Chào bác. Nhân có câu hỏi của bác, em lại mạn phép "câu giờ" sang lĩnh vực dành riêng cho các bác kinh doanh kok 1 tí.
Với 1 người chủ đầu tư kinh doanh nói chung và kinh doanh karaoke nói riêng thì việc xác định các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhân hòa, chủ quan, khách quan ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh ... là vô cùng quan trọng, bởi nó quyết định đến sự thành bại, ảnh hưởng trực tiếp đến cái túi tiền. Nếu thành công, ta cười phe phé, tiền thu về tính theo "cần xé" , nhưng nếu ngược lại thì mặt ủ mày chau, đầu đau như búa bổ, nhìn ai cũng muốn "gây gổ"... b-(
Điều đầu tiên phải xác định là tiêu chí xây dựng mô hình kinh doanh cho hợp lý. Các bác tham khảo thông tin chung chung trên mạng thì càng dễ bị nhiễu loạn thông tin, bởi yếu tố vùng miền nó ảnh hưởng khá nhiều. Ai kinh doanh cũng muốn bộ hát quán mình phải thật "HAY" - đương nhiên rồi, nhưng hay là hay thế nào ? Như thế nào là hay ? Trả lời được câu hỏi đó không hề đơn giản, nếu ta không xác định được tiêu chí tổng hợp một cách rõ ràng. Khách hàng hát kok thì nó đủ thể loại, già có, trẻ có, công chức, cán bộ, công nhân, học sinh/sinh viên... thượng vàng hạ cám, người hát hay người hát dở, người tỉnh - người say, người hát hò để thưởng thức lành mạnh, nhưng không thiếu những kẻ đến hát với mục đích không lành mạnh (chơi ma túy, tìm "tay vịn", thậm chí có cả những kẽ phá hoại...) . Ở đây ta chỉ đề cập đến vấn đề kinh doanh lành mạnh, gia đình, bạn bè, hội họp.
Vì lượng khách hàng quá lẩu thập cẩm như thế, nên vấn đề đánh giá chất lượng của quán kinh doanh từ phía khách hàng, những người từng đi hát, thường xuyên đi hát, hiếm khi đi hát, hay những người chỉ có hát ở nhà... những người đó có thể là người nhà, hay bạn bè của mình, hoặc người quen, hoặc các cơ sở kinh doanh thiết bị kok tư vấn ... sẽ cho ra kết quả cũng lẩu thậm cẩm luôn. Nhiều khi người chủ kinh doanh cũng chẳng biết ai đúng, ai sai, mà chỉ thấy hầu như ai cũng nói có lý cả, đam ra nhiễu loạn thông tin, càng tham khảo nhiều càng thấy lúng túng, lắm thầy thì nhiều ma.
Giải pháp khá đơn giản, nhưng hiệu quả, là tham khảo xung quanh, xem người ta đang làm thế nào, rồi mình rút ra ưu nhược điểm, rồi áp dụng riêng cho mình. Nếu như ở các thành phố lớn, tiêu chí sẽ khác với vùng xa, vùng sâu, thậm chí ngay cả các thành phố lớn, tiêu chí cũng khác nhau. VD một cách tương đối : nếu đem mô hình âm thanh quán hát kok phổ biến ở các quán tại trung tâm SG áp dụng ở khu vực trung tâm Hải Phòng thì chỉ có nước đóng cửa sớm bởi chất lượng âm thanh không thể so sánh được với quy mô và mức đầu tư. Nên chỉ nêu câu hỏi chung chung, nhờ ae khắp nơi tư vấn, e rằng rất khó khả thi, vì mỗi người sẽ có 1 phương pháp, có thể phù hợp với họ, nhưng áp dụng với mình lại rất bất ổn.
Các cơ sở kinh doanh ra sau, thì yếu tố để tạo nên sự cạnh tranh, thu hút khách hàng chính là ở chất lượng âm thanh, cơ sở vật chất, phong cách phục vụ và giá cả. Để mổ xẻ tường tận 4 vấn đề lớn đó thì nói cả ngày cũng không hết, ở đây ta sẽ cùng trao đổi về vấn đề chất lượng âm thanh - yếu tố tối quan trọng của một cơ sở kinh doanh kok lành mạnh. Hoặc sau một thời gian hoạt động, cơ sở cũng cần tính đến bài toán nâng cấp trang thiết bị âm thanh, để theo kịp với sự đổi mới, tự làm mới mình, tăng thêm sức cạnh tranh, khẳng định thêm vị thế... nhằm mục đích cuối cùng : giữ chân khách hàng cũ, thu hút thêm khách hàng mới , để tạo ra lợi nhuận tối đa, hiệu quả trên đồng vốn bỏ ra.
Để xác định yếu tố chất lượng , tức là cái "HAY" khi hát thì cho dù khách hàng có là ai, như thế nào, thì hệ thống âm thanh HAY phải đảm bảo cho họ 4 yếu tố CƠ BẢN sau đây :
1 - Đủ âm lượng loa và công suất
2 - Đủ dải tần cho cả lời hát và nhạc
3 - Chế độ effect/echo hài hòa
4 - Chế độ căn chỉnh âm lượng giữa phần lời và nhạc hợp lý, với tỉ lệ ưu tiên cho phần lời hát.
Đó là đề bài cần giải quyết, và đáp án sẽ có rất nhiều.
Một người A trước đây chỉ đi xe đạp nội cà tàng, nay được đi cái xe mini Nhật mới toanh,êm ru, đạp nhẹ, lướt, bon, hẳn sẽ thấy rất thích, rất sướng. Và thấy cái xe cà tàng đó chẳng ra gì, không muốn đi nữa.
Sau vài năm khấm khá, người nọ sắm được cái xe Honda cub, thì ôi thôi sướng quá rồi, vừa nhàn, vừa oai, thấy cái mini Nhật chỉ là đồ bỏ.
Rồi thời gian sau nữa, người này mua được cái Dream Thái, thì nhìn cái Cub chỉ bằng nửa con mắt... thấy trần đời này cái Dream Thái là vô địch
Có dịp người A được người bạn B cho mươn xe Honda SH, lúc đó thì cái Dream chẳng còn lung linh trong suy nghĩ của người A như trước nữa...
Sự cảm nhận cái "HAY" trong âm thanh kok cũng vậy thôi, những người thường xuyên đi hát,người có nhiều cơ hội so sánh các hệ thống, các quán kinh doanh, thì sự cảm nhận, đánh giá về chất lượng của họ sẽ giá trị hơn nhiều so với những người rất ít khi đi hát, ít có dịp tiếp xúc với cây micro. Tuy chỉ là hình ảnh ví von cho vui, nhưng cũng là thực tế mà nhiều người thường gặp. Và người chủ kinh doanh sẽ có cái nhìn tổng thể hơn về mỗi lời khen-chê chất lượng, để từ đó rút ra câu trả lời chính xác cho riêng mình.
Trở lại với 4 tiêu chí cơ bản, chỉ cần thiếu đi 1 yếu tố, thì hệ thống âm thanh kok khó mà thỏa mãn được khách hàng ở mức tối đa. Tuy không cầu toàn, nhưng việc đáp ứng được càng tốt các tiêu chí , sẽ khiến cho cơ hội thành công của ta cao hơn rất nhiều. Vì trong thực tế triển khai, có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến chất lượng, cả chủ quan và khách quan, dẫn đến làm giảm giá trị khai thác của hệ thống âm thanh. Vấn đề này sẽ bàn tiếp ở phần sau.
Giờ ta đi tìm lời giải cho từng vấn đề :
1 - Đủ âm lượng loa và công suất : như thế nào là đủ ?
Còn nhớ cách đây tầm 20 năm, 1 phòng hát kok tầm 25m2 đến 30m2 chỉ có 1 cặp loa Nhật bãi + 1 amply bãi, hoặc sang hơn là có đôi Bose 301 + amply California , không có sub. Vậy mà vẫn hát, vẫn thấy hay nức nở. Còn bây giờ thì sao, đã khác quá nhiều rồi.
Hệ thống đủ âm lượng : là khi mà hát ở mức độ lớn nhất, gào thét đi chăng nữa, hoặc chơi nhạc DJ mà âm thanh vẫn tròn đầy, nét, không bị vỡ tiếng, không méo tiếng, không bị peak ở cả loa và amply. Âm thanh lan tỏa đều các vị trí trong phòng, không bị chỗ quá to, chỗ quá loãng, chỗ nghe hay, chỗ nghe dở. Vấn đề này còn do setup vị trí loa, vị trí ghế ngồi, cấu trúc phòng ốc, bố trí nội thất. Càng nhiều loa, nhiều amply thì hệ thống càng dễ đạt được tiêu chí này. Nhưng vấn đề sẽ nảy sinh là chi phí đầu tư sẽ lớn, không gian trong phòng sẽ bị ảnh hưởng do bố trí quá nhiều loa, nếu setup không đúng thì lại làm giảm chất lượng chung của hệ thống. Âm thanh có thể bị ngược pha, đảo pha, delay... Tức là tuy thừa loa, công suất, nhưng hiệu quả khai thác lại rất thấp.
Giải pháp đưa ra : tùy theo không gian, tiêu chí phòng hát, ta bố trí loại loa có công suất, độ nhạy, góc phủ phù hợp.
Vấn đề nảy sinh tiếp theo : vậy chọn loại loa, loại amply nào cho đủ, cho phù hợp với giá tiền đầu tư. Ở đây, ta bàn đến 1 khía cạnh nhỏ, đó là sự so sánh giữa các dòng loa Bose , BMB và JBL đang được áp dụng rất nhiều trong các phòng hát kok suốt từ Bắc chí Nam.
Mỗi người có 1 sự cảm nhận, 1 sự trải nghiệm, và tùy thuộc vào sự "lấn sân" của các thương hiệu, dẫn đến tình trạng lựa chọn 1 hay vài loại loa "truyền thống" cho kok như BMB 252V, Bose 301 III, IV hay V, JBL RM10 hay 101 theo vùng miền theo kiểu "nhìn nhau mà làm" . Bởi nhiều người e ngại 1 sự đột phá, 1 sự mới mẻ, nếu không có kinh nghiệm, không có kỹ thuật, không có đôi ngũ tư vấn chuyên nghiệp và có TÂM, thì thôi, cứ đường mòn mà đi cho nó lành. Mọi người chơi thế nào, ta chơi thế ấy. Hay dở thì cả làng cùng chịu. Nên một hiện tượng dễ thấy là các mặt hàng loa cũ như BMB 252, Bose 301 III, amply California 468 "xịn" ... tăng giá quá nhiều, quá cao trong vài năm trở lại đây. Chất lượng so sánh với những dòng mới thì còn nhiều ý kiến khác nhau, nhưng rõ ràng, những sản phẩm này đang có mức giá ảo, mà chính "nạn nhân" lại là chúng ta, những người đã vô tình, hay hữu ý góp phần làm cho thị trường hàng "nòi" này trở nên "ngựa chứng" , chỉ có tăng mà chưa bao giờ thấy giảm giá. Trong khi thực tế có nhiều dòng loa mới, amply mới đáp ứng rất tốt các nhu cầu cần thiết của 1 phòng kok hiện đại.
Bài toán số lượng loa, amply sẽ có lời giải tùy thuộc vào đặc tính địa phương, tiêu chí phòng hát và đầu tư tài chính
2 - Đủ dải tần cho cả lời hát và nhạc nền : là sao ?
Cái thời của EQ hình chữ V như cánh én mùa xuân đã qua lâu lắm rồi. Âm thanh là phải đủ dải tần, Low, Mid, High, thì người nghe, và nhất là người hát sẽ ko bị mất giọng, âm thanh sẽ mềm mại, tròn trịa, đầy đủ, cảm giác hát rất thư thái. Tiếng nhạc cũng vậy, bass chắc chắn, gọn gàng, đầy đặn mà không được ù ì, đuôi dài lẵng nhẵng, trung âm phải nét nhưng vẫn êm, tiếng treble phải mượt mà, chi tiết mà không được chát chúa.
Nảy sinh 2 vấn đề : micro và nguồn nhạc nền
- Nếu là micro, có nơi dùng micro dây mới là đẳng cấp, nhưng có nơi đem mic dây vào là khách ko thèm hát. Chủ yếu là do tầm tiền thôi. Một chiếc micro không dây hạng xoàng xoàng, muốn có cùng chất lượng vối 1 chiếc micro dây, thì giá tiền phải gấp 4 đến 6 lần (trung bình). Mỗi loại có ưu nhược điểm riêng. Dây thì nhược điểm là lằng nhằng, vướng víu, cảm giác không Pro... Nhưng ưu điểm là (nếu cùng chất lượng âm thanh) : giá thành rẻ hơn đôi chút, ít hư hỏng hơn nếu làm rơi, nhúng nước, nhúng ...bia, không phải lo về sóng sánh tậm tịt, thay pin, khách ít "cầm nhầm" . Micro không dây thì có ưu điểm và nhược điểm ngược lại với nhược điểm và ưu điểm của mic dây.
Nói chung: để đầu tư thì micro không dây sẽ tốn kém hơn nhiều.Để hát ổn, thì micro không dây tầm 3 triệu/cặp. và mic dây tầm 2 triệu/cặp là đủ cho nhu cầu và chất lượng chấp nhận được.
- Về nhạc nền : cái này cũng phân thành nhiều trường phái , DVD MIDI 6 số, DVD HDD. Mỗi loại lại chia nhiều nhánh nhỏ với rất nhiều nhà cung cấp, nhiều thương hiệu, có thể tìm thấy ngay trên diễn đàn này.
Vấn đề chung của nhạc nền : nếu là giai điệu MIDI thì giá thành rẻ, chất lượng ở mức trung bình. Còn nếu lưa chọn HDD thì giá thành cao hơn, nhưng nhạc lại phù hợp với đại đa số người hát, bởi nhạc phát là nhạc như ca sĩ, có nhiều bản hòa âm để mình lựa theo ca sĩ mình thích, hình ảnh cũng sống động hơn, thật hơn. Âm lượng thì có nhược điểm lớn nhất là bài to bài nhỏ, hoặc bit rate nén quá nhiều làm giảm chất lượng. Nếu quán kinh doanh khách tự chọn bài, hoặc chọn bài theo kiểu phòng kỹ thuật chung cho nhiều phòng hát thì vấn đề này trở nên khó giải quyết, còn nếu 1 phòng 1 nhân viên chỉnh nhạc thì ok, ko vấn đề.
Để có nhạc nền hay, và tiếng mic hay, thì việc đủ dải tần cho nó là quan trọng. Việc này có thẻ xử lý trên amply, mixer hay bằng các thiệt bị hỗ trợ khác.
3 - Chế độ effect/echo hài hòa : là như thế nào ?
Mỗi người hát, dù là ca sĩ xịn hay ca sĩ vườn, đều cần một lượng tiếng vang nhất định để giúp cho giọng hát trở nên mềm mại và hấp dẫn hơn. Loại bỏ tiếng vang ký sinh do thiết kế nội thất phòng ốc (cái này cũng rất ảnh hưởng) thì vấn đề căn chỉnh tiếng vang (echo) trên amply karaoke hay chỉnh effect (reverb, delay) trên hệ thống kok pro là khá quan trọng.
Tùy theo mỗi bài nhạc, mỗi giọng hát , sẽ có yêu cầu cho tiếng vang khác nhau. Ở các hệ thống kok cố định, khách tự chọn, hoặc chọn bài theo phòng kỹ thuật tổng, thì thông số này cũng để mặc định. Còn ở các hệ thống có nhân viên chỉnh nhạc thì ok hơn.
Nếu sử dụng amply kok : thì tiếng vang là Echo (là 1 dạng của Delay nhưng hiệu ứng phức tạp hơn nhờ sự đan xen tín hiệu qua lại giữa 2 vế L và R theo 1 tỉ lệ nhất định do nhà SX đã thiết kế sẵn). Echo không được để lặp lại quá nhiều, làm tiếng hát bị đè lẫn lên nhau, tiếng trước đá tiếng sau. Các thông số ảnh hưởng là Dly Time và Repeat. Echo phải chỉnh để khi người hát dứt tiếng, phần lặp lại vẫn có đủ độ dài và độ lớn, tiếng hát sẽ không bị cộc, bị hụt, bị khô.Vị trí biến trở ở giữa (12h) là 1 vị trí trung tính, không hay nhưng cũng không dở, được thiết kế để nếu như ta không rành, có thể đặt vị trí đó, hát cũng tạm được. Tùy thuộc từng loại amply, tuôi đời máy khai khác nhiều hay ít, mà thông số này có thê có những sai số, có khi cùng để vị trí giữa, nhưng cái amply này nghe có vẻ nhiều echo hơn cái kia, hoặc ngược lại. Điều đó là bình thường, ta cần chỉnh cụ thể tùy theo từng loại.
Một số loại amply kok đời mới có tích hợp thêm mạch hồi âm Reverb, nhưng chất lượng khá hạn chế.
- Nếu sử dụng bàn mixer rời thì sao : có nhiều vấn đề nảy sinh , dùng effect nào cho hay? dùng loại có sẵn trên mixer hay dùng loại effect rời ?
Đương nhiên là hầu hết effect rời sẽ hay hơn, vì nó được thiết kê chuyên biệt.
Có 2 loại effect chủ yếu cần dùng cho việc hat kok là Delay và Reverb. Việc phối hợp các bộ tiếng vang này cần hết sức cẩn thận, bởi 1 đặc trưng là sự "nịnh giọng" sẽ có độ sai khác so với khi dùng amply kok truyền thống. Khi hát trên hệ thống dùng effect thì cảm giác đầu tiên là âm thanh có vẻ thật hơn, giông sân khấu hơn, tiếng mềm mại hơn, không bị cảm giác âm thanh lập bập như tiếng echo. Nhưng nếu căn chỉnh effect không hợp lý thì có thể người hát sẽ bị mệt, âm thanh phát ra mất đi vẻ quyến rũ vốn có của các hiệu ứng chuyên nghiệp này. Nếu chỉ dùng reverb không hoặc delay không thì không ổn chút nào, 2 hiệu ứng này cần phải mix lại với nhau theo 1 tỉ lệ nhất định, và các thông số của mỗi hiệu ứng phải được cài đặt thích hợp. Không phải tiếng delay , tiếng reverb nào của thiết bị nào dùng cũng cho ra hiệu quả giống nhau. Mà mỗi thiết bị sẽ có điểm đặc trưng, mỗi hiệu ứng trên cùng 1 thiết bị cũng cho ra âm thanh khác nhau. Ngay cả ca sĩ, muốn hát cho âm thanh hay, đẹp, họ vẫn cần cả tiếng delay và reverb, tùy theo bài nhạc, tùy theo không gian... tiếng effect vẫn có, nhiều hay ít mà thôi. Còn đối với đại đa số người hát kok thì tiếng delay sẽ cần với tỉ lệ cao hơn, so với tiếng reverb.
Trên thị trường có rất nhiều loại thiết bị tạo hiệu ứng effect: ít tiền 1 vài trăm $ cho đến hàng ngàn $, mỗi loại có những tính chất khác nhau, nên người sủ dụng muốn mua cần phải tham khảo thật kỹ đặc điểm tính năng, chất lượng, giá thành đầu tư trước khi quyết định
Và tiếng vang, vẫn là 1 yếu tố quan trọng để làm âm thanh kok được hay hơn
4 - Chế độ căn chỉnh âm lượng giữa phần lời và nhạc hợp lý, với tỉ lệ ưu tiên cho phần lời hát.
Vấn đề này được đặt ra khi mix phần lời hát và phần nhạc nền. Một tiếng hát quá to, phần nhạc quá nhỏ, hay ngược lại, đều làm cho tổng thể mất đi sự hài hòa. Nếu nhạc to, mic nhỏ, người hát sẽ rất mệt, nhạc nhỏ, mic to thì hát cũng rất chán. Vậy như thế nào là vừa ?
Thông thường , khi người hát, và người nghe sẽ có đặc điểm tâm lý khác nhau. Nếu người ngồi nghe cảm thấy vừa rồi, nghe như đĩa rồi, thì người hát sẽ cảm thấy giọng hát hơi nhỏ. Để cho người hát thấy thoải mái, hát nhẹ nhàng, không mệt, thì họ phải nghe rõ giọng hát của họ, dù khi hát ở nốt thấp nhất, nhỏ nhất.
Chế độ EQ cho phần nhạc cũng là vấn đề cần luu tâm. phần trung âm của nhạc nên giảm bớt, so với phần treble, và nhất là tiếng kick bass phải được thể hiện đầy đủ, chắc chắn để tạo nhịp. Tùy thuộc vào từng bài hát, thể loại, cách hòa âm mà mỗi bài có độ cân bằng các dải tàn số khác nhau. Có bài nhiều bass, bài thì nhiều treble, bài thì nhiều trung, ít bass ... Nhưng nguyên lý chung là các dải tần của nhạc không được che mất phần giọng hát
Trên đây là phân tích 1 chút về 4 yếu tố quan trọng để tạo ra chất lượng âm thanh hay cho hệ thống kok. Tuy nhiên , muốn đạt được nó, thì phải trải qua 1 vài trở ngại nữa về mặt kỹ thuật : đó là tiếng hú rít (lac-xen) và sự mất cân bằng âm lượng giữa phần lời hát và phần nhạc không thể khắc phục bằng các phương pháp thông thường.
Tiếng hú rít là rào cản kỹ thuật khiến cho chất lượng âm thanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tùy thuộc vào cấu hình hệ thống âm thanh, cách căn chỉnh, setup, cách bố trí loa, thiết kế nội thất, tiêu tán âm trong phòng ốc mà có thể mỗi phòng hát có 1 vấn đề hú rít khác nhau. Nhưng đặc điểm chung là hễ cứ nâng âm lượng micro, hay âm lượng tổng lên cho dễ hát, thì tiếng hú xuất hiện, nếu giảm bớt âm lượng, hay giảm bớt EQ trên các vị trí tương ứng để cho không còn hú rít thì tiếng hát lại trở nên nặng trịch, bí, tối ... Nhiều hệ thống bị vấn đề này rất nghiêm trọng , nhưng cũng hệ thống đó, ở không gian khác, lại không bị ảnh hưởng, hoặc mức độ ảnh hưởng ít hơn nhiều.
Biện pháp xử lý : nếu dùng EQ trên amply, hay trên mixer thì dường như không giải quyết được vấn đề. Bởi như đã nói trên, nếu giảm EQ, hay âm lượng thì âm thanh của micro lại mất rất nhiều, hát rất mệt. Do dải tần của mỗi nút EQ có băng thông rất rộng, khi giảm , ta sẽ giảm luôn cả những tần số không gây hú rít, nên làm chất lượng âm thanh xấu đi quá nhiều. Bởi vậy có nhiều phương pháp để xử lý tương đối triệt để : sắp xếp lại hướng loa, thay đổi loại loa, căn chỉnh lại hệ thống... nhưng hiệu quả nhất vẫn là dùng EQ pro dạng Graphic, 15 band hay tốt hơn là 31 band, cắt hú rít sẽ tốt hơn nhiều. Cách đấu nối thì tùy thuộc vào hệ thống mà ta đưa vào từng vị trí insert hay line cho phù hợp.
Trên thực tế, tiếng hú rít có thể xảy ra ở các dải tần từ 80Hz ~ 10KHz, nên để xác định chính xác dải tần nào bị hú rít thì dùng thiết bị đo chuyên dụng (chính xác nhất) hoặc dựa vào kinh nghiệm đôi tai (chính xác nhì) hoặc chỉnh bừa (chính xác bét). Cũng chính vì chỉnh bừa nên nhiều người có EQ mà vẫn không xử lý được tí nào vấn đề hú rít, mà trái lại còn làm âm thanh xấu tệ hơn. Hoặc dùng không đến nơi đến chốn, EQ cắt đúng tần số hú rít, nhưng cắt quá mức, làm cho đáp tuyến bị "lẹm" , âm thanh lại bị thiếu ở dài tần đó... Nên nhiều người ngại dùng EQ, hoặc không dám dùng EQ là vì vây. Một chiếc EQ tốt, không những không làm giảm chất lượng âm thanh chung, mà trái lại, nó còn giúp cho hệ thống đạt được sự cân bằng đáp tuyến, bổ sung hay cắt gọt những điểm cộng hưởng xấu, và thực sự EQ để cải thiện âm thanh, nhất là với không gian kok. Dùng EQ đúng, chi phí bỏ ra thấp hơn nhiều so với việc phải cải tạo lại hệ thống tiêu tán âm, thay đổi loa, công suất, và vấn đề quan trọng hơn, không tính được bằng tiền, là cơ sở kinh doanh bị mất khách, mất uy tín, khi có một chất lượng âm thanh tệ . Một khi đã mất đi thì Vấn đề lấy lại uy tín bao giờ cũng khó hơn rất nhiều
Cùng với tiếng hú rít thì sự mất cân bằng âm thanh giữa phần lời và nhạc cũng gây ảnh hưởng, tuy không quá lớn. Tren thị trường có một thiết bị chuyên nghiệp để hạn chế vấn đề này, đó chính là compressor/limiter., gọi tắt là comp
Comp sẽ giúp cân bằng âm lượng một cách tự động, giúp cho tín hiệu tổng thể trở nên hài hòa hơn, dày dặn hơn, đẹp hơn. Tuy nhiên dùng comp không đúng , sẽ gây ra vấn đề ảnh hưởng lớn đến chất lượng hệ thống. Cùng với EQ, thì comp cũng là 1 con dao 2 lưỡi, nếu biết sử dụng, hoặc có cách sử dụng vận hành đúng, thì chất lượng âm thanh sẽ rất tốt. Hiện nay, việc áp dụng các thiết bị Pro vào hệ thống kok kinh doanh, dù dùng amply kok truyền thống, hay dùng mixer + effect rời chuyên nghiệp đều đem lại hiệu quả rất cao, đảm bảo tối ưu hóa khả năng xư lý tín hiệu, nâng cao hệ số an toàn cho bộ loa, công suất.Thật nhiều ưu điểm để mang lại hiệu quả cao so với cùng một tầm tiền đầu tư.
Môt vài dòng nói trên thực sự chưa nhiều, mà chỉ là các thông tin khái quát nhất, cơ bản nhất , để nhận định và đánh giá về CHẤT LƯỢNG của âm thanh kok dành cho các cơ sở kinh doanh. Để đi sâu phân tích mổ xẻ thêm nữa thì e rằng trong khuôn khổ bài viết này không thể đủ được. Bởi còn rất nhiều các vấn đề có liên quan, góp phần đến sự thành công hay thất bại của cơ sở kinh doanh. Nhưng có thể khẳng định được rằng, với đại đa số các cơ sở kinh doanh chân chính thì chất lượng âm thanh là vấn đề quan trọng nhất, mặc dù tiêu tốn không nhiều tiền bằng đầu tư cở sở vật chất, trang trí, nội ngoại thất...
Hy vong qua đây sẽ giúp được 1 phần nào, dù nhỏ bé, để những người làm kinh doanh có thể nắm bắt thêm 1 số vấn đề cơ bản về kỹ thuật. Xin nói thêm là những nhận định của người viết mang tính chủ quan, có thể đúng hoặc chưa đúng, mọi người có thể tham gia góp ý để bà viết được đầy đủ hơn.
Và trở lại với chủ đề chính của topic, em sẽ viết tiếp các vấn đề đã đươc liệt kê tại bài đầu tiên của topic này, sẽ hoàn thiện dần dần.
Kính
*-