'Dấu chấm hết' với thời hoàng kim của những gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Mục đích thực sự của việc Bắc Kinh "tấn công" đế chế internet của tỷ phú Jack Ma trong những ngày gần đây có thể vẫn chưa rõ ràng. Tuy nhiên, có một điều chắc chắn đó là: thời kỳ hoàng kim của những công ty công nghệ lớn Trung Quốc kết thúc.

Chính phủ của quốc gia này đã thể hiện sự nghiêm khắc đối với ngành công nghệ chỉ trong vài ngày. Trong các thông báo mang tính bước ngoặt, giới chức Trung Quốc đã yêu cầu Alibaba nộp phạt khoản tiền kỷ lục là 2,8 tỷ USD, vì lạm dụng vị trí thống lĩnh trên thị trường, sau đó buộc Ant Group phải cải tổ hoạt động. Hôm 13/4, các nhà quản lý đã triệu tập 34 công ty lớn nhất quốc gia từ Tencent cho đến ByteDance và cảnh báo họ "không được phép chạm vào ‘lằn ranh đỏ’."

Thông điệp bất thành văn dành cho Jack Ma và các doanh nghiệp cùng ngành đó là thập kỷ vốn tạo điều kiện phát triển cho những "đối thủ" sừng sỏ của Facebook hay Google đã đi đến hồi kết. Đã qua rồi cái thời mà những "gã khổng lồ" như Alibaba, Ant hay Tencent có khả năng chèn ép những doanh nghiệp cùng ngành với tiềm lực tài chính và kho dữ liệu khổng lồ.



Mark Tanner – nhà sáng lập của China Skinny, cho biết: "Khi những quy định mới đối với Ant và án phạt 2,8 tỷ USD cho Alibaba được đưa ra, thì thời kỳ hoàng kim đối với các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc đã kết thúc. Ngay cả những doanh nghiệp không bị nhắm đến cũng sẽ sớm phải giảm bớt quy mô mở rộng và điều chỉnh nhiều yếu tố cho môi trường mới."

Ngay cả những công ty ít chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn – như Tencent hay Meituan và Pinduoduo, cũng có thể chứng kiến cơ hội tăng trưởng bị hạn chế.

Thời điểm mang tính bước ngoặt hiện tại đã được chuẩn bị trong nhiều năm. Vào thập kỷ trước, các doanh nhân có tầm nhìn xa như Jack Ma hay Pony Ma đã tạo ra những đế chế trị giá hàng tỷ USD từ hoạt động bán lẻ cho đến truyền thông. Họ giúp cải thiện chất lượng cuộc sóng của hàng trăm triệu người và trở thành một "hình mẫu" cho thế hệ trẻ ngày càng giàu có. Tuy nhiên, những cơ hội lớn cùng nhiều năm tăng trưởng thần tốc đã gây lo ngại về việc "kẻ thắng ăn cả" và thay thế vai trò của các cơ quan nhà nước.



Bắc Kinh ngày càng lo ngại khi các công ty như Alibaba và Tencent tích cực bảo vệ "chiến tuyến" của mình. Đó là khi họ sử dụng kho dữ liệu khổng lồ để ép các đối thủ hoặc đối tác, nhà xuất bản nội dung phải có thỏa thuận độc quyền.

Tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của họ đối với mọi khía cạnh trong cuộc sống của người Trung Quốc trở nên rõ ràng hơn. Cụ thể, nhiều người trong số 1,3 tỷ dân đã mua và trả tiền cho mọi thứ trên những nền tảng của công ty này, từ đó cung cấp lượng lớn dữ liệu về hành vi chi tiêu. Đứng đầu trong số đó là Alibaba và Tencent – những "ông hoàng" trong ngành nhờ đầu tư hàng tỷ USD vào hàng trăm startup.

Tất cả những yếu tố trên diễn ra vào năm 2020, khi Jack Ma đang chuẩn bị cho đợt IPO 35 tỷ USD Ant và công khai chỉ trích các cơ quan quản lý. Sau đó, Bắc Kinh đã đưa ra một loạt những quy định chưa từng có để kiểm soát các công ty fintech và internet. Vốn hóa của Alibaba do đó cũng mất 200 tỷ USD kể từ tháng 10. Việc Alibaba chịu ảnh hưởng nặng nề sau 4 tháng bị giới chức giám sát chặt chẽ càng nhấn mạnh sự mong manh của công ty trước những động thái nghiêm khắc hơn nữa.

Những "gã khổng lồ" của Trung Quốc từ Tencent đến Meituan sẽ trở thành mục tiêu tiếp theo, bởi họ cũng là những kẻ thống trị trong lĩnh vực tương ứng của mình, theo các nhà phân tích của Credit Suisse – Kenneth Fong và Ashley Xu.

Các nhà quản lý có thể tập trung vào những quy định từng đưa ra đối với Meituan về tính độc quyền, đặc biệt khi họ mở rộng từ vận chuyển sang các lĩnh vực phát triển nhanh như thương mại điện tử. Ngoài ra, Bắc Kinh có khả năng điều tra lĩnh vực game của Tencent và liệu nền tảng nhắn tin WeChat có đang cạnh tranh không lành mạnh hay không.

Shen Meng – giám đốc ngân hàng đầu tư Chanson & Co. Bắc Kinh, nhận định: "Thời kỳ của sự bành trướng và phát triển thần tốc đã trôi qua. Kể từ bây giờ, sự tăng trưởng của những công ty này có thể sẽ bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ. Các công ty này sẽ phải đối mặt với thực tế rằng họ cần phải hợp lý hóa các hoạt động kinh doanh không cốt lõi và giảm bớt tầm ảnh hưởng với các ngành. Trường hợp của Alibaba và Ant sẽ thúc đẩy các đối thủ chủ động tái cấu trúc, lấy họ là ‘tấm gương’."



"Gã khổng lồ" ngành tài chính Ant là một ví dụ điển hình. PBOC cho biết họ muốn "ngăn chặn việc mở rộng vốn theo cách thiếu trật tự" và đảm bảo tất cả hoạt động kinh doanh tài chính của Ant sẽ được điều hành trong 1 công ty mẹ duy nhất. Công ty của Jack Ma sẽ đối mặt với sự hạn chế trong mọi hoạt động kinh doanh chính – từ thanh toán và quản lý tài sản cho đến cho vay tín dụng. Mảng kinh doanh sinh lời tốt nhất – cho vay tín dụng, sẽ được giới hạn dựa theo lượng vốn đăng ký.

Có thể, hình phạt đối với Alibaba vẫn nhẹ hơn so với một số công ty lớn khác. Dù 2,8 tỷ USD cao gấp 3 lần mức phạt của Qualcomm hồi năm 2015, nhưng con số này chỉ bằng ít hơn 5% doanh thu hàng năm của công ty. Tuy nhiên, điều rủi ro hơn nhiều đó là mối đe dọa về những động thái nghiêm ngặt của giới chức trong tương lai và tác động khiến Alibaba suy yếu.

Mối đe dọa dường như chưa được định hình nhưng thông điệp rõ ràng nhất mà các nhà quản lý Bắc Kinh muốn thể hiện trong những ngày qua đó là sẽ không có bất kỳ công ty nào sở hữu quyền lực vượt qua các cơ quan nhà nước.

PBOC đã cảnh báo trong bản dự thảo quy tắc được công bố trước đó rằng bất kỳ công thanh toán phi ngân hàng nào chiếm một nửa thị phần giao dịch trực tuyến (hoặc 2 thực thể với tổng 2/3 cổ phần) có thể đều bị điều tra chống độc quyền. Nếu tình trạng độc quyền được xác nhận, Hội đồng Nhà nước hoặc Nội các có quyền áp dụng nhiều hình phạt, bao gồm cả việc giải thể pháp nhân.

Đây mới chính là cơn ác mộng cuối cùng của một doanh nhân.

Shen nhận định: "Mọi công ty đều nằm trong tầm ngắm của cơ quan quản lý và điều này thực sự phụ thuộc vào phản ứng tiếp theo của chính họ. Tốt hơn hết là nên chủ động tự khắc phục thay vì tái cơ cấu theo yêu cầu của cơ quan quản lý."

Theo Genk​
 
Bên trên