Giá trị của card đồ họa này giờ được ví như vàng, có thể dùng làm tài sản thế chấp để vay hàng tỷ USD

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Một thỏa thuận cho vay đặc biệt lên đến hàng tỷ USD vừa diễn ra, khi lần đầu tiên tài sản dùng để thế chấp là các con chip xử lý đồ họa chuyên dụng H100 của Nvidia.

Nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây chuyên dụng CoreWeave đã thực hiện một khoản vay tín dụng trị giá 2,3 tỷ USD từ các quỹ đầu tư như Magnetar Capital và Blackstone, với tài sản thế chấp là card màn hình (GPU) do Nvidia sản xuất. Các chủ nợ khác của CoreWeave bao gồm Coatue và DigitalBridge (DBRG.N), cũng như BlackRock, PIMCO và Carlyle (CG.O), theo Reuters.

Được biết, khoản tiền được vay sẽ được CoreWeave dùng để mua thêm GPU chuyên dụng, đầu tư vào trung tâm dữ liệu và tuyển dụng nhân sự. Công ty này mới đây đã khai trương một trung tâm dữ liệu trị giá 1,6 tỷ USD ở Texas (Mỹ) vào tuần trước và đặt mục tiêu mở rộng lên 14 trung tâm vào cuối năm nay. CoreWeave cũng đã huy động được 421 triệu USD vốn cổ phần trong năm nay từ các quỹ đầu tư do Magnetar Capital dẫn đầu với mức định giá hơn 2 tỷ USD.

nvidia-h100-cnx-2c50-p2x-1691581904839-16915819055931069502939-1691639816805-1691639818140832775834.jpg

Card đồ họa chuyên dụng H100 của Nvidia đang là thiết bị phần cứng được săn lùng nhiều nhất ở thung lũng Silicon, khi cơn sốt AI đang trong giai đoạn bùng nổ. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, phần đông các trang tin công nghệ đều đánh giá đây được coi là một thỏa thuận cho vay đặc biệt, khi lần đầu tiên tài sản dùng để thế chấp là các con chip H100 của Nvidia, vốn đang là thiết bị được các công ty công nghệ săn lùng bậc nhất hiện nay khi làn sóng AI bùng nổ.

Theo đó, giá bán của mỗi mẫu GPU chuyên dụng cho trung tâm dữ liệu như H100 hay A100 đang chạm ngưỡng hàng chục nghìn USD, cao gấp nhiều lần giá niêm yết. Nguyên nhân cho sự tăng giả chủ yếu do nguồn cung không thể đáp ứng được cầu, khi hàng loạt công ty cần các mẫu GPU chuyên dụng để xử lý các tác vụ AI. Việc sử dụng GPU chuyên dụng như H100 làm tài sản thế chấp làm nổi bật giá trị của phần cứng trong cuộc chạy đua vũ trang AI, vốn yêu cầu một lượng vốn khổng lồ.

Hưởng lợi từ việc trang bị card đồ họa của Nvidia

CoreWeave được thành lập vào năm 2017 bởi Intrator, Brian Venturo và Brannin McBee để giải quyết vấn đề mà họ coi là "khoảng trống" trong thị trường điện toán đám mây. Venturo, một người có sở thích khai thác đồng tiền điện tử Ethereum, đã mua GPU với giá rẻ từ các trang trại khai thác tiền điện tử mất khả năng thanh toán. Họ chọn phần cứng Nvidia (thay vì AMD) vì các lợi thế về dung lượng bộ nhớ. Ban đầu, CoreWeave chỉ tập trung vào các ứng dụng tiền điện tử. Nhưng công ty đã xoay trục trong vài năm qua sang điện toán đa năng cũng như các công nghệ AI tạo sinh, như các mô hình AI tạo văn bản.

Đáng chú ý, nhờ được hậu thuẫn bởi Nvidia, CoreWeave được ưu tiên trong việc cung cấp và sử dụng các con chip mới nhất từ nhà sản xuất GPU này như H100, A100, A40 và RTX A6000, mặc cho tình trạng thiếu hụt GPU chuyên dụng đang diễn ra. Nhờ đó, CoreWeave có thêm lợi thế cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ đám mây truyền thống như Microsoft (MSFT.O), Amazon (AMZN.O) và Google (GOOGL.O), vốn đang phải đối mặt với những hạn chế về nguồn cung thiết bị xử lý AI, trong khi các dự án phát triển thiết bị 'cây nhà lá vườn' vẫn chưa hoàn tất.

Cũng phải nói thêm, đây không phải là ví dụ đầu tiên về việc một công ty khởi nghiệp được NVIDIA hỗ trợ gặt hái những lợi ích đáng kể từ việc liên kết với gã khổng lồ công nghệ. Tháng trước, Inflection AI đã xây dựng một siêu máy tính trị giá hàng trăm triệu USD được cung cấp bởi 22.000 GPU điện toán NVIDIA H100.

Theo Genk​
 
Bên trên