Hãng công nghệ Trung Quốc kế tiếp đứng trước rủi ro bị Mỹ làm khó

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Việc giới chức phương Tây mạnh tay với Huawei Technologies làm dấy lên lo ngại về tương lai hãng giám sát lớn của Trung Quốc là Hangzhou Hikvision Digital Technology.

Theo Bloomberg, nhiều tháng qua, rủi ro chịu lệnh trừng phạt và các hình phạt khác đã treo bên trên Hikvision, một trong các nhà sản xuất camera an ninh và nhiều thiết bị gián điệp khác lớn nhất thế giới.

Hồi tháng 8, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký luật ngăn các cơ quan chính phủ Mỹ mua sản phẩm giám sát từ ba hãng Trung Quốc gồm Hikvision, ZTE và Huawei Technologies. Trong tháng 9, tờ New York Times đưa tin Mỹ xem xét các biện pháp trừng phạt với doanh nghiệp, quan chức Trung Quốc về việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương. Đây cũng là nơi rải rác camera của Hikvision.

Tuần này, việc bắt giữ Giám đốc tài chính (CFO) Huawei Meng Wanzhou vì cáo buộc vi phạm lệnh trừng phạt Iran do Mỹ áp đặt càng khiến tình hình phức tạp hơn. Nếu đây là điều mà chính quyền ông Trump đang thực hiện với các doanh nghiệp Đại lục, thì nhà đầu tư không nên ngạc nhiên nếu Hikvision, doanh nghiệp có cổ đông lớn nhất là một công ty nhà nước, trở thành “nạn nhân” tiếp theo, cây bút Anjani Trivedi viết trên mục Bloomberg Opinion.

Như trường hợp của Huawei và ZTE, một hãng phụ thuộc vào các thành phần do Mỹ sản xuất sẽ dễ tổn thương ở thời điểm Washington ngày càng thực thi gắt gao các biện pháp trừng phạt. Hikvision bán hơn 1.000 camera cho mạng lưới giám sát rộng lớn trên cả nước của một trong các ngân hàng lớn nhất Iran: Bank Tejarat.

Tháng 11, Bộ Tài chính Mỹ áp biện pháp trừng phạt lên Tejarat cùng nhiều thực thể khác. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Hikvision đang bán linh kiện Mỹ cho Iran, vi phạm lệnh trừng phạt như ZTE đã từng. ZTE khốn đốn trong năm nay sau khi bị Mỹ xử lý mạnh tay. Hikvision có thể bị tương tự vì hãng này không có nhiều lựa chọn thành phần thay thế đến từ bên ngoài nước Mỹ.

Hikvision phụ thuộc nhiều vào Intel và Xilinx để có nguồn vi mạch sử dụng trong camera công nghiệp, một phần mảng kinh doanh phát triển nhanh nhất của hãng. Ngoài ra, công ty còn phụ thuộc vào thành phần do Intel và Advanced Micro Devices sản xuất cho thiết bị điều khiển trung tâm.

Ambarella, nhà cung ứng Mỹ chuyên bán chip xử lý hình ảnh cho Hikvision, ghi nhận trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng trước rằng họ nhận thấy “số đơn đặt hàng sụt giảm, đặc biệt là ở phân khúc sản phẩm cao cấp thường liên quan đến hoạt động xuất khẩu” vì lệnh cấm mua sắm của Mỹ.

Đây chỉ là sự khởi đầu. Trong kịch bản Hikvision không tiếp cận được với bộ phận làm từ Mỹ, giới phân tích thuộc hãng Bernstein ước tính 10% doanh thu hãng sẽ đứng trước rủi ro cao vì không có nhà cung ứng thay thế. 10-12% doanh thu đứng trước rủi ro trung bình vì không có nhà cung ứng tốt thay thế. 1/3 doanh thu Hikvision đến từ nước ngoài. Trong số này, khoảng 1/4 là từ Mỹ và 20% từ châu Âu.

Thực tế, sức tăng trưởng mạnh của thị trường giám sát nội địa Trung Quốc vào các thành phố nhỏ hơn và sự đi lên của tính năng nhận diện khuôn mặt, dự đoán hành vi và công nghệ học sâu (deep learning) có thể bù đắp một phần thiệt hại. Hikvision đang bước vào mảng trí tuệ nhân tạo với hệ thống giám sát di động có thể trữ đến 300.000 khuôn mặt.

Dù vậy, một phần hoạt động kinh doanh lớn của Hikvision là hỗ trợ an ninh Trung Quốc có thể gặp khó vì công ty phụ thuộc vào thành phần nhập từ Mỹ. ZTE thoát khỏi rắc rối với chính phủ Mỹ sau khi đóng phạt gần 2,29 tỉ USD, song tác động lên hoạt động kinh doanh của hãng và của Huawei có thể sẽ kéo dài.

Hikvision USA có nhiều đơn vị vận động hành lang như Mercury Public Affairs, Burson-Marsteller và Sidley Austin hỗ trợ. Hãng trả hàng trăm ngàn USD để giải quyết các vấn đề chính trị và báo cáo kết quả kinh doanh khá tốt. Song cổ phiếu vẫn giảm giá 27% trong năm nay, tính đến giữa tuần. Sau tin CFO Huawei bị bắt, cổ phiếu Hikvision giảm thêm 4,5%.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên