Làm phim với kinh phí cực thấp - Câu chuyện của Robert Rodriguez với phim El Mariachi.
Tìm đủ tiền để làm một phim truyện dài là một vấn đề lớn, ngay cả với những ông chủ hãng phim, chứ không nói chi đến những sinh viên điện ảnh mới tốt nghiệp.
Bạn học của tôi, trong năm thứ 3, đã bỏ ra 5000 đô la Mỹ để làm một phim ngắn, thời lượng 8 phút, quay bằng phim nhựa 16mm. Nếu muốn làm một phim truyện 80 phút, họ sẽ phải bỏ ra bao nhiêu? Ít nhất 50.000 đô la Mỹ – nhiều hơn tổng cộng số tiền họ đã phải trả để theo học trường điện ảnh.
Do đó, thật là thú vị khi biết rằng: bộ phim ‘El Mariachi’ của Robert Rodriguez, một phim truyện dài, thời lượng 80 phút, nhiều pha hành động ngoạn mục, chỉ được làm với 7000 đô la Mỹ. Bộ phim thắng vô số giải thưởng, trong đó có giải Independent Spirit và LHP Sundance.
El Mariachi
Trong bài viết này, tôi muốn bàn luận về cách mà Robert Rodriguez, lúc đó mới 23 tuổi, đã xoay sở để hoàn thành ‘El Mariachi’ với kinh phí ít ỏi. Nói một cách khác, làm sao RR trở thành ‘tay chơi’ trong làng Hollywood chỉ với 7000 đô.
Robert Rodriguez
Trước hết, điều quan trọng hơn cả là RR chưa bao giờ chính thức là sinh viên điện ảnh. Anh ta đã không tìm cách nào để xin vào học tại khoa Điện Ảnh của trường ĐH Texas vì điểm trung bình GPA của anh quá thấp.
Tuy nhiên, anh đã tập làm phim từ khi còn nhỏ. RR sử dụng bất cứ thiết bị nào trong tầm tay, từ chiếc máy quay cũ kỹ đến những cây đèn rẻ mạt. Anh ‘chơi’ với hình thức điện ảnh. Anh ta cũng không cần phải lo lắng quá về mặt tuyển chọn diễn viên vì có đến 10 anh chị em trong gia đình – được xem như là nguồn cung cấp diễn viên dồi dào.
RR thú nhận: anh đã làm ra một đống tầm phào trước khi anh làm được thứ gì đó xem được. Điều này có nghĩa là anh ta không hề sợ việc ‘thử và sai’. Kỹ năng làm phim của RR được mài dũa mỗi lần anh ta làm được một bộ phim ngắn và nó chỉ tốn ít hơn 10 đô la Mỹ.
Thêm nữa, anh ta đã tự học để có thể làm công việc của cả một đoàn làm phim: từ bố trí đèn, thao tác máy quay, chỉ đạo diễn xuất đến dựng phim.
Thành công đầu tiên của anh là một phim ngắn 8 phút, ‘Bedhead’. Phim được quay bằng một máy 16mm mượn của người khác, sau đó chuyển sang băng từ ¾” để dựng. Với cách này, anh ta đã tiết kiệm được rất nhiều tiền, vì trước hết, anh ta có thể dựng phim ngay tại một thư viện công cộng; tiếp theo, anh ta không phải trả tiền in tráng phim cho mỗi bản anh ta gửi đi dự LHP.
Vào thời đó, rõ ràng công nghệ kỹ thuật số, chẳng hạn quay rồi dựng trên máy tính là điều xa vời, nhưng cũng là một điểm cần nhấn mạnh vì tư duy của RR chọn băng từ là một cách tiếp cận điện ảnh như là cách những nhà làm phim độc lập hiện giờ chọn video kỹ thuật số để tiết kiệm chi phí.
Bây giờ, cứ cho là ‘El Mariachi’ đã được làm xong, RR phải nhắm trước có thể bán được bộ phim này ở đâu, và đó là thị trường video nói tiếng TBN ở Mỹ.
Có ba lí do dẫn đến quyết định này: thứ nhất, bối cảnh của phim là tại một thị trấn biên giới Mexico – Mỹ do đó ngôn ngữ chủ yếu là tiếng TBN; thứ hai, đồng sản xuất với anh, Carlos Gallardo có một vài mối quen biết ở thị trường này; và thứ ba thị trường phim video của Mỹ chỉ nhận băng từ 1” chứ không nhận băng từ ¾”.
RR sẽ thu được bao nhiêu? Khoảng 20.000 đô la Mỹ! Do đó, để có thể tiếp tục làm phim, bộ phim đầu tay này chỉ được phép ngốn ít hơn 10.000 đô la Mỹ. Nói một cách khác, từ trước khi bộ phim khởi động. RR phải tính được số tiền tối đa có thể bỏ ra để đảm bảo xoay vòng vốn.
Có người sẽ thắc mắc: làm sao anh ta có thể tự tin rằng mình có thể một phim truyện 80 phút với kinh phí chỉ 10.000 đô la Mỹ?
Trả lời: RR cho rằng: nếu chỉ cần bỏ ra 800 đô để làm Bedhead, một phim ngắn 8 phút, thì làm một phim 80 phút với 8000 đô là điều hoàn toàn trong tầm tay!
Thế làm sao mà RR có được 800 đô trong tay để làm “Bedhead”? Anh đến một trung tâm thí nghiệm, nơi người ta thử các loại thuốc mới trên người, để làm chuột bạch. Sau một tuần khổ ải, nốc đủ các loại thuốc men, anh được trả 2000 đô. Đối với RR, đó là một kết thúc có hậu vì ít ra anh cũng có đủ tiền để làm “Bedhead”. Để có kinh phí cho “El Mariachi”, RR cũng đi theo con đường này.
RR không mượn tiền của ai cả bởi vì anh ta nghĩ: nếu dùng tiền của chính mình thì sẽ tiêu xài thận trọng hơn dùng tiền của người khác. Thêm nữa, phim ngắn “Bedhead” cũng mang về cho RR một mớ tiền thưởng từ các LHP (ngắn). Đây hẳn cũng là một chiến lược tốt, nhất là đối với các sinh viên điện ảnh. Chẳng phải Việt Nam ta có câu: “lấy (phim) ngắn nuôi (phim) dài” đó sao?
Dường như RR chưa bao giờ ngừng làm việc và tôi nghĩ đó là điều cần thiết, bởi làm phim như vẽ trên một tấm giấy khổ lớn: cần phải tỉ mỉ từng tí một, chỗ này chỗ kia, ngày này sang ngày khác. Suốt thời gian ở trong trung tâm thí nghiệm, người đồng sản xuất – Carlos, liên lục gửi cho RR hình chụp bối cảnh, để anh có thể mường tượng ra những góc máy mà không phải đi đâu cả.
Phần lớn bối cảnh mà Robert chọn chỉ nằm trong bán kính 2-3 khu nhà tính từ “trung tâm chỉ huy”, nhà của Carlos. Đây cũng là một yếu tố quan trọng bởi cả đoàn làm phim sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, năng lượng và tiền bạc cho việc di chuyển (với trang thiết bị). Thậm chí, RR còn tính đến chuyện quay thật nhanh, hoàn thành ngày làm việc trước bữa ăn chiều, để không phải tốn thêm tiền ăn uống.
RR bắt đầu viết kịch bản cho “El Mariachi” cũng vào thời điểm anh ở trong trung tâm thí nghiệm. RR thậm chí còn tuyển luôn anh bạn cùng phòng Peter Marquardt vào một trong những vai chính. RR viết: “Cậu ta đã diễn bao giờ chưa? Chưa! Nhưng thật ra đó lại là điều tốt. Bởi cậu ta sẽ giống như tất cả mọi người tham gia bộ phim này”. Rõ ràng, chi phí dành cho diễn viên nhờ đó sẽ thấp hơn nhiều.
Tuy nhiên, Robert cũng đã tính đến chuyện đánh bóng bộ phim của mình để dễ bán hơn. Anh đã nghĩ đến một ngôi sao truyền hình Mexico. Anh cùng Carlos cố liên lạc với Lina Santos – một diễn viên có tiếng, chuyên đóng phim truyền hình nhiều tập của Mexico, nhưng rốt cuộc không thành công. Do đó, cách duy nhất để khiến cho bộ phim này có vẻ đáng tiền là có những góc máy thật ngầu. Nhưng vấn đề nảy sinh là anh chẳng có nhiều tiền để đốt phim (họ quay phim nhựa 16mm), thế cho nên RR quay chỉ đúng 1 take cho tất cả các cảnh. Điều này thật sự là một rủi ro lớn. Nhưng nhờ thế RR có sự chuẩn bị kỹ càng hơn.
RR quyết định chỉ mua một vài cuộn phim một lần để nếu giả sử máy quay bị hỏng hay bất cứ lí do gì khiến bộ phim không thể quay, thì anh không phí một đống tiền. Một điểm đáng lưu ý là Kodak (Mỹ) có giá đặc biệt dành cho các nhà làm phim độc lập nhưng họ chẳng bao giờ quảng cáo điều này trên các phương tiện truyền thông.
“El Mariachi” được quay trong 3 tuần rưỡi, với trang thiết bị và diễn viên tối thiểu. RR vừa làm sản xuất/đạo diễn/quay phim/thu âm, Carlos thì làm sản xuất/trợ lí/diễn viên chính cùng những người khác như Peter Marquardt (nhân vật phản diện) và Consuelo Gómez (nữ diễn viên chính).
Quá trình hậu kì thật dài và vất vả đối với RR vì anh ta phải làm tất cả mọi thứ trong một thư viện địa phương, với các trang thiết bị lạc hậu. Tuy nhiên, sau khi cắt được vài đoạn trailer, và làm những người xem chúng kinh ngạc, đã khiến cho RR có thêm nghị lực để hoàn thành dựng bộ phim dài 80 phút này. Như vậy, điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của một trailer tốt, đóng vai trò như một tiên phong đi đầu để lôi kéo khán giả và những tay mua bán phim.
Thật vậy, ngay sau khi xem trailer, Robert Newman, của International Creative Management, Inc đã rất phấn khích và hỏi RR đã chi bao nhiêu tiền. RR đoán rằng: ông ta có ý muốn hỏi giá để mua bộ phim này. RR trả lời: “30.000 đô la Mỹ!”. Ông trùm gật gù: “Ừ, bình thường tao dựng cái trailer kiểu này cũng mất 30.000 đô!”. RR ngã ngửa, hóa ra ông cá mập kia chỉ muốn hỏi RR dựng trailer hết bao nhiêu tiền. Thật sự, giá mà một công ty trả để làm một trailer 1 phút, đã gấp mấy lần số tiền RR bỏ ra để làm nguyên một bộ phim 80 phút.
Ông trùm Newman đã quyết định mua “El Mariachi” sau khi xem cả bộ phim. Ông ta còn gợi ý RR nên có một nhà đại diện, với ý là có một đại diện, những lợi ích của anh sẽ được đảm bảo, không có đại diện, anh sẽ như kẻ rày đây mai đó. RR thậm chí còn có cả luật sư riêng ngay khi cuộc chiến giành giật quyền phát hành “El Mariachi” nổ ra giữa các đại gia TriStar, Miramax, Disney, và Columbia.
Cuối cùng, Columbia là kẻ chiến thắng với bản hợp đồng trị giá 150.000 đô ứng trước và 25% lợi nhuận bán video.
“El Mariachi” được gửi đi nhiều LHP phim và mang về ‘Giải Khán Giả’ của LHP Deauville, ‘Giải Khán Giả’ của LHP Sundance, ‘Giải Phim Truyện Đầu Tay’ của Independent Spirit Award, ‘Giải Tác Phẩm Đầu Tay’ của Premios ACE.
Bộ phim chính thức ra rạp ngày 26 tháng 2 năm 1993 và thu được 2 triệu đô. Bộ phim còn thu thêm khoảng 4.5 triệu đô la Mỹ tiền bán băng video nữa.
Kết luận: với một kinh phí hạn hẹp, Robert Rodriguez đã chứng minh được việc sản xuất một phim truyện dài là điều có thể. Robert thật sự đã tạo cảm hứng cho nhiều tay làm phim độc lập khác. Giúp cho họ có nghị lực cầm máy để hoàn thành những tác phẩm của mình như ‘Clerks’ hay ‘Phù Thủy Rừng Blair’. Trong một bài phỏng vấn, RR được hỏi sẽ làm gì nếu người ta cho anh 50 triệu đô để làm một phim hành động. RR trả lời rằng: anh sẽ làm nó với 1 triệu đô mà nhà sản xuất cũng không thể biết được!
Sưu tầm bởi thành viên hung_daothanh
www.hdvietnam.com
www.hdvietnam.com
Chỉnh sửa lần cuối: