[Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

yingyu

Member
Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít​

Trao đổi với VnExpress, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang cho biết, sẵn sàng lắng nghe và đối thoại về mọi vấn đề liên quan dự án bô xít Tây Nguyên, nhưng bộ không kiến nghị dừng, mà đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ.


- Thứ trưởng nghĩ sao về đơn kiến nghị tha thiết xin dừng triển khai dự án bô xít Tây Nguyên của các chuyên gia kinh tế, nguyên lãnh đạo cao cấp vừa qua?

- Rất tiếc là đơn kiến nghị này chỉ được gửi cho lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ mà không gửi tới Bộ Công Thương, TKV - đơn vị trực tiếp liên quan đến dự án. Khi có văn bản chính thức gửi đến bộ, chúng tôi sẽ thẳng thắn trả lời. Bộ Công Thương sẵn sàng đối thoại với bất kỳ ai muốn tìm hiểu về dự án.

Dự án này không giống như các dự án đầu tư thông thường khác bởi phải báo cáo Bộ Chính trị, Chính phủ rất nhiều lần. Dự án có hiệu quả và phù hợp với sự phát triển của ngành nên mới được phê duyệt. Bộ Công Thương không có kiến nghị dừng, ngược lại, chúng tôi chỉ đạo phải đẩy nhanh tiến độ nhà máy Tân Rai. Bởi khi dự án đưa vào sử dụng càng sớm thì càng phát huy được hiệu quả của đồng vốn bỏ ra. Nếu sớm đưa vào sử dụng chúng ta có sản phẩm xuất khẩu, thu hẹp được nhập siêu, phát triển đời sống của đồng bào.

- Xin thứ trưởng cho biết, Bộ Công Thương đã có động thái gì sau sự cố vỡ bùn đỏ ở Hungary ngày 4/10?

- Bộ Công Thương đã họp gấp với TKV và làm việc với đơn vị tư vấn cùng các cơ quan nghiên cứu để xem xét, trao đổi lại về vấn đề hồ bùn đỏ. Chúng tôi cũng yêu cầu TKV làm một loạt việc như xem xét lại dự án Tân Rai đang thi công để bảo đảm an toàn. Bộ yêu cầu TKV thuê đơn vị tư vấn độc lập về phương án thiết kế hồ bùn đỏ, đồng thời điều tra, xem xét lại các vấn đề về động đất ở Tây Nguyên. Chúng tôi cũng đang cử đoàn sang Hungary để tìm hiểu nguyên nhân về sự cố vỡ hồ bùn đỏ tại đây. Sắp tới, chúng tôi cũng dự kiến sang Brazil và một số nước có địa hình tương tự như Tây Nguyên để học hỏi phương pháp xử lý bùn đỏ.
Thứ Ảnh: BCT
Thứ trưởng Bộ Công Thương kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị TKV Lê Dương Quang: "Nhiều quốc gia muốn mua bô xít của Việt Nam". Ảnh: BCT.

- Sự cố ở Hungary khiến nhiều người lo ngại về độ an toàn của các hồ bùn đỏ. Nhiều ý kiến cho rằng việc chia hồ thành các ngăn không giảm thiểu rủi ro vì khi có động đất mức tàn phá tại các ngăn là như nhau. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Hồ chứa bùn đỏ được chia thành 8 khoang ngăn cách để đảm bảo an toàn. Trong trường hợp vỡ đập, bùn sẽ bị tràn vào các ô bên cạnh. Cách làm này để tránh trường hợp vỡ đồng loạt cùng một lúc. Đây sẽ là phương pháp hạn chế tối đa những rủi ro có thể xảy ra. Chúng ta có thể hình dung thế này cho dễ hiểu, khi có một chiếc bát to chứa nhiều ngăn, vỡ các ngăn nhỏ thì còn có ngăn to.

Đúng là dù dự án được tính toán chịu được động đất cấp 8, cấp 9 và không ai nói trước được rủi ro. Nhưng các số liệu về địa chất, thông số kỹ thuật đã được tính toán kỹ để đảm bảo an toàn. Nếu ai nói rằng vẫn có thể nguy hiểm thì hãy gửi các con số kỹ thuật để chứng minh, chúng tôi sẵn sàng lắng nghe.

- Có ý kiến cho rằng tính hiệu quả kinh tế của dự án không cao vì bô xít chỉ bán được cho Trung Quốc. Thứ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Nói như vậy là không chính xác. Hiện nay, nhiều nước Ả Rập, Nhật Bản, Trung Quốc đều đề nghị mua bô xít từ khi dự án mới được triển khai. Chúng tôi đã tính đến phương án phải đấu giá vì nhu cầu quá lớn.

- Các chuyên gia lo ngại, Trung Quốc thiếu kinh nghiệm trong việc thiết kế hai nhà máy xử lý bô xít cho Việt Nam vì thực tế quặng bô xít của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn khác nhau. Ông có chia sẻ gì về mối quan ngại này?

- Tập đoàn của Trung Quốc- đơn vị thiết kế hai nhà máy cho Việt Nam có thương hiệu nổi tiếng tầm quốc tế. Năm 2009, TKV đã mời phái đoàn gồm các quan chức chính phủ, nhiều bộ ban ngành đến để tìm hiểu các nhà máy của Trung Quốc và thấy rằng họ có nhiều kinh nghiệm.

Tôi có nghe nói đến mối quan ngại, quặng bô xít của Trung Quốc không giống như của Việt Nam. Nhưng theo tôi, vấn đề này không quá đáng lo ngại bởi khi triển khai dự án, chúng ta không giao khoán cho Trung Quốc mà kế thừa kết quả nghiên cứu của nhiều quốc gia. Tiêu biểu trong đó là Nga, Hungary, Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Các nhà khoa học cho rằng, phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ chưa phải là phương pháp tiên tiến và quá cổ điển, ông nghĩ sao?

- Hiện nay, có 66% nhà máy trên thế giới sử dụng phương pháp thải ướt để xử lý bùn đỏ, 34% sử dụng phương pháp thải khô. Khô hay ướt đều có ưu và nhược điểm riêng. Vấn đề là phương pháp nào phù hợp với địa hình, công nghệ và kinh tế nhất. Địa hình thung lũng phù hợp áp dụng phương pháp thải ướt vì thực tế nếu thải bùn khô khi gặp mưa cũng sẽ thành bùn ướt. Nếu nói đây là phương pháp cổ điển thì ngay cả phương pháp luyện thép cũng đã có từ thế kỷ 18 nhưng vẫn được sử dụng.

Ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV:

Vấn đề dừng hay làm tiếp các dự án bô xít thì phải nghiên cứu cụ thể. Nếu chỉ dựa vào thảm họa ở Hungary để bảo ngừng dự án thì không có cơ sở. TKV đang tiếp tục rà soát kỹ thuật và thông số an toàn thiết kế hồ bùn đỏ để bổ sung trong quá trình xây dựng. Đến thời điểm này, các đối tác đang tiến hành nạo vét hồ với sự giám sát chặt chẽ của TKV để đảm bảo đúng tiêu chuẩn.

Thiết kế hồ bùn đỏ ở Việt Nam dựa trên những nghiên cứu, học tập kinh nghiệm về hệ số an toàn của Brazil và Australia chứ không phải của Hungary.

Ông Nguyễn Khắc Vinh, Chủ tịch Tổng hội Địa chất Việt Nam:

Việt Nam cần dừng khai thác bô xít để nghiên cứu kỹ về những tác động của nó đến môi trường và dân sinh. Phải có sự tham gia của các nhà khoa học trong vấn đề nghiên cứu, đánh giá độc lập các số liệu và mức độ an toàn mà TKV công bố để báo cáo Quốc hội cụ thể, toàn diện chứ không nên dựa vào khảo sát một phía từ TKV.

Xét về kinh tế, bô xít hiện nay chưa phải là lĩnh vực khoáng sản “nóng” của thế giới khiến Việt Nam phải gấp gáp làm cho bằng được dự án này. Chính phủ, Quốc hội phải cân nhắc kỹ trước khi đưa ra quyết định. Đừng vì lợi ích kinh tế trước mắt mà khiến hàng triệu người dân bị ảnh hưởng bởi bởi các chất độc hại từ các mỏ bô xít nếu xảy ra sự cố.

Nguồn : http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA22109/


Em chỉ khó hiểu là lãnh đạo Đảng, Chính Phủ, Quốc Hội và Nhà nước lại thua một Bộ nhỏ sao ?
 
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Ngậm cục $$$ rồi, làm gì được nữa.
 

HDVNAdmin

Ban Quản Trị
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Sắp xong rồi, các bác chờ em tí để em làm nốt mấy việc nữa đặng lấy hoa hồng, xong rồi các bác muốn hủy hay tiếp tục thì tùy.

Các chú kia nhanh nhanh tay lên không thì đói cả lũ...
 

conan2901

Active Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

oài, tiền tư vấn chưa về, ngân hàng chưa ký duyệt, lại quả, tiền công tác phí, chi phí khác, từng ấy khoản chưa thanh toán mà các bác cứ đòi dừng là sao nhỉ.
chờ chút, để thanh quyết toán xong đống này rồi, thì thích dừng gì thì dừng
 

ahatuananh

Well-Known Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

E nhỡ nhận $$ rồi, bây giờ các bác bảo dừng e lấy đâu ra đền cho chúng nó...các bác làm khó e quá...hi hi hi

E là kiểu c.. gì e vẫn phải làm xong, còn dùng hay ko thì tùy các bác..:)):-bd
 

hdamateur

Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít​
Thấy bài này trên báo Thanh niên sáng nay nè

In bài
Từ báo cáo thẩm định của Bộ Công thương và ý kiến chuyên gia:
Nguy cơ thua lỗ dự án bauxite

26/10/2010 0:35
Thi công xây dựng Nhà máy alumin Nhân Cơ - Ảnh: T.N.Q
Tập đoàn than khoáng sản VN (TKV) khẳng định, các dự án (DA) bauxite có hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, phân tích từ phương án tính toán hiệu quả kinh tế mà TKV đưa ra với DA Nhân Cơ (đang triển khai), nguy cơ lỗ lại là rất lớn.

Xin nhiều ưu đãi

Theo báo cáo thẩm định hiệu quả kinh tế DA Nhà máy sản xuất alumin Nhân Cơ tháng 1.2010 của Bộ Công thương, TKV sẽ đóng góp 20% - 30% nguồn vốn đầu tư DA Nhân Cơ, vốn vay trong nước và ngoài nước chiếm 70% - 80%.

TKV cũng đã ký gói thầu EPC Nhà máy Nhân Cơ với nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) tổng vốn đầu tư 427,9 triệu USD, nhà thầu này sẽ chịu trách nhiệm cung cấp toàn bộ thiết kế, vật tư nguyên vật liệu, thi công xây dựng các hạng mục công trình của nhà máy alumin và các dịch vụ kỹ thuật đi kèm như vận hành thử, bảo hành. Tuy nhiên, trong hợp đồng đã ký, nhà thầu này không có trách nhiệm làm phần khảo sát địa kỹ thuật mặt bằng nhà máy alumin (bao gồm cả các hồ chứa bùn đỏ - PV). Nhà thầu Chalieco khẳng định sẽ đảm bảo các chỉ tiêu môi trường, thời gian đưa nhà máy vào vận hành thử là 21 tháng, chạy thử 3 tháng, tổng kế hoạch tiến độ thực hiện hợp đồng là 24 tháng. Nhưng tới tháng 2.2010 DA Nhân Cơ mới chính thức khởi công, như vậy theo tiến độ dự kiến (TKV dự kiến xây dựng nhà máy từ năm 2007-2011), Nhân Cơ ít nhất sẽ chậm tiến độ 1 năm.

Với kế hoạch sử dụng đất, diện tích sử dụng đất cho công tác khai thác trong 30 năm của DA, tổng diện tích đất sử dụng cho cả đời DA khoảng 3.500 ha, chiếm khoảng 0,54% diện tích đất tự nhiên của tỉnh Đắk Nông. Theo TKV, đây là DA lớn, đặc thù, bởi thế tập đoàn này kiến nghị được thuê đất với thời hạn tối đa là 70 năm, miễn thuế thuê đất với các diện tích chiếm đất cố định trong thời hạn vay vốn. TKV cũng đề xuất trong 10 năm đầu DA, đề nghị Nhà nước cho vay vốn đầu tư và vốn chuẩn bị sản xuất (vốn lưu động) với lãi suất ưu đãi dài hạn (10 năm) là 4%. TKV cũng xin được áp dụng mức thuế suất với alumin là dưới 5% trong 10 năm đầu, với những năm tiếp theo khi giá xuất khẩu alumin dưới 350 USD/tấn chỉ áp dụng mức thuế suất dưới 10%, khi giá xuất khẩu trên 350 USD/tấn mới áp dụng mức thuế suất tối đa là 15%.

Chỉ có lãi khi giá trên 333 USD/tấn

Cũng theo kết quả thẩm tra của hội đồng, giá thành sản phẩm alumin năm đầu bao gồm chi phí sản xuất trực tiếp chiếm 51%, chi phí khấu hao chiếm 24%, lãi vay chiếm 15% và chi phí tiêu thụ sản phẩm chiếm 6,9%. Theo đó, chi phí sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả kinh tế DA: với suất chiết khấu là 8% và trong các điều kiện tính toán về các yếu tố khác không biến đổi, để đảm bảo dự án có hiệu quả thì chi phí sản xuất chỉ được phép tăng dưới 0,97%, tương đương tăng dưới 21.706 đồng/tấn alumin.

Nhưng chỉ tính riêng chi phí than cám (do chính TKV cung cấp với tỷ trọng lớn) khoảng 46% tổng chi phí sản xuất trực tiếp, nghĩa là nếu giá than tăng, việc đội chi phí đầu vào chắc chắn sẽ xảy ra.

Thêm vào đó, với phần vận tải ngoài, TKV dự kiến sẽ thuê vận tải trên các tuyến giao thông (DA Tân Rai vốn đầu tư các tuyến đường là 11,5 tỉ đồng). Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, nếu chỉ lấy giá cước vận tải ở mức 2.000 đồng/tấn/km (mức giá cước từ năm 2009) thì chi phí vận tải mỗi năm của DA Tân Rai đã lên tới 24,6 triệu USD và Nhân Cơ là 38 triệu USD, chưa kể chi phí khác. Mặt khác, nếu tiếp tục khâu tinh luyện alumin tại Tây Nguyên, TKV sẽ phải đầu tư thêm một tuyến đường sắt nối Bảo Lộc xuống cảng Kê Gà. Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đầu tư riêng một hệ thống đường sắt chỉ cho DA cũng rất rủi ro về mặt kinh tế.

TKV khẳng định, “giá bán alumin trên thị trường thế giới đang có xu hướng tăng vì vậy rủi ro về giá bán là thấp”. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hội đồng thẩm định, “giá bán alumin là nguồn thu chính của DA. Việc DA có hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào giá bán alumin. Trong khi, giá bán alumin phụ thuộc vào thị trường chung của thế giới, vào các nhà sản xuất nhôm, sản xuất alumin lớn trên thế giới và VN không thể tham gia điều tiết được giá bán. Vì vậy, đây là yếu tố ảnh hưởng rất nhạy cảm khó kiểm soát”. Hội đồng đã kết luận, DA chỉ có hiệu quả kinh tế khi giá bán alumin trên 333,7 USD/tấn, với giá bán alumin dưới 333,7 USD/tấn thì không có hiệu quả kinh tế.

Như vậy, ngay trong phương án đầu tư DA Nhân Cơ, TKV đã không tính hết đến các yếu tố rủi ro biến động giá thành sản phẩm, trước khi khẳng định DA sẽ có hiệu quả kinh tế cao!

Trách nhiệm nhiệm kỳ

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan (ảnh) khẳng định, với các DA bauxite nguy cơ thua lỗ nhìn thấy rõ.

* Thưa bà, không chỉ nguy cơ tác động đến môi trường, nhiều tính toán cho thấy DA bauxite Tây Nguyên mà TKV đang triển khai có nguy cơ thua lỗ cao. Ý kiến của bà?

- Theo tôi thấy, bảng giá thành sản xuất alumin của TKV đưa ra chưa tính đến các chi phí phát sinh như chi phí giảm thiểu tác động văn hóa xã hội, chi phí hỗ trợ ổn định sinh kế cộng đồng bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; chi phí cơ hội, mất nguồn thu từ các ngành nghề kinh doanh khác do chiếm dụng đất, vốn và cơ sở hạ tầng. Chi phí môi trường cũng phải tính vào DA.

Mặt khác, chi phí vận tải rất lớn và hiện vẫn đang tắc vì con đường vận chuyển chưa có. Nếu xây tuyến đường sắt chỉ để phục vụ DA thì không thể đẩy cho Chính phủ. Giá thành TKV đưa ra chưa phản ánh đầy đủ các yếu tố này. Nhưng muốn chứng minh DA có hiệu quả, họ cố gắng cắt bớt các phần chi phí thuộc về DA cho nơi khác gánh, mà nơi dễ gánh nhất là Chính phủ, từ ngân sách, tiền thuế của người dân.

Trên thực tế bao lâu nay các DA đầu tư của DNNN, thực hiện luôn cao gấp 2 - 3 lần dự toán ban đầu. Dung Quất là bài học rõ nhất.

Chúng ta không thể chỉ tin tưởng vào cách tính giá thành cũng như các cam kết của TKV và một số cam kết của một vài bộ chức năng. Họ chịu trách nhiệm cho từng nhiệm kỳ, họ không sống muôn đời với DA, nhưng DA là hiệu quả và tác động của rất nhiều năm sau.

* Bà đã ký vào bản kiến nghị dừng khai thác bauxite. Lý do để bà đưa ra quyết định này?

- Nguy cơ lỗ của các DA bauxite hiện nay đã thấy rõ. Trong thư kiến nghị cùng nhiều trí thức khác, chúng tôi đã khẳng định hiệu quả của các DA này chỉ đạt được trong 20 - 30 năm nữa, khi kinh tế và khoa học kỹ thuật của chúng ta phát triển hơn.

Không phải bây giờ mới có nhiều ý kiến của các nhà khoa học, trí thức về DA bauxite, đáng lẽ những ý kiến này cần được lắng nghe trân trọng hơn. Chúng ta vẫn cần dừng các DA lại, và tính toán cho đầy đủ.

Mai Hà (thực hiện)

Ông Dương Văn Hòa, Phó tổng giám đốc TKV: Giá alumin của TKV khoảng trên 300 USD/tấn

“Dừng hay không dừng DA, TKV không có quyền quyết định mà Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã nói cần có những nghiên cứu, tính toán cụ thể hơn mới có thể khẳng định được là nên tiếp tục hay dừng lại.

Có người cho rằng TKV sử dụng công nghệ thải ướt (thải cả hóa chất độc hại cùng với bùn đỏ ra ngoài rồi mới xử lý - pv) rẻ tiền, lạc hậu hoàn toàn giống công nghệ của Hungary là ý kiến của riêng của họ. Trong quá trình khảo sát, lập DA, TKV đã nghiên cứu kỹ việc sử dụng công nghệ thải ướt, đã so sánh cụ thể thải ướt với thải khô phân tích các yếu kỹ thuật, kinh tế mới đưa ra quyết định lựa chọn thải ướt và xây dựng hồ chứa bùn đỏ là phù hợp với địa hình khu vực Tây Nguyên. Trên thế giới có tới 60% các nước dùng công nghệ thải ướt.

Khi tính toán hiệu quả của DA, TKV cũng đã tính đến phương án vận tải bằng ô tô sẽ mang lại hiệu quả cho DA, được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định. Chi phí vận chuyển bình quân/năm là bao nhiêu tôi không nhớ. Còn về việc có ý kiến chê chất lượng sản phẩm của TKV, chỉ sản xuất ra được alumin với công nghệ lạc hậu, kém chất lượng đó là họ nói thế, còn thực tế sản phẩm của chúng tôi là sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế và giá bán theo tiêu chuẩn quốc tế. Có ý kiến cho rằng, giá alumin trên 300 USD/tấn trong phương án của TKV không có tính cạnh tranh, giá alumin bằng khoảng 14%-16% của giá nhôm trên thị trường London (hiện giá này tương đương khoảng 375 USD/tấn) như vậy là cạnh tranh hay không cạnh tranh?”.

Ông Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc Công ty năng lượng Sông Hồng: Giá bán alumin không thể quá 275 USD/tấn

“Giá 370 USD/tấn theo cách tính của TKV là giá bán trên thị trường sở giao dịch hàng hóa, theo mức ký kết trong nhiều năm, nhưng khi lập dự toán cho DA không ai tính theo cách đó cả mà phải tính theo giá giao nhận ngay của thị trường thế giới. Giá alumin bằng 14-16% giá nhôm là cách tính không hợp lý, tôi khẳng định giá alumin sang năm sẽ không có loại nào bán trên được 270 USD/tấn, kể cả sản phẩm đạt chất lượng, tiêu chuẩn quốc tế. Huống gì, TKV đang dùng tiêu chuẩn theo công nghệ của Trung Quốc còn lạc hậu, không hiện đại. Nếu TKV muốn chứng minh tính hiệu quả của DA thông qua chất lượng, giá bán sản phẩm nên công bố chỉ tiêu chất lượng của alumin mà nhà thầu cam kết. Vậy công nghệ đó sẽ mang lại sản phẩm alumin của TKV có độ tinh khiết bao nhiêu, độ ẩm bao nhiêu, cỡ hạt như thế nào.

Còn về chi phí vận chuyển, DA Tân Rai, Nhân Cơ có công suất tổng cộng lên tới cả triệu tấn/năm, TKV tính toán vận chuyển bằng ô tô trên quãng đường khoảng 200 km tới cảng là hoàn toàn không thể được. Vì theo tính toán, vận chuyển bằng ô tô với khối lượng và cung độ như thế thì không được quá 10 km. Các DA của TKV phải vận chuyển bằng tàu hỏa, nhưng xây dựng tuyến đường ray dài hàng trăm km với độ cao của địa hình lên tới 800m lại càng khó thực hiện hơn”.

Anh Vũ (ghi)

Mai Hà
(Nguồn : Báo thanh niên online)
 

dhpaul

Well-Known Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Tai và tay là hoàn toàn khác nhau các bác nhá =)) =))
 

ktran02

Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Bô xít Tây nguyên = Vinashin II
 

Nap

New Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Đang tranh luận trực tuyến về vấn đề này rất hay, các bác vào nghe nhé.

Vào đây mms://tv.vietnamnet.vn/bantron
 

MrMilan

Banned
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Cái này người ta được gọi là " Nói một đằng làm một nẻo ".
Đúng bản chất của người VN, làm lãnh đạo thì càng phải giữ đúng bản chất của người VN hơn, chính vì thế sẽ " Nói một đằng làm một nẻo " nhiều hơn
 

tolydieu

New Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Bài của Bút Bi trong chuyên mục thường ngày đáng để suy ngẫm

Cổ tích xưa và nay

TT - Ngày xửa ngày xưa, có một lão nhà giàu nhưng rất keo kiệt, tính toán kinh khủng. Một hôm, lão cần đóng một cây đinh lên vách để treo bức tranh.

Lão bèn sai con trai chạy qua nhà hàng xóm mượn cây búa. Thằng con lập tức chạy đi.

Nhưng người hàng xóm thừa biết lão nhà giàu chẳng thiếu búa, chẳng qua hắn ta muốn giữ cây búa của mình luôn được mới tinh mà thôi. Vì thế, người hàng xóm trả lời: Thông cảm đi, nhà tôi chẳng có búa.

Con trai lão nhà giàu chạy về báo lại như thế. Lão nhà giàu bực tức chửi: Cái đồ keo kiệt! Thôi, mày vào trong tủ lấy cái búa ra đây cho tao...

Ngày xưa thì thế, còn ngày nay thì có gì khác hơn không?

Chuyện ngày nảy ngày nay là thế này: Con cháu lão nhà giàu vẫn tiếp nối ông cha cái tính keo kiệt, tính toán. Của nhà mình vẫn cứ trùm mền cất kỹ, tranh thủ đi thuê với giá rẻ bèo (dĩ nhiên làm gì có chuyện mượn) của hàng xóm về xài.

Con cháu của anh hàng xóm thì chẳng bằng cha ông ngày xưa, thấy có chút tiền bèn cho mướn ngay. Và kết quả là cái búa cho mướn giá rẻ gãy cả cán, mẻ cả đầu. Để rồi bây giờ trong nhà nhiều lúc cần cái búa cũng không có mà xài!

BÚT BI

Nguồn: http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Chuyen-thuong-ngay/407376/Co-tich-xua-va-nay.html
 

lahabentin

Well-Known Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Có gì mà các bác ầm ĩ thế? Ông bà ta có câu: " Tay làm hàm nhai " Các bác trói tay em không cho làm thì em biết lấy cái đ...ch gì nhét vào cái lổ miệng? Mà có phải chỉ một cái lổ miệng của em đâu!...
 

Nash

New Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

em mong sao dân trí mình nâng cao hơn nữa, lúc đó thì việc trưng cầu dân ý sẽ được triển khai và quyền quyết định thuộc về nhân dân giống các nước phương tây từng làm và đang làm, theo kiểu chân lý thuộc về số đông. Được vậy thì họa chăng sẽ tránh được may vụ đường sắt CT, Boshit chứ giờ lèo tèo vài ba người tri thức lên tiếng thì chả thấm gì. Vụ này chắc có mùi 9 trị rồi, kẻo chừng lại làm anh hàng xóm khựa bực mình$-)$-)$-)
 

haiauden

Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Ông Nguyễn Mạnh Quân: Lợi ích cụ thể của dự án Nhân Cơ như sau:

- Nộp ngân sách: 940 tỷ đồng/năm (trong đó ngân sách trung ương là 781 tỷ đồng/năm; địa phương là 159 tỷ đồng/năm)
Tính cho cả đời dự án (30 năm) đóng góp vào ngân sách Nhà nước:
+ Phí môi trường (30.000 đ/tấn) : 3.210 tỷ đồng.
+ Chi phí phục hồi hoàn thổ : 345 tỷ đồng.
+ Thuế tài nguyên 7% : 187 tỷ đồng.
+ Thuế thu nhập doanh nghiệp : 4.081,8 tỷ đồng.
+ Thuế xuất khẩu (20%) : 22.004 tỷ đồng.
- Tái tạo đất và tăng hiệu quả sử dụng đất: lợi nhuận bình quân khoảng 10,7 tỷ đồng/ha/năm (cà phê 40,0 triệu đồng/ha.năm, nếu tính 5 năm tương ứng thời gian hoàn nguyên đất thì doanh thu cà phê là 400,0 triệu đồng/ha).
- Giải quyết công ăn, việc làm: 1.350 lao động của dự án và trên 12.000 lao động cho các ngành dịch vụ khác.

‘Dự án thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước. Chủ đầu tư là DN nhà nước; dự án nhận được sự đồng tình và ủng hộ của Đảng bộ, chinh quyền và đặc biệt là đông đảo đồng bào khu vực Tây Nguyên, vì vậy, nếu sự cố xảy ra, Đảng và Nhà nước chắc chắn sẽ cùng chia sẻ như đã từng chia sẻ khi đồng bào gặp hoạn nạn như lũ lụt miền Trung vừa qua.


http://vnexpress.net/GL/Kinh-doanh/2010/10/3BA223AB/

Thiết nghĩ với tổng đóng góp của dự án trong 30 năm theo đánh giá lạc quan nhất của các chuyên gia TKV là khoảng 30,000 tỉ thì 3 cái dự án Bauxite cũng chưa đủ trả nợ của Vinashin (96 ngàn tỉ). Nhưng nếu có sự cố gì thì e rằng thiệt hại vật chất sẽ tính bằng 10, 100, 1000 lần Vinashin... Còn thiệt hại về con người thì sẽ không có gì đo đếm được. Và hậu quả không phải là 30 năm mà sẽ là 100, 200, 300,... năm?

Mình mong rằng Quốc Hội thực sự sáng suốt và công tâm trong việc bấm nút triển khai dự án này. Như khẩu hiệu gì đó nói rằng "Tất cả vì tương lai con em chúng ta".

Biết rằng nói chẳng được gì, nhưng không nói gì thì thật cảm thấy bức xúc!
 

dinhthinh89

New Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Đó là lợi ích của nhà nước thôi. Bác ý còn ẩn ý chưa muốn nói đến lợi ích sắp chui vào túi các bác nên lợi ích của nhân dân chả bõ bèn gì.
 

hdamateur

Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Hôm nay lại thấy ý kiến đề nghị dừng

Dự án bauxite không hiệu quả.
Nhận định của chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khi trao đổi với Báo NLĐ về hiệu quả kinh tế của dự án này.
Phóng viên: Vì sao ông ký tên đề nghị dừng triển khai trong khi dự án bauxite ở Tây Nguyên đã đi được nửa chặng đường?

- Ông Bùi Kiến Thành: Làm bauxite ở Tây Nguyên không có hiệu quả kinh tế mà chỉ hủy hoại môi trường. Khi tính hiệu quả kinh tế của một dự án phải tính tất cả giá trị dự án đó làm ra và mất đi.

Tức là phải tính trên diện tích lấy làm dự án hiện nay người dân đang làm gì, doanh thu đem lại hằng năm cho họ từ công việc đó là bao nhiêu. Khi lấy đất làm dự án, nguồn thu nhập này của họ bị mất đi, có thể ngân sách của Nhà nước phải chi ra hỗ trợ tạo công ăn việc làm hoặc tái định cư.

Cũng phải tính chi phí cải tạo môi trường nếu sau khi dự án kết thúc nhưng môi trường sống không bảo đảm. Đó là chi phí cơ hội của dự án.

Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản VN (TKV) đánh giá lợi nhuận của dự án Tân Rai là 11% nhưng không hiểu trong đó bao gồm những gì. Chi phí cơ hội của một dự án rất lớn nhưng đã không được TKV tính đến, họ chỉ giao đất và tính từ con số 0, trong khi tài nguyên phải hàng trăm năm, hàng ngàn năm mới hình thành được.

. TKV không đề cập chi phí cơ hội, theo ông, lý do vì họ non kém về nghiệp vụ hay vội vàng?

- Tôi cho rằng họ không biết cách tính và nguyên tắc của Nhà nước cũng chưa áp đặt. Khai thác khoáng sản cứ được giao vài chục ngàn hecta đất là đào lên bán, không tính xem tài nguyên đó từ đâu ra. Phải suy nghĩ lại, cấp phép hiện nay chưa tính toán đến các vấn đề kinh tế cốt lõi của một chương trình, một dự án.

. Hạng mục quan trọng của dự án là tuyến đường bộ vận chuyển sản phẩm chưa được tính vào chi phí tổng đầu tư. Trong quá trình đầu tư dự án Tân Rai, TKV và Bộ Công Thương đã kiến nghị khá nhiều cơ chế đặc thù. Theo ông, cách tính này có phù hợp thông lệ?

- Không có lý do gì quốc gia phải làm đường cho dự án này vận chuyển sản phẩm. Ngay cả khi dùng chung với quốc lộ cũng phải tham gia một phần chi phí chung, vì họ dùng xe tải hạng nặng, chẳng bao lâu hỏng đường, ngân sách không thể chi tiền để duy tu bảo dưỡng.

Tất cả các hạng mục từ đầu tư, khấu hao, duy tu bảo dưỡng đường đều phải tính vào giá thành. Đó là thông lệ của một dự án. Chủ đầu tư phải tính toán cơ sở hạ tầng để phát triển dự án đó, không thể bắt Nhà nước và nhân dân làm.

Cũng không có lý do gì chưa làm đã xin đủ thứ. Anh làm dự án chưa phải có quy mô quá lớn, hiệu quả kinh tế chưa thấy đâu lại lấy tài nguyên của đất nước, tại sao phải xin nhiều cơ chế?

. Lãnh đạo một công ty con của TKV nói khi lập dự án, TKV tính toán giá xuất khẩu alumin là hơn 300 USD/tấn nhưng giá thị trường thế giới hiện xuống còn một nửa. Khi cả hai nhà máy hoạt động, mức dư thừa alumin thế giới tăng gấp 10 lần, vậy có còn hiệu quả kinh tế?

- Hoàn toàn không thực tế. Giá nguyên liệu thế giới thay đổi hằng ngày. Giá dầu thô có khi xuống dưới 10 USD rồi lên hơn 110 USD/thùng, biến động là lẽ thường.

Đáng lo là bauxite VN được Trung Quốc mua là chủ yếu, khai thác rồi chỉ bán được cho một đối tác sẽ bị ép giá. Làm ra alumin bán theo giá thị trường thì
không có hy vọng. Không hiểu vì sao TKV quyết tâm làm một dự án như thế.

. Thưa ông, có phải lo ngại quá không vì TKV nói ngoài doanh nghiệp Trung Quốc, đã có các doanh nghiệp khác đặt hàng và giá bán sẽ theo đấu thầu?

- VN không phải là nguồn cung cấp alumin duy nhất. Nguồn thu từ khai thác alumin không lớn đến mức có thể hy sinh cả một vùng và treo trên đầu người dân một nguy cơ độc hại. Bán tài nguyên thì không phải lợi ích của một đất nước.

VN không có đủ điện để sản xuất alumin nhôm, chỉ có thể chế biến ra alumin. Nguy cơ hủy diệt môi trường rất lớn, có thể ảnh hưởng đến hàng trăm, hàng ngàn năm sau nếu vỡ đập hay tràn bùn đỏ.

TKV đã tính toán đến chi phí khắc phục, bồi thường thiệt hại trong trường hợp xảy ra nguy cơ đó hay chưa và ai là người chịu trách nhiệm? Ngay cả bùn đỏ chứa trong hồ không thoát ra ngoài cũng là chất độc chôn xuống đất. Vấn đề môi trường, xét cho cùng cũng là chi phí phải trả cho dự án này. Như thế thì đừng nói đến hiệu quả kinh tế của việc khai thác bauxite Tây Nguyên.

(Nguồn Báo người lao động)
 

VN168

New Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Tại sao lại không ai gợi ý kiểm kê ngay tài sản ( kể cả người thân ) của các quan trong dự án nhỉ ?
 

buonnguqua

Active Member
Ðề: [Khó Hiểu] Bộ Công Thương 'lắng nghe' nhưng vẫn đẩy nhanh dự án bô xít ...

Tại sao lại không ai gợi ý kiểm kê ngay tài sản ( kể cả người thân ) của các quan trong dự án nhỉ ?
Làm được thế này thì nước ta đã hùng cường từ lâu rồi bạn ạ :-j
 
Bên trên