Khách hàng đổ xô tích trữ chip vì lo ngại căng thẳng địa chính trị

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Khách hàng của công ty gia công chip TSMC (Đài Loan) trải qua tình trạng khan hiếm bán dẫn kéo dài do căng thẳng địa chính trị và nhu cầu leo thang đột biến.

Trong cuộc họp qua điện thoại hôm 15/4, CEO TSMC C.C.Wei cho biết, việc khách hàng đổ xô tích trữ chip là kết quả của căng thẳng địa chính trị, gây ra mất cân đối chuỗi cung ứng trong ngắn hạn. Giám đốc Tài chính TSMC Wendell Huang đồng tình với quan điểm này. Ông Huang dự báo tình trạng còn tiếp diễn trong một thời gian nữa xét tới nhu cầu bảo đảm an ninh cung ứng của ngành công nghiệp.



Khủng hoảng chip toàn cầu gây gián đoạn sản xuất cả điện tử tiêu dùng lẫn xe hơi. Bình luận của quan chức TSMC phần nào ăn khớp với ý kiến của Eric Xu Zhijun, Phó Chủ tịch Huawei. Đầu tuần này, ông đổ lỗi cho lệnh trừng phạt của Mỹ với Huawei làm suy yếu lòng tin trong ngành bán dẫn toàn cầu. Nó khiến nhiều hãng phải từ bỏ chính sách nói không với hàng tồn kho sang tích trữ chip đủ dùng trong 6 tháng hoặc hơn.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thúc đẩy hỗ trợ ngành công nghiệp bán dẫn, bao gồm quỹ phát triển và sản xuất chip nội địa trị giá 50 tỷ USD. TSMC cũng tham gia hội thảo trực tuyến mà Nhà Trắng tổ chức mới đây nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt chip.

Bất chấp hạn chế nguồn cung, tình hình kinh doanh của TSMC vẫn bùng nổ. TSMC là một trong số ít công ty gia công chip đủ năng lực đáp ứng các thương hiệu điện tử lớn nhất thế giới. Doanh thu quý I/2021 đạt 12,9 tỷ USD, tăng 25% so với một năm trước đó nhờ nhu cầu điện toán cao cấp (HPC) mạnh mẽ. Doanh số chip xe hơi của hãng cũng tăng mạnh, cao hơn quý trước 31%.

Theo ông Wei, tình hình có thể cải thiện với các khách hàng ô tô của TSMC vào quý sau do công ty ghi nhận năng suất tăng. Một lý do khiến nguồn cung chip xe hơi trở nên căng thẳng là sự hồi phục bất ngờ của toàn ngành vào quý cuối năm 2020. TSMC đã hỗ trợ khách hàng xử lý bằng cách phân bổ sản xuất wafer.

Thách thức tiềm tàng khác mà TSMC đối mặt là các đối thủ như Intel có kế hoạch bổ sung công suất, gia công chip cho công ty bên ngoài thay vì chỉ thiết kế và sản xuất chip riêng. Tuy nhiên, ông Wei bác bỏ ý tưởng Intel đe dọa TSMC.

TSMC xác nhận kế hoạch chi 100 tỷ USD trong ba năm tiếp theo để mở rộng năng lực gia công chip, tận dụng cơ hội tăng trưởng tương lai mà 5G và HPC mang lại. Trước đây, nhà sản xuất chip số một thế giới nói sẽ tăng chi phí tài sản cố định năm 2021 lên 30 tỷ USD, trong đó 80% dành cho tiến trình hiện đại như 7nm, 5nm và 3nm. Doanh thu quý II dự kiến từ 12,9 tỷ đến 13,2 tỷ USD.

Theo Genk​
 
Bên trên