Theo Bloomberg, trong một cuộc phỏng vấn, Andrus Ansip, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) về các vấn đề kỹ thuật số, cho hay luật Tình báo Quốc gia của Trung Quốc được thông qua năm 2017 làm tăng rủi ro khi giao dịch với các hãng Đại lục ở châu Âu. Luật yêu cầu tổ chức và công dân hậu thuẫn, hỗ trợ tình báo quốc gia trong các cuộc điều tra và giữ thông tin liên quan đến các cuộc điều tra đó.
“Khi nó được viết trong luật thì chúng tôi phải hiểu rằng những rủi ro đó cao hơn. Chúng tôi không thể ngây thơ được nữa”, ông Ansip cho hay, nói thêm rằng nhiều hãng Trung Quốc “đang bị nghi ngờ” vì luật này. Ông đề cập đến tất cả doanh nghiệp Trung Quốc chứ không chỉ Huawei.
Bình luận của quan chức hàng đầu EU được đưa ra giữa lúc Huawei bị nhiều nước kiểm soát gắt. Mỹ kêu gọi đồng minh tránh dùng thiết bị Huawei vì sợ chúng có thể được dùng để do thám, bất chấp doanh nghiệp nhiều lần phủ nhận điều này. Đầu tháng 1, Ba Lan bắt giữ một trong các sếp địa phương của Huawei, cáo buộc người này và một nhân viên an ninh tiến hành gián điệp chống lại đất nước.
Khi được hỏi liệu các nước châu Âu có nên hạn chế quan hệ đối tác với Huawei hay không, Ansip nói rằng ông sẽ không đưa ra khuyến nghị như trên. “Thay vào đó, tôi muốn yêu cầu tất cả chính phủ các nước, những người có trách nhiệm, xử lý việc đánh giá rủi ro một cách rất nghiêm túc”, sếp kỹ thuật số EU cho hay, cho rằng dù Trung Quốc thông qua luật Tình báo Quốc gia nhưng không có nghĩa rằng EU phải nhất thiết dứt khoát với công ty hoặc sản phẩm của công ty Trung Quốc.
Ông Ansip trước đây từng lên tiếng thể hiện quan ngại về gián điệp Trung Quốc. Trong cuộc họp báo diễn ra tại Brussels (Bỉ) tháng 12.2018, ông trả lời có cho câu hỏi liệu châu Âu có nên lo ngại về Huawei hay các hãng Trung Quốc khác hay không.
Huawei cho hay luật Tình báo Quốc gia không yêu cầu doanh nghiệp hợp tác với tình báo nhà nước nếu nó mâu thuẫn với quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức. Phái đoàn Trung Quốc tại EU cho biết họ có lưu ý rằng một số người tại một số nước nhất định “nói rằng các hãng công nghệ cao Trung Quốc có thể đe dọa an ninh”, song “không một ai trong số họ có bằng chứng thuyết phục về cách an ninh quốc gia bị ảnh hưởng”.
Hãng thiết bị viễn thông hàng đầu Trung Quốc nỗ lực để bán hàng cho châu Âu. Tuần này, doanh nghiệp tuyên bố vận chuyển hơn 25.000 trạm gốc 5G trên toàn cầu. 18 trong số 30 hợp đồng viễn thông của Huawei hiện đến từ châu Âu. Cả ông Ansip cũng thừa nhận điểm tiên tiến của công ty Trung Quốc trong mảng 5G.
Theo Thanh Niên