Vào ngày 8/8 vừa qua, Microsoft đã tung ra thế hệ Surface Go hoàn toàn mới, sử dụng bộ vi xử lý Pentium Gold của Intel. Ngay lập tức, hiệu năng của con chip này đã lập tức trở thành đề tài bàn tán trong giới công nghệ, khi mà rất nhiều người không hiểu vì sao Microsoft lại không lựa chọn dòng chip ARM dành cho Windows 10 và Snapdragon của Qualcomm như những tin đồn trước đó. Đến hôm nay, mọi chuyện mới được sáng tỏ khi cây viết Paul Thurrot hé lộ chính Intel đã là “người thứ ba” phá hỏng “mối tình” giữa Microsoft và Qualcomm.
Paul cho biết Intel đã “nài nỉ” bằng được Microsoft sử dụng dòng chip Pentium Gold của hãng thay cho ARM. Mặc dù Microsoft vẫn chưa đưa ra lý do cụ thể nhưng nhiều chuyên gia khẳng định quyết định thay đổi kế hoạch đầy bất ngờ này đến từ việc dòng chip của Qualcomm chưa thể sánh kịp với Intel nếu so về mặt hiệu năng cũng như mức độ tương thích với các sản phẩm laptop hiện nay.
Mặt khác, Intel cũng đã không ngừng đe dọa sẽ đâm đơn kiện các đối thủ khác, bao gồm cả Qualcomm, nếu họ dám sao chép kiến trúc x86 của hãng. Tuy nhiên, bất chấp điều đó, Microsoft vẫn đang tích cực cải thiện các dòng chip ARM để tiếp tục sử dụng trên những thiết bị tương lai.
Hiện tại có thể thua kém Intel nhưng tương lai của chip ARM dành cho Windows vẫn còn rộng mở phía trước. Các thiết bị mới chạy bộ vi xử lý Snapdragon 850 của Qualcomm dự kiến sẽ chính thức ra mắt vào cuối năm nay. Không những vậy, một thế hệ chip mới cùng những cải tiến vượt trội về mặt hiệu cũng được trình làng ngay sau đó, vào khoảng đầu năm 2019.
Mới đây, ARM còn hé lộ kế hoạch chi tiết dành cho thiết kế vi xử lý của mình trong 2 năm tới, đồng thời ra mắt cả CPU Cortex-A76 hồi đầu năm nay. Hãng cho biết các con chip Cortex-A76 sẽ mang đến hiệu năng của một cỗ laptop cao cấp nhưng chỉ tiêu thụ lượng điện năng như một chiếc smartphone mà thôi.
Cuối cùng, đừng quên rằng Intel đang gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất thế hệ chip Cannon Lake dựa trên tiến trình 10nm. Hãng đã buộc phải lùi lịch ra mắt dòng chip này vào năm 2019 thay vì cuối năm 2018 như kế hoạch ban đầu. Ngoài ra, sự nổi lên của các đối thủ “sừng sỏ” như AMD, NVIDIA hay Qualcomm cũng khiến cho cuộc chiến vi xử lý ngày càng gay cấn và trở nên khó khăn hơn.
Theo Genk