Gần đây, khá nhiều lãnh đạo công nghệ hoặc chuyên gia nổi tiếng dự báo xấu về tương lai ảnh hưởng của AI lên thế giới. Đơn cử, CEO Tesla và SpaceX, ông Elon Musk, lo rằng AI nguy hiểm hơn nhiều so với vũ khí hạt nhân; trong khi cố nhà khoa học Stephen Hawking thì cảnh báo AI có thể là “sự kiện tồi tệ nhất trong lịch sử văn minh chúng ta”, trừ phi con người chuẩn bị cho rủi ro có thể xảy đến.
Song nhiều chuyên gia, ngay cả những người nhận thức rõ rủi ro, có góc nhìn tích cực hơn về AI, đặc biệt trong mảng chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Đây là một trong những điểm chính của nghiên cứu AI do Trung tâm Nghiên cứu Pew và Trung tâm Hình dung Internet của Đại học Elon đưa ra, theo South China Morning Post.
Pew thu thập ý kiến của 979 chuyên gia mùa hè vừa qua, trong đó có các nhà phát triển, nhà công nghệ, nhà đổi mới, doanh nhân ưu tú và nhà làm chính sách. 979 người được hỏi câu: “Đến năm 2030, bạn có cho rằng việc AI tiên tiến và các hệ thống công nghệ liên quan có khả năng nâng cao năng lực con người và hỗ trợ con người hay không?”
Gần 2/3 người được hỏi trả lời có. Song 1/3 khác thì nghĩ ngược lại. Phần lớn họ bày tỏ lo ngại về tác động lâu dài của AI lên “các yếu tố cần thiết nhất trong sự tồn tại của loài người”. Các lo ngại có thể kể đến là: Lạm dụng dữ liệu, mất việc làm, mất kiểm soát vì việc ra quyết định trong các hệ thống kỹ thuật số được đặt trong “hộp đen”, xói mòn khả năng suy nghĩ. Vũ khí tự động hóa, tội phạm mạng và tuyên truyền cũng là ba mối lo lớn.
Janna Anderson, giám đốc Trung tâm Hình dung Internet, cho hay mọi việc sẽ ổn đến năm 2030, song không chắc về thời đoạn sau đó. Ông Andrew McLaughlin, người từng lãnh đạo chính sách công toàn cầu của Google, cho biết: “Tôi cho rằng những đổi mới như internet và mạng lưới AI có lợi ích rất lớn trong ngắn hạn, còn tác động tiêu cực dài hạn thì phải mất nhiều thập kỷ mới xuất hiện”.
Blogger công nghệ Wendy Grossman viết: “Tôi tin rằng sự hợp tác giữa máy móc và con người sẽ thành công trong nhiều lĩnh vực, song sẽ có câu hỏi nghiêm túc về quyền sở hữu và lợi ích. Đến năm 2030, chúng ta sẽ biết liệu ví dụ như xe tự hành có thành công hay không, và liệu các vấn đề cố hữu trong việc trao quyền kiểm soát từ con người sang máy móc trong nhiều lĩnh vực có trở nên rõ ràng hơn hay không”.
Leonard Kleinrock, thành viên Internet Hall of Fame, trả lời: “Khi AI và máy học (machine learning) cải thiện, chúng ta sẽ thấy nhiều tương tác tùy chỉnh cao giữa con người và nhu cầu y tế của họ. Sự tùy chỉnh cao này sẽ cho phép con người có bệnh án, hồ sơ DNA, được ghi nhận tình trạng dị ứng thuốc, di truyền và luôn được nhân viên y tế sẵn sàng chăm sóc”.
Robert Epstein, nhà tâm lý học nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Hành vi và Công nghệ Mỹ, nói: “Năm 2030, có thể AI đã đạt được một số khả năng tri giác, ngay cả khi nó không giống người. Chúng cũng sẽ thực hiện được nhiều mức độ kiểm soát khác nhau với hầu hết giao tiếp giữa người với người, giao dịch tài chính, hệ thống giao thông, lưới điện và hệ thống vũ khí. Chúng ta không có cách nào để đuổi chúng ra”.
Một nhà khoa học xã hội giấu tên thì thẳng thắn: “Nỗi sợ lớn của tôi là công nghệ nhận diện khuôn mặt được dùng để kiểm soát xã hội, ngay cả khi Microsoft đã yêu cầu chính phủ ra quy định. Tất cả các loại giám sát là tương lai của AI và việc này không lành tính nếu không được kiểm soát”. Một chuyên gia giấu tên khác cũng cho hay: “Tôi hiểu về con người. Tôi cho rằng những người đàn ông da trắng thì sẽ hưởng lợi, phần còn lại của nhân loại sẽ chịu đựng điều đó”.
Cuối cùng, giáo sư khoa học máy tính Wendy Hall tại Đại học Southampton ở Anh, chia sẻ: “Nghĩ rằng đến năm 2030, con người sẽ học được cách xây dựng AI theo hướng có trách nhiệm và học cách quy định ngành AI và robot theo hướng tốt cho nhân loại là một bước nhảy vọt trong niềm tin. Chúng ta có thể không có tất cả các câu trả lời vào năm 2030 nhưng cần phải đi đúng hướng đến lúc đó”.
Theo Thanh Niên