caynam
Super Moderators
Thị trường TV cao cấp luôn là nơi các hãng giới thiệu và đưa vào các công nghệ mới nhất của mình với mục tiêu làm hài lòng nhất các khách hàng khó tính. Một trong những công nghệ tốt nhất hiện nay được đưa lên các mẫu TV LCD đèn nền LED chính là tấm lọc màu chấm lượng tử với khả năng hiển thị vượt trội. Samsung mới đây đã nâng cấp công nghệ này với tên gọi mới là QLED trong khi đó một nhà sản xuất khác là Sony cũng đưa công nghệ màn hình cao cấp là Slim Backlight Drive lên các TV cao cấp mới của mình. Với việc sử dụng công nghệ tương đồng như vậy thì chắc chắn nhiều anh em sẽ thắc mắc là sự khác biệt về chất lượng hình ảnh từ TV của hai hãng này như thế nào. Chính vì vậy hôm nay mình so sánh luôn hai mẫu TV đầu bảng của cả Sony và Samsung với kích thước, công nghệ và mức giá tương đương nhau là chiếc Sony Bravia 65X9300E và Samsung QLED Q8C (QE65Q8C).
Tiêu chí so sánh trong bài viết này sẽ tập trung nhiều về yếu tố quan trọng nhất chính là chất lượng hình ảnh, bởi đây là lý do mà chúng ta chọn mua các TV đầu bảng này. Các vấn đề về các tính năng TV thông minh, nền tảng, kết nối, giao diện,… sẽ không được tập trung nhiều trong bài viết này.
Hơi bất ngờ về TV của Samsung nhưng ngay từ những thử nghiệm ban đầu chúng ta thấy rằng Samsung có vẻ yếu thế hơn về việc khả năng thể hiện hình ảnh độ tương phản cao đặc biệt là không gian tối.
Sony Bravia 65X9300E
Samsung QLED Q8C
Chúng ta dễ dàng thấy được mặc dù mẫu TV Bravia 65X9300E thể hiện màu sắc khá rực rỡ, nhưng nó lại có độ sâu màu đen tốt. Trong khi đó mẫu TV của Samsung thể hiện hình ảnh nhẹ nhàng hơn nhưng có vẻ như nó thể hiện màu đen không tốt lắm, và điều này ảnh hưởng đến độ tương phản tổng thể của hình ảnh.
So sáng độ tương phản cũng như chuyển màu của Samsung Q8C và Sony 65X9300E
Chúng ta vẫn thấy được nếu chỉ nhìn riêng TV Samsung Q8C thì chi tiết tương phản (ảnh trên) khá tốt nhưng nếu so với chiếc Bravia bên cạnh thì chúng ta vẫn có thể thấy các chi tiết sáng tối trên chiếc Sony rõ ràng hơn.
Đối với ảnh này, chi tiết phân biệt giữa các tầng mây của TV Sony vẫn có độ sâu ấn tượng hơn, chi tiết ở chiếc TV Q8C hầu như bị mất hết, nhất là ở những vùng chuyển màu và vùng chuyển sáng tối. Còn TV Sony cho hình ảnh rất thực, màu sắc rõ ràng tách bạch, các vùng chuyển màu và sáng tối làm rất tốt. TV Samsung do cố tình đẩy độ tương phản lên quá cao và hậu quả là chi tiết bị mất khá nhiều.
Chúng ta khá dễ thấy sự khác biệt về độ tương phản và độ chi tiết của 2 mẫu TV này. Phần màu cỏ của TV Samsung bị bệt một màu giống nhau, các chi tiết hầu như là không có, tuy nhiên, TV Sony lại cho đủ các chi tiết, màu sắc khác biệt, rất rõ ràng. Ở trên các quầng mây, các bước chuyển màu sáng tối cũng được thể hiện rất rõ. Chính điều đó khiến cho hình ảnh trên TV Sony có độ sâu màu cao hơn, không gian hình ảnh chặt hơn, khiến cho cảm giác nổi khối rất rõ, còn TV Samsung thì ngược lại.
Ở hình này, chi tiết hình ảnh trong vùng tối chính là sự khác biệt nhất, sự khác biệt này gây ra bởi khả năng xử lý phần cứng đèn nền và khả năng tái tạo hình ảnh HDR. Phân tích về chi tiết thì có vẻ như công nghệ được trang bị trên TV Bravia 65EX9300E cho khả năng hiển thị chi tiết vùng tối rõ ràng hơn mặc dù vẫn giữ màu đen rất sâu.
Sony 65X9300E
Samsung Q8C
Chúng ta có thể thấy được chi tiết cửa sổ trên tòa nhà tối trên chiếc 65X9300E hơn nhiều khi so với Samsung Q8C
Một ví dụ khác về khả năng thể hiện chi tiết vùng tối của Sony:
Khi đi vào chi tiết vùng chân của khán giả chẳng hạn (hình dưới) chúng ta có thể thấy rằng Sony thể hiện tốt hơn 1 chút với các chi tiết rõ ràng chứ không bị tối quá và bị bệt màu đen, mất hết chi tiết tách bạch các đường nét với nhau như TV Samsung.
Sony 65EX9300E
Samsung Q8C
Phần trần nhà (góc trên bên trái) chúng ta cũng thấy được hình ảnh từ TV Sony cho thấy rõ chi tiết trong khi Q8C của Samsung chỉ hiển thị màu đen.
Sony 65EX9300E
Samsung Q8C
Phân tích thêm một chút về màu sắc hình ảnh với các video tổng thể màu tối:
Khả năng upscale là một trong những tính năng khá cần thiết trong thời điểm hiện nay, khi mà nhiều nội dung số vẫn ở định dạng 1080p, khi phát lên TV 4K thì cần đến khả năng upscale thật tốt để có thể trình diễn hình ảnh theo đúng chuẩn mực vốn có nhất của nó.
Khả năng upscale của Sony được thể hiện rất tốt, rõ nhất là khi chúng ta tiến lại gần TV thì chúng ta hiếm khi nào thấy trên mẫu Sony 65X9300E tình trạng “sạn” khi TV upscale hình ảnh từ nội dung Full HD gốc. Hình ảnh được thể hiện với màu sắc tươi tắn và chi tiết hơn (hình dưới). Tất nhiên công nghệ của Sony không thể tái tạo toàn bộ các chi tiết đã mất như từng chi tiết trên mặt người mẫu, nhưng ít nhất các chi tiết nhỏ như sợi tóc được thể hiện rất chi tiết và không bị mệt lại với nhau do độ phân giải phấp như trước đây nữa.
Một yếu tố (theo mình) đóng vai trò không nhỏ tạo ra sự khác biệt này là chip xử lý hình ảnh 4K X-Reality của Sony được nâng cấp công nghệ “4K HDR X1 Extreme” kết hợp cùng với rất nhiều các công nghệ hình ảnh đã rất mạnh mẽ sẵn có của mình. Chính vì thế toàn bộ hệ thống xử lý hình ảnh không chỉ xử lý rất tốt các chi tiết về tương phản cũng như màu sắc hình ảnh hiển thị mà còn có khả năng upscale hình ảnh với chất lượng cực cao.
Hình ảnh đều được hiển thị một cách mượt mà và cho chúng ta cảm giác như được xem nội dung 4K gốc chứ không chỉ là một đoạn video được upscale. Mình cũng đã thử downscale 1 đoạn video 4K xuống còn Full HD và thử so sánh so với đoạn phim gốc thì gần như mình không nhận ra sự khác biệt nào đáng kể giữa hai đoạn phim mà chất lượng gốc khác nhau về độ phân giải đến 4 lần. Đặc biệt là nếu chúng ta đứng gần TV để xem thì các mảng tối sẽ không còn thấy hiện tượng nhiễu nhẹ hoặc viền hình ảnh bị nhòe.
Với hình 2 bông hoa (hình trên), màu sắc cánh hoa trên TV của Sony được thể hiện rất mượt mà và sắc xảo. Khi mình đứng gần màn hình thì có thể thấy khá rõ ràng từng đường gân trên cánh hoa rất sống động trong khi đó TV Samsung Q8C chỉ cho cảm giác nét hơn nhưng vẫn thiếu một chút tự nhiên. Điểm thể hiện rõ ràng nhất có lẽ là từng giọt nước trên cánh hoa. Việc kết hợp giữa độ tương phản cao, upscale chất lượng cao khiến cho từng giọt nước đọng trên cánh hoa trở nên cực kỳ sống động mặc dù chúng ta có video gốc chỉ có Full HD. Hình ảnh trên màn hình TV Sony 65X9300E tái tạo rõ ràng từng điểm sáng tối trên trền đen lẫn cánh hoa và nó trở nên “nổi khối” đến nỗi chúng ta cảm tưởng từng giọt nước có thể rơi khỏi cánh hoa bất cứ lúc nào. Đây là điều mà mình không cảm nhận được trên mẫu Q8C của Samsung. Có thể nói chất lượng upscale của TV Sony cao cấp như Bravia 65X9300E thuộc loại khó có đối thủ trên thị trường.
Chúng ta chuyển sang thử nghiệm các đoạn phim với màu sắc tươi sáng hơn. Cả hai mẫu TV đều thể hiện hình ảnh mượt mà, chi tiết với độ tương phản cao bởi cả hai đều được trang bị công nghệ HDR.
Đối với TV Sony 65X9300E, khả năng xử lý màu sắc theo mình là khá tốt, chúng ta có màu cỏ đậm, giàu sức sống cũng như hoa anh đào hồng hào rất đẹp, trong khi đó màu sắc từ mẫu Q8C của Samsung thì tông màu tổng thể vẫn ám xanh, điều đó dẫn đến màu cỏ nhạt hơn, màu cây anh đào có chút gì đó thiếu tự nhiên. (theo mình thì chuyển sang tím luôn rồi)
Ở tấm này chúng ta thấy rõ việc hơi thiếu đi sự hồng hào khiến cho màu hoa anh đào khó mà nổi bật lên được nếu so với TV 65X9300E của Sony. Thậm chí chúng ta còn cảm giác hoa anh đào có vẻ “tím” chứ không còn hồng như thông thường.
Nói thêm một chút về thiết kế bởi nó có liên hệ khá nhiều đối với trải nghiệm hình ảnh, hai mẫu TV này đều cho mình cảm giác rất sang trọng và cao cấp với thiết kế sử dụng các chi tiết kim loại để tăng tính thẩm mỹ. Xét về cảm quan, chiếc TV của Samsung tạo cảm giác hiện đại hơn khi sử dụng phần màn hình cong và chắc chắn sẽ gây ấn tượng với bất kỳ ai nhìn vào, mặc dù vậy khi đưa vào sử dụng nó cũng có những vấn đề đi kèm. Bởi vì độ cong tương đối lớn của chiếc màn hình mà nó sẽ chiếm nhiều không gian hơn khi so với màn hình phẳng thông thường và việc treo tường dạng TV này thực sự không phải lúc nào cũng là ý hay. Với TV Sony thì thiết kế màn hình phẳng, không quá ấn tượng, nhưng nhìn cứng cáp và mạnh mẽ. Một lợi thế khác của mẫu TV 65X9300E là toàn bộ khung TV được thiết kế khá mỏng và gần như có thể nằm sát tường khi được treo lên.
Một điểm hơi mang tính cá nhân 1 chút là mình thích chân đế từ Sony hơn bởi nó đứng vững nhờ phần kim loại phân bố trước và sau TV, trong khi đó chân đế của chiếc Samsung Q8C lại cong và chiếm khá nhiều diện tích tiếp xúc. Mặc dù thiết kế này nhằm phù hợp với màn hình cong của chiếc TV nhưng nó đòi hỏi chúng ta phải đặt trên một mặt phẳng hoàn toàn cũng như chiếm nhiều không gian bên dưới TV hơn.
TV Sony 65X9300E sử dụng tấm nền phẳng thông thường quen thuộc nhưng chất lượng hiển thị vẫn rất tốt. Nếu nhìn về hai góc màn hình thì có vẻ như màn hình cong của Samsung vẫn vượt trội về khả năng hiển thị về độ tương phản và màu sắc khi nhìn từ hai bên cạnh máy, một lần nữa nhờ màn hình cong. Nói như vậy không có nghĩa màn hình cong là hoàn toàn tuyệt vời. Bởi vì khi test mình nhận ra rằng màn hình cong của Samsung hiển thị cực kỳ hiệu quả khi người dùng ở vị trí đúng ngay “điểm ngọt” tức là khoảng vị trí “tâm” đường tròn với độ cong tương ứng với độ cong của TV, nhưng nếu lùi xa hơn hoặc đứng ở các vị trí xéo góc với TV thì cảm giác đó không còn nữa mà có vẻ hơn bó hẹp nếu đứng ở vị trí không phù hợp. Ngay cả khi mình đã ở đúng vị trí thì có vẻ như cũng chỉ có thể coi phim một mình, bạn bè hoặc người thân nếu cùng coi ngồi xung quanh sẽ không còn trải nghiệm tốt như vậy nữa, hơi tiếc ở điểm này của màn hình cong. Điều này hoàn toàn không gặp phải đối với các mẫu TV màn hình phẳng như mẫu TV từ Sony.
Kết luận: Một sự bất ngờ, và làm cho mình thất vọng là với một mức giá gần ngang bằng với Sony 65X9300E, cộng thêm việc giới thiệu công nghệ QLED cải tiến hơn so với Quantum Dot trước đây, nhưng mẫu Samsung Q8C lại có màn trình diễn khá nghèo nàn về chất lượng hình ảnh (ít nhất là với mức giá của nó. Và xét trên góc độ chuyên gia hay người dùng thì Sony Bravia 65X9300E rõ ràng cho thấy sự vượt trội về chất lượng hình ảnh nếu so với đối thủ cùng tầm giá là Samsung Q8C.