiết bị và Internet cũng chỉ để đào tiền ảo.
Theo Genk