Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung thua đau trước ‘sui gia’ LG sau mối thâm thù gần 30 năm

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Từ 'sui gia' thành kẻ thù, việc LG đánh bại Samsung lần đầu tiên trong lịch sử đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông.

2023-05-03094344-1683089658384-16830896585981435805185.jpg

Tờ Korea Herald cho biết lần đầu tiên trong hơn 10 năm qua, LG Electronic đã đánh bại Samsung về kết quả kinh doanh khi có lợi nhuận hoạt động cao gấp 3 lần.

Đây được đánh giá là một tin tức hấp dẫn giới truyền thông khi 2 chaebol (tập đoàn gia đình trị Hàn Quốc) này có mối thâm thù suốt 30 năm.

Cụ thể, lợi nhuận hoạt động quý I/2023 của LG Electronic đạt 1,15 nghìn tỷ Won, tương đương 1,12 tỷ USD, giảm 22,9% so với cùng kỳ năm trước nhưng vẫn cao gấp 3 lần so với 600 tỷ Won của Samsung.

Trong khi đây là kết quả kinh doanh quý tệ nhất của Samsung suốt 14 năm qua thì LG lại đứng thứ 2 toàn quốc về lợi nhuận hoạt động 3 tháng đầu năm nay.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung thua đau trước ‘sui gia’ LG sau mối thâm thù gần 30 năm - Ảnh 2.

Doanh số của LG đạt 20,42 nghìn tỷ Won, đứng thứ 3 cả nước trong quý I/2023 còn lợi nhuận ròng đạt 546,5 tỷ Won.

Theo các chuyên gia, việc LG ổn định được chi phí đầu vào nguyên vật liệu cũng như doanh số của các thiết bị gia dụng cao cấp đã giúp công ty có kết quả kinh doanh khả quan bất chấp môi trường kinh tế toàn cầu khó khăn.

Mảng thiết bị không khí và gia dụng của LG đã ghi nhận lợi nhuận hoạt động cao kỷ lục 1,19 nghìn tỷ Won. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử một mảng kinh doanh của hãng có lợi nhuận hoạt động quý vượt 1 nghìn tỷ Won.

Nhu cầu tivi và đồ gia dụng tăng cao ở Châu Âu đã khiến LG kinh doanh khởi sắc sau 3 quý ảm đạm cuối năm 2022.

Bên cạnh đó, mảng kinh doanh linh kiện xe hơi cũng đạt doanh thu 2,39 nghìn tỷ Won và lợi nhuận hoạt động 54 tỷ Won.

Nhiều dự đoán cho thấy LG sẽ có lợi nhuận hoạt động cả năm 2023 lên đến 4,7 nghìn tỷ Won, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Từ sui gia thành kẻ thù

Báo cáo kết quả kinh doanh của LG và Samsung đã thổi bùng lên câu chuyện thâm thù cũ giữa 2 gia tộc dù đã có một thỏa thuận đình chiến vào năm 2015.

Cả nhà sáng lập Lee Byung Chul của Samsung và Koo In Hwoi của LG đều cùng quê tại tỉnh Gyeongsang nên có mối quan hệ khá thân thiết. Khi còn bé học cùng trường tiểu học còn lớn lên lại có quan hệ thông gia. Con gái thứ 2 của ông Lee kết hôn cùng con trai thứ 3 của ông Koo. Thậm chí người con rể này còn làm trong Samsung.

Sự thân mật giữa 2 gia tộc thể hiện rõ khi cả hai cùng nhau thành lập nên đài truyền hình Tongyang Broadcasting.

Dẫu vậy, mọi chuyện bắt đầu xấu đi từ năm 1969 khi Hàn Quốc công bố kế hoạch 8 năm hỗ trợ cho ngành điện tử nước nhà. Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Park Chung Hee khá quan tâm đến lĩnh vực này và đã từng cấm nhập khẩu radio nước ngoài để bảo vệ cho hãng tiên phong khi đó là LG.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung thua đau trước ‘sui gia’ LG sau mối thâm thù gần 30 năm - Ảnh 3.
Ông Koo In Hwoi​

Thật không may, Samsung lại có ý định nhảy vào lĩnh vực vốn là lãnh địa của LG. Khi đó ngành kinh doanh chính của Samsung vẫn là tinh luyện đường chứ chưa nổi tiếng về điện tử như ngày nay. Trong cuốn hồi ký mà người con của Lee Byung Chul viết có kể lại việc ông Lee đến bàn chuyện tham gia ngành điện tử với ông Koo nhưng xảy ra tranh cãi. Kể từ đó 2 vị thông gia không bao giờ thân thiện với nhau nữa.

Chính người con Koo Cha Kyung cũng kể lại rằng cha mình, ông Koo In Hwoi đã vô cùng buồn bã khi nhà thông gia "xâm phạm" lãnh địa điện tử của LG bởi bản thân ông chưa từng mở nhà máy đường nào để cạnh tranh với Samsung nhằm tôn trọng lẫn nhau.

Câu chuyện căng thẳng đến mức người con trai thứ 3 đã thôi việc tại Samsung để về làm cho LG còn ông Koo thì từ bỏ hết cổ phần trong đài truyền hình Tongyang.

Samsung đặt chân vào thị trường điện tử nội địa một cách mạnh mẽ bằng các sản phẩm tivi (TV) trắng đen bắt đầu từ tháng 12/1969. Sang năm 1970, Samsung bắt tay với NEC và Sanyo để sản xuất linh kiện dùng trong TV rồi dần dần đa dạng hóa các sản phẩm của mình.

Đến năm 1976 hãng đã vượt mặt Taihan, vốn là công ty điện tử lớn thứ hai chỉ sau LG. Bước sang thập niên 80, nhu cầu với đồ điện gia dụng tăng cao kỉ lục và đây là lúc mà hai công ty bắt đầu đối đầu nhau một các trực tiếp trong lĩnh vực thiết bị tiêu dùng như TV, máy tính.

Suốt những năm tháng sau đó, 2 tập đoàn lớn luôn cạnh tranh, kiện cáo và so bì nhau trên hầu khắp các mặt trận. Từ tivi, chip bán dẫn, điện thoại cho đến nhiều mảng công nghệ khác. Điều đáng ngạc nhiên là nhà sáng lập Koo đã mất vào năm 1969, thời điểm mà cuộc cạnh tranh LG-Samsung bắt đầu nhưng dường như cuộc chiến này chưa hề có dấu hiệu chấm dứt.

Đình chiến

Tại hội chợ công nghệ diễn ra ở Berlin, Đức vào năm 2014 xảy ra một vụ việc đáng xấu hổ. Theo đó, Samsung đã buộc tội giám đốc mảng thiết bị gia đình của LG phá huỷ hàng loạt máy giặt cao cấp của hãng được trưng bày tại đây với mức giá 2.700 USD mỗi chiếc.

Phía Samsung chỉ ra tên đích danh của lãnh đạo LG là ông Jo Seong-jin. Tuy vậy thông qua người phát ngôn, ông Jo từ chối lời buộc tội này và khẳng định máy giặt hỏng là do Samsung thiết kế cửa lồng giặt quá yếu.

Lần đầu tiên trong lịch sử, Samsung thua đau trước ‘sui gia’ LG sau mối thâm thù gần 30 năm - Ảnh 4.
Các thế hệ lãnh đạo của Samsung: Lee Byung Chul, Lee Kun Hee, Lee Jae Young​

Vụ việc sau đó đã được giải quyết ổn thoả nhưng sự thật thì mối thâm thù giữa hai tập đoàn hàng đầu của Hàn Quốc này vẫn âm ỉ cháy suốt gần nửa thế kỷ qua.

Giữa năm 2015, Samsung và LG đã tuyên bố rằng họ sẽ chấm dứt tất cả tranh chấp về mặt pháp lý để mang lại không khí hoà bình cho cả 2. "Cả hai công ty nói họ đang kết thúc tranh chấp để tập trung cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ khách hàng. Hai bên sẽ giải quyết những bất đồng "thông qua hội thoại và hợp tác thay vì những hành động pháp lý".

Dẫu vậy cho đến tận ngày nay, hệ sinh thái văn hóa của LG và Samsung vẫn vô cùng tách biệt. Trong khi LG tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc "trao ngôi cho con trưởng" thì Samsung lại có văn hoá "cân nhắc tất cả các lựa chọn rồi mới đi đến quyết định".

Ngoài ra, hai tập đoàn có những khu nhà hàng, quán bar, khách sạn hay địa điểm tụ tập riêng mà nhân viên của 2 bên sẽ không bao giờ đến nhầm. Cuộc cạnh tranh này dù không còn công khai và đã có một thỏa thuận đình chiến nhưng vẫn có sự phân chia lãnh địa rõ ràng giữa 2 đối thủ truyền kiếp.

Theo Genk​
 
Bên trên