Theo South China Morning Post, Edward Snowden là cựu nhân viên NSA lẫn Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tính đến năm 2017 thì tị nạn ở Moscow (Nga). Trước thềm buổi điều trần của ông Pichai trước Quốc hội Mỹ hôm 11.12 (giờ Mỹ), một nhóm hoạt động nhân quyền, bao gồm cả ông Snowden, yêu cầu thêm chi tiết về kế hoạch xây dựng sản phẩm cho thị trường Trung Quốc của hãng tìm kiếm internet.
Tổ chức Ân xá Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và Ủy ban Bảo vệ Nhà báo là vài trong số các tổ chức ký vào thư yêu cầu Google không tạo công cụ tìm kiếm góp phần cho phép Trung Quốc kiểm duyệt.
Lá thư có đoạn viết: “Việc cho phép giới chức Trung Quốc khả năng truy vào dữ liệu cá nhân, như thông tin đăng trên báo chí, là đặc biệt khinh suất. Có nguy cơ thực sự là Google sẽ hỗ trợ trực tiếp cho chính phủ Trung Quốc trong việc bắt giữ, tống giam người dân chỉ vì họ bày tỏ quan điểm của mình trực tuyến. Điều này khiến doanh nghiệp có liên quan đến chuyện vi phạm nhân quyền”.
Các nhà hoạt động cũng công bố lá thư mà họ nhận được từ phó chủ tịch các vấn đề toàn cầu của Google, ông Kent Walker. Trong thư, ông Walker trả lời một loạt cuộc biểu tình phản đối cùng tuyên bố trước đó của Tổ chức Ân xá Quốc tế và nhiều đơn vị khác đưa ra hồi tháng 10.
Ông Walker cho biết mục tiêu của Google là kết nối người dân ở các thị trường mới nổi với internet. Ông lặp lại tuyên bố của CEO Google rằng Project Dragonfly, tên dự án phát triển công cụ tìm kiếm cho phép Trung Quốc kiểm duyệt, chưa gần đến mức sắp được chính thức tung ra. Walker tránh nhắc đến việc kiểm duyệt, thay vào đó cho hay doanh nghiệp sẽ cân nhắc tất cả phản hồi một cách cẩn thận trước khi ra quyết định cuối cùng.
Project Dragonfly là chủ đề ồn ào trong và ngoài Google. Nhiều nhân viên Google bày tỏ lo ngại về việc công ty có thể làm việc với chính phủ Trung Quốc sau khi rút khỏi thị trường nước này vào năm 2010. Khi đó, hãng Mỹ “ra đi” chính xác là vì lý do chính quyền Trung Quốc thúc đẩy họ giám sát người dân.
Theo Thanh Niên