Đọc 'Vũ tịch' của Trường An

Đọc "Vũ tịch" như đang xem một vở kịch nhiều màn, nhiều lớp. Lật mở mỗi chương truyện là những câu chuyện sâu kín buồn thảm chưa bao giờ được kể.
Nàng xuất hiện trong màn mưa Phú Xuân, ở căn phòng ẩm ướt và lạnh lẽo, mái tóc đen nhánh đã tuột khỏi búi, xõa xuống vai, tràn qua nửa mặt.

Người con gái với hình dung mỏng manh như liễu, an tĩnh như mây ngồi đó, bất động. Đẹp và u tịch như mưa. Nàng là con gái út vua Lê Hiển Tông, công chúa Lê Ngọc Bình, một thời gian dài thân phận đã bị gán cho người chị Lê Ngọc Hân, thân thế và cuộc đời nàng đã biến mất, đã bị xóa bỏ trong sử sách, và sự lầm lẫn với nàng được coi là "sự sỉ nhục" cho người chị.

Nàng là Chính cung Hoàng hậu của vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn, sau này trở thành Đức phi của vua Gia Long Nguyễn Ánh, nàng vừa là tội nhân của luân thường đạo lý, vừa là nạn nhân của thời ly loạn.

“Nàng rút cây trâm bạc trên đầu xuống, chăm chú nhìn những đường nét uốn lượn của cành hoa, chiếc lá. Ngón tay nàng viền theo chúng. Lớp kim loại lạnh ngắt dưới làn da nàng. Nàng nghĩ đến hơi ấm của một ngày xa xôi nào đó. Những vòng tay đã ôm lấy nàng đều đã rời xa.

Chậm chạp, nàng ấn đầu mũi trâm vào cánh tay. Máu ứa ra, giọt đỏ như son trên làn da nàng. Nàng nhăn mặt, dừng tay. Màu bạc vẫn lấp lánh sáng trong mắt nàng.

Nàng không muốn tìm đến cái chết. Nhưng chỉ có cái đau đang dội lên này mới chế ngự được cơn giá lạnh trong tim nàng. Mới có thể giúp nàng chịu đựng được.”

Nhà Lê sụp đổ, Nguyễn Huệ xưng vương. Từ cô công chúa nhỏ theo chân mẹ chạy trốn ra khỏi Thăng Long bạo loạn đến thiếu nữ xinh đẹp khuynh thành, nàng luôn tách biệt với thế giới, nàng coi thường thời cuộc, mỉm cười chế nhạo nhân sinh, làm mê đắm anh hùng, rồi lại đau thương một đời vì anh hùng.

30-8-2017-14-22-46-47.jpg

Tiểu thuyết lịch sử Vũ tịch của Trường An.


Cuộc đời nàng mang mệnh bi ai, cả Quang Thùy, Quang Toản và Gia Long đều muốn mang lại hạnh phúc cho nàng nhưng đều từng bước đẩy nàng vào vực thẳm.

Chàng, là con trai trưởng của Quang Trung Nguyễn Huệ - người đánh đổ vương triều của nàng, là kẻ từ khi sinh ra đã mang mệnh con vua, nhưng không được làm vua, vì gia tộc hay vì kiêu hãnh mà chàng đã hy sinh tình yêu ngọt ngào, chấp nhận đau thương, đẩy nàng vào tay kẻ khác.

Chàng, là vị vua cuối cùng của nhà Tây Sơn, là chồng nàng, là kẻ hứng chịu những thù hằn khủng khiếp của Nguyễn Ánh giáng xuống vì tội của tiền nhân, trong máu và xương nát vụn của chàng có mảnh ngọc bội xanh khắc hình ấn triện triều Lê của nàng.

Và ông, là người chiến thắng trò chơi vương quyền của cuộc nội chiến kéo dài suốt 300 năm. Ông là vị vua đầu tiên của nhà Nguyễn, ông yêu nàng, xem nàng là tri kỷ, cố gắng vực dậy lòng ham sống của nàng thông qua những đứa con dù có phải trả giá bằng danh dự của mình.

Đọc Vũ tịch như đang xem một vở kịch nhiều màn, nhiều lớp. Lật mở mỗi chương truyện là những câu chuyện sâu kín buồn thảm chưa bao giờ được kể.

Đó là những vương triều hình thành rồi tuyệt diệt. Đó là những đêm cô tịch, lặng yên của hoàng thành hoa lệ. Đó là những bông hoa đào vừa nở đỏ rực đã vội cháy thành tro. Đó là những đứa trẻ sinh ra trong nhà đế vương phải mang trách nhiệm với thời cuộc và gánh chịu cực hình tàn khốc cho tội lỗi, cho ân oán của tiền nhân.

Đọc để cảm, đọc để hiểu hơn về một thời đã qua, về những con người đã thành thiên cổ:

"Mài son bén phấn hây hây

Đêm nguyệt đưa xuân, một nguyệt hay

Mấy kẻ hồng nhan thì bạc phận

Hồng nhan kia chớ cậy mình thay."
 
Bên trên