Đang yên đang lành, Apple tự tạo vấn đề với MacBook Pro, rồi 5 năm sau tự đưa ra giải pháp

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Sau 5 năm khiến người dùng MacBook khốn khổ, Apple đã chịu thừa nhận quyết định của họ là sai lầm

Có rất nhiều thứ hấp dẫn khi nói về MacBook Pro 14 và 16 inch mới của Apple, như là các phiên bản Pro và Max được cải tiến của chip M1 mà Apple ra mắt vào năm ngoái, sự trở lại của MagSafe, một dãy phím chức năng thay vì OLED Touch Bar, và tất nhiên, có đầy đủ lựa chọn các cổng giúp người dùng không phải sử dụng một adapter nếu họ muốn nhập một số ảnh từ thẻ SD.

Trên thực tế, Apple đã rất nhiệt tình với những tính năng “mới” này, đến mức đủ để cho chúng ta quên rằng chính Apple đã “khai tử” các tính năng này vào năm 2016.



“Người dùng đánh giá cao hàng phím chức năng đầy đủ trên Magic Keyboard và chúng tôi đã đưa nó lên MacBook Pro”, Shruti Haldea của Apple cho biết khi cô giải thích quyết định loại bỏ Touch Bar, dải màn hình cảm ứng mà Apple đã nhiệt tình giới thiệu cách đây năm năm. Haldea tiếp tục: “Có nhiều loại cổng có thể làm cho cuộc sống của những người chuyên nghiệp trở nên dễ dàng hơn rất nhiều,” Haldea tiếp tục, tóm tắt ngắn gọn những gì người dùng chuyên nghiệp đã phàn nàn trong khoảng nửa thập kỷ qua.

MagSafe, đầu sạc từ tính tiện lợi, cũng quay trở lại MacBook sau khi Apple khai tử nó vào năm 2016.



Mặc dù rõ ràng đó là một hành động “đi về quá khứ”, nhưng có thể nói đây là một quá khứ tốt đẹp và Apple đang thực hiện một cách đúng đắn. Đối với đại đa số người dùng, một hàng phím chức năng vật lý hữu ích hơn nhiều so với một Touch Bar dựa trên phần mềm không hấp dẫn đối với các nhà phát triển, một loạt các cổng dễ dàng tiếp cận giúp cuộc sống của cả người dùng chuyên nghiệp và phổ thông trở nên thuận lợi hơn, đồng thời MagSafe giúp kết nối dễ dàng hơn so với cáp USB-C và có thể ngăn laptop bị hỏng khi ai đó vướng vào dây nguồn.

Nhưng thật khó để bỏ qua bối cảnh rộng lớn hơn của những "cải tiến" này, việc đưa MacBook Pro 2021 trở lại với các tính năng mà Apple đã cung cấp từ năm 2012 đến đầu năm 2016, có thể cho thấy rằng, Apple đã đặt cược sai vào tương lai thiết kế laptop vào ngày đó.

Quá trình chuyển đổi của MacBook sang USB-C được cho là bắt đầu với MacBook 12 inch 2015, chỉ bao gồm hai cổng: một cổng USB-C sạc, xuất nội dung ra màn hình, kết nối các phụ kiện khác; và một jack cắm tai nghe 3.5 mm. Tiếp theo, với việc làm mới MacBook Pro vào năm 2016, sự khẳng định của Apple đối với một tương lai laptop chỉ có cổng USB-C đã trở nên thực sự rõ ràng. Thay vì bộ sưu tập các cổng Thunderbolt, USB Type-A, HDMI và thẻ SD mà các mẫu trước đó đã có, dòng sản phẩm MacBook Pro 2016 chỉ bao gồm lựa chọn hai hoặc bốn cổng USB Type-C / Thunderbolt cùng với jack cắm tai nghe. Kỷ nguyên của các adapter đã bắt đầu.



Apple là một trong những hãng máy tính đầu tiên tập trung hoàn toàn vào USB-C . Việc sử dụng chỉ USB-C về cơ bản là chưa từng có. USB Type-A vẫn chiếm ưu thế trên máy laptop và máy tính để bàn, trong khi các nhà sản xuất Android như Samsung chỉ mới bắt đầu chuyển sang sử dụng Micro USB trên điện thoại hàng đầu của họ.

Hầu hết mọi người đều biết điều gì đã xảy ra tiếp theo: người dùng buộc phải bỏ tiền mua thêm những bộ chuyển để có thể sử dụng MacBook Pro với các thiết bị khác. Bản thân MacBook có thể mỏng hơn và nhẹ hơn một chút do bỏ đi các cổng kết nối, nhưng để sử dụng chuyên nghiệp khi di chuyển, người dùng lại phải tốn thêm không gian cho các phụ kiện bổ sung. Ngay sau khi phát hành MacBook Pro 2016, Apple đã giảm giá các dòng sản phẩm adapter USB-C để giúp người dùng "chuyển đổi" sang tiêu chuẩn mới.

Apple không phải là công ty duy nhất đặt cược vào USB-C mà không thành công. Vào năm 2018, một nhóm các công ty bao gồm AMD, Nvidia, Oculus, Valve và Microsoft đã công bố VirtualLink, một tiêu chuẩn kết nối USB-C dành cho kính VR có thể cho phép chúng được cấp nguồn và phát dữ liệu qua một dây cáp. Mặc dù cổng USB-C đã xuất hiện trên các card đồ họa 20-series của Nvidia, nhưng đã bị loại bỏ vào thời điểm series 30 ra mắt.

Không ít người dùng xem việc Apple từ bỏ các cổng là một cách để họ thúc đẩy doanh số các phụ kiện USB-C của riêng mình. Dù đó có phải nằm trong kế hoạch của họ hay không thì với việc ra mắt MacBook Pro mới, Apple đã thừa nhận mình đặt cược vào tương lai một cách sai lầm. Họ cho rằng các phụ kiện sẽ phát triển kết nối theo hướng mà mình nghĩ, nhưng điều xảy ra là mọi người buộc phải mang theo những cổng chuyển đổi cồng kềnh chỉ để thực hiện các tác vụ cơ bản.



Một điều thú vị là dù Apple thất bại với việc loại bỏ hàng loạt cổng trên MacBook, họ lại thành công trong một quyết định “khai tử” khác, đó chính là jack 3.5mm. Đây là một quyết định từng tạo ra những rắc rối tương tự và cũng làm dấy lên nghi ngờ rằng là một động thái thu tiền để giúp công ty bán được nhiều tai nghe Bluetooth hơn. Tuy nhiên, 5 năm sau, quyết định của Apple dường như đã chính xác, khi các đối thủ cạnh tranh của họ cũng làm theo. Bây giờ có một hệ sinh thái phát triển mạnh của tai nghe không dây của bên thứ ba và bạn cũng không thấy ai dùng những bộ chuyển đổi Lightning sang 3.5mm của Apple nữa.

Cho dù đó là vì Apple đang chiếm ưu thế hơn khi nói đến smartphone hay vì lợi ích của tai nghe không dây đối với người dùng rõ ràng hơn so với phụ kiện USB-C, mọi người dường như đã chấp nhận quyết định về jack cắm tai nghe của Apple. Apple đã đặt cược rằng tương lai của âm thanh trên smartphone là không dây và nó dường như đã được đền đáp, còn quyết định USB-C trở thành cổng kết nối duy nhất trên MacBook thì không như vậy.

Theo Genk​
 
Bên trên