Hôm nay, Huawei tuyên bố đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang Hoa Kỳ vì tính vi hiến của Mục 889 của Đạo luật Thẩm quyền Quốc phòng 2019 (National Defense Authorization Act - NDAA). Thông qua hành động này, Huawei tìm kiếm một phán quyết tuyên bố rằng các hạn chế nhắm vào Huawei là vi hiến, và có một lệnh cấm vĩnh viễn chống lại các hạn chế này.
"Quốc hội Hoa Kỳ đã nhiều lần không đưa ra được bất kỳ bằng chứng nào để hỗ trợ các lệnh cấm của mình đối với các sản phẩm của Huawei. Chúng tôi buộc phải thực hiện hành động pháp lý này như một biện pháp đúng đắn và cuối cùng", Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei nói. "Lệnh cấm này không chỉ là bất hợp pháp, mà còn hạn chế Huawei tham gia cạnh tranh công bằng, cuối cùng gây phương hại cho người tiêu dùng Hoa Kỳ. Chúng tôi mong muốn phán quyết của tòa án và tin tưởng rằng nó sẽ có lợi cho cả Huawei và người dân Mỹ".
Hồ sơ vụ kiện đã được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ ở Plano, Texas. Theo đơn kiện, Mục 889 của đạo luật NDAA 2019 không chỉ cấm tất cả các cơ quan Chính phủ Hoa Kỳ mua thiết bị và dịch vụ của Huawei, mà còn cấm họ ký hợp đồng hoặc trao các khoản tài trợ hoặc cho vay cho các bên thứ ba mua thiết bị hoặc dịch vụ của Huawei mà không cần bất kỳ một tiến trình hành pháp hay tư pháp nào. Điều này vi phạm Bill of Attainder Clause (một luật mà trừng phạt một người bị buộc tội mà không có một phiên tòa hoặc một buổi điều trần tại tòa án - ND), và “Quyền được xét xử theo luật” (Due Process Clause). Nó cũng vi phạm các nguyên tắc Phân tách Quyền hạn được ghi trong Hiến pháp Hoa Kỳ, bởi vì Quốc hội vừa làm luật, vừa cố gắng xét xử và thi hành nó.
Song Liuping, Giám đốc Pháp lý của Huawei, nhấn mạnh, "Mục 889 dựa trên nhiều đề xuất sai, chưa được chứng minh và chưa được kiểm chứng. Trái với tiền đề của đạo luật, Huawei không thuộc sở hữu, kiểm soát hoặc chịu ảnh hưởng của chính phủ Trung Quốc. Hơn nữa, Huawei có một hồ sơ và chương trình bảo mật xuất sắc. Không có bằng chứng nào được đưa ra".
"Tại Huawei, chúng tôi tự hào rằng chúng tôi là công ty cởi mở, minh bạch và được xem xét kỹ lưỡng nhất trên thế giới", John Suffolk, Giám đốc Bảo mật Không gian mạng và Quyền riêng tư Toàn cầu của Huawei, chia sẻ. "Cách tiếp cận bảo mật của Huawei bằng cách phát triển thiết kế và đặt ra các bộ tiêu chuẩn cao trong việc triển khai không nhiều công ty có thể làm được".
Từ quan điểm của Huawei, các hạn chế của NDAA ngăn cản công ty cung cấp các công nghệ 5G tiên tiến hơn cho người tiêu dùng Mỹ, điều này sẽ làm trì hoãn ứng dụng thương mại 5G, từ đó, cản trở nỗ lực cải thiện hiệu suất của mạng 5G ở Hoa Kỳ. Điều đó khiến người sử dụng mạng ở các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa của Hoa Kỳ sẽ buộc phải lựa chọn giữa tài trợ của chính phủ và các sản phẩm chất lượng cao, hiệu quả. Điều này sẽ cản trở quá trình nâng cấp mạng, sẽ khiến khoảng cách kỹ thuật số bị nới rộng. Tệ hơn nữa, những hạn chế đối với Huawei sẽ kìm hãm sự cạnh tranh, khiến người tiêu dùng Mỹ phải trả giá cao hơn cho các sản phẩm kém chất lượng.
Ước tính từ các nguồn trong ngành cho thấy rằng việc cho phép Huawei cạnh tranh sẽ giảm chi phí cơ sở hạ tầng không dây từ 15% đến 40%. Điều này sẽ tiết kiệm cho Bắc Mỹ ít nhất 20 tỷ đô la Mỹ trong bốn năm tới.
Guo Ping nói thêm: "Nếu luật này được đặt sang một bên, như lẽ ra, Huawei có thể mang các công nghệ tiên tiến hơn đến Hoa Kỳ và giúp họ xây dựng mạng 5G tốt nhất. Huawei sẵn sàng giải quyết các lo ngại về bảo mật của Chính phủ Hoa Kỳ. Việc dỡ bỏ lệnh cấm NDAA sẽ mang lại cho Chính phủ Hoa Kỳ sự linh hoạt cần thiết để làm việc với Huawei và giải quyết các vấn đề bảo mật thực sự".