Đại học Quốc gia Singapore hợp tác với FPT trong lĩnh vực AI

SkylerNew

Chuyên viên tin tức
Thành viên BQT
FPT và Trường Công nghệ Thông tin (NUS Computing) thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác phát triển trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), bao gồm thành lập một phòng nghiên cứu hiện đại, đầu tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực AI. Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác này, FPT sẽ cùng với NUS và các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái AI của Singapore và khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến huy động khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng 5 năm tới cho các hoạt động tiên phong nghiên cứu và phát triển các tài năng trong lĩnh vực AI.

image.jpg

Lễ ký kết hợp tác giữa FPT và NUS Computing tại Singapore. Từ trái sang: Giáo sư Tan Eng Chye, Hiệu trưởng Đại học NUS; Giáo sư He Bingsheng, Phó Hiệu trưởng phụ trách nghiên cứu Trường NUS Computing; ông David Nguyễn, CEO FPT Asia Pacific, Tập đoàn FPT; Tiến sĩ Trương Gia Bình, Nhà sáng lập và Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT.

Hợp tác này giúp FPT thúc đẩy thương mại hóa các giải pháp AI và nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển , đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực AI chất lượng cao góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu.

Một trong những hoạt động trọng tâm của thỏa thuận hợp tác là hai bên sẽ phối hợp thành lập một phòng nghiên cứu AI dựa trên thế mạnh về nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và năng lực công nghệ của FPT. Phòng nghiên cứu AI này sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm học máy, phân tích dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính ứng dụng giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, vận tải, hàng không, năng lượng, sản xuất,... góp phần thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực AI tại Việt Nam, Singapore cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Đồng thời, các nhà nghiên cứu, chuyên gia của Phòng nghiên cứu AI này cũng sẽ xuất bản các công trình nghiên cứu chung, các sách trắng trên các tạp chí và hội nghị quốc tế có uy tín, chia sẻ những khám phá mới với cộng đồng học thuật và doanh nghiệp toàn cầu.

Được xem như một phần quan trọng trong hệ sinh thái của NUS Computing, phòng nghiên cứu AI này sẽ được đặt trong khuôn viên của trường và hợp tác chặt chẽ với Viện Trí tuệ Nhân tạo của NUS (NAII) - nơi quy tụ các nhà nghiên cứu và chuyên gia AI giàu kinh nghiệm.

Cũng theo thỏa thuận hợp tác, FPT và NUS Computing cũng sẽ tìm kiếm cơ hội thương mại hóa các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ tích hợp AI do hai bên cùng nghiên cứu phát triển cho thị trường toàn cầu.

Một nội dung quan trọng khác của thỏa thuận hợp tác là hai bên sẽ thúc đẩy đào tạo nhân lực AI chất lượng cao thông qua các chương trình như thực tập, hội thảo, đào tạo và nghiên cứu bậc tiến sĩ góp phần quan trọng để Việt Nam, Singapore luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ.

Phát biểu tại lễ ký kết, Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình chia sẻ: “AI được xem là một trong những công nghệ cốt lõi định hình tương lai của các ngành, các lĩnh vực. Trong hơn một thập kỷ qua, FPT đã tích cực theo đuổi nghiên cứu và phát triển AI để thúc đẩy sự đổi mới và đang tích hợp AI vào tất cả các dịch vụ và giải pháp Made by FPT. FPT cũng đã đầu tư mạnh vào đào tạo, đảm bảo sự sẵn sàng nguồn nhân lực AI. Hợp tác với Đại học Quốc gia Singapore danh tiếng sẽ giúp chúng tôi khai thác sức mạnh của AI để thúc đẩy sự phát triển và thành công của cả hai bên không chỉ ở Singapore và Việt Nam mà còn trên toàn cầu."

Ông David Nguyễn, CEO FPT Asia Pacific, Tập đoàn FPT nhấn mạnh: "Việc thành lập Phòng nghiên cứu AI tại Singapore là nền tảng của mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chúng tôi sẽ phát triển các giải pháp đột phá để giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng đối với sự phát triển của khu vực như chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, vận tải, hàng không, năng lượng, sản xuất,… Bằng cách khai thác thế mạnh của mỗi bên, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới sáng tạo và mang lại các kết quả tích cực cho hai nước, cho khu vực và toàn cầu."

Giáo sư Tan Kian Lee, Hiệu trưởng NUS Computing, chia sẻ: “Mối quan hệ hợp tác giữa NUS Computing và FPT mang tính tương hỗ. Chúng tôi mong muốn mang đến các giải pháp AI tiên tiến để giải quyết các thách thức thực tế, đồng thời đóng góp vào hệ sinh thái AI tại Singapore và toàn cầu thông qua việc phát triển nguồn nhân lực AI có chuyên môn cao.”

NUS là trường đại học hàng đầu của Singapore, có 16 trường và khoa tọa lạc ở ba cơ sở tại Singapore, với hơn 40.000 sinh viên đến từ 100 quốc gia. Với bề dày nghiên cứu về AI trong khoảng nửa thế kỷ, trường có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chính phủ, các doanh nghiệp của Singapore và các đối tác quốc tế trong nhiều dự án AI. Năm 2024, NUS đã thành lập Viện Trí tuệ Nhân tạo tập hợp các nhà nghiên cứu và chuyên AI hàng đầu.

AI được xem là một trong những công nghệ mũi nhọn, đóng vai trò hạt nhân trong chiến lược phát triển của FPT. Tập đoàn sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ và toàn diện trên tất cả khía cạnh từ con người, cơ sở hạ tầng đến cơ sở dữ liệu, nghiên cứu cho mảng công nghệ cốt lõi này. FPT cũng sẽ đưa AI vào mọi ngóc ngách của cuộc sống và tích hợp công nghệ này vào tất cả các sản phẩm, giải pháp thuộc hệ sinh thái Made by FPT mang lại lợi ích cho người dùng cuối. Mới đây, FPT đã hợp tác với NVIDIA đầu tư xây dựng nhà máy AI với khoản đầu tư dự kiến 200 triệu USD. Trước đó, để củng cố năng lực trong mảng AI, FPT đã hợp tác với các công ty đầu ngành như Landing AI, AIOMATIC và trở thành thành viên sáng lập của Liên minh AI do IBM và Meta khởi sướng. FPT hiện có nguồn nhân lực AI gồm hơn 1.500 kỹ sư, cùng với nguồn lực bổ sung từ 1.300 sinh viên Đại học FPT hàng năm cũng như từ chương trình AI Residency hợp tác với Viện AI Mila Quebec, để ươm mầm các tài năng trẻ ngành AI.

Là một trong những công nghệ mũi nhọn của FPT, AI được kỳ vọng sẽ tạo ra cạnh tranh khác biệt để FPT nhanh chóng hoàn thành mục tiêu 5 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài và nâng cao vị thế trong nhóm doanh nghiệp CNTT tỷ đô trên toàn cầu.

Theo Nghe Nhìn
 
Bên trên