torune
Film critic
Tuần này 'La La Land' - phim thể loại tâm lý/tình cảm/âm nhạc - đã đến với khán giả Việt Nam. Không biết phim này có gì hay mà liên tục được xướng tên ở các giải thưởng điện ảnh? Do đó, torune đã đi xem và đúc kết lại bài review bên dưới.
Ở khía cạnh ngôn ngữ, lời thoại phim khá ít so với thời lượng nhưng cực kỳ phổ quát, không quá triết lý cao siêu, chỉ là những câu nói thường nhật, thậm chí bâng quơ, kết hợp với diễn xuất của diễn viên, từ đó truyền tải cảm xúc lẫn hoàn cảnh mà nhân vật rơi vào luôn. Cũng nhờ lời thoại giản đơn mà phụ đề làm rất tốt. Một điểm cộng cho 'La La Land'! Mình chỉ không thích mỗi cái tựa Việt hóa: 'Những kẻ khờ mộng mơ'. Nếu được thì mình đổi thành 'Xứ mộng mơ' (đủ 3 chữ) hay 'Những kẻ khờ sống ở thiên đường' (cho hợp với văn hóa Việt Nam).
Phim có hai diễn viên chính: Emma Stone và Ryan Gosling. Mình thích Emma Stone dù gương mặt ở trạng thái 'không cảm xúc'... không đẹp vì gò má cao, mũi hơi hếch và răng hơi hô. Nhưng, khi diễn, lúc mà Emma vận dụng cơ mặt, lại là một câu chuyện khác, gương mặt của cô rất ăn ảnh và biến hóa hết sức tự nhiên. À, có một cảnh quay nếu bạn để ý kỹ thì thấy được 'phần trên của Emma được thả' nhé! Về phía Ryan Gosling, trước giờ mình không có cảm tình với nam diễn viên này bởi lý do... nhìn thấy không hạp thì không thích thôi. Dẫu biết anh này men nhưng mà ngoại hình hetereosexual với cơ mặt của Ryan cho mình cảm giác mềm mềm, yếu yếu sao ấy. Tuy nhiên, nếu cho phép chọn, mình chẳng tìm ra nam diễn viên nào hợp với vai 'anh chàng nghệ sĩ' này hơn Ryan cả.
Ngoài ra thì không có gì phàn nàn với cặp này, xứng lứa vừa đôi, tương tác trên màn ảnh (chemistry) rất linh hoạt, trong và ngoài những cảnh nhạc kịch. Trong khi đó, ngoại hình các diễn viên phụ lẫn diễn viên quần cúng thì lại rất đều, kiểu như lấy Emma Stone hay Ryan Gosling để làm chuẩn rồi bớt một thêm hai, miễn sao kém nổi bật hơn hai diễn viên chính.
Nói về nhạc kịch, 'La La Land' không ngần ngại, không e dè trong nỗ lực đi tới sự hoàn mỹ của thể loại này! Tên phim là một lời gợi mở. Ngay sau đó, vừa mới lên hình là 'La La Land' đập vô mặt khán giả một trường đoạn ca hát nhảy múa như một tuyên ngôn rằng: bạn đã chọn xem phim có nhạc kịch, muốn hay không, ở hay về, yêu hay ghét... thì hãy quyết định ngay từ lúc này. Mình thích cách vào đề trực diện này của 'La La Land', không rón rén, mơn trớn để 'dụ' khán giả vào những cảnh phim nhạc kịch (tưởng chừng như logic mà quá phi-logic), ví dụ như 'High School Musical', 'Crazy Ex-Girlfriend'... Thay vào đó, phim bộc lộ bản chất ngay từ đầu để tránh mất lòng người xem ở những phút sau. Và may quá, mình đã quyết định ở lại để xem 'La La Land' cho tới lúc credit bắt đầu chạy.
Trong "nhạc kịch" có cái "nhạc" và cái "kịch". Mình để bạn đọc quyết định tính "kịch" của phim và xin bàn về "nhạc". Âm thanh jazz xuyên suốt từ đầu đến cuối phim! Nhà làm phim rất tài tình khi lồng một đề tài âm nhạc vào một chuyện tình xảy ra trong vùng đất của các nghệ sĩ nuôi mộng thành danh. Căn bản là nghệ sĩ tôn thờ nghệ thuật nên chủ đề 'nhạc jazz' mặc định được tôn trọng một cách vô thức trong tâm trí khán giả dù biên kịch đã rất khéo léo gắn vào nữ chính cái suy nghĩ coi thường 'thể loại nhạc làm nền cho quán cafe' để rồi thứ âm nhạc đó dẫn dắt cô tới vô vàn những biến cố khác, trước khi được cất lại như một kỷ niệm từ thuở 'mộng mơ'.
'La La Land' là một giấc mơ biết đánh thức khán giả! Thoạt nhìn, mình tưởng 'La La Land' là một chuyện tình được Hollywood xào đi xào lại, xen lẫn mâu thuẫn tâm lý trước và sau khi yêu, pha chút âm nhạc để trở nên quý phái. Nhưng, sau khi xem xong, mình thấy... 'La La Land' quý phái thật! Không lẫn vào đâu được giữa vô vàn tác phẩm tình cảm, hài, rom-com, chick-flick... blah blah blah... đang tràn lan ngoài thị trường từ rạp chiếu cho tới màn hìnhTV.
'La La Land' không chỉ kể một chuyện tình trai gái. Phim phản chiếu hình ảnh những người trẻ, họ có ước mơ nhưng không biết đi về đâu, đi hướng nào để biến giấc mơ đó thành hiện thực. Rồi đến trạng thái tiến thoái lưỡng nan của người nghệ sĩ, muốn tôn vinh thẩm mỹ từ ngày cũ nhưng đành làm những thứ rẻ mạt, mang tính thị trường cốt để có cơm bỏ bụng, rồi bỗng nhận ra mình bị cuốn vào vòng xoáy đó lúc nào không hay. Một nghệ sĩ khác thì lại không quyết chí đi hết con đường, rẽ sang con đường khác khi mà khả năng lại được thẩm định bởi lời của... người yêu.
Những người mộng mơ trong phim là những người trẻ. Mơ một mình thì cô đơn. Thế là họ mơ cùng nhau. Người này tựa vào giấc mơ của người kia, lấy đó làm động lực cho mình. Họ mơ... mơ nữa... mơ mãi... mơ cho đến lúc chợt nhận ra liệu việc họ đang làm có còn giống như những gì mà họ từng mong muốn hay không. Đông tàn xuân sang. Hè rồi lại đến thu. Trời đất còn thay đổi, hà cớ gì phải bắt con người vẹn nguyên như xưa. Xa nhau mấy tháng tư tưởng đã trở nên khác biệt. Đằng này, xa nhau tầm mấy năm. Người mơ cũng phải tỉnh. Nói tới đây, mình xin hé lộ thêm một chủ đề khác mà phim muốn khai thác: tình yêu và hôn nhân.
Nghe nói "Hôn nhân là mồ chôn của tình yêu". Vậy thì với 'La La Land', hãy để tình yêu là giấc mơ còn hôn nhân là sự bừng tỉnh. Rất may, nhà viết kịch không đắp mồ cho tình yêu hay cho nhân vật nào cả. Những người cùng mơ, khi tỉnh dậy, có chắc họ còn bên nhau? Giấc mơ luôn đẹp trong khi thực tại ít nhiều xấu xí. Vậy thì, không nhất thiết phải chôn giấc mơ. Hãy xem nó như một món đồ, cất vào đâu đó. Để rồi, lúc nào đó giữa thực tại, ta nhận ra mình đã từng có những khoảnh khắc đẹp như thế.
'La La Land' đến mạnh bạo (chia sẻ ở trên) nhưng đi nhẹ nhàng. Không phải kiểu giục khán giả dậy để rồi bùm một phát... mất mẹ giấc mơ. Thay vào đó, phim có hẳn một trường đoạn cao trào (xin nhắc lại là... 'trường đoạn') mà mình tạm gọi là 'trường đoạn ước gì' - chiêu thức tối thượng sáp nhập nội tâm của khán giả và các nhân vật chính vào một vùng cảm xúc nửa mơ nửa tỉnh, gồm mọi sắc thái: ngỡ ngàng, hạnh phúc, mãn nguyện, an yên... của một đời người, rồi bất ngờ khiến tất cả bỗng thấy quyến luyến nhưng đành chấp nhận vì đã đến chặng cuối của hành trình êm đềm mà họ đã sẵn lòng trải qua cùng những kẻ từng nương náu ở vùng đất mộng mơ.
Mình ủng hộ 'La La Land' thẳng tiến Oscar. Xin hết.
Chỉnh sửa lần cuối: