Công nghệ hình ảnh mới do các nhà khoa học đến từ Đại học Texas (bang Texas, Mỹ) có thể biến công nghệ X-Quang trở nên thông dụng hơn, ít nhất là trên điện thoại di động. Một nhóm nghiên cứu của trường Đại học này, được dẫn đầu bởi Giáo sư ngành Cơ Điện Kenneth O. đã tạo ra một con chip hình ảnh mới kết hợp giữa việc khai thác lợi ích vùng phổ sóng điện từ thuộc dải tần Terahertz và công nghệ chế tạo vi mạch CMOS tiên tiến, cho phép điện thoại di động có thể “soi” xuyên tường, quần áo, gỗ, nhựa, giấy và các vật thể khác.
Sóng điện từ nói chung được chia thành nhiều vùng tần số khác nhau, trong mỗi vùng chúng lại có những tính chất đặc trưng riêng. Sóng điện từ ở dải tần số THz có một đặc tính đặc biệt là chúng có thể đâm xuyên qua nhiều loại vật chất và tương tác với bất kỳ phân tử nào chúng gặp. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, những thiết bị khai thác dải tần này thường là những thiết bị chuyên dụng và chúng gần như vắng mặt trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng. Điều này có nguyên do từ việc vận hành các thiết bị hình ảnh sử dụng dải tần THz cần rất nhiều năng lượng và một hệ các thấu kính hội tụ ánh sáng rất cồng kềnh và đắt tiền. Giải pháp đột phá của nhóm nghiên cứu đến từ Dallas cho phép quá trình chế tạo thiết bị sử dụng vùng tần số này đơn giản và rẻ hơn trước. Sử dụng cách tiếp cận vấn đề khác đi, nhóm nghiên cứu đã tái tạo lại được hình ảnh do tín hiệu có tần số cỡ THz truyền về mà không cần phải dùng đến một hệ các thấu kính hội tụ, điều đó khiến giải pháp của nhóm được chế tạo đơn giản hơn, tiết kiệm chi phí sản xuất và giảm kích thước thiết bị.
Một tiến bộ khác góp phần quan trọng không nhỏ giúp nghiên cứu áp dụng được trong các thiết bị tiêu dùng là nhóm nghiên cứu đã sử dụng công nghệ CMOS để chế tạo nên con chip hình ảnh mới. Hiện CMOS là công nghệ đang được sử dụng rộng rãi trong việc chế tạo các thiết bị điện tử chúng ta sử dụng hàng ngày như PC, smartphone, HDTV ... do vậy con chip hình ảnh mới có thể sản xuất hàng loạt với chi phí thấp trên nền công nghệ sẵn có. “Việc kết hợp CMOS và hiệu ứng tần số Terahertz cho phép các nhà sản xuất đặt chip hình ảnh gọn gàng ở phía sau của điện thoại di động, biến chúng thành thiết bị bỏ túi có thể nhìn xuyên sự vật” - Giáo sư Kenneth O cho biết.
Nghiên cứu mới còn có thể được ứng dụng trong nhiều mặt của cuộc sống như tìm các lỗ hổng trên tường, xác thực tài liệu hay dò tiền giả. Dải Terahertz cũng được dùng để dò các khối u, chẩn đoán bệnh qua phân tích hơi thở... Còn trong trường hợp người dùng đang lo lắng rằng công nghệ này có thể ảnh hưởng đến sự riêng tư và cá nhân của người khác, khi có thể nhìn… xuyên quần áo, thì các nhà nghiên cứu cũng đã nhận thức được đầy đủ mối quan ngại này. Đó là lý do tại sao tiến sĩ O. và nhóm của ông chỉ tập trung phát triển để công nghệ có tác dụng trong khoảng cách tối đa 10cm mà thôi.
Nguồn: phys.org
Chỉnh sửa lần cuối: