pegasus3390
Well-Known Member
Thực tế ảo, nếu như cách đây vài năm việc đeo một bộ kính thực tế ảo dường như chỉ tồn tại trong các tiểu thuyết viễn tưởng thì mọi chuyện đột nhiên thay đổi. Nó đang trỗi dậy và có vẻ sẽ chiếm lĩnh tương lai của những chiếc PC.
Lý do? Đó là bởi vì đây chính là thiết bị tiềm năng để có thể đưa vào thị trường đại chúng đồng thời nó cũng đòi hỏi những phần cứng cao cấp mà các công ty ở thung lũng Silicon vẫn luôn tìm thị trường. Người tiêu dùng cũng như các nhà cung cấp cũng đã hiểu hơn về nó. Giá của thiết bị mặc dù vẫn còn cao nhưng vẫn trong tầm với của những người dùng PC. Và điều quan trọng hơn nữa là những công ty tạo ra nội dung cũng có vẻ đã chấp nhận công nghệ này và hiểu rõ hơn vai trò của nó, trái ngược với những công nghệ tạo ra rồi phải tìm muc tiêu cho nó như TV 3D.
Người hứng thú với công nghệ này nhất chính là nền công nghiệp PC bởi vì mặc dù người ta vẫn nghĩ đây là sản phẩm điện tử tiêu dùng thì thực ra nó vẫn phụ thuộc vào những chiếc máy tính.
Tốc độ khung hình chính là chìa khóa thành công của thực tế ảo
Thực tế ảo bắt nguồn từ game, nhưng những người ủng hộ công nghệ này hy vọng rằng nó sẽ đi xa hơn việc chỉ dùng để chơi game đơn thuần trở thành phương thức giải trí chính.
Các thiết bị thực tế ảo mới chứa đựng nhiều tiềm năng, đây là mảnh đất cho các công ty sản xuất chip dòm ngó. Tuy nhiên việc chơi game và trải nghiệm thực tế ảo không giống nhau. Trong khi các game thủ đòi hỏi các trò chơi mới phải có độ phân giải càng cao càng tốt đồng thời phải cân bằng giữa với tốc độ khung hình “đủ xài”, theo tiêu chuẩn hiện nay là 60 fps. Nhưng với thực tế ảo, tốc độ khung hình không đơn giản chỉ là thông số, mà nếu nó không đáp ứng được, trải nghiệm người dùng sẽ rất tệ hại.
Những thiết bị VR hiện nay như Oculus Rift và HTC Vive cung cấp độ phân giải cố định 2160x1200 ở 90Hz. Điều này khiến cho yêu cầu đạt được tốc độ khung hình 90 fps trở thành hiển nhiên. Nếu nội dung đầu vào dưới mức yêu cầu thì sẽ gây ra các hiện nượng giật lag dẫn tới gây chóng mặt cho người sử dụng. Khi mà yêu cầu đạt được tốc độ 90 fps trở lên trở thành yêu cầu bắt buộc thì nó cũng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến những con chip xử lý và điều này được khẳng định bởi đại diện từ phía Intel. Hãng cũng cho biết, những đòi hỏi về nội dung này sẽ đẩy áp lực lên CPU trong việc phải xử lý và render… Chúng ta đang chuyển từ màn hình 4K sang 8K, chính xác là từ việc hiển thị hình ảnh trên một màn hình 4K sang mỗi mắt một màn hình 4K.
Mặc dù chip đồ họa từ AMD và cả Nvidia có thể dùng để truyền tải nội dung thực tế ảo, nhưng mỗi công ty đều tìm hướng đi riêng để khẳng định công nghệ của mình. Công nghệ VRWorks của Nvidia giúp uốn cong hình ảnh để nó có thể nhìn dễ chịu hơn trên thiết bị thực tế ảo cũng như là giảm độ phân giải ở những vùng người dùng không nhìn từ đó tăng hiệu năng tổng thể. Trong khi đó AMD sử dụng công nghệ LiquidVR cũng cho phép uốn cong hình ảnh. Cả hai hãng đều khuyến khích các nhà sản xuất PC sử dụng hệ thống trang bị nhiều GPU trong đó mỗi GPU sẽ xử lý hình ảnh cho từng mắt.
Để đảm bảo người dùng nhận được trải nghiệm tốt nhất, Oculus và Intel đang kết hợp với nhau để chuẩn bị tung ra chứng chỉ “VR Ready”. Năm trước, Oculus đã đưa ra cấu hình tối thiểu cần thiết cho các thiết bị thực tế ảo. Những bộ Oculus Rift – máy tính tương thích vừa tung ra hồi tháng trước với giá khởi điểm lên đến đến $1.500/bộ máy và kính, một mức giá khó nuốt đối với đa số người dùng, nhưng chúng ta kỳ vọng sẽ phổ biến hơn trong các năm tiếp theo.
Một phương thức khác cho thực tế ảo
Những thiết bị thực tế ảo cần rất nhiều sức mạnh để có thể tạo ra được hình ảnh chi tiết một khu vực rộng lớn. Nhưng những công ty cung ứng CPU và GPU vẫn chưa nói rõ cách họ sẽ phát triển để tương thích hay sử dụng công nghệ hiện tại của mình. Cũng chưa có gì chắc chắn là những thiết bị tương lại sẽ chạy các con chip x86 truyền thống hay những con chip ARM. Tuy nhiên, tầm nhìn của Intel có vẻ như là xa hơn như vậy. Hãng cho rằng có thể stream hình ảnh thông qua kết nối không dây, nhờ đó có thể giảm được rất nhiều chi phí.
Nhưng Intel sẽ làm như thế nào? Gần đây hãng có giới thiệu dock không dây với chuẩn 802.11ad WiGig cho tốc độ lên đến 7Gbps trong khoảng cách ngắn. Intel cũng nói rằng chuẩn mới này cũng sẽ được hỗ trợ trên những con chip Skylake sắp tới của hãng. Trở ngại duy nhất là chuẩn 802.11ad sử dụng công nghệ tần số 60GHz và nó không thể xuyên tường được, do đó nó cần phải có thêm một bộ broadcast point trong phòng.
Thực tế ảo cần có nhiều ứng dụng lẫn nội dung
Gần đây, tại hội nghị phát triển Game diễn ra tại San Francisco, chúng ta có thể thấy VR ở khắp mọi nơi. Thực tế ảo dường như đã trưởng thành trước cả khi nó được ra mắt. Có rất nhiều lựa chọn cho các thiết bị này như những bộ thiết bị gần như “miễn phí” như Google Cardboard, đồng thời người dùng cũng có thể có những thiết bị cho trải nghiệm tốt hơn như Vive của HTC hoặc Rift từ Oculus.
Các nhà sản xuất nội dung hiện nay rất quan tâm đến thực tế ảo, rất nhiều các thương hiệu đang đưa ra các nội dung thực tế ảo như Lucasfilm, American Express,… và còn nhiều các công ty khác cũng cam kết sẽ phát triển nội dung cho lĩnh vực này. Hệ sinh thái các nội dung và ứng dụng cho thực tế ảo cần phải được định hình để thu hút những người dùng ban đầu. Còn nếu không thì kết quả sẽ như dòng Lumia với trải nghiệm khá tốt nhưng không có nhiều ứng dụng và thế là bị chính người dùng quay lưng.
Xu hướng thực tế ảo xuất hiện ngay giữa chu kỳ của console
Sony đang cố gắng bán ra những chiếc PlayStation VR của riêng hãng, nhưng có vẻ như PC sẽ phù hợp hơn để chinh phục thị trường này. Bởi lẽ những chiếc PlayStation 4 hiện cũng đã vài năm tuổi, trong khi phần cứng PC được nâng cấp liên tục. Sự thật là mẫu PlayStation VR của Sony phụ thuộc nhiều vào chiếc máy console của hãng. Nhưng tin buồn cho Sony là phần cứng PC đang dần bỏ xa những chiếc console và trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn.
Xu hướng mới này có vẻ như sẽ giải quyết được thử thách mà nền công nghiệp PC đang gặp phải trong nhiều năm. Apple đã từng mỉa mai nền công nghiệp PC là có đến 600 triệu máy tính đã trên 5 năm tuổi, và người dùng PC hiếm khi nâng cấp các linh kiện mới. Nhưng với thực tế ảo, việc nâng cấp phần cứng trở nên “hợp lý” hơn, bởi người dùng sẽ có thể nhận được thêm nhiều trải nghiệm mới với những chiếc máy tính.