Khi vũ trụ ảo chưa thể giúp Facebook chống đỡ trên thị trường chứng khoán

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Giá cổ phiếu công ty mẹ của Facebook là Meta liên tục lao dốc tính từ ngày 2/2/2022 tới nay, với việc từ mức trên 323 USD/cổ phiếu giảm xuống mức chỉ còn hơn 207 USD/cổ phiếu khi kết phiên giao dịch ngày 17/2/2022.

Lao dốc không phanh

Như vậy trong khoảng nửa tháng, giá cổ phiếu Meta giảm khoảng 116 USD, tương ứng mức giảm xấp xỉ 36%. Theo đó, giá trị vốn hóa của Meta giờ rơi xuống mức khoảng 565 tỉ USD, lọt khỏi Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Mức giảm này, thậm chí còn nặng nề hơn đợt giảm vào tháng 3/2018 khi Facebook (lúc đó chưa đổi tên công ty mẹ thành Meta) để lộ vụ bê bối làm lộ dữ liệu của 87 triệu người dùng cho bên thứ ba là Cambridge Analytica LLC của Anh.

Cần biết rằng, vụ bê bối với Cambridge Analytica LLC vào tháng 3-4/2018 khiến giá cổ phiếu của Facebook mất hơn 20% thì hồi trở lại. Sau đó, vốn hóa của mạng xã hội số 1 thế giới này lần lượt vượt qua các mốc, cứ mốc sau cao hơn mốc trước. Và đỉnh điểm, khi đã công bố chuyển đổi thành Meta Platform vào quý IV/2021, giá trị vốn hóa của “Big Tech” này đã vượt ngưỡng 1.000 tỉ USD, xếp thứ 6 trong Top 10 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất toàn cầu.

Giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì có lúc xuống lúc lên, tùy thuộc vào tình hình kinh doanh của doanh nghiệp đồng thời cũng bị tác động mạnh từ chính sách, biến động địa chính trị trên thế giới.

Song với Facebook, một nền tảng toàn cầu có hàng tỉ người dùng mỗi ngày, tác động lớn nhất đến diễn biến giá cổ phiếu có lẽ chính là lượng người dùng và triển vọng tương lai có khả quan, sáng sủa và còn nhiều dư địa tăng trưởng về doanh thu và đặc biệt là về lợi nhuận hay không.

Giá cổ phiếu Meta đã giảm xấp xỉ 36% trong trong vòng 2 tuần chính là hồi chuông báo động nghiêm trọng về triển vọng kinh doanh của nền tảng này. Điều đó đã được thể hiện trong báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất từ Meta cho thấy lượng người dùng Facebook hàng tháng và hàng tuần đã giảm so với cùng kỳ năm trước và quý liền trước, khiến cho lợi nhuận quý IV/2021 vừa qua giảm khá mạnh 8%.

Những con số “biết nói” đó cho thấy, mạng xã hội Facebook đã dần chạm ngưỡng bão hòa và dư địa tăng trưởng người dùng không còn nhiều, đang là bài toán nan giải.

851968_141218524806957_614609820057600

Vũ trụ ảo - metaverse chưa thể giúp Facebook đương đầu với các dấu hiệu sụt giảm người dùng. Ảnh: Meta.

Chính Facebook đã thúc sự bão hòa đến sớm hơn
Trên thực tế, báo cáo kết quả kinh doanh quý IV/2021 của Meta cho thấy nếu tính toàn bộ nền tảng thì số người dùng vẫn tăng. Song, mảng tăng lại thuộc về Instagram hay WhatsApp chứ không phải là Facebook vốn dĩ là con gà đẻ trứng vàng của cả tập đoàn.

Không ai có thể phủ nhận tầm nhìn, tài năng của CEO Meta Mark Zuckerberg. Bằng chứng là, vị thuyền trưởng này đã hướng con tàu Facebook đi về phía vũ trụ ảo (metaverse) sớm nhất thế giới, sau đó mới thấy các doanh nghiệp khác lần lượt công bố định hướng này.

Tuy nhiên, metaverse mới được Facebook công bố vào tháng 10/2021 với một hành trình đầu tư tiêu tốn 20 tỉ USD theo kế hoạch trong vòng 10 năm, vì thế cũng chưa thể ngày một ngày hai, hay một vài quý là đã giúp mang lại trái ngọt cho công ty mẹ.

Trong khi đó, những năm qua chính là thời kỳ Facebook đã tận thu từ người dùng và thị trường. Từ người dùng đến khách hàng, đã bị Facebook hết lần này tới lần khác ép uổng nhằm tối ưu hóa lợi nhuận bằng mọi cách có thể.

Chỉ đơn cử, việc Facebook liên tục dùng thuật toán để bóp nghẽn tỉ lệ lượt tiếp cận đối với các nội dung đăng tải của người dùng và khách hàng để ép mua quảng cáo. Facebook không từ bất cứ quy định nào nhằm củng cố vị thế độc quyền trên nền tảng của mình, nhưng ngược lại lại buông lỏng việc kiểm soát các nội dung độc hại ảnh hưởng đến người dùng đặc biệt là trẻ em…

Việc Facebook có vi phạm pháp luật hay không còn tùy thuộc vào luật pháp mỗi quốc gia, khu vực hay liên minh, và cũng tùy vào những cách mà tòa án phán xử.

Tuy nhiên, về dấu hiệu, vấn đề đạo đức kinh doanh tìm kiếm lợi nhuận bằng mọi giá và bất chấp dường như được thể hiện khá rõ từ nền tảng Facebook trong những năm qua, thậm chí như một triết lý kinh doanh được “truyền cảm hứng” từ thuyền trưởng Mark Zuckerberg đến bộ máy cán bộ chủ chốt của ông ta.

Chính vì thế, Facebook không chỉ gây ra làn sóng phản ứng mà còn bị căm ghét, bị kêu gọi tẩy chay với hashtag #DeleteFacebook lan tỏa ra nhiều quốc gia trong thời gian qua. Facebook không chỉ “gây hấn” với chính quyền Mỹ, chính quyền các quốc gia, mà còn đương đầu với cả người dùng của mình chỉ vì triết lý lợi nhuận bất chấp của họ.

Trên toàn cầu, hiện vẫn còn hàng tỉ người cần đến Facebook. Nhưng chính những người còn đang dùng Facebook, hãy hỏi rằng họ có thích Facebook qua cảm nhận về những quy định, triết lý kinh doanh đã thể hiện ra của nền tảng này hay không, có thể nhiều Facebooker hiện tại sẽ chẳng ngại ngần bày tỏ sự không hài lòng.

Nhưng hiện tại, Facebook đang còn quá mạnh để có thể “chết” ngay. Và nhiều người dùng, cho dù không thích Facebook nhưng vẫn phải sử dụng nó. Vì họ còn thiếu một nền tảng khác đủ mạnh để thay thế và đáp ứng các nhu cầu trong công việc, giải trí cũng như kết nối với xung quanh.

Vũ trụ ảo của Facebook không biết sẽ như thế nào nhưng ngay lúc này, nó chưa thể giúp gì cho Facebook chống đỡ cơn lao dốc giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

Theo VN review​
 
Bên trên