Đánh giá Ryzen 3 3100: 2,5 triệu cho 4 nhân 8 luồng, OC 4,4 GHz tản stock, còn gì hơn nữa?

5014455_Cover_Ryzen33100.jpg

Ryzen 3 3100 và 3300X là 2 con CPU dòng Ryzen 3 giá rẻ đầu tiên của AMD có 4 nhân 8 luồng. Cả 2 hứa hẹn sẽ mang lại lựa chọn hiệu năng/giá cực tốt, mình đã mượn được con Ryzen 3 3100 với giá bán vừa công bố là 2 triệu 490k, mới anh em xem qua hiệu năng của nó.

Mình nói chút xíu về sự xuất hiện của bộ đôi Ryzen 3 3100 và 3300X. Hiện tại với dòng Ryzen 3000 series (Matisse) dùng kiến trúc Zen 2 thì ở phân khúc Ryzen 3, AMD trước đó chỉ tung các phiên bản APU Ryzen 3 3200G/GE với nhân đồ họa Vega 8 tích hợp và phần CPU không có SMT tức chỉ 4 nhân 4 luồng. Thế nhưng khi Intel công bố sẽ mở siêu phân luồng cho tất cả các phiên bản Core i, như vậy Core i3 cũng 4 nhân 8 luồng thì AMD phải có thứ gì đó để cạnh tranh và Ryzen 3 3100 và 3300X chính là 2 con bài tẩy được AMD âm thầm tung ra, ngay trước khi Intel ra mắt Comet Lake-S để đánh phủ đầu.

5014456_Ryzen-3-3100-Ryzen-3-3300X-3.jpg


Ryzen 3 3100 là phiên bản rẻ nhất với 4 nhân 8 luồng, xung nhịp cơ bản 3,6 GHz và Boost 3,9 GHz. Bộ đệm L3 là 16 MB, L2 2 MB, TDP 65 W. Tuy nhiên khác với phiên bản Ryzen 3 3300X với thiết kế cả 4 nhân nằm trên một tổ hợp nhân xử lý CCX thì Ryzen 3 3100 có 2 cụm CCX, mỗi cụm 2 nhân và cụm này nối với cụm kia bằng cầu Infinity Fabric. Thành ra với cùng bộ đệm 16 MB nhưng thiết kế của Ryzen 3 3100 sẽ không truy xuất cả 4 nhân đồng thời với bộ đệm mà thay vào đó chia đôi là mỗi CCX đi với 8 MB bộ đệm. Thiết kế kiểu 2+2 này sẽ khiến Ryzen 3 3100 có độ trễ cao hơn giữa các cụm CCX cũng như độ trễ truy xuất giữa các nhân và bộ đệm. Ryzen 3 3100 cũng không có được khả năng OC tốt như Ryzen 3 3300X với thiết kế 4+0, chỉ 1 CCX duy nhất. Vậy nên ngay từ đầu mình cho rằng Ryzen 3 3100 sẽ là giải pháp hay cho những anh em build máy rẻ, con này đi với main A320 hay B450 rẻ là đủ xài.

5014447_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte3.jpg


Từ nhận định ban đầu thì mình thiết lập dàn máy test như sau:
  • CPU: Ryzen 3 3100 + tản nhiệt Wraith Cooler tặng kèm;
  • MOBO: MSI B450 Pro M2 MAX
  • GPU: MSI GeForce GTX 1660 Super Gaming X 6 GB GDDR6;
  • RAM: 2 x 8 GB G.Skill TridentZ Neo 3600 CL18
  • SSD: Crucial P1 500 GB
  • PSU: InWin C900W 80 PLUS Platinum.
5014448_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte4.jpg

Trong số các linh kiện test thì chiếc bo MSI B450 Pro-M2 MAX có giá tầm 1,8 triệu, dàn phase 4 con và nó đủ xài đối với Ryzen 3 3100, thậm chí OC nhẹ nhàng được. Cái bo này thì khá là chán nếu anh em thích build đẹp bởi nó trần trụi, không có cover I/O, không có heatsink cho VRM và cũng chỉ có 2 khe RAM dù là bo mATX. Vậy nên mình không kỳ vọng sẽ có thể đạt hiệu năng tốt với con bo này, nhất là khi OC, có gì xài nấy vậy .

5014449_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte7.jpg


Các linh kiện còn lại thì mình tận dụng những thứ có sẵn, kit RAM TridentZ Neo 3600 CL18 khá đắt và mình thường dùng kit này với Ryzen bởi đây là một kit RAM được thiết kế tối ưu cho Ryzen, 3600 MT/s, clock thực 1800 MHz thì mức xung này khớp với xung tối đa của cầu Infinity Fabric. Mình sẽ làm một bài khác nói về chuyện Ryzen tại sao lại đạt hiệu năng cao hơn với RAM xung cao và tại sao trên 3600 MHz lại không có nhiều khác biệt về hiệu năng so với các mức thấp hơn. Với Ryzen thì anh em xài các kit RAM tầm 3000 MT/s trở nên sẽ ngon hơn là dưới mức này.

5014450_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte16.jpg

Card màn hình thì mình xài lại con MSI GeForce GTX 1660 Super Gaming X mà lần trước đã đánh giá cho anh em xem. Giá của con này tầm 6 triệu.

5014452_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte18.jpg


SSD thì Crucial P1 500 GB, đây là con SSD M.2 NVMe dùng QLC NAND, tốc độ đọc/ghi tuần tự lần lượt là 1900 MB/s và 950 MB/s. Con này mình tận dụng thôi bởi ở tầm giá của nó thì còn nhiều con rất ngon và nhanh hơn. Tương tự với nguồn InWin C900W - chiếc PSU đã theo mình nhiều năm nay, vẫn còn xài tốt, dàn này anh em chơi tầm 450 - 500 W là đủ rồi.

5014453_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte8.jpg


Mình dùng chiếc thùng Cooler Master MasterBox 5 cùng với thêm 1 chiếc quạt case của Cougar. Tản nhiệt CPU cũng là tản stock Wraith Stealth đi kèm với Ryzen 3. Con tản này đủ xài, nếu muốn OC ngon hơn thì anh em cần phải xài tản tháp lớn hơn. Giờ thì test thôi:

BIOS mình đã cập nhật lên phiên bản mới nhất là 7B84vA6 phát hành gày 24 tháng 4 năm 2020 và bản này cập nhật AGESA lên 1.0.0.5, khắc phục vấn đề chạy dưới xung Boost thiết kế của Ryzen. Anh em nên cập nhật BIOS ngay sau khi lắp dàn xong để đảm bảo CPU mới được hỗ trợ và hoạt động ổn định trên bo mạch. Các thiết lập BIOS mình để mặc định và chỉ bật XMP cho kit RAM chạy ở 3600 MHz với CL 18 22 22 42 theo profile SPD.
bZ69skn.jpg


3HGuRh1.jpg


Chạy Cinebench R20 và R15 nhiều lần để kiểm tra độ ổn định về hiệu năng của Ryzen 3 3100 với thiết lập mặc định, anh em có thể thấy con CPU này với 4 nhân 8 luồng, xung tối đa 3,9 GHz đã đạt điểm đến trên 2200 điểm đa nhân với Cinebench R20 và điểm đơn nhân cũng gần 440 điểm đơn nhân. Tương tự với Cinebench R15, Ryzen 3 3100 đang thể hiện rất tốt hiệu năng của một con CPU 4 nhân 8 luồng với gần 1000 điểm đa nhân và 175 điểm đơn nhân. Mình thực hiện các bài test này nhiều lần, mỗi lần cách nhau vài phút để cho anh em thấy hiệu năng nó ổn định ra sao, nó cũng giống như khi anh em cho chạy render bằng Cinema4D nhiều lần liên tục với cùng 1 project vậy. Sự chênh lệch về hiệu năng giữa các lần chạy là không đáng kể.

Với 3DMark, mình cũng test tương tự với 2 nội dung là 3DMark Fire Strike (DX11) bài test Physics cho CPU và Time Spy (DX12) CPU Test. Kết quả sau 5 lần test đều tương tự nhau, Fire Strike Physics đạt trên 13000 điểm và Time Spy đạt trên 4600 điểm. 2 bài test này phản ánh hiệu năng xử lý của CPU khi anh em chơi game dùng hàm DirectX 11 hay 12, dĩ nhiên game đa phần là GPU bound nhưng có nhiều tựa game vẫn cần CPU nhiều hơn, xung cao cũng là lợi thế để mang lại fps cao hơn.

Đưa con Ryzen 3 3100 lên 4,4 GHz!

Mình nhận thấy khi full tải, con Ryzen 3 3100 này chỉ cần chưa đến 1,2 V điện áp Vcore, nhiệt độ vẫn rất mát mẻ với tản nhiệt stock. Vậy nên ngại gì mà không OC nó lên chút xíu? Mình thử đưa Ryzen 3 3100 lên 4,2 GHz với Vcore 1,25 V, tắt Precision Boost và Global C-state. Con CPU chạy cực kỳ ngọt ở mức xung này và vẫn khá là mát với tản stock. Vậy là mình cho nó lên 4,4 GHz với Vcore 1,26 V. Kết quả như sau:

ipQ9plh.jpg


qUXdkCm.jpg


n7ISUOR.jpg


1G60rGn.jpg

Trở lại với Cinebench R20 và R15, mình cho chạy nhiều lần và chọn kết quả tốt nhất để so giữa các mức xung với nhau. Ryzen 3 3100 với 3,9 GHz mặc định đạt tối đa 2217 điểm đa nhân Cinebench R20, 439 điểm Cinebench R20 đơn nhân và khi đưa lên 4,2 GHz, điểm số là 2497 đa nhân, 482 đơn nhân và tiếp tục với mức xung 4,4 GHz, điểm số đã là 2603 đa nhân và 504 đơn nhân. Như vậy mức chênh lệch về hiệu năng đa nhân theo từng mức xung là 11,87% giữa 4,2 GHz và 3,9 GHz và 16% giữa 4,4 GHz và 3,9 GHz. Hiệu năng đơn nhân cải thiện 9,3% nếu tăng lên 4,2 GHz và 13,78% nếu lên 4,4 GHz. Tỉ lệ này cũng tương tự với Cinebench R15 vốn nhẹ hơn và đòi hỏi nhiều tài nguyên và hiệu năng xử lý tập chỉ thị SSE3 như phiên bản R20. Mức chênh lệch đa nhân giữa 4,2 GHz và 4,4 GHz so với xung Boost mặc định lần lượt là 11,3% và 15%, đơn nhân lần lượt là 9,26% và 13,8%.

Anh em làm đồ họa có thể sẽ dùng Corona, V-RAY, Blender để render các project 3ds Max hay Cinema 4D, nếu là một bạn sinh viên đang học ngành này và muốn tận dụng từng xu của con Ryzen 3 3100 thì trong bảng trên mình cũng đã test các phần mềm kết xuất chuyên dụng này. Xung cao hơn giúp anh em rút ngắn được thời gian render với số nhân và luồng không đổi. Kết quả là với Corona nếu anh em cho chạy ở 4,4 GHz thì thời gian tiết kiệm được sẽ là 30 giây và với những project lớn thì có thể kỳ vọng thời gian rút ngắn sẽ nhiều hơn bởi tốc độ xử lý ray/s khi Ryzen 3 3100 chạy ở 4,4 GHz là trên 2,1 triệu ray/s còn mặc định 3,9 GHz dưới 2 triệu ray/s. Anh em cũng có thể thấy điều tương tự với V-RAY khi số mẫu k chênh lệch rất nhiều giữa 3,9 GHz mặc định và 4,4 GHz OC, tỉ lệ 14,11%. Blender mình cho render bài test BMW và hiển nhiên 4,4 GHz chỉ mất 327 giây để hoàn tất, nhanh hơn 62 giây so với xung Boost mặc định, quá lợi .

eACClGu.jpg


k4zxM89.jpg


Xung cao cũng làm giảm độ trễ truy xuất giữa nhân và các bộ đệm. Mình test độ trễ và tốc độ truy xuất bộ đệm L3 thiết lập 8+8 MB trên Ryzen 3 3100. Ở mức xung 4,4 Ghz thì tốc độ đọc, ghi và copy (ghi sau đó đọc lại) thì tốc độ đã trên 400 GB/s, bỏ xa con số chỉ xấp xỉ 360 GB/s với mức xung 3,9 GB/s. Độ trễ truy xuất cũng giảm cũng điều này sẽ tác động rõ ràng đến tốc độ phản hồi và xử lý của CPU bởi L3 cũng là tần cache đầu tiên tiếp nhận dữ liệu từ bộ nhớ DRAM từ đó mới đưa vào các tần cache L2, L1 với tốc độ nhanh hơn. Mình dùng 7-zip để benchmark hiệu năng nén (compress) - phụ thuộc rất nhiều vào độ trễ RAM, độ lớn của cache và tốc độ cache; giải nén (decompress) - phụ thuộc vào hiệu năng xử lý interger của CPU. Kết quả MIPS (million instructions per second) cho anh em thấy được sự chênh lệch ra sao giữa mức xung gốc và OC.

pDoCrtw.jpg


Mình cũng test hiệu năng encode của Ryzen 3 3100 với Handbrake. Đây là tác vụ mà mình thường làm nhất bởi mình thường setup Plex Media Server và thường phải chuyển đổi định dạng video hay thu nhỏ video để lưu trữ, xem sau trên điện thoại hay up YouTube. Với Handbrake mình dùng file gốc là bộ phim hoạt hình Big Buck Bunny bản 4K@60fps dung lượng 642 MB và chuyển đổi sang 1080p@30fps theo preset Very Fast của Handbrake.

Cuối cùng là thứ anh em đợi nè: Hiệu năng chơi game:

pcin3tz.jpg


Mình test 4 tựa game hay chơi, có những game cần nhiều CPU, có những game lại thiên về GPU. Thực sự mà nói thì Ryzen 3 3100 4 nhân 8 luồng và GTX 1660 Super đủ để anh em chơi hầu hết các game hot hiện tại ở độ phân giải FHD và thiết lập đồ họa cao. Mình chơi The Division 2 ở đồ họa High trên 80 fps ngon lành, Ultra trên 60 fps nhưng đây là game bắn súng góc nhìn thứ 3 nên để High để có khung hình cao chơi cho sướng. Tươgn tự với Shadow of the Tomb Raider, tựa game hành động góc thứ 3 này cũng có thể trải nghiệm ở đồ họa Highest với khung hình trên 70 fps. Tuy nhiên, anh em có thể thấy mức chênh lệch về fps giữa xung mặc định và OC không cao bởi cả 2 đều là game thiên về GPU.
5014445_BIOS_CODWZ_High.jpg

Chuyển sang CoD: Warzone đang hot thì tựa game này lại cần CPU nhiều hơn, đây gần như là điểm đặc trưng của dòng game CoD bởi CPU nhanh thì fps cao. Để chơi CoD: Warzone ngon thì anh em lưu ý đợi game xử lý xong shading rồi mới vào chơi. Mình test theo format: thiết lập đồ họa High, Tessellation Near, Particle Quality High, Shadow Map Resolution Normal, Ambient Occlusion Both, mấy thứ còn lại để High và tỉ lệ khung hình trung bình chênh lệch giữa các mức xung như anh em thấy.

5014446_MetroExodus_2020_05_08_17_05_48_727.jpg

Tựa game tiếp theo là Metro Exodus, mình chơi ở đồ họa Ultra, khử răng cưa 16X và test chung một màn Moscow - màn đầu tiên của game từ đầu tới lúc Artyom được giải cứu thì đạt tỉ lệ khung hình trung bình như anh em thấy. Ở 4,4 GHz thì con Ryzen 3 3100 khá nóng khi chơi những game ăn nhiều CPU, giải pháp tản nhiệt mình đang xài là tản stock nên mình nghĩ 4,2 GHz là ngưỡng tốt nhất của Ryzen 3 3100 nếu anh em dùng tản stock. Với cái game Metro Exodus này, mình dù đã set voltage override, tắt Precision Boost, tắt Global C-State, LLC để level 3 với mục tiêu cho nó chạy ổn định ở 4,4 GHz nhưng xung hiệu quả của nó không giữ được ở 4,4 GHz, vẫn thường bị đẩy xuống mức thấp hơn. Mình sẽ test lại vụ OC và chơi game trên một cái bo khác ngon hơn, hẹn anh em lại bài tới.

UWrCEl8.jpg


Nhiệt độ thì với tản stock, anh em sẽ thấy Ryzen 3 3100 vận hành rất mát mẻ. Mình stress test bằng AIDA64, mọi thiết lập để mặc định thì Ryzen 3 3100 chỉ cần 1,192 V để đạt xung 3,9 GHz, toàn CPU ăn khoảng 56,83 W và nhiệt độ stress chỉ 73 độ C. Khi mình ép xung thì dĩ nhiên thêm điện, nhiệt cũng cao hơn, ở mức xung 4,4 GHz thì nhiệt khi stress đến 90 độ C, anh em muốn chạy ổn định ở xung này thì cần phải đầu tư tản là chắc chắn. Mình nghĩ tầm 4,1 - 4,2 GHz chạy hàng ngày với tản stock là vô tư bởi khi chơi game, nhiệt độ CPU sẽ không cao như như stress bằng AIDA64.

5014454_lap-casemaytinh-thungPC-tinhte12.jpg


Như vậy mình đã test kha khá cho anh em thấy hiệu năng của Ryzen 3 3100. Do không có những con Ryzen 4 nhân hay Intel Core i 4 nhân ở đây để so sánh nên mình sẽ hẹn lại anh em trong một bài khác. Chẳng hạn như Ryzen 3 3100 vs Core i7-6700K của mod Tùng, mình thấy anh em vẫn tranh cãi liệu Ryzen 3 3100 có ngon hơn Core i7 đời cũ của Intel hay không. Tuy nhiên, với cá nhân mình thì lần này AMD đã làm một con CPU tốt và nó thật sự mang lại hiệu năng/giá tốt ở phân khúc giá rẻ. 2 triệu 5 cho 1 con CPU 4 nhân 8 luồng - đây là điều không thể vào vài năm trước nhưng giờ thì quá bình thường :D.
Nguồn: Tinh Tế
 
Bên trên