Theo CNN, các hãng công nghệ làm thế là vì quy định mới từ giới chức quản lý internet Trung Quốc, vốn bắt đầu có hiệu lực từ hôm 30.11. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy môi trường ngày càng hạn chế hơn với nhiều hãng công nghệ như Tencent, Alibaba.
Cụ thể, theo thông báo đăng tải trên trang web Cục Quản trị mạng Trung Quốc hồi đầu tháng 11, quy định mới áp dụng cho bất kỳ doanh nghiệp nào cung cấp các dịch vụ trực tuyến có thể ảnh hưởng đến ý kiến công chúng hoặc “động viên công chúng tham gia vào những hoạt động cụ thể”. Doanh nghiệp giờ đây phải bắt đầu ghi nhận hoạt động của người dùng, từ hoạt động trong blog, microblog, phòng chat cho đến những nền tảng video ngắn hoặc webcast (phát tin qua internet).
Giới chức cho hay quy định mới là để bảo vệ an ninh quốc gia và trật tự xã hội. Các hãng Đại lục phải có khả năng xác minh danh tính người dùng, lưu trữ dữ liệu quan trọng như nhật ký cuộc gọi, nhật ký trò chuyện, thời gian hoạt động và địa chỉ mạng.
Giới chức sẽ tiến hành kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp để bảo đảm rằng họ tuân thủ luật mới. Dù vậy, Cục Quản trị mạng không ghi rõ là trong trường hợp nào thì các hãng có thể bị yêu cầu giao lại nội dung thông tin lưu giữ cho chính quyền. Theo điều khoản dịch vụ, nền tảng nhắn tin và mạng xã hội WeChat, Weibo đã bị yêu cầu cung cấp cho chính phủ Trung Quốc thông tin người dùng khi được đề nghị.
Quy định mới ảnh hưởng đến một số hãng lớn và startup công nghệ nổi danh ở Trung Quốc, trong đó có Tencent, Alibaba, Baidu và ByteDance. Hiện chưa rõ liệu nó có áp dụng với các công ty đa quốc gia như Apple hay không. Dịch vụ iMessage của Apple cũng có mặt tại Đại lục, song hãng Mỹ chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Bắc Kinh đã và đang tăng cường giám sát giới doanh nghiệp internet trong thời gian gần đây. Đầu tháng này, Cục Quản trị mạng đóng gần 10.000 tài khoản mạng xã hội vì lý do “chà đạp giá trị pháp luật và quy định”, “làm tổn hại đến hệ sinh thái lành mạnh của ý kiến đại chúng trực tuyến”. Trong tháng 4, cơ quan chức năng yêu cầu ByteDance đóng cửa nền tảng mạng xã hội phổ biến mà người dùng thường đăng chuyện cười, video và ảnh động (GIF), với lý do nhiều bài đăng thô tục, hiển thị “quan điểm đại chúng không phù hợp”.
Trung Quốc có rất nhiều quy định áp lên internet nội địa. Hệ thống kiểm duyệt rộng lớn của nước này xóa bỏ bất cứ bài đăng hay cuộc thảo luận online nào về chủ đề mà Bắc Kinh cho là nhạy cảm, trong đó có nội dung chỉ trích Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay tin tức châm ngòi biểu tình. Hầu hết nền tảng mạng xã hội và internet phổ biến thế giới, trong đó có Facebook, Google, Twitter đều bị cấm ở Trung Quốc.
Dù vậy, Google đang tìm hiểu hướng tái xây dựng chỗ đứng ở thị trường quốc gia Đông Á, còn Facebook thì nói với giới làm luật Mỹ rằng dù hãng chưa có kế hoạch bước vào Đại lục, bất cứ nỗ lực thâm nhập thị trường nào cũng sẽ cân nhắc lo ngại về quyền riêng tư và tự do thể hiện quan điểm.
Theo Thanh Niên