Theo Bloomberg, giới chức và doanh nghiệp châu Âu ban đầu hành động chậm chạp trước các cảnh báo từ Mỹ, song tuần này thì bất ngờ công khai tách biệt mình với hãng cung cấp thiết bị Trung Quốc. Lo ngại ở đây là Bắc Kinh có thể dùng hàng Huawei để gián điệp, điều mà Huawei luôn phủ nhận. Dù nhiều nước chưa có lệnh cấm hoàn toàn, song triển vọng của Huawei tại thị trường lớn nhất bên ngoài Trung Quốc là châu Âu ngày càng mờ mịt.
Neil Campling, nhà phân tích công nghệ, truyền thông và viễn thông thuộc Mirabaud Securities cho biết: “Tổn thương danh tiếng mà Huawei phải gánh là đáng kể bất chấp kết quả. Có vẻ như Huawei sẽ mất thị phần lớn trong ba năm tới”.
Tại Pháp, nhà mạng Orange cho hay họ sẽ không dùng thiết bị của Huawei để xây dựng mạng 5G, sau khi BT Group của Anh quay lưng với các thiết bị Huawei. Ở Đức, Deutsche Telekom tuyên bố khả năng bỏ dùng thiết bị của hãng Trung Quốc. Hôm 14.12, chính phủ Na Uy tuyên bố đang cân nhắc lo ngại xoay quanh việc sử dụng các nhà cung ứng từ nhiều nước vốn dĩ không có sự hợp tác nào về mặt chính sách an ninh với Na Uy. Trung Quốc là một quốc gia như thế với Na Uy.
Pháp hiện thúc đẩy quy định chặt chẽ hơn nhiều. Nước này có biện pháp bảo vệ nhiều thành phần quan trọng của mạng lưới viễn thông, và hiện xem xét bổ sung nhiều mặt hàng vào danh sách “cảnh báo cao độ” có ý nhắm đến Huawei. “Đây là một tuần đầy thông báo và nhận định tiêu cực từ nhiều thị trường lớn nhất ở châu Âu, là Anh, Đức và Pháp”, CEO Bengt Nordstrom của hãng tư vấn viễn thông Northstream cho biết. Các nhà mạng lớn nhất châu Âu sẽ “thận trọng hơn nhiều” trong việc mua sắm thiết bị từ Huawei.
Rắc rối tại châu Âu của hãng Trung Quốc đến sau khi Nhật Bản, Úc, New Zealand và Mỹ quay lưng với hãng. Tại Canada, Giám đốc tài chính (CFO) Mạnh Vãn Chu của Huawei bị bắt vì bị Mỹ cáo buộc lừa đảo nhiều ngân hàng nhằm che giấu hành vi vi phạm lệnh trừng phạt Iran.
“Mất bạn” ở châu Âu đồng nghĩa với việc Huawei đối mặt rủi ro bỏ lỡ nhiều đơn hàng mạng lưới trị giá hàng tỉ euro. Deutsche Telekom, một trong những khách hàng lớn nhất châu Âu của Huawei, dự định đầu tư khoảng 20 tỉ EUR vào 5G và các kết nối internet tốc độ cao khác của Đức đến năm 2021. Châu Âu, Trung Đông và châu Phi chiếm 27% doanh thu Huawei.
5G khiến giới chức an ninh và chính phủ lo lắng, vì thế hệ di động mạng này sẽ mang nhiều dữ liệu nhạy cảm, có nguy cơ bị tấn công cao hơn.
Mùa hè vừa qua, Anh, thành viên của liên minh tình báo Five Eyes, là thị trường lớn đầu tiên ở châu Âu công khai thể hiện hoài nghi về tính an toàn của thiết bị Huawei. Cơ quan an ninh hệ thống thông tin của Pháp, hay Anssi, yêu cầu được tiếp cận đầy đủ vào công nghệ của những nhà cung ứng tiềm năng cho doanh nghiệp nước này, song đến nay Huawei vẫn chưa cung cấp thông tin. Tại Đức, giới chức ngày càng không thoải mái với sự tham gia của Huawei vào 5G và đang xem xét vấn đề.
Tuy nhiên, việc cả châu Âu quay lưng hoàn toàn với Huawei không phải chuyện dễ dàng. Hầu hết các nhà mạng đều có đặt hàng thiết bị Huawei vì công nghệ của hãng được xem là tiên tiến hơn của nhiều công ty đối thủ. Thêm vào đó, dù một số nhà phân tích cho rằng đề nghị bỏ dùng Huawei sẽ đem lại nhiều lợi ích cho các nhà cung ứng ở Bắc Âu, nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng có thể xảy ra.
“Nếu các nước phá tính toàn cầu hóa của ngành viễn thông, sẽ không ai thắng. Chúng ta đang bước vào kỷ nguyên thiếu chắc chắn”, ông Nordstrom nhận định.
Theo Thanh Niên