Bạn đã bao giờ sở hữu một máy nghe nhạc mini, máy ảnh kỹ thuật số hay xa hơn là đầu CD, MiniDisc (MD), thiết bị cầm tay cá nhân (PDA), máy chơi game Nintendo...? Chúng đều xuất hiện và khá phổ biến cách đây khoảng hai thập kỷ, nhưng hiện nay chỉ có thể tìm thấy trong đống rác thải điện tử hoặc từ các nhà sưu tầm.
Những thiết bị kể trên biến mất có thể giải thích được là do sự tiến bộ của công nghệ. Tuy nhiên, cuộc cách mạng chỉ đến khi có sự xuất hiện của iPhone vào 2007 và Android một năm sau đó. "iPhone và smartphone Android khiến những thứ trước đó bỗng dưng lỗi thời. Nói rằng chỉ sau một đêm thì hơi quá, nhưng tốc độ diễn ra rất nhanh", Damien McFerran của Techradar bình luận.
Sự thống trị của smartphone trong ngành công nghiệp công nghệ tiêu dùng là ví dụ hoàn hảo về sự chiếm lĩnh của sản phẩm tất cả trong một. Khác với cỗ máy có chức năng riêng biệt, smartphone có thể phát nhạc, chụp ảnh, chơi game, lưu trữ dữ liệu, theo dõi sức khỏe... và tất nhiên là dùng để liên lạc. Chúng ngày càng hoàn thiện và đang được cải tiến để trở nên ưu việt nhất.
Smartphone là một phần của công nghệ. Nhưng câu hỏi đặt ra là, nó có tồn tại mãi mãi trong tương lai không?
Theo chuyên gia kỹ thuật Paolo Pescatore của CCS Insight, câu trả lời là không, bởi nó sẽ tiến hóa hoặc bị thay thế bằng một sản phẩm sáng tạo, hữu ích và tính năng phong phú hơn. "Thiết bị của tương lai phải là 'cuộc hôn nhân' của công nghệ và tính năng. Đó có thể là sự không giới hạn của thực tế ảo và thực tế tăng cường trên màn hình tương tác hỗ trợ bởi đám mây", Pescatore nói. "Bất kỳ bức tường hoặc mặt phẳng nào cũng có thể được xác thực thông qua nhận diện khuôn mặt. Việc gọi điện, xem video, phát nhạc, điều khiển hệ thống sưởi ở nhà, bật xe... thực hiện qua giọng nói".
Công nghệ như vậy đã tồn tại, dù mới chỉ ở mức cơ bản. Amazon Echo hay Google Home đã có thể hiểu các lệnh nói, cho phép thực hiện những việc như tắt đèn trong nhà, gọi đồ ăn, duyệt web hay phát nhạc yêu thích. Tuy nhiên, chúng vẫn cồng kềnh và không phải là thứ bạn có thể mang theo bên mình, ít nhất là chưa.
Thiết bị đeo là sự thay thế hiệu quả trong trường hợp người dùng không thích mang theo smartphone. Chúng cũng bổ sung nhiều tính năng mới, kể cả gắn sim để đàm thoại, lướt web, theo dõi sức khỏe hay xem video. Thế nhưng, đa phần vẫn phải kết nối với điện thoại và điều này biến chúng trở thành thiết bị phụ thuộc thay vì độc lập. Đó là chưa kể việc nghe gọi hay xem nội dung trên màn hình nhỏ khiến trải nghiệm bị hạn chế. Không ngạc nhiên khi đồng hồ thông minh đã thất bại trong việc thay thế điện thoại thông minh và điều này đã được đoán trước.
Các giải pháp cho thực tế tăng cường dự đoán sẽ là bước tiến công nghệ tiếp theo. Tuy vậy, việc phát triển chúng vẫn diễn ra rất manh mún và không tập trung, thậm chí các hãng rất mơ hồ về kế hoạch của mình. Google Glass là dự án được kỳ vọng và nó cũng đã chứng minh phần nào về xu thế tương lai. Nhưng hạn chế khi áp dụng vào thực tế khiến nó trở thành một sản phẩm "chết yểu".
Những năm 1970, thật khó để tưởng tượng gần 50 năm sau sẽ có một thiết bị mang rất nhiều chức năng có thể bỏ trong túi quần. Nhưng trong 50 năm tới, công nghệ sẽ phát triển đến một mức khác "không thể tưởng tượng". Thậm chí smartphone sẽ không còn. Thay vào đó, con người sẽ sử dụng chip siêu nhỏ gắn vào cơ thể, không cần thiết bị nào nữa bởi xung quanh đều tồn tại các cỗ máy nhận dạng và hỗ trợ mọi yêu cầu khi cần. Nói cách khác, smartphone sẽ chết khi có công nghệ mới đủ để thay thế các chức năng nó đang mang lại.
Nhưng theo Pescatore, đó là tương lai xa. Còn hiện tại và ở tương lai gần, con người vẫn cần smartphone bởi nó là một sản phẩm hoàn thiện và hữu ích. "Smartphone vẫn là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mỗi người. Tôi chưa cảm nhận được sự thay đổi. Mọi người vẫn muốn có một cái gì đó hữu hình trong tay, như tôi dành nhiều thời gian nhìn vào điện thoại hơn bất kỳ thiết bị nào khác, bạn lại muốn xem video, chơi trò chơi và nghe nhạc trên tay mình. Không có chiếc máy nào tốt hơn smartphone lúc này", Pescatore nói.
Theo Số Hóa