Theo hãng tin CNBC, một danh sách dài các đối tác của công ty phải chịu liên đới gồm TSMC, Japan Display, Foxconn, Lumentum, Cirrus Logic, Skyworks, thậm chí cả Samsung. Trong khi CEO Tim Cook đổ lỗi cho thị trường Trung Quốc và chương trình thay thế pin giá rẻ, vấn đề căn bản mà ông không đề cập đến là suốt một thập kỷ qua, họ chẳng đưa ra được sản phẩm "hit" mới nào.
Andrew Lu đến từ Sinolink Securities kết luận: "Thiếu hụt sự đổi mới là vấn đề lớn nhất của Apple". Bên cạnh đó là cuộc chiến thương mại của hai cường quốc đẩy công ty kẹt giữa "làn đạn", người tiêu dùng Trung Quốc quay sang ủng hộ các thương hiệu nội địa. Mike Feibus, nhà phân tích chính tại FeibusTech nói rằng ý đồ thúc đẩy doanh thu toàn cầu bằng cách đẩy giá bán iPhone cao hơn đã thất bại. Ông cho biết iPhone đặc biệt không thành công tại Trung Quốc vì nhiều sản phẩm trong nước làm ra đã có chất lượng tốt hơn nhiều, trong khi giá lại rẻ hơn iPhone đáng kể.
Tình trạng tồi tệ của Apple khi cắt giảm sản xuất iPhone liên tục lại là cơ hội cho những công ty như Huawei. Trong năm 2018, họ vùng lên với những sản phẩm thành công như P20 Pro hay Mate 20 Pro, giúp giành lấy vị trí thứ 2 của Apple trên bản đồ smartphone thế giới. Công ty Trung Quốc tự phát triển chip Kirin riêng, cảm biến hình ảnh hợp tác cùng Sony và quảng bá camera bằng thương hiệu Leica danh tiếng, tiên phong thiết kế gradient trên thị trường. Bây giờ họ đã là hình mẫu hãng smartphone quốc gia của Trung Quốc.
Năm ngoái, chỉ có Apple và Huawei công bố dùng chip di động chạy tiến trình 7nm trên điện thoại flagship, công ty TSMC là đối tác gia công cho cả hai. Khi hãng điện tử Đài Loan công bố dự báo doanh thu cho quý 1 năm nay, sụt giảm 14% so với cùng kỳ mà nguyên chính là do cắt giảm đơn hàng của Apple. Trái ngược, Huawei thông báo đã bán được hơn 5 triệu chiếc dòng Mate 20 tính đến hết 25/12/2018. Đây sẽ là thế hệ Mate bán chạy nhất lịch sử!
Thiếu hụt đổi mới thôi là chưa đủ, song hành với việc sản phẩm năm vừa rồi bị kêu ca nhàm chán, lặp lại, Apple cũng gặp phải vấn đề thiếu tính đa dạng.
Gần 60% doanh thu của công ty đến từ những chiếc iPhone, tồi tệ hơn, gần 75% doanh thu phục thuộc vào những dải sản phẩm đã trưởng thành - iPhone, iPad và máy Mac. Nhà phân tích Feibus nhận định, bản thân thị trường của chúng đã không còn nhiều dư địa phát triển nữa, và các sản phẩm này cũng đã tiến đến độ hoàn thiện đỉnh điểm.
Hai công ty smartphone đứng trên Apple về thị phần là Samsung và Huawei có dải sản phẩm rộng lớn hơn nhiều, giúp việc kinh doanh của họ "dễ thở" hơn. Họ (ám chỉ Samsung và Huawei) có các mảng kinh doanh khác đủ lớn để vượt qua những khó khăn trên con đường smartphone vốn ngày càng khó đi, ông bổ sung. "Nhưng Apple thì không" - Feibus nhấn mạnh.
Điện thoại thông minh không còn là động lực tăng trưởng cho các công ty như nó đã từng. Dự báo tăng trưởng doanh số sẽ phục hồi trong năm 2019 nhờ kết nối 5G, sản phẩm mới và các thị trường mới nổi, theo IDC.
Tuy nhiên, 5G không phải là "cơn gió" sẽ giúp chặn đà giảm của Apple. Brett Simpson, nhà phân tích kì cựu từ Arete Research nhận định: "Nếu bạn nhìn về Trung Quốc, tôi cho rằng vị thế của Apple ở đây thậm chí còn tệ hơn trong 12 đến 18 tháng tới, bởi vì công ty sẽ không thể giới thiệu kịp một chiếc iPhone hỗ trợ 5G cho đến nửa sau năm 2020". Ông lưu ý rằng chính phủ Trung Quốc sẽ tung ra các khoản trợ cấp kích thích phát triển mạng 5G, họ rất muốn dẫn đầu công nghệ này.
Bên cạnh đó là chu kỳ nâng cấp sản phẩm. Vòng đời làm mới smartphone hàng năm của các hãng đang bị phá vỡ. Người tiêu dùng trở nên hài lòng với thiết bị cũ hơn và tỏ ra lạnh nhạt với sản phẩm mới. Họ không có nhu cầu nâng cấp thì giới thiệu dồn dập hay nhồi nhét tính năng cỡ nào cũng không hiệu quả. Nếu Apple có thêm vài nguồn thu đáng kể khác, có thể bù đắp cho sự sụt giảm doanh số hàng loạt của phần cứng mà iPhone là nặng nề nhất.
Dịch vụ đang được để mắt như "phao cứu sinh" cho công ty. Apple Music, iTunes, AppleCare, App Store và sắp tới có thể là một dịch vụ streaming video riêng, cạnh tranh với Netflix, Amazon Prime. Apple dù thế nào vẫn là một công ty lớn ở thị trường smartphone, phủ cái bóng iPhone lên các đối thủ suốt một thời gian dài. Thế nhưng, bây giờ thì chính Apple cũng đang bị cái bóng của iPhone "nuốt chửng". Dan Ives đến từ Wedbush Securities nói với CNBC rằng: "Nếu họ (ban lãnh đạo Apple) không tích cực với hoạt động M&A (mua bán và sáp nhập) từ góc độ nội dung, ... theo chúng tôi, điều đó sẽ trở thành sai lầm lớn nhất của Apple...".
Ông cho rằng công ty cần phải nỗ lực thâu tóm một nhà sản xuất nội dung để thúc đẩy mảng dịch vụ, một công ty giải trí như là Sony Pictures hay Lionsgate. Nếu muốn cạnh tranh với các đối thủ đã có "nền móng" ở đây trong khi bản thân Táo khuyết chỉ là một "tay mơ", họ phải thật sự nghiêm túc mua lại một đơn vị sản xuất phim hoặc chấp nhận không thể trở thành doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thành công.
Về khả năng đa dạng nguồn thu, công ty Mỹ có thể "học tập" mô hình của Sony. Từ thiết bị thưởng thức cho đến nội dung giải trí phim ảnh, âm nhạc lẫn trò chơi, họ cung cấp tất cả. Hơn bao giờ hết, Apple phải tái cân bằng cơ cấu doanh thu để tự cứu mình khỏi iPhone và thị trường smartphone đang tuột dốc.
Theo Vn review