Hàng Apple có ế ở châu Á?

The drifter

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
hd.jpg

Hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc của Apple có thể tỏa sáng, song đây không phải là thị trường tốt duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của doanh nghiệp.

Theo CNBC, hãng công nghệ có trụ sở ở Cupertino, bang California (Mỹ) vừa khiến thị trường thế giới bất ngờ sau khi CEO Apple Tim Cook gửi thư cho giới đầu tư, thông báo về việc hạ dự báo kết quả kinh doanh trong quý đầu năm vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm và doanh số iPhone cùng nhiều thiết bị khác yếu đi.

Trung Quốc là thị trường lớn thứ ba của Apple xét theo doanh thu 11,4 tỉ USD trong quý 4/2018, sau châu Mỹ và châu Âu. Số liệu doanh thu của hãng "táo khuyết" ở Nhật Bản là 5,161 tỉ USD, ở các nước khác thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương là 3,429 tỉ USD. Hãng không công bố cụ thể doanh thu tại từng nước.

Ngoài Trung Quốc, Apple ăn nên làm ra ở các nền kinh tế trưởng thành và giàu có như Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore, nơi người tiêu dùng dễ dàng mua các mẫu smartphone đắt đỏ. Song phần còn lại của châu Á và Ấn Độ, nơi nền kinh tế nói chung thì tăng trưởng nhưng thu nhập bình quân đầu người còn tương đối thấp, hãng chật vật hơn.

Nhật Bản và Hàn Quốc
Nhật Bản và Hàn Quốc là hai nền kinh tế giàu có, cũng là hai trong số các thị trường smartphone và thiết bị di động trưởng thành trên thế giới. Apple có nhiều bước tiến mạnh mẽ ở hai nước, dẫn đầu thị phần thị trường ở Nhật Bản và đứng thứ nhì thị phần ở Hàn Quốc.

Tại xứ Hàn, con đường thành công của Apple chông gai hơn vì sự thống trị của Samsung, nhà sản xuất smartphone hàng đầu thế giới, và LG Electronics. Dù thế, số liệu từ công ty phân tích web StatCounter cho thấy Apple luôn đứng thứ hai tại thị trường Hàn năm ngoái, sau Samsung và trước LG. Hàn Quốc và Nhật Bản là hai trong số các nước có dân số già hóa nhanh nhất thế giới. Vì thế, hai nơi này có thể đóng góp bao nhiêu cho thành công Apple trong những thập niên tới vẫn còn là nghi vấn.

Đông Nam Á
Khu vực có hơn 600 triệu người với tiềm năng là thị trường khổng lồ cho Apple. Hãng có thị phần thị trường đứng đầu là 39% tại Singapore tinh đến cuối quý 3/2018, theo hãng nghiên cứu IDC. Dù vậy tại các nền kinh tế như Indonesia, Thái Lan và Việt Nam, Apple thua xa nhiều đối thủ.

Tại Indonesia, nơi Apple chỉ chiếm 1% thị phần thị trường, và các nước khác trong khu vực, điện thoại iPhone đơn giản là quá đắt đỏ với người tiêu dùng bình thường. “Đó là yếu tố lớn nhất”, giám đốc nghiên cứu IDC Kiranjeet Kaur nhận định. Người tiêu dùng ưu ái nhiều mẫu điện thoại Hàn Quốc, Trung Quốc hơn là iPhone.

Ấn Độ
Là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới song đến nay, Ấn Độ vẫn là thị trường đầy thách thức với Apple. Theo số liệu từ Counterpoint Research, Xiaomi của Trung Quốc chiếm 27% thị phần thị trường smartphone Ấn Độ trong quý 3/2018, đứng nhì là Samsung với 23% thị phần.

Apple thậm chí không được đề cập đích danh trong báo cáo của Counterpoint Research và cả Canalys. Hãng được gộp vào danh mục “các thương hiệu khác” cùng nhiều cái tên Trung Quốc như Vivo và Oppo, thậm chí cả hãng Ấn Độ Micromax.

Chuyên gia Kaur cho rằng thị phần Apple tại Ấn Độ chỉ là 1% tính đến cuối quý 3/2018. Giá bán iPhone trung bình ở đây đạt 741 USD, vượt xa giá bán trung bình điện thoại thông minh là 155 USD. Ấn Độ có tầng lớp trung lưu đang phát triển song vẫn thiếu sức mua so với Trung Quốc.

Theo Thanh Niên​
 
Bên trên