Huawei kiện startup Mỹ, cố tìm sự thống trị của Trung Quốc ở Thung lũng Silicon

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Một cựu nhân viên Huawei Technologies cáo buộc công ty sử dụng đơn kiện chống lại startup ở Thung lũng Silicon của anh như một phần trong chiến lược đánh cắp tài sản trí tuệ và giúp Trung Quốc vượt Mỹ, thống trị công nghệ.

Trong hồ sơ nộp lên tòa án, cựu nhân viên Yiren "Ronnie" Huang cho biết vụ kiện từ Huawei là động thái “mới nhất trong hàng dài nhiều chiến thuật dối trá” mà nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất Trung Quốc thực hiện. Huawei và đơn vị FutureWei của hãng này kiện Huang cùng startup CNEX Labs của ông vào tháng 12.2017, cáo buộc ông Huang kiếm tiền từ bí mật thương mại nhạy cảm có liên quan đến công nghệ sử dụng vi mạch làm bộ nhớ lưu trữ dữ liệu.

Ông Huang trước đó được tuyển làm kỹ sư ở FutureWei tại Santa Clara, bang California vào tháng 1.2011. Hai năm sau, ông rời công ty để lập CNEX, nơi ông là giám đốc công nghệ.

Trong hồ sơ trả lời dài 80 trang nộp hôm 16.10, Huang trình bày điều ngược lại về Huawei, cho biết ông được thuê để công ty Trung Quốc kiểm soát phát minh của ông cho sản phẩm Solid State Disk Non-Volatile Memory. Sau khi Huang rời đi, Huawei cố lấy thông tin độc quyền từ công ty mới của ông.

Tài liệu của ông Huang tận dụng nhiều lời chỉ trích để cho rằng Huawei không chơi công bằng, bao gồm cả lời cáo buộc gián điệp do các công ty Mỹ gửi lên và báo cáo quốc hội Mỹ cho hay sử dụng thiết bị của Huawei “có thể làm suy yếu lợi ích an ninh quốc gia cốt lõi của Mỹ”.

“Huawei và FutureWei phục vụ với tư cách những đơn vị tham gia quan trọng trong chiến dịch gián điệp doanh nghiệp nhằm đánh cắp tài sản trí tuệ từ các hãng công nghệ Mỹ, chẳng hạn như CNEX, với hy vọng sẽ vượt Mỹ trở thành siêu cường công nghệ nổi trội hơn vào năm 2025”, ông Huang viết trong hồ sơ.

Phát ngôn viên của Huawei chưa bình luận về vụ việc. Trước đây, công ty từng bảo vệ hành động của mình, đáp trả lại những lời buộc tội bằng cách cho hay hãng tự nghiên cứu riêng. Năm 2017, Huawei được trao 1.472 bằng sáng chế Mỹ, đứng thứ 22 trong danh sách các thực thể nhận nhiều bằng sáng chế nhất, theo Hiệp hội Chủ sở hữu Trí tuệ Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thúc đẩy chiến dịch Made in China 2025 để nâng cao bí quyết công nghệ Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực chính, chẳng hạn như máy tính và công nghệ sinh học. Chương trình là nguồn gốc gây ra căng thẳng giữa Đại lục và Mỹ và là yếu tố chính trong cuộc xung đột thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo đơn kiện ban đầu của Huawei, ông Huang và CNEX bắt đầu nộp đơn xin cấp bằng sáng chế chưa đầy một tháng sau khi rời FutureWei. “Huang dùng thông tin mà ông thu được từ quá trình làm việc ở FutureWei cùng nguồn lực, công nghệ của FutureWei trong việc lấy những bằng sáng chế này”, công ty cho hay. Huawei cũng cáo buộc ông Huang thu hút nhiều nhân viên FutureWei khác đến làm việc cho CNEX, một trong các hãng mà Huawei cho biết bị bắt gặp tải xuống hàng ngàn tài liệu mật.

Ông Huang từng làm việc cho nhiều doanh nghiệp, trong đó có Cisco Systems và SandForce. Ông kể mình được tuyển dụng vì chuyên môn trong mảng mạng lưới và hệ thống lưu trữ chỉ dùng bán dẫn. Ông cho hay FutureWei từ chối mua nghiên cứu của mình, thay vào đó là thuê tuyển mình để có nó.

“Hoạt động này là một phần trong chiến dịch lớn của Trung Quốc mà trong đó, Huawei là đơn vị tham gia chính. Chiến dịch nhằm đánh cắp bí quyết công nghệ Mỹ, vượt Mỹ trở thành nước đi đầu công nghệ thế giới vào năm 2025”, ông Huang viết trong hồ sơ.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên