Ngày 03/12, trang tin cnet.com dẫn thống kê từ TrendForce, một công ty chuyên về khảo sát và tư vấn kinh doanh của Đài Loan, cho biết tổng số lượng điện thoại di động của các nhà sản xuất Trung Quốc bán ra sẽ là trên 450 triệu thiết bị vào cuối năm nay, chiếm 38,6% thị phần toàn cầu và đang hướng đến mục tiêu vượt trên 50% vào năm 2016. Thống kê đồng thời lưu ý rằng mức tăng trưởng hàng năm của các nhà sản xuất Trung Quốc là 50% kể từ khi họ bước chân vào thị trường quốc tế hồi năm 2011.
Tiếp theo, Alan Chen, một chuyên viên phân tích của TrendForce nhận định rằng sang năm 2015, tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại còn 17% do cắt giảm trợ giá và độ bão hòa của thị trường smartphone ở Trung Quốc. Dù vậy, lượng bán ra sẽ chiếm hơn 40% thị phần toàn cầu vào năm tới, và có lẽ sẽ vượt trên 50% vào năm 2016.
Các nhà sản xuất Lenovo, Huawei và Xiaomi mới đây đều đồng thanh công bố tham vọng trở thành nhà sản xuất hàng đầu thế giới vào những năm tới. Mỗi công ty này sẽ bán ra hơn 60 triệu thiết bị điện thoại di động trong năm nay, và đồng xếp hạng chỉ sau Apple và Samsung, hiện tại đang là hai nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới.
Cả ba nhà sản xuất đến từ Trung Quốc cũng hướng đến mục tiêu bán ra 100 triệu thiết bị vào năm 2015. Nhà phân tích Chen lưu ý rằng việc Lenovo hoàn tất thương vụ mua lại Motorola và Xiaomi cũng gặt hái nhiều thành công tương tự ở thị trường nội địa sẽ là các yếu tố quyết định cho động lực dẫn đầu thế giới của các hãng Trung Quốc.
Tuy vậy, tại một diễn đàn dành cho các nhà đầu tư gần đây, các giám đốc của tập đoàn Samsung đã tỏ ý nghi ngờ liệu Xiaomi có thể tiếp tục chuỗi thành công của họ ở thị trường nước ngoài, bất chấp việc Xiaomi đã hất đổ vị thế thống trị của tập đoàn công nghệ khổng lồ đến từ Hàn Quốc ở thị trường Trung Quốc. Được biết Xiaomi chuyên về bán các sản phẩm của họ qua mạng, từ đó giúp giảm được các khoản chi phí tiếp thị lớn, và Samsung nhận định rằng chiến lược này sẽ không hiệu quả khi áp dụng cho thị trường nước ngoài.
Bảng thống kê cũng lưu ý rằng trong khi hơn 30% sản phẩm của Huawei, ZTE và TLC được bán ra thị trường nước ngoài, thì phần lớn các công ty Trung Quốc đều chỉ loanh quanh ở thị trường nội địa. Để có thể tăng trưởng khi mà thị trường nội địa trở nên bão hòa, các công ty này sẽ buộc phải tìm đến thị trường Ấn Độ và Mỹ Latinh, hai khu vực mà phân khúc smartphone chưa được khai phá nhiều và từ đó có thể thu lợi nhờ mức giá cạnh tranh thường thấy ở các sản phẩm điện thoại Trung Quốc. Như vậy có thể kết luận rằng một chiến lược mở rộng thị trường thành công sẽ là "then chốt" cho sự tăng trưởng vào năm 2015.
Nguồn cnet.com