Uchiha_Madara
Nghỉ hưu
Bộ phim tiếp theo của Angelina Jolie làm đạo diễn, nói về giai đoạn đen tối nhất của Campuchia trong lịch sử hiện đại, giai đoạn diệt chủng Pol Pot. Lý do Jolie làm phim này chắc là vì cô có đứa con nuôi gốc Campuchia.
Trong sách giáo khoa lịch sử Việt Nam luôn nhắc đến từ Khmer Đỏ, và không giải thích gì thêm, chỉ nói sơ lược rằng chế độ này diệt chủng người Campuchia. Nên năm 1979 Việt Nam đã đem quân sang giải phóng, giúp đỡ Campuchia khỏi đêm trường tăm tối. Là nghe vậy biết vậy, chứ có ai nói rõ cho biết từ Khmer Đỏ kia có nghĩa là gì, hồi đấy học cứ suy nghĩ, sao lại có chữ đỏ, lớn lên mới hiểu, đỏ là đỏ thôi.
Pol Pot sinh ngày 19/5/1925, xuất thân là gia đình giàu có, ăn học đàng hoàng chứ không phải đa số là bần nông như tiêu chí của giai cấp công – nông trụ cột. Năm 1949, Pol Pot du học Pháp, ở Paris, và bắt đầu tham gia các tổ chức cộng sản. Năm 1953, quay trở lại Campuchia và trở thành một trong những người đứng đầu Đảng cộng sản Campuchia (Khmer Đỏ). Từ năm 1963, Pol Pot tổ chức lực lượng, tiến hành chiến tranh du kích, chống lại chính phủ của thái tử Sihanouk. Vì tương đồng mọi thứ nên Pol Pot có mối quan hệ rất chồng chéo, khắng khít với Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Tuy nhiên, sau khi đánh thắng được Lon Nol, chiếm được thủ đô Phnom Penh, bất đồng của Pol Pot và Việt Nam càng tăng cao. Năm 1972 – 1973, Việt Nam muốn Pol Pot đàm phán ngừng chiến, giống như Hiệp định Paris đối với hai miền Bắc Nam Việt Nam và Lào, nhưng Pol Pot không chịu. Pol Pot cho rằng Việt Nam hợp tác với người Mỹ và âm mưu “nuốt chửng” Campuchia. Kissinger đã nổi cơn thịnh nộ, quân đội Mỹ trút 250.000 tấn bom xuống trong 6 tháng (chi tiết này có được nhắc đến cuối bộ phim).
Từ năm 1969, Pol Pot đã bắt đầu có xu hướng ngả theo Bắc Kinh và sau năm 1975 là nghiêng hẳn hoàn toàn, chống lại Việt Nam. Cuối năm 1978, đến năm 1979, Pol Pot đã xua quân sang tấn công Việt Nam ở vùng biên giới Tây Nam với hỏa lực rất mạnh và giết người rất tàn bạo. Đây là giọt nước làm tràn ly, Quân đội Việt Nam chính thức tiến quân vào Campuchia và đóng quân ở đó tận 10 năm sau mới rút khỏi hoàn toàn.
Trở lại bộ phim “First they kill my father”, bối cảnh phim diễn ra vào tháng 4/1975, ngay sau khi quân Pol Pot tràn vào Phnom Penh. Với chính sách xây dựng một nước Campuchia mới, Pol Pot đã cho dồn toàn bộ dân thành thị xuống nông thôn, bắt họ lao động cưỡng bức, chính sách này rất quen. Toàn bộ gia đình con cái dúm dó dắt díu nhau đi trên những con đường đầy người di tản. Được đưa đến một nơi rừng thiêng nước độc và bảo “đó, bắt đầu sống đi”. Tự làm nhà, tự dựng lều, ngày ngày ra đồng lao động, cơm ăn tập thể, mọi thứ tài sản phải giao nộp. Trong phim có chi tiết bắt toàn bộ phải nhuộm áo thành màu nâu đen.
Bộ phim được thể hiện dưới góc nhìn của một bé gái đã trải qua toàn bộ những thời khắc khốn khổ nhất. Cha cô bé là cựu binh quân đội Lon Nol, phải nói dối để cố sống, để gia đình không bị giết hại. Bé gái Campuchia trong phim được miêu tả với những diễn biến tâm lý đi cùng với các thay đổi hoàn cảnh sống, từ cuộc sống vui vẻ thoải mái phải chuyển sang cuộc sống cơ cực, lao động tay chân, thiếu thốn, đày đọa cả thể xác lẫn tinh thần. Chi tiết cô bé trong cơn mơ về những món đồ ăn ngon, đã ăn hết toàn bộ lương thực của cả nhà, sau đó bị anh trai đánh, nhưng người cha vẫn dịu dàng an ủi là một trong những chi tiết khá cảm động.
Đúng như phong cách từ mấy phim trước, Angelina Jolie dẫn dắt bộ phim một cách chậm rãi, bình thản, cảm giác như thiên về một bộ phim tài liệu với các chi tiết nối tiếp nhau. Có vẻ như đạo diễn muốn diễn tả một cách nhẹ nhàng hóa, không quá bi kịch, không quá gây sốc, nhất là dưới góc nhìn của một đứa trẻ. Chúng ta sẽ không thấy những cuộc hành quyết ghê rợn của lính Khmer Đỏ bằng búa, bằng rìu, bằng gốc cây, hành quyết cả phụ nữ và trẻ em. Thay vào đó bộ phim hướng đến cuộc sống của những người bị dồn vào những trại lao động, bắt trẻ em làm việc trong điều kiện khắc nghiệt.
Gần cuối phim, khi bước đường lưu lạc của cô bé khiến phải gia nhập vào trại huấn luyện binh lính, khắc họa những điều mà người ta đồn đoán về việc bắt trẻ em tham gia chiến tranh, huấn luyện thành những kẻ giết người, căm thù đồng bào, căm thù giai cấp, xóa bỏ tư sản, chống lại quân xâm lược … Nhưng cá nhân mình nhận định thì những chi tiết này hơi cường điệu hóa và sự thật có đúng là quân Khmer Đỏ có làm điều đó hay không, làm đến mức độ nào thì vẫn chưa được xác tín.
Trong phim, nhất là đoạn cuối, có rất nhiều hình ảnh quân đội Việt Nam chiến đấu và cứu những đứa trẻ này, đó ắt hẳn là sự thật. Vậy thì cái quan trọng nhất của phim, Họ giết cha tôi đầu tiên, được thể hiện ở đâu, nó chỉ xuất hiện trong tưởng tượng của cô bé khi thấy màn đấu tố kinh điển và kết thúc đậm chất kịch. Bằng việc thể hiện sự mơ hồ trong ký ức của cô bé cũng như ráp nối, tự gắn kết để đưa đến kết luận, cũng như giải thích cho gần 2 triệu người Campuchia đã chết chỉ trong vòng 5 năm (dân số Campuchia khi đó chỉ 7,5 triệu).
First they kill my father là một bộ phim về đề tài lịch sử, nhưng nó không quá gai góc, không quá gây sốc. Nó chỉ đơn giản kể về ký ức của một cô bé gái phải trải qua những thời khắc khó có thể quên cho đến cuối đời. Bộ phim mang một giá trị hình ảnh hiện thực rõ ràng, nhưng vẫn còn thiếu những chi tiết thực sự đáng nhở, thiếu những chi tiết gây ấn tượng sâu sắc.