torune
Film critic
Nỗi sợ bắt nguồn từ mối quan hệ giữa người với người.
Dù 'Get Out' đã ra mắt hơn hai tuần nhưng hôm nay torune mới có dịp được xem và quả đúng như lời đồn cũng như đánh giá từ các cộng đồng trực tuyến, đây là một trong những phim thuộc thể loại kinh dị đáng xem nhất năm nay.
Nói thẳng ra là phim khai thác đề tài 'phân biệt chủng tộc' - một đề tài đã được Hollywood nhai đi nhai lại suốt mấy thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự phân biệt chủng tộc trong 'Get Out' rất thức thời, được mô tả một cách nhẹ nhàng nhưng nhức nhối. Sự kỳ thị nó ăn sâu vào gốc rễ, khoác lên bằng những cử chỉ, thái độ lịch thiệp của con người hiện đại. 'Get Out' - một sản phẩm của điện ảnh Mỹ - bám sát với thời thế để thể hiện sự kỳ thị vẫn đang âm ỉ trong tâm thức của người Mỹ da trắng. Thưc ra, cộng đồng nào cũng có điểm xấu điểm tốt, phim chỉ thể hiện quan điểm của tác giả, đặt người gốc Âu qua phía phản diện và người gốc Phi qua phía chính diện mà thôi.
Diễn viên của phim làm rất tốt. Dù ít hay nhiều đất diễn, họ đều làm xuất sắc nhiệm vụ của mình. Torune ấn tượng với 3 người. Đầu tiên là Betty Gabriel (cô hầu gái Georgina), nói ít, hành động nhiều và đặc biệt... diễn bằng mắt, nhất là khúc ứa nước mắt và miệng mỉm cười. Thứ hai là Catherine Keener (vai bà mẹ/nhà tâm lý trị liệu). Cô này cũng diễn nhiều, nhưng bằng thoại với cử chỉ khuôn mặt. Thứ ba là Daniel Kaluuya (nam chính), mình không thấy điểm gì nổi bật nhưng nam diễn viên cho khán giả cảm giác đồng cảm, làm cho họ phán xét mọi diễn biến theo cách của anh. Và đây cũng là 3 nhân vật xuất hiện ở nhiều nút cao trào.
Thêm nữa, xin dành một tràng vỗ tay cho đạo diễn kiêm biên kịch Jordan Peele. Hẳn 'Get Out' là phim kinh dị, nhưng Jordan Peele không đưa khán giả vào những tình huống giật gân được trợ lực bởi hóa trang, âm thanh hay ánh sáng. Cái kinh dị của phim được xây dựng dần dần, đi từ gốc rễ là những sự chênh lệch thông tin giữa đôi bên, những cử chỉ quái đản, không khí giả tạo... cùng với nam chính, khán giả cũng bức bối, thắc mắc như nhân vật này, nhưng vẫn chưa biết câu trả lời ra sao nên chẳng biết trách ai và đành chấp nhận theo chân nam chính tìm câu trả lời cho những khuất mắc đó.
Mãi cho đến những phút cuối, khán giả mới chứng kiến ẩu đả, máu me. Mà hay ở chỗ, những phân đoạn này lại cho cảm giác hả hê hơn là kinh dị. Bởi cái chất kinh dị nó đã thấm vào câu chuyện bí ẩn đằng sau gia đình kia, kéo theo nhiều thông điệp về giai cấp, về chủng tộc... Một khi khán giả nhận ra điều đó, nó mang lại cho họ cảm giác sởn gai ốc, nổi da gà, lạnh sống lưng... đến nỗi, sau khi phim hết rồi, nghĩ tới những chuyện ấy cũng còn phải rùng mình kinh sợ.
Tóm lại, nếu bạn đọc chưa xem 'Get Out' thì hãy nhanh chân ra rạp xem phim này. Có thể nói phim là một ví dụ của trường phái làm phim tối giản, ít mà nhiều (less is more). Chất kinh dị trong phim rất thuần khiết, không màu mè bởi những thứ kinh dị nhất đều từ đầu óc của con người mà ra.
torune@hdvienam
Chỉnh sửa lần cuối: