vip_pro_1702
New Member
Nguồn http://www.tuanvietnam.net/2009-11-25-internet-tuong-lua-va-su-khong-tuong-tren-mang-
Tuy không trực tiếp nhắc đến nhưng bài viết này có phần nào ảnh hưởng bởi facebook bị chặn trong những ngày qua. Mời các bác phát biểu cảm nghĩ ><Internet, tường lửa và sự “không tưởng trên mạng”
Tác giả: Đoan Trang
Suốt 12 năm kể từ khi Internet vào Việt Nam đến nay, có lẽ chưa bao giờ mà câu hỏi về cách chúng ta sử dụng và xử lý Internet lại thu hút mối quan tâm của xã hội lớn đến như vậy.
Thật sự thì ích lợi và tác hại của Internet lớn tới mức nào đối với chúng ta?
Tính đến tháng 9 năm nay, ở Việt Nam có 21.963.117 người sử dụng Internet, chiếm 25,6% dân số (*).
Đối với gần 22 triệu người dùng đó, Internet mở ra cả một thế giới mới, mà giá trị lớn nhất nổi lên là thông tin, thông tin và thông tin. Sau thông tin là kiến thức. Thứ đến là quan hệ, thông qua các diễn đàn, mạng xã hội, blog.
Nhưng song hành với những lợi ích mà Internet mang lại là các mặt tiêu cực của nó. Tại kỳ họp thứ 6 QH khóa 12, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã có ý kiến chính thức nêu rõ những nhược điểm lớn của Internet: “Thứ nhất, cung cấp thông tin độc hại có dụng ý xấu. Thứ hai, lôi kéo tập hợp chống chính quyền, chống Nhà nước đương nhiệm…”.
Để hạn chế mặt có hại của Internet, cơ quan quản lý Nhà nước lâu nay vẫn sử dụng chủ yếu là các biện pháp kỹ thuật, ví dụ dựng tường lửa. Muốn biết đây có phải là một cách làm hiệu quả hay không, trước hết chúng ta cần xem xét mức độ gây hại của Internet đến đâu.
Internet: Cực đoan, quá khích…
Không net = ốc đảo. Nguồn: labnol.org
Có một thực tế là, trên không gian mạng, người ta rất dễ bị đẩy tới mức quá khích. Chẳng hạn, từ lâu Internet đã bị coi là môi trường lý tưởng cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan phát triển.
Trung Quốc là một trong những ví dụ rõ nét: Internet đã tạo ra một dòng chảy thông tin giữa dân chúng đại lục với cộng đồng người Hoa ở nước ngoài, kết nối người Hoa toàn cầu trong một tinh thần dân tộc rất mạnh mẽ.
Mặt trái của nó chính là chủ nghĩa cực đoan: Năm 1999, khi máy bay Mỹ ném bom trúng ĐSQ Trung Quốc tại Belgarde, làn sóng phẫn nộ lan tràn trên không gian mạng. Website của Nhà Trắng bị sập vì ngập lụt trong hàng nghìn email chửi rủa từ Trung Quốc. Hacker còn tấn công website của ĐSQ Mỹ tại Bắc Kinh, chèn dòng chữ “Đả đảo bọn man rợ” lên trang chủ.
Ở Việt Nam cũng có nhiều bằng chứng cho thấy Internet là môi trường nuôi dưỡng sự cực đoan: Thường xuyên dấy lên những cuộc tranh cãi (ngôn ngữ forum gọi là “ném đá”) khốc liệt trên không gian mạng, với vô số nhận xét chủ quan, gay gắt, quy chụp, những lời thóa mạ, mạt sát nhau tàn tệ.
… nhưng vô hại…
Blogger. Nguồn: annasheffield.com
Nhưng, cho dù nhiều người dùng có cực đoan, quá khích, điều thú vị là Internet, Yahoo Messenger, Facebook, Youtube v.v. lại không phải cái gì đáng sợ đối với xã hội. Đó là ý kiến chung của nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về mối liên quan giữa Internet với chính trị. Nói cách khác, họ cho rằng: Ảo vẫn là ảo; Internet không gây tác động gì đáng kể lên chính trị.
Chẳng hạn, người ta có thể tưởng rằng ứng cử viên Barack Obama làm chính trị thành công - tức là trở thành Tổng thống của nước Mỹ, là nhờ “phe Obama” biết sử dụng Internet, nhất là mạng xã hội, như một công cụ tuyên truyền đắc lực.
Nhưng nói cho đúng, Obama đắc cử Tổng thống không phải nhờ truyền thông Internet, mà là do tổng hợp nhiều nguyên nhân khác, như: Chính quyền của Bush (đảng Cộng hòa) đang sẵn bị dân chúng chán ghét (điều bất lợi cho đối thủ John McCain của Obama); nước Mỹ đang cần một gương mặt trẻ trung để vực dậy tinh thần trong khủng hoảng v.v.
Nếu nói mạng "ảo" đã làm nên thành công "thực" của Barack Obama thì thật sai lầm. Tương tự, Internet cũng chưa bao giờ làm nên những cuộc cách mạng hay những vụ bạo động, lật đổ ở các nước trên thế giới. Chưa một chính thể nào bị sụp đổ vì thế giới ảo cả.
… và không tưởng!
Tuy vậy, vẫn phổ biến quan điểm cho rằng Internet có sức mạnh tập hợp, lôi kéo người dùng vào những hoạt động chính trị có tổ chức, gây biến động xã hội. Quan điểm này đặc biệt phổ biến ở chính những "con nghiện Internet" Việt Nam. Mất quá nhiều thời gian trong một thế giới ảo, tiếp xúc với quá nhiều quan hệ ảo, làm nảy sinh vô số ảo tưởng. Có thể nói “các nhà cách mạng” trên mạng là những người mắc chứng không tưởng nặng nhất.
Một biểu hiện của chứng “bệnh” này là “bệnh nhân” tưởng những người xung quanh mình trong cuộc sống thực, ai cũng như mình: Ai cũng có cùng những mối quan tâm, hiểu biết, suy nghĩ như mình; dân trí đã cao hơn; xã hội Việt Nam đã “Tây hóa” hơn; thế giới đã “phẳng” hơn v.v...
Một số ít blogger còn trở thành nạn nhân của bệnh “không tưởng” một cách vô thức: nghĩ rằng mình nổi tiếng và có ảnh hưởng, thèm được nổi tiếng và có ảnh hưởng; và do đó, họ làm nhiều cách quá khích để “câu” page views (lượt người xem) nhằm thu hút, duy trì sự chú ý của cộng đồng mạng.
Họ đã quên (hoặc không biết) rằng thực sự ở Việt Nam, chỉ mới có một phần tư dân số sử dụng mạng, và không phải ai trong gần 22 triệu người đó cũng là thành viên của một diễn đàn hoặc một mạng xã hội nào đó.
Có blogger Việt từng tính toán ra một kết quả khá “bi quan” rằng số người ở Việt Nam sử dụng mạng xã hội chỉ khoảng 400-500.000. Rất có thể, do lượng blogger chỉ chừng vài trăm nghìn như vậy nên trở thành nổi tiếng trong cộng đồng blogger cũng không quá khó; và đó là lý do khiến một vài blogger nổi tiếng (ví dụ T.Đ.C, C.W.N.…) càng dễ mắc bệnh “không tưởng” hơn.
Do hành động dựa trên những ý nghĩ “không tưởng” như thế, nên nhìn chung các blogger từ trước đến nay không làm điều gì ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới xã hội. Đó là một thực tế.
Ảo vẫn là ảo
"Chúng tôi yêu blog". Nguồn: ggpht.com
Đúng là Internet, đặc biệt là blog, đã tạo nên một cộng đồng mạng ở mỗi quốc gia nó có mặt. Cộng đồng đó có thể cởi mở, hiện đại và có mặt bằng hiểu biết cao hơn phần dân số còn lại, do họ được tiếp xúc với nhiều thông tin và kiến thức hơn. Nhưng chỉ thế mà thôi, ảo vẫn cứ là ảo.
Bên cạnh thông tin, kiến thức và nhiều ích lợi khác, không may là Internet còn nuôi dưỡng cả tinh thần cực đoan, phá phách. Nhưng cũng chỉ thế mà thôi, ảo vẫn cứ là ảo.
Và điều quan trọng là, chúng ta có thể tin rằng khi lựa chọn, đa số người dùng Internet Việt Nam sẽ hướng đến Internet như một công cụ để giải trí, làm ăn, học tập; những người sử dụng nó vì mục đích chính trị sẽ chỉ là một nhóm nhỏ, không có sức mạnh thực tế đáng kể.
Một ví dụ gần với chúng ta: Theo nhà nghiên cứu Evegeny Morozov trong một bài viết cho tờ Boston Review, giới trẻ Trung Quốc - nếu có thể lên các mạng bên ngoài mà không bị hạn chế nào, chắc chắn sẽ thích vào các website giải trí để download phim ảnh, ca nhạc hơn cả.
“Chúng ta có thể mong đợi họ - rất nhiều trong số này là thanh niên - đổ xô vào download (tải xuống) báo cáo mới nhất của tổ chức Ân xá Quốc tế, hay đọc về Pháp Luân Công trên Wikipedia chăng? Hay là họ sẽ lựa chọn The Soprano, hoặc tập phim James Bond mới nhất? Tại sao lại giả định họ sẽ đột nhiên đòi hỏi nhiều quyền lợi chính trị hơn là các phim truyền hình Friends hay Sex in the City mà họ xem trên Internet?”.
Cách ứng xử nào hợp lý với Internet?
Facebook đang nổi lên như một trang mạng xã hội được người dùng Internet VN yêu thích. Nguồn: ubc.ca
Các biện pháp kỹ thuật mà cơ quan quản lý Nhà nước đang tiến hành, ví dụ dựng tường lửa, có tác dụng phần nào trong việc ngăn ngừa cộng đồng mạng tiếp xúc với những thông tin có hại, web đen, web xấu… Nhưng chắc hẳn chúng không trừ được tận gốc căn bệnh cực đoan và không tưởng của một bộ phận cư dân mạng.
Thêm nữa, vì những lý do đã nêu trên, suy cho cùng thì những tác động tiêu cực đó cũng không đủ biến cộng đồng mạng thành một mối nguy hiểm đối với xã hội.
Cách ứng xử hợp lý với Internet có lẽ là trên tinh thần như nhiều nhà lãnh đạo, quan chức và học giả ở Việt Nam đã phát biểu.
Một trong số đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã khẳng định: “Không thể vì có một số tiêu cực mà không mở Internet vì đây là một mũi nhọn trong phát triển khoa học công nghệ… Không thể nào phát triển đất nước trong hội nhập quốc tế mà lại không phát triển Internet”.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp thì phát biểu trước QH: “Xử lý các biện pháp kỹ thuật nhiều, thì nó lại tạo ra ách tắc, nghẽn tắc và ảnh hưởng tới (sự) thông suốt trong thông tin. Tất nhiên khi cần làm thì vẫn phải làm nhưng đây không phải là giải pháp tối ưu”.
Vậy giải pháp tối ưu có thể là gì? Là phát triển Internet, đảm bảo tính thông suốt của thông tin, và tin tưởng ở người dùng Internet Việt Nam: Nếu tự do thông tin, với bản lĩnh và trình độ hiểu biết được nâng cao, họ sẽ tự biết cách lựa chọn cái gì hữu ích cho mình và tự chịu trách nhiệm về những quyết định sai lầm.
Để kết thúc bài này, xin mượn lời của GS Chu Hảo, Giám đốc NXB Tri Thức, phát biểu năm 2007 nhân dịp 10 năm Internet vào Việt Nam: “Thế giới mạng vừa là cơ hội vừa là cạm bẫy. Là cơ hội cho những ai ham học hỏi, thích sáng tạo và có bản lĩnh. Là cạm bẫy đối với những ai ham chơi, tham lam và nhẹ dạ”.
--------------------------------------------
(*) Số liệu mới nhất của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.