Hệ thống camera giám sát quốc gia của TQ đã tạo ra ít nhất 4 tỷ phú đô la

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Trước khi trở thành tỷ phú, Dai Lin đi làm bằng cách đạp xe trên những con phố ở Thiên Tân để đến trụ sở của Tiandy Technologies Co., công ty sản xuất camera mà anh thành lập với sự hỗ trợ của chính phủ Trung Quốc.

Khi Dai thành lập công ty của mình vào năm 1994, rất hiếm thấy các camera giám sát trên đường phố Trung Quốc. Giờ đây, chúng có mặt ở khắp mọi nơi, trở thành một bộ phận của hệ thống giám sát công nghệ cao ở cấp độ quốc gia. Điều này đã làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư và nhân quyền ở quốc gia đông dân nhất thế giới, đặt ra những câu hỏi hóc búa cho các nhà đầu tư quốc tế và khiến các doanh nhân có mối quan hệ tốt với chính quyền như Dai trở nên vô cùng giàu có.

Cựu học giả 54 tuổi, hiện đang lái một chiếc xe sedan sang trọng và trao những món tiền thưởng hậu hĩnh cho các nhân viên làm việc với năng suất cao, là thành viên mới nhất của "hiệp hội tỷ đô" gồm ít nhất bốn doanh nhân đang sở hữu khối tài sản trị giá hàng tỷ USD từ việc sản xuất các thiết bị giám sát. Họ coi chính phủ Trung Quốc là khách hàng và nhà đầu tư chủ chốt của công ty mình. Giá trị ròng của 4 công ty này gộp lại hiện đã vượt quá 12 tỷ USD, theo báo cáo của Bloomberg Billionaires Index.

1913490.jpg


Các tỷ phú của "ngành công nghiệp" giám sát người dân

Bốn "ông trùm" trong lĩnh vực sản xuất thiết bị giám sát người dân của Trung Quốc có trị giá tổng cộng 12,1 tỷ USD.

hd.jpg

Nguồn: Bloomberg Billionaires Index tính đến ngày 20 tháng 2 2019; báo cáo và công bố của các chính các công ty

Số liệu trên cho thấy quy mô của chiến dịch lớn chưa từng có nhằm "để mắt" tới 1,4 tỷ người dân của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Khoảng 176 triệu camera giám sát đã được lắp đặt để theo dõi các đường phố, tòa nhà và không gian công cộng của Trung Quốc trong năm 2016, so với con số 50 triệu camera được lắp đặt ở Mỹ, theo IHS Markit. Năm 2017, chính phủ của ông Tập đã chi khoảng 184 tỷ USD cho hoạt động an ninh nội địa. Đến năm 2020, các nhà chức trách Trung Quốc có kế hoạch tung ra một mạng lưới camera trên phạm vi toàn quốc và một hệ thống "tín dụng xã hội" nhằm theo dõi các dữ liệu cá nhân của người dân trên tất cả mọi khía cạnh, từ số lần vi phạm giao thông đến thói quen chơi trò chơi điện tử. Trong tương lai gần, chúng ta sẽ khó lòng di chuyển trong thành phố Thiên Tân hay bất kỳ thành phố nào khác ở Trung Quốc mà không bị theo dõi.

1913487.jpg


Camera giám sát trên một con đường ở Thiên Tân. Ảnh: Blake Schmidt/Bloomberg

Và không chỉ có các công ty tập trung kinh doanh trong lĩnh vực giám sát như Tiandy đang hỗ trợ chính phủ mở rộng các chương trình giám sát của họ. Ngay cả các công ty từ Alibaba Group Holding Ltd. đến Ping An Insurance Group Co. và Tencent Holdings Ltd đều đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong chiến dịch này. Bạn sẽ nhận thấy các mối liên hệ tới chiến dịch giám sát quốc gia của Trung Quốc tại hầu hết các doanh nghiệp sáng tạo nhất của nước này - một vài trong số đó là các doanh nghiệp thuộc danh mục 401(k) và nhiều danh mục đầu tư khác trên toàn thế giới.

Những người ủng hộ các hoạt động giám sát của Trung Quốc nói rằng các hoạt động này góp phần củng cố niềm tin, cải thiện sự an toàn ở nơi công cộng và giúp đưa đất nước trở thành quốc gia dẫn đầu thế giới trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo. Còn những người chỉ trích chiến dịch này, trong đó có tỷ phú từ thiện George Soros, nói rằng chính phủ của ông Tập đang lạm dụng công nghệ để áp đặt sự kiểm soát tới mức nguy hiểm đối với các công dân của mình. Sự lo ngại đó mới chỉ xuất hiện trong một vài tháng gần đây, trong bối cảnh các báo cáo về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ, nhóm dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi ở khu tự trị Tân Cương, được công bố.

1913484.jpg


Công nghệ nhận diện khuôn mặt được trình diễn tại trụ sở của Tiandy ở Thiên Tân. Ảnh: Giulia Marchi/Bloomberg

Khi Tiandy và các công ty có cùng lĩnh vực kinh doanh mở rộng hoạt động ra nước ngoài, đã có những ý kiến lo ngại rằng ngành công nghiệp giám sát của Trung Quốc có thể giúp chính phủ các nước ở châu Phi và Mỹ La-tinh tăng cường các hoạt động làm xói mòn các quyền tự do dân sự. Một số lo ngại khác, càng được làm sâu sắc thêm sau các cáo buộc của Mỹ chống lại công ty công nghệ Huawei Technologies Co., là việc các thiết bị giám sát có nguồn gốc từ Trung Quốc có thể được Bắc Kinh sử dụng để thực hiện các hoạt động gián điệp đối với các quốc gia bên ngoài. Bộ phận HiSilicon của Huawei hiện đang là nhà cung cấp chip chính cho các sản phẩm camera giám sát.

"Cách tiếp cận của chính phủ Trung Quốc trong việc tận dụng các dữ liệu về người dân cho những mục đích kiểm soát và quản lý xã hội có thể làm gia tăng quyền lực cưỡng chế của Nhà nước theo những cách có thể gây ra nhiều phiền phức và rắc rối, bao gồm cả tương lai của nền quản trị dân chủ trên toàn thế giới", Elsa Kania, trợ lý cao cấp tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, bao gồm một nhóm các chuyên gia cố vấn có trụ sở tại Washington, cho biết. "Nhiều công ty đang xuất khẩu các ứng dụng sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI), chẳng hạn như nhận dạng khuôn mặt, vốn có thể được sử dụng để giám sát và thậm chí là đàn áp người dân".

Các quan chức Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định rằng những lo ngại như vậy là không có cơ sở. Phản ứng lại trước những chỉ trích của tỷ phú Soros liên quan tới các chương trình giám sát của Trung Quốc tại Diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos hồi tháng trước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này Hua Chunying cho rằng những bình luận của các nhà quản lý quỹ phòng hộ trước đây "thậm chí còn không đáng để bận tâm và bác bỏ". Nhà sáng lập Huawei Nhậm Chính Phi cũng phủ nhận thông tin cho rằng công ty của ông hỗ trợ cho hoạt động gián điệp của Bắc Kinh.

Tiandy, công ty sáng tạo ra hệ thống giám sát nổi tiếng và cũng đầy tai tiếng ở Thiên Tân, vốn có khả năng nhận diện và xác định những người đi bộ sang đường sai quy định trên phố và hiển thị khuôn mặt của họ trên các bảng quảng cáo lớn bên đường, từ chối đưa ra bình luận về giá trị ròng của công ty cũng như các vấn đề liên quan đến quyền riêng tư của người dân xung quanh các chương trình giám sát của Trung Quốc.

1913481.jpg


Một màn hình lớn bên đường hiển thị thông tin và hình ảnh của những người đi bộ sang đường sai quy định, phát hiện bởi hệ thống giám sát Tiandy ở Thiên Tân. Ảnh: Giulia Marchi/Bloomberg

Công ty Wuhan Guide Infrared, một nhà sản xuất camera hồng ngoại Trung Quốc có vị chủ tịch sở hữu khối tài sản trị giá 1,3 tỷ USD và Ping An, công ty phát triển công nghệ cảm biến thông minh cung cấp cho chính quyền địa phương, đều từ chối đưa ra bình luận. Tencent cũng không trả lời các câu hỏi liên quan tới việc tập đoàn này đầu tư lớn vào các công ty khởi nghiệp có liên quan đến các công nghệ giám sát người dân. Người phát ngôn của bộ phận điện toán đám mây thuộc tập đoàn Alibaba, cho biết các nhà chức trách sử dụng công nghệ "City Brain" của họ đã nhận thấy "sự cải thiện rõ rệt trong một số lĩnh vực như giao thông và thời gian phản hồi khẩn cấp".

Trái ngược với những ý kiến quan ngại về sự giám sát của chính phủ được Soros và một số tổ chức như Liên hợp Quốc đưa, người dân Trung Quốc lại tỏ ra khá thờ ơ. Những người lớn tuổi từ lâu đã quen với việc sống dưới sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, còn các thế hệ trẻ thì thường xuyên chia sẻ gần như mọi khía cạnh của cuộc sống của họ trên các phương tiện truyền thông xã hội. Mặc dù đã có một số ý kiến "thưa thớt" bày tỏ sự không đồng tình trước dữ liệu cá nhân của người dân bị thu thập quá mức, song nhiều công dân sẵn sàng hy sinh một số quyền riêng tư của họ miễn là các nhà lãnh đạo Trung Quốc tiếp tục thực hiện những lời hứa về gia tăng thu nhập và những sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ.

Những người ủng hộ hệ thống tín dụng xã hội của chính quyền Trung Quốc, hiện đang được thử nghiệm ở một số thành phố trước khi triển khai trên phạm vi toàn quốc theo kế hoạch vào năm 2020, nói rằng hệ thống này góp phần thúc đẩy các giao dịch trung thực ở quốc gia nơi mà hệ thống pháp lý thường không tạo được niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Với chính sách mới này, những người có điểm tín dụng xã hội cao có thể được hưởng các dịch vụ cấp cao như mua mua vé máy bay, vay tiền, mua nhà và được đảm bảo một công việc lương cao ổn định.

1913478.jpg


Hệ thống giám sát được sử dụng để theo dõi các phòng thi trong Kỳ thi Tuyển sinh Đại học ở Trùng Khánh, Trung Quốc. Ảnh: VCG qua Getty Images

Điều đáng sợ là chính phủ Trung Quốc và các doanh nghiệp cung cấp cho giới chức công nghệ giám sát và kiểm duyệt, cũng đang xây dựng một hệ thống có khả năng ngăn chặn bất đồng chính kiến mạnh mẽ và hiệu quả chưa từng có.

Tại khu tự trị Tân Cương - nơi có tới 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ trong các trại giam tập thể, chính quyền Trung Quốc đang triển khai hệ thống máy ảnh hỗ trợ công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), máy quét khuôn mặt và các công cụ giám sát âm thanh để thực hiện những hành vi mà Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã mô tả là một "chiến dịch vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống". Chính quyền Trung Quốc mô tả các trại trên là những trung tâm giáo dục tự nguyện giúp thanh lọc "các căn bệnh về ý thức hệ".

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền đã liệt kê một số cái tên như Công ty iFlyTek Co., nhà phát triển công nghệ nhận dạng giọng nói có trụ sở tại Thâm Quyến và Thermo Fisher Science Inc., nhà sản xuất bộ giải mã DNA có trụ sở tại Massachusetts, với cáo buộc cung cấp thiết bị và công nghệ giám sát cho cảnh sát Tân Cương. Nhóm vận động cũng kêu gọi các nhà đầu tư không đầu tư vào các doanh nghiệp có liên kết đến với chương trình giám sát hàng loạt của Trung Quốc (iFlyTek và một số đồng nghiệp của họ, chẳng hạn như Công ty Công nghệ kỹ thuật số Hàng Châu Hikvision và Công ty Công nghệ Zheijiang Dahua, là các doanh nghiệp có mặt trong chỉ số chứng khoán chuẩn toàn cầu của MSCI Inc).

Các chính trị gia Hoa Kỳ cũng đang gây áp lực. Vào tháng 8 năm ngoái, một nhóm các nhà lập pháp Mỹ lưỡng đảng đã kêu gọi Nhà Trắng trừng phạt các doanh nghiệp trong đó có Hikvision và Dahua, hai trong số các nhà sản xuất camera giám sát lớn nhất của Trung Quốc, vì các cáo buộc tạo điều kiện cho nạn vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Cả hai công ty đều bị cấm cung cấp công nghệ và thiết bị cho chính phủ Hoa Kỳ.

1913475.jpg


Camera an ninh đang được lắp đặt gần một nhà thờ Hồi giáo ở Kashgar, khu tự trị Tân Cương. Nguồn: Bloomberg

Có một cảm giác "không thoải mái sâu sắc" trong mắt các nhà quan sát phương Tây đối với chương trình giám sát của Trung Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều người trong số họ đang ngày càng trở nên nhạy cảm trước các thông tin về hành vi lạm dụng quyền riêng tư có thể đã xảy ra sau nhiều vụ việc gây tranh cãi có liên quan tới các công ty công nghệ lớn như Facebook. Đó là quan điểm của Shoshana Zuboff, Giáo sư danh dự của Trường Kinh doanh Harvard. Cuốn sách của ông "Thời đại của chủ nghĩa tư bản giám sát" (The Age of Surveillance Capitalism) có riêng một phần viết về câu chuyện xảy ra ở Trung Quốc.

Người phát ngôn của Hikvision cho biết lệnh cấm chính phủ Hoa Kỳ "không dựa trên bất kỳ bằng chứng, đánh giá hoặc điều tra nào về các rủi ro bảo mật tiềm ẩn đến từ Hikvision" và "đã bỏ qua các cam kết của Hikvision để tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật hiện hành". Dahua và iFlytek thì chọn cách không đưa ra các phát ngôn chính thức. MSCI cho biết các chỉ số chứng khoán của công ty công bố được thiết kế để thể hiện "triển vọng đầu tư chung" và do đó sẽ không đưa ra những đánh giá mang tính "chủ quan" về các công ty thành phần. Thermo Fisher trong tuần qua cũng tuyên bố rằng họ đã quyết định ngừng kinh doanh công nghệ nhận dạng DNA tại Tân Cương.

Mặc dù những phản ứng dữ dội về vấn đề Tân Cương có thể hạn chế doanh số bán các sản phẩm giám sát của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, song nhu cầu sử dụng tại hộ gia đình và ở nhiều thị trường mới nổi vẫn đang tăng nhanh, đủ để khiến một thế hệ mới các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ giám sát được hình thành.

1913472.jpg


Hệ thống nhận dạng người và phương tiện của SenseTime. Ảnh: Gilles Sabrie/Bloomberg

Trong số những công ty khởi nghiệp đạt được nhiều thành công nhất phải kể đến Sensetime, một công ty hàng đầu về công nghệ nhận diện khuôn mặt, với khoảng 2/5 doanh thu của công ty này đến từ các hợp đồng với chính phủ. Công ty bốn năm tuổi này - một thành viên của "Nhóm Trí tuệ Nhân tạo Quốc gia" Trung Quốc - gần đây đã được định giá hơn 4,5 tỷ USD và trở thành một trong những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực AI lớn nhất trên thế giới. Trả lời các câu hỏi của trang tin Bloomberg, đại diện công ty này lại tuyên bố rằng đa số doanh thu của họ đến từ các lĩnh vực không liên quan đến dự án giám sát người dân của Chính phủ Trung Quốc, chẳng hạn như công nghệ xe tự lái và thực tế tăng cường.

Còn các công ty công nghệ lớn hơn của Trung Quốc, một vài trong số đó đã có lịch sử cộng tác lâu đời với chính phủ nước này trong việc giám sát và kiểm duyệt mạng Internet, đang ngày càng phối hợp chặt chẽ hơn với dự án giám sát người dân của chính quyền. Baidu, công ty tìm kiếm trực tuyến của tỷ phú Robin Li, đang làm việc với nhà chức trách Trung Quốc để cung cấp các dịch vụ "thành phố thông minh", trong đó có các hệ thống lưu trữ đám mây có khả năng phân tích các dữ liệu liên quan đến hoạt động giám sát. Tencent và Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử thuộc sở hữu của tỷ phú Jack Ma, cũng đang tham gia các dự án tương tự.

Tiandy, công ty phát triển các camera có khả năng chụp những bức ảnh màu độ phân giải cao trong điều kiện "ánh sáng" tương tự như của bầu trời đêm chỉ có duy nhất một ngôi sao, là ví dụ điển hình của việc ngành công nghiệp giám sát của Trung Quốc đã vươn mình ra thế giới mạnh mẽ đến mức nào. Công ty hiện đã bán được các sản phẩm của mình tới hơn 60 quốc gia, con số có được một phần là nhờ sáng kiến hạ tầng toàn cầu "Vành đai và Con đường" của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Đây là tin vui đối với công ty Tiandy và vị tỷ phú sáng lập nên nó, song lại càng làm tăng thêm lo ngại về vấn đề quyền riêng tư và quyền chính trị của các nhà hoạt động trên thế giới, nhất là khi Trung Quốc đang tìm cách xuất khẩu công nghệ giám sát của họ ra nước ngoài. Gần đây nhất, Tổng thống nước Angola đã tới thăm trụ sở của Tiandy.

Theo Vn review​
 
Bên trên