IFA 2018: Samsung sở hữu trọn bộ độ phân giải + dải tương phản lớn nhất

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Article by Bui An

Chỉ mới mấy ngày trước đây thôi, Samsung vừa công bố tất cả các dòng TV QLED và UHD của hãng đã đạt được chuẩn HDR 10+, một chuẩn nâng cao chất lượng hình ảnh và tính năng quan trọng vào bậc nhất trên TV hiện nay, nhằm mang đến cho người xem trải nghiệm hình ảnh tốt nhất.

hd.jpg

Khi chỉ dừng lại ở đó, theo những thông tin đồn đoán, ngay tại IFA 2018, Samsung cũng sẽ cho ra mắt TV 8K thương mại đầu tiên của hãng. Với việc có được chuẩn HDR 10+ mạnh mẽ, cao cấp và độ phân giải 8K cao nhất hiện tại, Samsung đã sở hữu trọn bộ độ phân giải và dải tương phản ánh sáng lớn nhất.

HDR 10 và HDR 10+ là gì?

HDR là viết tắt cho cụm từ “High Dynamic Range” (tạm dịch: dải tương phản động mở rộng). Có thể hiểu đơn giản đó là khả năng mở rộng hơn nữa các điểm dừng (stop) ở vùng tối và vùng sáng của hình ảnh, vùng tối trở nên tối hơn trong khi vùng sáng thì sáng hơn và khoảng biến thiên từ giá trị tối nhất đến sáng nhất sẽ được nới rộng ra, nghĩa là độ tương phản tăng lên. Ngoài ra, dải màu cũng mở rộng hơn, màu đen sâu hơn, màu trắng sáng hơn, các đối tượng trở nên nổi khối hơn, nhằm đạt được mục đích cuối cùng là làm hình ảnh trở nên sống động và thực tế.

HDR10+-alliance-640x551.jpg

Hiện tại có khá nhiều chuẩn HDR như Dolby Vision, HDR10, HDR10+, HLG và Technicolor HDR. Trong đó chuẩn HDR 10 là chuẩn phổ biến nhất, do Hiệp hội các kĩ sư Điện ảnh và Truyền hình (SMPTE: Society of Motion Picture and Television Engineers) xây dựng. HDR10 gần như được hiểu là mặc định của HDR trên các dòng TV, đây cũng là chuẩn có các thông số kỹ thuật thấp nhất. Tuy vậy, các thông số của nó cũng khá cao so với công nghệ màn hình hiện tại với độ sâu màu 10 bit, không gian màu Rec 2020, dùng siêu dữ liệu tĩnh. Một yêu cầu khác để có thể có được hiệu ứng HDR tốt nhất là độ sáng màn hình, trong đó tối thiểu cũng là 1000 nit (trong khi các TV OLED hiện tại cao nhất cũng chỉ được 700 nit), các TV QLED của Samsung đạt độ sáng đến 1500 – 2000 nit, cao nhất thế giới hiện nay.

Còn HDR 10+ là định dạng HDR nâng cấp hơn nữa từ chuẩn cơ bản, được hậu thuẫn bởi 2 ông lớn công nghệ màn hình là Samsung và Panasonic, cùng những nhà sản xuất nội dung 20th Century Fox, Wanner Bros và Amazon. Ưu điểm lớn nhất của HDR10 và HDR 10+ là nó mở, ai cũng có thể sử dụng mà không tính phí, không phải như Dolby Vision tính phí khá cao, vì vậy nên triển vọng phát triển sẽ tốt hơn hẳn.

SDR-vs-HDR-640x360.jpg

HDR 10+ cũng dùng các tiêu chuẩn như độ sâu màu 10 bit, không gian màu rộng Rec 2020 nhưng khác biệt lớn nhất là sử dụng siêu dữ liệu động. Siêu dữ liệu (metadata) là những thông tin đi kèm với tín hiệu video từ những nội dung HDR, siêu dữ liệu sẽ đóng vai trò “hướng dẫn” và điều chỉnh tính năng HDR trên TV cách để hiển thị dải tương phản động sao cho chính xác và hiệu quả nhất.

Siêu dữ liệu tĩnh được dùng trên HDR 10 và siêu dữ liệu động được dùng trên HDR 10+. Nếu như siêu dữ liệu tĩnh sẽ đưa ra các chỉ dẫn đơn lẽ áp cho cả một khoảng khung hình nhất định thì siêu dữ liệu động chi tiết hơn, điều chỉnh ánh màu sắc từng hình ảnh, từng khung hình đạt được mức độ màu sắc sao cho phù hợp, gọi là Tone Mapping. Chính vì thế, siêu dữ liệu động sẽ cho kết quả hình ảnh đẹp hơn, chính xác hơn, chân thực hơn, hiệu quả thị giác ở mức tốt nhất khi đến mắt người xem.

hdr10-via-samsung-15351766342611760374588.jpg

Với việc nâng cấp các sản phẩm lên chuẩn HDR 10+, Samsung đã chính thức đưa các dòng TV trung và cao cấp của mình sang một trang mới, rực rỡ hơn, sống động hơn. Cùng với liên minh mới hình thành, Samsung là đầu tàu sẽ góp phần nhanh chóng phổ biến chuẩn này từ thiết bị ghi hình (máy quay), nội dung (video HDR) đến thiết bị phát hình (TV HDR).

Độ phân giải 8K siêu nét

Độ phân giải cao HD và tiến lên siêu cao Ultra HD (4K, 8K, 16K …) đều là những bước tiến vượt bậc của công nghệ hình ảnh. Độ phân giải tăng lên mở ra một chân trời mới trong trải nghiệm hình ảnh, khi mà độ chi tiết được tăng cường, độ sắc nét được cải thiện, đưa mọi thứ trên TV đến gần với đời sống thực. Chính vì vậy mà những nhà sản xuất thiết bị hình ảnh đều muốn thương mại hóa những sản phẩm mang tính tiên phong trong công nghệ, đặc biệt là những chiếc TV 4K cách đây vài năm và giờ là TV 8K.

unnamed.jpg

Có thể nói, TV 8K được nghiên cứu và phát triển từ khá lâu, cũng như đã có những chiếc TV concept demo trưng bày ở những triển lãm công nghệ lớn trên thế giới. Ngay cả hồi đầu năm 2018, tại triển lãm CES, Samsung cũng trưng bày chiếc TV 8K Q8S để giới thiệu với khách tham dự. Tuy vậy, thương mại hóa và sản xuất hàng loạt, bán đại trà là một câu chuyện khác.

Tại triển lãm IFA 2018 sắp diễn ra tại Đức, Samsung đã cho dựng một biển quảng cáo tại Đức cho sản phẩm này, với dòng chữ "Hãy sẵn sàng để trở nên kinh ngạc tại IFA", cùng với hình ảnh một chiếc TV được che một nửa. Rất có thể, với màn ra mắt rầm rộ về dòng TV 8K trong năm nay, Samsung nhiều khả năng trở thành nhà sản xuất thiết bị hình ảnh đầu tiên sản xuất hàng loạt, thương mại hóa và bán rộng rãi các dòng TV 8K siêu cao cấp.


Độ tương phản là yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên chất lượng hình ảnh, được hỗ trợ bởi công nghệ HDR xử lý ánh sáng chuyên biệt, còn độ phân giải cao mang đến chi tiết hình ảnh, độ sắc nét rõ ràng trong từng điểm nhỏ của khung hình. Dường như Samsung đang nắm giữ những gì tốt nhất cho hiển thị hình ảnh trên một chiếc TV, HDR 10+ và độ phân giải 8K.

Bui An
 
Bên trên