Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
1 phẫn nộ bằng 5 lượt thích, Facebook rất thích bạn phẫn nộ.

Những ngày này trên Facebook, thi thoảng, chúng ta lại thấy một làn sóng những người đổ dồn vào trang cá nhân của ai đó. Họ thả icon "phẫn nộ" trên tất cả các dòng trạng thái, các tấm ảnh và cả nội dung của người khác nhưng chủ nhân trang đó được gắn thẻ.

Nhân vật nổi tiếng thì bị kêu gọi tẩy chay. Những người không nổi tiếng thì bị lên án. Nhưng câu chuyện của họ đều được "viral" (lan truyền) trên tất cả các hội nhóm, nhảy sang cả nền tảng mạng xã hội khác và xuất hiện trên mặt báo.

Sức mạnh của những làn sóng phẫn nộ này là thứ không thể bị xem thường. Quay trở lại 10 năm trước, không ai có thể tưởng tượng được Facebook sẽ trở thành một miền đất như vậy.

Bởi thế, nhiều người đã vô tư phát ngôn mọi thứ, từ góc nhìn cá nhân cho tới quan điểm chính trị, không biết rằng 10 năm sau, chính những phát ngôn này sẽ bị lục lại và biến họ trở thành nạn nhân của những làn sóng phẫn nộ.

hq720-1725273664072879303992.jpg

Ảnh minh họa.​

Nhìn vào lịch sử của Facebook, icon "phẫn nộ" chỉ được Facebook giới thiệu từ năm 2015, bên cạnh nút "thích" vốn đã tồn tại từ năm 2010, và các biểu tượng cảm xúc mới khác là "trái tim", "haha", "wow", "buồn" và "yay".

"Yay" sau này bị khai tử vì nó là tiếng lóng của "cacaine". Facebook đã thử nghiệm một số biểu tượng cảm xúc mới khác trước khi thay thế nó bằng "thương thương", hình một icon ôm trái tim nhỏ.

Ra mắt vào năm 2020, đúng mùa dịch COVID-19, icon "thương thương" đã tạo nên một cơn sốt vì sự đáng yêu của nó. Người người, nhà nhà mong chờ bản cập nhật mới, để có thể thả "thương thương", để có thể trao đi những cái ôm online trong mùa dịch.

Nhưng thời gian cuối cùng đã chứng minh, sức hút của những cái ôm yêu thương chỉ là nhất thời. Thay vào đó, "phẫn nộ" mới là biểu tượng trường tồn nhất của Facebook, đằng sau nút "thích" của họ.

Bởi như một định lý trên mạng xã hội, mọi người sẽ không bao giờ ngừng phẫn nộ.

Điều gì khiến chúng ta phẫn nộ?

Có một sự thật là không phải chờ đến năm 2016, khi Facebook giới thiệu biểu tượng cảm xúc mới trên nền tảng của họ, loài người mới biết phẫn nộ.

Các nhà tâm lý học định nghĩa "phẫn nộ" là một sự tức giận dữ hội không thể kiểm soát. Và họ cho rằng cảm xúc này xuất phát từ một khái niệm chuyên môn gọi là "ác cảm với bất công".

Đúng vậy, loài người chúng ta phẫn nộ khi nhìn thấy sự bất công và chúng ta bắt đầu nhận biết được thứ gì đó là bất công ngay từ năm 3 tuổi.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 2.
Cảm xúc "phẫn nộ" được Facebook giới thiệu từ năm 2015,​

Hiểu một cách đơn giản, bất công xảy ra khi bạn đầu tư cùng một lượng công sức so với người khác, nhưng lại nhận được ít phần thưởng hơn người đó. Hoặc khi các phần thưởng trả về cho tỷ lệ cống hiến của mỗi người không tương xứng với công sức mà họ bỏ ra.

Hai người tiền sử cùng đi săn một đàn hươu nhưng một người lại nhận được nhiều thịt hươu hơn. Hai đứa trẻ cùng học một lớp nhưng một đứa trẻ lại nhận được nhiều kẹo hơn. Hai nghệ sĩ có tài năng nhưng người có thái độ xấu hơn cuối cùng lại nổi tiếng hơn…

Đó là những ví dụ cho những sự bất công tồn tại từ thời tiền sử cho tới tận bây giờ. Nhưng các nhà tâm lý học cho rằng "ác cảm với bất công" còn có tuổi đời lâu hơn thế. Cụ thể, các thí nghiệm trên khỉ, chó và chim cho thấy những loài động vật này cũng biết phẫn nộ.

Frans de Waal, nhà linh trưởng học người Mỹ gốc Hà Lan từng giới thiệu một thí nghiệm kinh điển chứng minh cho dạng thức đơn giản nhất của sự phẫn nộ trên động vật. Trong thí nghiệm này, ông bắt 2 con khỉ làm cùng một nhiệm vụ, bỏ cùng một mức độ công sức và rồi thưởng cho chúng cùng một phần thưởng – mỗi con được một miếng dưa chuột.

Mọi thứ đến đây đều tuyệt vời. Những con khỉ sẽ ngấu nghiến miếng dưa mà chúng nhận được. Nhưng sau đó, De Waal cố tình thay đổi cách trao thưởng. Vẫn những nhiệm vụ đó, nhưng bây giờ, một con khỉ được thưởng một quả nho – ngọt hơn nhiều – còn con khỉ còn lại vẫn nhận được dưa chuột.

Ngay sau khi phát hiện ra sự bất công, con khỉ nhận miếng dưa chuột đã ném miếng dưa vào nhà khoa học để thể hiện sự phẫn nộ.

De Waal đề xuất rằng tính ác cảm với bất công nảy sinh ở con người và các loài động vật để củng cố sự hợp tác trong xã hội. Tất cả các xã hội dù là động vật hay con người, dù là tiền sử hay hiện đại đều hoạt động dựa trên sự hợp tác. Và nền tảng của sự hợp tác là mọi người phải nhận được phần thưởng công bằng.

Nếu hợp đồng công bằng đó trong xã hội bị phá vỡ, sự bất công sẽ bị đáp trả bằng một hình phạt để ngăn chặn sự sụp đổ của khế ước cơ bản giữ cho xã hội đó tồn tại - đó là sự công bằng.

Do đó, bất cứ ai gây ra sự bất công đều sẽ phải bị trừng phạt. Và người ta thậm chí còn trừng phạt cả những người đã gây ra bất công cho người khác, dù họ không phải là nạn nhân.

Các nhà thần kinh học đã tìm thấy một vùng trong não bạn có thể bị kích hoạt để nhận diện sự bất công và phản ứng với nó. Đảo não trước và hạch hạnh nhân, vùng xử lý những cảm xúc phức tạp của con người, sẽ sáng lên dưới máy cộng hưởng từ khi bạn nhìn thấy một sự bất công.

Những mạch cảm xúc này trong não bộ sẽ được kích hoạt ngay tức thì khi bạn đọc được một câu chuyện hàm chứa sự bất công trên Facebook. Và bạn sẽ chiến đấu vì sự bất công đó, bằng cách trừng phạt người tạo ra bất công, đầu tiên chính là bằng icon "phẫn nộ".

1 phẫn nộ bằng 5 lượt thích: Facebook rất thích bạn phẫn nộ

Quay trở lại thời điểm năm 2015, khi Facebook giới thiệu bộ biểu tượng cảm xúc mới của mình, họ đã không làm điều đó một cách ngẫu nhiên. Ý tưởng phải thay thế nút "thích"- được cho là đã quá già cỗi và nhàm chán trên nền tảng - đã được Chris Cox, giám đốc sản phẩm của họ, nhen nhóm.

Thời điểm đó, hơn 1 tỷ người dùng Facebook đang nhấn vào nút "thích" trung bình 6 tỷ lượt mỗi ngày – nhiều hơn cả số lượt tìm kiếm trên Google được thực hiện trong vòng 24 giờ.

Nút "thích" vẫn là trái tim của Facebook, nó quyết định đến thuật toán, doanh số và hàng nghìn tỷ USD mỗi quý đổ về công ty. Nút "thích" là biểu tượng của nền văn minh Facebook mà nếu ai đó nói nền tảng xã hội này là một quốc gia lớn nhất hành tinh, quốc kỳ của nó hẳn phải là nút "thích.

Sự thật là Facebook đã cho dựng một biểu tượng nút "thích" khổng lồ ngay ngoài lối vào trụ sở của mình tại Menlo Park, California.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 3.
Nếu ai đó nói Facebook là một quốc gia lớn nhất hành tinh, quốc kỳ của nó hẳn phải là nút "thích.​

Cox là người đầu tiên nhận ra thực tế rằng nút "thích" vẫn là một công cụ quá thô sơ và vụng về trên Facebook. Khi một người dùng đăng một bài viết, tấm ảnh hay ghi chú nào đó, những người khác chỉ có thể lựa chọn "thích" hoặc bỏ qua không thích bài viết.

Nhưng khao khát thể hiện cảm xúc của người dùng mạng xã hội vượt ra ngoài hai lựa chọn đó. Và thế là Cox đã tổ chức một cuộc họp với 6 giám đốc điều hành của Facebook ở Four Seasons Silicon Valley, cách trụ sở chính 10 phút lái xe và nói rằng họ phải cải tiến nút "thích".

Cuộc cách mạng được ví như Coca-Cola cải tiến công thức bí mật của mình. Và khi Mark Zuckerberg nhận được báo cáo về cuộc họp, anh ấy đã nói với Cox đại loại: "Được cứ làm đi", và "Chúc may mắn, Cox".

Để cải tiến nút "thích", Chris Cox đã tập hợp một nhóm các nhà tâm lý học và xã hội học hàn lâm để quét qua toàn bộ các cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của con người. Một trong số đó có cả sự tham gia của giáo sư tâm lý học Dacher Keltner đến từ Đại học California, người từng làm cố vấn cho bộ phim "Inside Out" của Pixar.

Keltner và các cộng sự của ông đã liệt kê ra tổng cộng 25 cung bậc cảm xúc tất cả của con người – từ sự sung sướng tột độ, cảm giác sợ hãi, sự tự tin, xấu hổ, cảm giác trung tính cho đến một cái thở phào nhẹ nhõm.

Nhưng vì sự giới hạn của nền tảng, Cox biết mình không thể nhé toàn bộ 25 icon bên cạnh nút "thích" được. Thế là những cuộc bỏ phiếu liên miên trong nội bộ Facebook và tổ tư vấn xã hội của họ đã được thực hiện. Danh sách dần dần được rút xuống chỉ còn 6 biểu tượng: "trái tim", "haha", "yay", "wow", "buồn" và "phẫn nộ".

Ý tưởng được Mark Zuckerberg thông qua và Facebook chính thức ra mắt bản cập nhật 6 biểu tượng cảm xúc nào vào năm 2015.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 4.
Mark Zuckerberg và Chris Cox, người đã thêm nút "phẫn nộ" vào Facebook.​

Tại thời điểm đó, các biểu tượng đã tạo ra một cơn địa chấn trên nền tảng. Kể từ bây giờ, người dùng Facebook có thể mở rộng lựa chọn tương tác của mình. Họ có thả tim, cười haha, thể hiện sự ngạc nhiên hoặc phẫn nộ với bài đăng của người khác.

Đổi lại, Facebook cũng thu được một kho dữ liệu cảm xúc khổng lồ từ phía người dùng. Họ phân tích số lượt thả cảm xúc của người dùng để đề xuất trang "News Feed" cho họ, mục đích bên ngoài họ nói là để phục vụ người dùng tốt hơn, nhưng mục tiêu ẩn giấu cuối cùng vẫn là giữ chân người dùng trên nền tảng để bán quảng cáo.

Tại đây, các phân tích kỹ thuật cho thấy mỗi lượt thả phẫn nộ có giá trị gấp 5 lần lượt "thích". Nói cách khác, các bài viết tạo ra phẫn nộ đang giữ chân người dùng Facebook gấp 5 lần. Con số chỉ là 2 lần khi nói đến biểu tượng cảm xúc "trái tim", thứ mà cố vấn xã hội học Keltner của Facebook từng tự tin rằng nó sẽ phải chiếm trọng số cao nhất.

Sự thật hóa ra không phải vậy, cảm xúc phẫn nộ mới là thứ giữ chân người dùng trên nền tảng lâu hơn và đem về doanh số cao hơn cho công ty. Có thời điểm, chính Mark Zuckerberg cũng công khai khuyến khích người dùng thả phẫn nộ nhiều hơn mỗi khi họ không thích bài đăng nào đó. Dù điều này sẽ khiến các dạng bài tương tự xuất hiện trên bảng tin của họ nhiều hơn.

Khi sự phẫn nộ trên mạng xã hội trở nên mất kiểm soát

Quay trở lại với cảm xúc phẫn nộ của con người. Tâm lý học nói rằng những cơn phẫn nộ được kích hoạt bởi cảm giác đối mặt với bất công, và thêm vào đó là sự bất công "có thể kiểm soát được".

Nhưng thế nào là sự bất công có thể kiểm soát? Hãy tưởng tượng một người tiền tử đang đi săn linh dương thì cũng bắt gặp một con sư tử cũng đi săn con linh dương đó.

Người tiền sử đã dành cả một ngày trời để đuổi theo con linh dương cho tới khi nó mỏi mệt, chỉ để bị con sư tử vồ lấy, cuỗm mất con mồi ngon lành đáng ra là của người tiền sử.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 5.
Ảnh minh họa.​

Lúc này, anh ấy có phẫn nộ không? Câu trả lời là: Có! Chúng ta nhìn thấy một sự không công bằng rõ ràng ở đây. Nhưng cơn phẫn nộ của anh anh ấy có thể kiểm soát không? Câu trả lời là: Không! Anh ta sẽ không thể làm gì con sư tử, bởi nếu làm gì nó, anh ấy có thể sẽ phải trả giá đắt.

Sự bất công cộng với sợ hãi sẽ không khiến người tiền sử có bất kỳ hành động gì với con sư tử ở ngoài đời thật. Nhưng hãy tưởng tượng nếu anh ta trở về hang động, bật máy tính và viết "status" kể về câu chuyện đi săn ngày hôm nay. Tất cả những người dùng Facebook ở các bộ tộc khác sẽ thả icon "phẫn nộ" và đồng cảm với anh ấy.

Họ sẽ tràn vào tường nhà của con sư tử để thả "phẫn nộ", lên án nó và tẩy chay nó.

Có thể thấy, mạng xã hội đang cung cấp cho loài người một môi trường trực tuyến rất an toàn để thể hiện sự phẫn nộ của mình. Không ngạc nhiên khi một nghiên cứu trên tạp chí Science Advances kết luận rằng mạng xã hội đang khiến loài người phẫn nộ nhiều hơn bao giờ hết.

Sử dụng phần mềm học máy, các nhà nghiên cứu đã phân tích 12,7 triệu tweet từ 7.331 người dùng Twitter thu thập được trong một số sự kiện gây tranh cãi ngoài đời thực, từ tranh chấp về tội ác thù hận đến xô xát trên máy bay.

Họ đánh giá cách hành vi của người dùng mạng xã hội theo thời gian và kiểm tra xem các thuật toán mạng xã hội thưởng cho người dùng thế nào khi họ thể hiện sự phẫn nộ.

Kết quả cho thấy: "Sự khuếch đại của sự phẫn nộ về mặt đạo đức là hậu quả rõ ràng của mô hình kinh doanh của phương tiện truyền thông xã hội, mô hình này tối ưu hóa cho sự tham gia của người dùng", đồng tác giả Molly Crockett, phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Yale cho biết.

Điều đó có nghĩa là càng có nhiều câu chuyện phẫn nộ trên mạng xã hội thì nó càng giữ chân được người dùng.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 6.
Các tài liệu nội bộ của công ty bị lộ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2017, Facebook đã chủ động đẩy hàng loạt nội dung phẫn nộ lên bảng tin của người dùng để câu kéo cảm xúc và thời gian sử dụng của họ​

Mặc dù nghiên cứu này tập trung vào Twitter, hiện đã được đổi tên thành X, nhưng nó cũng đúng với Facebook với biểu tượng cảm xúc "phẫn nộ" của nền tảng của mình. Các tài liệu nội bộ của công ty bị lộ cho thấy trong giai đoạn từ năm 2017, Facebook đã chủ động đẩy hàng loạt nội dung phẫn nộ lên bảng tin của người dùng để câu kéo cảm xúc và thời gian sử dụng của họ.

Đến nỗi, Frances Haugen, một nhà khoa học dữ liệu đã đứng giữa Quốc Hội Anh và tuyên bố rằng: "Sự tức giận và thù hận là cách dễ nhất để đưa Facebook phát triển".

Đối mặt với những áp lực yêu cầu Facebook phải sửa đổi thuật toán, công ty này đã án binh bất động cho tới khi chính họ phát hiện ra rằng việc đề cao sự phẫn nộ đang gây hại cho nền tảng.

Việc Facebook ủng hộ các bài đăng gây phẫn nộ đã khiến hoạt động spam, lạm dụng và clickbait (mồi nhử nhấp chuột) xảy ra tràn lan trên nền tảng. Đến năm 2019, chính những nhà khoa học dữ liệu của công ty xác nhận các bài đăng nhiều lượt phẫn nộ thường có chất lượng thấp, chứa thông tin sai lệch và độc hại.

Do đó, họ đã điều chỉnh lại trọng số của cảm xúc "phẫn nộ" từ 5 về 1 để bảo vệ nền tảng của mình.

Nhưng làn sóng phẫn nộ vẫn không biến mất

Có thể coi việc Facebook giới thiệu biểu tượng cảm xúc "phẫn nộ" giống như một thanh kiếm của Samurai, mà một khi nó đã được rút ra thì sẽ phải nhuốm máu. Nó cũng có thể được coi là một chiếc hộp Pandora, mà một khi đã được mở ra sẽ đem đến rất nhiều tai ương trên nền tảng.

Vốn là một cảm xúc mạnh mẽ, sự phẫn nộ thúc đẩy con người trừng phạt những kẻ vi phạm chuẩn mực đạo đức. Mặc dù phẫn nộ có thể đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy sự hợp tác và giữ cho các hành vi xấu bị trừng phạt, nó cũng mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực, làm trầm trọng thêm xung đột xã hội và có thể dẫn đến những cuộc chiến đòi công lý dựa trên thông tin sai lệch.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 7.
Internet làm gia tăng các vụ việc gây phẫn nộ so với ngoài đời thực và các nền tảng truyền thông khác.​

Trước khi Internet xuất hiện, thông tin về các vi phạm chuẩn mực đạo đức thường được lan truyền thông qua lời đồn đại trong các mạng xã hội nhỏ lẻ, nhằm củng cố sự tin tưởng và hợp tác trong cộng đồng.

Tuy nhiên, các nền tảng trực tuyến hiện nay đã thay đổi sâu sắc động lực của việc chia sẻ thông tin. Với sự xuất hiện của các thuật toán tối ưu hóa việc thu hút sự chú ý để tạo ra doanh thu quảng cáo, nội dung gây phẫn nộ dễ dàng được lan truyền rộng rãi tới một số lượng lớn công chúng bất kể lợi ích của người chia sẻ hay thậm chí là độ chính xác của thông tin đó.

Chỉ với một vài cú nhấp chuột, người ta có thể lan truyền sự phẫn nộ của mình đến một lượng lớn người khác, thông qua những câu chuyện cá nhân. Điều này không chỉ dễ dàng mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người chia sẻ, chẳng hạn như tăng cường danh tiếng cá nhân trên mạng hay cảm giác tự hào vì đã góp phần bảo vệ các chuẩn mực đạo đức của xã hội.

Thế nhưng, việc đơn giản hóa hành vi phẫn nộ trên mạng xã hội có thể làm giảm chính chức năng tiến hóa của sự phẫn nộ ngoài đời thực.

Bởi bây giờ, phẫn nộ chỉ đơn giản là thả một icon trên điện thoại, vào lục tung trang cá nhân của ai đó và chia sẻ các nội dung kích thích "chiến tranh" trên mạng, nó có thể gây chia rẽ cộng đồng và khiến mọi người ít tham gia vào các hoạt động thiết thực hơn.

Chẳng hạn, nhiều người cho rằng mình đã thể hiện sự yêu nước bằng cách tấn công một ai đó trên mạng xã hội, thay vì tham gia các hoạt động thiện nguyện, đóng thuế hay hiến máu.

Giải mã những cơn phẫn nộ tập thể trên Facebook, dưới góc nhìn xã hội học- Ảnh 8.
Sự phẫn nộ không đáng có sẽ gây ra hậu quả cho những người có hành vi không thực sự bất công, hoặc thậm chí là nạn nhân của tin giả hoặc thông tin sai lệch.​

Ngoài ra, các nền tảng mạng xã hội còn có thể khuyến khích việc thể hiện sự phẫn nộ một cách thường xuyên và mất kiểm soát. Nó tạo ra một hiện tượng gọi là "giảm ngưỡng" cho các hành vi đáng phải nhận sự phẫn nộ.

Một số hành vi của một số người trên mạng xã hội không đáng bị lên án, nhưng bởi phần thưởng tiềm năng mà một số người có thể nhận được là quá lớn, chẳng hạn như củng cố hình ảnh cá nhân của họ trên mạng xã hội, những người này sẽ khuếch đại một số hành vi quá mức tạo ra những cơn "phẫn nộ ảo" và kêu gọi mọi người cùng tham gia vào với mình.

Vòng phản hồi tích cực của mạng xã hội khiến ngưỡng phẫn nộ giảm xuống đến một mức nào đó, nó có thể kích hoạt những sự phẫn nộ không đáng có, gây ra hậu quả không đáng có cho những hành vi không thực sự là bất công, hoặc thậm chí dựa trên tin giả hoặc thông tin sai lệch.

Tóm lại, mặc dù sự phẫn nộ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì các chuẩn mực xã hội, một khế ước về sự công bằng, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ về những rủi ro mà nó mang lại trong bối cảnh của kỷ nguyên số.

Các nền tảng trực tuyến như Facebook không chỉ khuếch đại các kích thích gây phẫn nộ mà còn thay đổi cách mà chúng ta trải nghiệm và thể hiện cảm xúc này. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn có thể gây ra những hệ lụy rộng lớn đối với toàn xã hội.

Theo Genk
 
Bên trên