Jeff Bezos: "Amazon sớm muộn cũng phá sản, việc của chúng ta là trì hoãn càng lâu càng tốt"

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Tại cuộc họp toàn thể diễn ra vào thứ 5 tuần trước ở Seattle, một nhân viên đã đặt câu hỏi cho Jeff Bezos về tương lai của Amazon. Cụ thể, người này muốn biết ông chủ của mình đã học được bài học gì từ sự phá sản gần đây của Sears và nhiều nhà bán lẻ lớn khác.

Tỷ phú Jeff Bezos cho biết: "Amazon không lớn đến nỗi không thể thất bại. Trên thực tế, theo dự đoán của tôi thì một ngày nào đó chúng ta sẽ phá sản. Những công ty lớn trên thế giới có tuổi thọ trung bình trên 30 năm chứ không phải hơn 100 năm. Nếu chỉ tập trung vào chính mình thay vì tập trung vào khách hàng, ngày 'tận thế' của chúng ta đang đến. Vì vậy, chúng ta phải nỗ lực và tìm cách trì hoãn sự sụp đổ càng lâu càng tốt".

Có thể nói, ở thời điểm hiện tại, Amazon đang trong giai đoạn thành công chưa từng có với việc lĩnh vực kinh doanh bán lẻ cốt lõi của hãng tiếp tục phát triển và công ty cũng đang nắm giữ thị phần lớn trong thị trường điện toán đám mây khổng lồ.

Mặc dù vậy, một số nhân viên đang bày tỏ lo ngại về tốc độ mở rộng của Amazon. Lực lượng lao động của gã khổng lồ thương mại điện tử đã tăng hơn 20 lần trong 8 năm qua với hơn 600.000 nhân viên và giá cổ phiếu của họ đã tăng hơn gấp 4 lần kể từ năm 2013.

Vừa qua, Amazon thông báo sẽ xây trụ sở thứ hai tại thành phố Long Island của New York và Arlington của bang Virginia. Dự kiến kế hoạch này sẽ giúp tạo thêm 25.000 việc làm mới tại mỗi thành phố.

Đây không phải lần đầu tiên Jeff Bezos bàn về vấn đề quy mô công ty với nhân viên. Trong cuộc họp toàn thể vào tháng 3 năm nay, ông đã được hỏi liệu Amazon có cần phải được quản lý chặt chẽ hơn trong bối cảnh sức mạnh và tầm ảnh hưởng thị trường ngày một tăng của chính mình hay không.

Ông trả lời: "Thực tế là chúng ta là một công ty lớn. Việc các tổ chức lớn cần được xem xét và quản lý kỹ lưỡng là điều dễ hiểu".

Nhiều nhân viên của Amazon tiết lộ rằng các quy định của chính phủ và tiềm năng vi phạm luật chống độc quyền là những mối quan tâm hàng đầu của lực lượng người lao động khi nghĩ đến tương lai của công ty.

Theo dự kiến, Amazon sẽ chiếm 48% tổng doanh số bán hàng trực tuyến tại Mỹ trong năm nay, tăng 5% so với năm ngoái. Dịch vụ AWS của công ty cũng đang dẫn đầu trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng điện toán đám mây, chiếm khoảng 34% thị trường Mỹ.

Về vấn đề chống độc quyền, đại diện của Amazon đã nhắc đến cuộc phỏng vấn giữa Giám đốc điều hành tiêu dùng toàn cầu Jeff Wilke của Amazon với Wall Street Journal. Theo đó, Amazon đang tham gia và một nhóm các doanh nghiệp chiếm ít hơn 1% thị trường bán lẻ toàn cầu.

Trong cuộc họp hồi tháng 3, tỷ phú Jeff Bezos đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự khác biệt giữa câu chuyện của Amazon và những công ty công nghệ khác. Ví dụ điển hình là họ có mô hình kinh doanh rất khác so với các công ty cùng ngành và luôn tìm cách để cải thiện trải nghiệm cũng như cuộc sống của khách hàng.

Tuy vậy, nhân viên của Amazon vẫn có lý do chính đáng để cảm thấy bất an. Tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết chính quyền của ông đang xem xét các vi phạm chống độc quyền của Amazon. Bên cạnh đó, các nhà quản lý ở châu Âu và giới chức Nhật Bản cũng đã mở một số cuộc điều tra về vấn đề chống độc quyền liên quan đến công ty của Jeff Bezos.

Theo Genk​
 
Bên trên