Đằng sau việc Trung Quốc cấm ChatGPT

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
Cơn sốt ChatGPT đang thực sự “tạo sóng” ở Trung Quốc, buộc quốc gia này có những động tác nghiêm túc để bảo vệ nền công nghệ phát triển trong nước.

Theo South China Morning Post (SCMP), cuối tháng 2, các quan chức Thượng Hải - nơi tập hợp một phần ba nhân lực ngành trí tuệ nhân tạo của Trung Quốc, nhắc lại kế hoạch tham vọng nhằm thu hút hàng nghìn nhân tài công nghệ đến làm việc ở thành phố này, trên con đường nhắm tới mục tiêu trở thành trung tâm trí tuệ nhân tạo (AI) của cả nước.

Trong hai ngày Hội thảo Phát triển AI Toàn cầu tại thành phố, các quan chức cho biết họ muốn thu hút khoảng 20.000 - 30.000 người lao động trong ngành AI cho đến năm 2025. Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin Trung Quốc ủng hộ những kế hoạch này, cho biết sẽ tiếp tục ủng hộ để Thượng Hải phát huy lợi thế “và duy trì sự ổn định của chuỗi cung ứng toàn cầu".

Các công nghệ chủ chốt mà thành phố cảng tập trung vào sẽ là phần mềm AI và chip, máy tính lượng tử, vũ trụ ảo metaverse và các công nghệ hàng đầu khác, nhằm nâng cao sức mạnh nhóm công nghệ thuật toán và tính toán.

chapgpt1-02230015-1677718786216-16777187863662002178247.png

Trung Quốc chú trọng phát triển công nghiệp trí tuệ nhân tạo. (Ảnh minh họa: SCMP)​

Cùng với Thượng Hải, các địa phương khác của Trung Quốc cũng đang chú ý vào AI, trong bối cảnh tập trung đầu tư vào ngành này gia tăng vì cơn sốt Chat GPT. Chatbot trí tuệ nhân tạo (AI) do công ty khởi nghiệp OpenAI của Mỹ tạo ra, gây tranh luận khắp thế giới với khả năng tạo ra các câu trả lời giống như con người, dù phải đối mặt với các câu hỏi phức tạp. Công nghệ cũng thu hút sự chú ý của người dùng internet ở Trung Quốc, nơi ứng dụng này về mặt chính thức không được cung cấp.

Những gã khổng lồ công nghệ của Trung Quốc, từ Baidu đến Alibaba Group Holding, đã công bố kế hoạch phát triển các phiên bản đối thủ của ChatGPT hoặc đưa các công nghệ tương tự vào sản phẩm hiện có.

Chính phủ Trung Quốc được cho là đang cố gắng hạn chế ChatGPT. Trong khi đó, một cuộc đua AI dường như bắt đầu trên toàn cầu. Điều đó làm dấy lên câu hỏi về việc Trung Quốc đang đứng ở đâu trên đường đua, khi thực tế nước này vốn đã đầu tư vào mảng trí tuệ nhân tạo từ lâu.

Mục tiêu AI của Trung Quốc​

Năm 2017, Trung Quốc công bố “Kế hoạch phát triển trí tuệ nhân tạo thế hệ tiếp theo”, đưa ra kế hoạch trở thành nước dẫn đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo, với ngành công nghiệp AI trong nước trị giá gần 150 tỷ USD. Bước đầu tiên của kế hoạch đó là bắt kịp Mỹ về công nghệ và ứng dụng AI vào năm 2020, bước hai là tạo ra những bước đột phá lớn vào năm 2025, nhằm dẫn đến bước ba là xác lập Trung Quốc là nước dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực AI vào năm 2030.

Đằng sau việc Trung Quốc cấm ChatGPT - Ảnh 2.
Ứng dụng ChatGPT gây chú ý toàn cầu không lâu sau khi ra mắt. (Ảnh minh họa)​

Đến năm 2022, theo một bài báo của China Daily, Trung Quốc được nhận định là “đang nổi lên như một quốc gia tiên phong trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khi đạt được những bước tiến trong việc đăng ký bằng sáng chế AI và thử nghiệm các công nghệ AI mới nhất để đẩy mạnh ứng dụng trong các ngành công nghiệp”.

Báo Trung Quốc dẫn một báo cáo của Đại học Stanford, Mỹ cho thấy Trung Quốc chiếm hơn một nửa số đơn đăng ký bằng sáng chế AI của thế giới vào năm 2021, và các nhà nghiên cứu Trung Quốc là tác giả của khoảng một phần ba số bài báo trên tạp chí và trích dẫn về AI vào cùng năm. Về đầu tư, Trung Quốc chiếm gần 1/5 tổng vốn đầu tư tư nhân toàn cầu năm 2021, thu hút 17 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp về AI, điều thể hiện "dấu hiệu của một hệ sinh thái AI mạnh mẽ".

Cán cân AI có thời điểm được đánh giá là nghiêng về phía Trung Quốc, theo New York Times, khi nước này sở hữu dữ liệu phong phú, các doanh nhân đang hào hứng muốn đầu tư, các nhà khoa học trình độ cao và các chính sách hỗ trợ.

Tuy nhiên, các chỉ số về phát triển AI ở Trung Quốc đến năm 2022 có phần chững lại, đặt ra câu hỏi liệu có phải “bong bóng AI” đã vỡ.

Theo The China Project, sau một thời gian dài phát triển nhanh chóng, thị trường vốn AI ở Trung Quốc có dấu hiệu nguội bớt. Các giao dịch tài trợ và đầu tư AI ở Trung Quốc từng tăng từ 16,52 tỷ nhân dân tệ (2,28 tỷ USD) năm 2011 lên 399,64 tỷ nhân dân tệ (55,30 tỷ USD) vào năm 2021. Trong cùng thời kỳ, số tiền trung bình của một khoản đầu tư vào AI đã tăng từ 150 triệu nhân dân tệ (20,75 triệu USD) lên 353 triệu nhân dân tệ (48,84 triệu USD). Còn từ quý 4/2021 đến quý 2/2022, đầu tư vào AI ở Trung Quốc đã giảm khoảng 70%.

Dù vậy, theo một nhà quản lý quỹ, điều đó không nhất thiết có nghĩa là thị trường đã “từ bỏ” công nghệ AI, mà chỉ là các khoản đầu tư trở nên có chọn lọc hơn, với việc nhà đầu tư chú ý nhiều đến giá trị thực tế của AI.

Vòng xoáy doanh thu tăng, lợi nhuận giảm​

Trong các thách thức với các công ty AI của Trung Quốc, một bài toán đau đầu nổi lên: Doanh thu tăng nhưng chi phí nghiên cứu và phát triển cũng tăng, và lợi nhuận giảm khi các công ty gặp khó khăn trong việc chuyển đổi công nghệ AI thành các sản phẩm có thể bán được trên thị trường.

4Paradigm, một công ty máy học phát triển các sản phẩm nền tảng tập trung vào sức mạnh tính toán và hệ điều hành được sử dụng trong các ngành khác nhau như năng lượng, tài chính và viễn thông, là một ví dụ điển hình. Vào tháng 8/2021, công ty nộp đơn đăng ký niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hong Kong nhưng không thành công.

Theo bản cáo bạch của công ty, từ năm 2019 đến nửa đầu năm 2022, doanh thu các giai đoạn của họ lần lượt là 460 triệu nhân dân tệ (63,65 triệu USD), 942 triệu nhân dân tệ (130,35 triệu USD), 2,01 tỷ nhân dân tệ (279,25 triệu USD) và 1,05 tỷ nhân dân tệ (146,40 triệu USD). Tuy nhiên, trong khoảng thời gian này, 4Paradigm báo cáo khoản lỗ ròng không dưới 3,85 tỷ nhân dân tệ (533,32 triệu USD). Hầu hết chi phí của công ty được dành cho tiếp thị và quảng cáo, đồng thời trả lương cao, một thông lệ trong ngành AI.

Đối với nhiều công ty AI Trung Quốc khác, nhu cầu nghiên cứu và phát triển cũng quá lớn.

Ví dụ, từ năm 2019 đến năm 2021, AI Speech, một công ty cung cấp phần mềm và sản phẩm phần cứng cho thiết bị gia dụng thông minh, ô tô và điện tử tiêu dùng, báo cáo doanh thu là 115 triệu nhân dân tệ (15,91 triệu USD), 237 triệu nhân dân tệ (32,79 USD) triệu) và 307 triệu nhân dân tệ (42,48 triệu USD). Nhưng cùng kỳ, công ty tuyên bố lỗ ròng 822 triệu nhân dân tệ (113,74 triệu USD), do trong ba năm, chi phí nghiên cứu và phát triển chiếm lần lượt 173,35%, 86,26% và 93,25% tổng doanh thu.

Đằng sau việc Trung Quốc cấm ChatGPT - Ảnh 3.

Cạnh tranh với Mỹ​

“Ở phía nam sông Hoài, qua mưa tuyết thấy được vài con ngỗng”.

Đối với Trung Quốc lúc bấy giờ, dòng thơ trên (bản tiếng Trung) là một bước đột phá – nhưng không phải về văn học mà là về máy tính. Một mô hình trí tuệ nhân tạo ngôn ngữ có tên là Wu Dao 2.0 (Ngộ Đạo), ra mắt tháng 6/2021, đã “sáng tác” dòng thơ này, với phần âm điệu được cho là không khác gì thơ cổ. Phòng thí nghiệm xây dựng mô hình - Học viện Trí tuệ Nhân tạo Bắc Kinh (BAAI), mời người dùng mạng vào trang web của họ để phân biệt thử giữa tác phẩm của Wu Dao và các bậc thầy ở thế kỷ thứ 8. Quan sát cho thấy rằng hầu hết những người tham gia thử nghiệm đều bị đánh lừa.

Theo The Economist, hệ thống cũng có thể mô phỏng các kiểu văn bản đơn giản hơn, với sức mạnh từ mạng 1,75 nghìn tỷ biến số và các đầu vào khác. Trong khi đó, GPT-3, sản phẩm của Open AI, trình làng tháng 5/2020 chỉ được coi là có 175 tỷ biến. Như vậy Wu Dao khi đó giống như một bước nhảy vọt trong các công cụ máy học.

Nhưng sau đó đến lượt ChatGPT (một phiên bản cải tiến của GPT-3) ra mắt đầu năm 2023, tạo nên cơn sốt cả ở chính Trung Quốc. Hàng loạt công ty công nghệ lớn nước này công bố sẽ tạo ra những “phiên bản ChatGPT riêng”.

Baidu, công ty về tìm kiếm và AI được cho là có khả năng tốt nhất để giới thiệu giải pháp thay thế ChatGPT, sẽ hoàn thành thử nghiệm “Ernie Bot” vào tháng 3 và đưa nó vào hầu hết các sản phẩm phần cứng và phần mềm của mình. Bộ phận nghiên cứu DAMO Academy của Alibaba đang thử nghiệm nội bộ một công cụ tương tự; và 360, một công ty tìm kiếm và an ninh mạng, cho biết họ sẽ phát hành bản dùng thử “càng sớm càng tốt”.

Các công ty công nghệ khác như NetEase, iFlytek và JD.com cũng muốn sử dụng chatbot AI của riêng họ trong các trường hợp cụ thể, như giáo dục, thương mại điện tử và fintech.

Đằng sau việc Trung Quốc cấm ChatGPT - Ảnh 4.
Tháng 6/2021, BAAI tung ra hình ảnh của Hua Zhibing - sinh viên ảo của Đại học Thanh Hoa, có ứng dụng Wu Dao 2.0. (Ảnh: GPT-3 Demo)​

Theo MIT Technology Review, cơn sốt này bắt nguồn từ nhiều yếu tố. Một mặt, rất ít sản phẩm công nghệ thu hút được nhiều sự chú ý của công chúng như ChatGPT - điều mang lại cho các công ty Trung Quốc niềm tin hiếm có rằng công chúng vẫn có thể cực kỳ hào hứng với một công nghệ mới. Mặt khác, rõ ràng là có áp lực đối với các công ty này để không bỏ lỡ xu hướng chung.

Câu hỏi đặt ra cho các công ty Trung Quốc sẽ là họ có thể thực sự bắt kịp với những gì đang diễn ra ở Mỹ hay không, trong cả những cơ hội và thách thức.

Theo Jeffrey Ding, phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học George Washington, người viết về AI, nhận định: “Cuối cùng thì đây là kinh doanh. OpenAI, Microsoft - họ muốn kiếm tiền với ChatGPT và thị trường chính của họ là bằng tiếng Anh, vì vậy thật hợp lý khi họ sẽ tối ưu hóa nó cho ngôn ngữ tiếng Anh. Ngược lại, đối với Baidu, họ không cố gắng chiếm lĩnh thị trường nói tiếng Anh, vì vậy họ sẽ tối ưu hóa nó cho thị trường Trung Quốc”.

Nhưng trong hàng loạt công ty Trung Quốc đã đổ tiền vào chatbot, chỉ có một số cái tên có khả năng cao để cạnh tranh, theo ông Ding. Đó là những công ty đã phát triển phiên bản GPT-3 của họ, như Baidu với Ernie 3.0 Titan, Huawei với Pangu-Alpha, Inspur với Yuan 1.0. Nhưng để các công ty này phát triển thành công phiên bản đối thủ của ChatGPT cũng có thể mất nhiều tháng. Trước đó Baidu phải mất 18 tháng sau khi OpenAI ra mắt GPT-3 để phát hành Wenxin.

Và vẫn còn nhiều trở ngại chính trị. Với việc Mỹ kiểm soát xuất khẩu chip sang Trung Quốc, các bộ xử lý GPU tối tân như A100 và H100 của Nvidia không còn được bán cho Trung Quốc nữa. Điều này sẽ hạn chế các khả năng tính toán của công ty Trung Quốc khi đào tạo và chạy các mô hình ngôn ngữ lớn, giống như các mô hình dùng để chạy ChatGPT.

“Nếu Trung Quốc muốn tạo ChatGPT của riêng mình, chúng tôi cần hàng chục nghìn chip A100 để cung cấp khả năng tính toán cần thiết”, ông Zheng Weimin, giáo sư Đại học Thanh Hoa nói trên SCMP.

Theo Yang Fan, đồng sáng lập và phó chủ tịch của SenseTime, một công ty phần mềm AI hàng đầu của Trung Quốc, giá chip A100 đã tăng 50% trong hai tuần qua trong bối cảnh cơn sốt ChatGPT tăng nhiệt. Công ty này từ năm 2019 đã chịu ảnh hưởng các lệnh trừng phạt thương mại của Mỹ.

Trung Quốc vẫn chưa thể sản xuất chip và phần mềm có thể hỗ trợ ít nhất “50 đến 70% công suất tính toán cần thiết để chạy ChatGPT”, Yang nói.

Zhang Yaling, người sáng lập và giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp chip AI Enflame Technology có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết Trung Quốc vẫn phụ thuộc rất nhiều vào hệ sinh thái phần mềm chip AI của Nvidia vì họ vẫn chưa hình thành hệ thống nguồn mở, tự túc của riêng mình.

Đằng sau việc Trung Quốc cấm ChatGPT - Ảnh 5.
Cạnh tranh với Mỹ có thể là một trong những thách thức với việc thúc đẩy phát triển AI tại Trung Quốc. (Ảnh minh họa)​

Lo ngại về dữ liệu

Trong bài viết ý kiến với tiêu đề “Sự nổi lên của ChatGPT làm dấy lên lời kêu gọi phải có quy định về AI”, báo nhà nước Trung Quốc China Daily dẫn trường hợp của ChatGPT và nhắc đến một số thách thức trong tương lai gần, khi phân tích khía cạnh tác động đạo đức và xã hội của AI.

Các thách thức được nhắc đến bao gồm vấn đề đạo văn, giả mạo qua đó dẫn đến lan truyền thông tin sai lệch, xâm phạm quyền riêng tư khi một số lượng lớn thông tin cá nhân có thể được thu thập, khó xác định trách nhiệm giải trình (khi các hệ thống AI được nhiều bên cùng tham gia vận hành), thiên kiến và phân biệt đối xử. Vì những nguy cơ này, cần có khung pháp lý và quy định phù hợp để giảm thiểu các rủi ro, theo bài viết.

Trung Quốc đã bắt đầu đưa ra các quy định về AI từ vài năm trở lại đây, trong bối cảnh thắt chặt chính sách đối với ngành công nghệ nói chung.

Theo Wired, năm 2022, nước này đưa ra các quy định liên quan đến những thuật toán định giá, tìm kiếm và giới thiệu nội dung như video. Một ví dụ là các công ty sẽ bị cấm sử dụng thông tin cá nhân để đề xuất cho người dùng các mức giá khác nhau cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.

Một số ví dụ khác chung hơn như yêu cầu các công ty “duy trì các định hướng giá trị chủ đạo”, “phổ biến mạnh mẽ năng lượng tích cực” và “ngăn chặn hoặc giảm thiểu tranh cãi hoặc tranh chấp”.

Các nhà quản lý Trung Quốc cũng sẵn sàng phạt các công ty nổi tiếng. Ứng dụng gọi xe Didi bị gỡ khỏi các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc ngay sau khi IPO tại Mỹ do lo ngại về các hoạt động dữ liệu của ứng dụng này. Gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba bị buộc phải trả hàng triệu USD tiền phạt vì vi phạm luật chống độc quyền.

Chưa rõ ở mức độ nào, nhưng những điều này cũng được cho là sẽ ảnh hưởng đến quá trình phát triển một “đối thủ ChatGPT” của Trung Quốc.

Theo Genk​
 
Bên trên