Hôm 23/12 tại một diễn đàn tổ chức ở Đại học Bắc Kinh với chủ đề "Better China: Dare to Go Forward", một học giả có tên Ni Guangnan thuộc Học viện kỹ thuật Trung Quốc, đồng thời là cựu kỹ sư trưởng của Lenovo đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.
Trong phát biểu của mình, ông đã so sánh giữa hai công ty Trung Quốc là Lenovo và Huawei. Ni Guangnan khẳng định trong suốt 30 năm qua, Lenovo giống như một con rùa còn Huawei y hệt một con thỏ.
Ni có chia sẻ một biểu đồ so sánh doanh số của Lenovo (thành lập năm 1984) và Huawei (thành lập năm 1987) chia thành hai giai đoạn.
Giai đoạn đầu 1988-1995, mảng kinh doanh công nghệ và thương mại của Lenovo hoàn toàn vượt trội so với Huawei. Năm 1995, doanh thu của Lenovo là 970 triệu USD, gấp 4,5 lần so với doanh thu của Huawei.
Vào năm 2001, doanh thu của Huawei đã vượt qua Lenovo. Tính đến 22/12/2018, giá trị thị trường của Lenovo chỉ là 8,1 tỷ USD trong khi định giá thương hiệu Huawei là 400 tỷ USD. Khoảng cách giữa hai công ty hiện đã lên tới gấp 50 lần.
Ni Guangnan cho rằng, sự thành công của Huawei có nhiều nguyên do. Trong 10 năm đầu tiên khi Lenovo thay đổi cổ đông, các nhà đầu tư và nhân viên đã dần mất niềm tin và không còn mấy mặn mà với công ty. Nhiều người đã rời đi mà không chút tiếc nuối. Ngược lại Huawei lại đang làm rất tốt khâu nhân sự và cổ đông.
Trên thực tế môi trường kinh doanh giữa hai công ty về cơ bản là giống nhau. Nhưng Ni tin rằng, khoảng cách giữa Lenovo và Huawei do vấn đề chiến lược phát triển. Một mặt, Huawei luôn tập trung đầu tư cho R&D và mặt khác, hãng cũng rất quan tâm tới vấn đề con người và luôn kích thích các nhân viên sáng tạo công nghệ mới.
Ở chiều ngược lại, Lenovo đã thất bại trong chiến lược phát triển. Họ không sở hữu một bộ máy nhân sự đủ tốt và khả năng giữ nhân viên làm việc đủ lâu. Do đó giải pháp hiện tại và trong tương lai của Lenovo là kiện toàn bộ máy nhân sự, bổ sung các chính sách ưu đãi nhân viên nhằm thu hút và níu giữ nhân tài.
Theo Genk