Hàng chục năm theo đuổi lĩnh vực công nghệ, mới gần đây tôi bỗng nhận ra một sự thật quan trọng: dù các thương hiệu có đua nhau tranh cãi thế nào đi chăng nữa, người tiêu dùng chẳng bao giờ bị trói vào một trải nghiệm nhất định cả. Tôi đã từng chứng kiến các fan của iPhone chuyển sang dùng Galaxy S/Note chẳng mấy khó khăn. Tôi cũng đã từng thấy rất nhiều người chuyển từ Windows sang “Mac” mà vẫn sống tốt. Office có thể được thay thế bằng G Suite, không dùng Facebook thì chuyển sang dùng Instagram để “sống ảo” cũng chẳng sao.
Đến cả lĩnh vực tưởng rất nhiều lựa chọn là trình duyệt thực ra cũng chẳng có gì trói buộc cả: Chrome, Firefox hay Safari cuối cùng cũng là để... lướt web.
Ngoại lệ Google
Nhưng có một ngoại lệ đặc biệt với nguyên tắc này: dù đã rất cố ưu ái Bing nhưng cuối cùng tôi vẫn phải trở lại với Google. Dù các đối thủ có cố bám đuổi đến thế nào đi chăng nữa, tôi vẫn không thể chấp nhận bất kỳ một lựa chọn thay thế nào cho Google. Những tưởng đến bây giờ dịch vụ tìm kiếm nào cũng phải có mức độ chính xác cao, nhưng không, Google vẫn là vua một cõi.
Vị thế thống trị tuyệt đối này của Google khiến tôi giật mình suy nghĩ lại về mối quan hệ với Apple: rõ ràng là Google có thể dùng dịch vụ tìm kiếm của mình để bóp chẹt iOS và đưa Android lên ngôi vị đầu bảng. Nếu Google gây khó khăn, tôi tin chắc rất nhiều người dùng iPhone sẽ thử chuyển sang Galaxy S9 hoặc một mẫu Android cao cấp khác và nhận ra rằng, ồ, hóa ra cuộc chiến di động không hề khốc liệt đến thế.
Nghịch lý Google – iOS
Ấy vậy mà Google vẫn không hề dùng “Google” để chống lại Apple. Theo các thông tin rò rỉ, mỗi năm gã khổng lồ tìm kiếm còn bỏ ra 1 tỷ USD để giữ vững vị trí mặc định trên Safari! Về phần mình, Apple cũng đang tỏ ra ưu ái Google khá rõ rệt: cách đây khoảng 2 năm, bộ máy tìm kiếm đằng sau Siri đã bị thay thế từ Bing sang Google.
Nếu nhìn sâu hơn, bạn sẽ càng thấy bất ngờ. Một trong những lý do tôi dám khẳng định với bạn rằng trải nghiệm iOS và Android không khác biệt là bởi tất cả các ứng dụng/dịch vụ Google chúng ta quen mặt đều có trên iOS! Thậm chí, các ứng dụng của Google còn biết cách liên kết với nhau để tạo ra một trải nghiệm Google rất liền mạch trên iOS: ví dụ, đường link được click trong ứng dụng Gmail sẽ gửi bạn sang Chrome chứ không phải là Safari.
Đôi lúc, Google còn ưu ái iOS hơn cả Android. Như Hangouts, dịch vụ chat trước đây của Google thực chất lại có chất lượng trải nghiệm tốt hơn trên Android (bố cục sạch sẽ, dễ sử dụng hơn). Hay bàn phím ảo Gboard trên iOS trước Android hẳn 9 tháng. Tổng cộng, Google có gần 100 app trên iOS App Store, bao gồm cả những ứng dụng “đặc dị” như Lens hay Cardboard.
Nếu muốn, Google hoàn toàn có thể giữ các ứng dụng này làm của riêng cho Android để chú robot xanh thêm khả năng tranh đấu trên phân khúc tầm cao. Nếu “máu”, Google có thể dùng bộ máy tìm kiếm của mình để bóp chết đường sống của iOS.
Vì sao lại bắt tay?
Song, sự thật đang diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn ngược lại: Google chẳng có biểu hiện gì muốn thực sự chống lại hệ điều hành của Apple cả! Google không chỉ muốn iOS sống, Google có vẻ còn muốn iOS sống tốt nữa.
Tại sao ư? Có lẽ là vì Google đã quá ngán những vụ kiện độc quyền. Có thể là vì chống lại Apple sẽ mang lại những tổn thất không cần phải có (Google vẫn sống chủ yếu bằng quảng cáo). Nhưng tất cả đều không thể làm lu mờ một sự thật rằng, số phận của iPhone vẫn phụ thuộc vào Google. Nếu một ngày Google thực sự muốn "bóp chết" iPhone, gã khổng lồ tìm kiếm vẫn có đầy đủ nanh vuốt để làm điều đó.
Theo GenK