Một số cựu nhân viên Facebook cho rằng, quy trình đánh giá và xếp hạng của công ty đã tạo ra một nền văn hóa giống như "giáo phái". Facebook được mô tả giống như nơi mọi người cần phải tỏ ra hạnh phúc, vui vẻ để giành được sự ưu ái của đồng nghiệp. Nếu một nhân viên phải nhận đánh giá "meets most" hai lần trong năm, tương đương điểm B, họ có thể sẽ bị sa thải.
Một cựu nhân viên Facebook chia sẻ: "Tất cả mọi thứ đều được định lượng và bạn luôn được so sánh với tất cả mọi người. Nếu bạn nhận đánh giá ‘meets most' hai lần, bạn có thể sẽ phải ra đi trong vòng 1 tháng. Rất nhiều người tôi biết đều đã phải nghỉ việc.".
Tuy nhiên, nhận được đánh giá meet most rõ ràng không phải là lý do hàng đầu khiến các nhân viên cũ bị sa thải. Thực tế, họ phải tham gia vào một kế hoạch cải thiện hiệu suất công việc (PIP) dẫn tới việc họ muốn ra đi.
Nhân viên Facebook không được phép phàn nàn về nơi làm việc
Facebook có một hệ thống đánh giá hiệu suất nhân viên ngang hàng. Theo đó, một nhân viên sẽ được đánh giá thông qua 5 đồng nghiệp trong vòng hai lần/năm. Hệ thống đánh giá này vô tình khiến các nhân viên chịu áp lực rất lớn. Họ luôn phải tỏ ra thân thiện và cố gắng hết mình để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với mọi người ngay cả khi họ không thích điều đó.
Mọi đánh giá của đồng nghiệp đối với một nhân viên đều sẽ được giấu kín. Tổng hợp những đánh giá về một nhân viên sẽ cho biết người đó có hòa đồng với mọi người hoặc phù hợp với văn hóa công ty hay không. Phát ngôn viên của Facebook cho biết, các cấp độ này không phải là một giới hạn cứng nhắc mà chỉ là một khuyến nghị để các nhà quản lý so sánh.
Có 7 cấp độ đánh giá nhân viên cụ thể như sau:
- Cấp 7: Redefine - Đây là cấp đánh giá tốt nhất của một nhân viên và chỉ có khoảng 5% nhân viên đạt được cấp độ này.
- Cấp 6: Greatly exceeds expectations - Mức đánh giá tốt tiếp theo và có khoảng 10% nhân viên đạt được
- Cấp 5: Exceeds - Có 35% nhân viên đạt được
- Cấp 4: Meets all – Khoảng 35% - 40% nhân viên đạt được cấp độ này
- Cấp 3: Meets most - Cấp độ tiệm cận nguy hiểm và ai bị xếp ở cấp độ này có nguy cơ sẽ bị sa thải. Thường có 10-15% nhân viên bị xếp vào cấp độ này.
- Cấp 2: Meets some – Không có quá nhiều người muốn bị xếp vào cấp độ này vì đây là dấu hiệu cho thấy nhân viên đó sắp bị sa thải.
- Cấp 1: Does not meet - Mức rất hiếm và đa số nhân viên sẽ bị sa thải trước khi bị xếp vào cấp độ này.
Như vậy chỉ có một tỷ lệ nhất định nhân viên có thể đạt được ở mỗi cấp nên sự cạnh tranh ngầm là rất lớn. Ai cũng tỏ ra thân thiện và che giấu đi cảm xúc thực sự. Điều này khiến người quản lý đôi khi khó phát hiện được những vấn đề nội bộ bởi lẽ không có nhân viên nào dám đưa ra những phản hồi trung thực vì sợ làm mếch lòng và nghi kỵ nhau.
Rõ ràng, văn hóa làm việc lúc nào cũng đặt công ty lên trên mọi thứ khác tại Facebook khiến cuộc sống của các nhân viên trở nên áp lực hơn. Họ lúc nào cũng phải tuân thủ mệnh lệnh của cấp trên và buộc phải thân mật với đồng nghiệp dù không thích. Mọi hành động cốt chỉ để thăng tiến trong sự nghiệp.
Ấy vậy mà, Facebook từng được hãng Glassdoor xếp hạng là một trong những nơi làm việc tốt nhất tại Thung lũng Silicon. Sau khi lấy ý kiến của nhiều nhiên viên Facebook, Glassdoor đã hạ bậc của Facebook từ vị trí cao nhất xuống thứ 7 trong năm ngoái.
Theo một chia sẻ của cựu nhân viên Facebook nghỉ việc hồi tháng 10/2018, ngay cả khi bạn cảm thấy mọi thứ thật tồi tệ, bạn vẫn được yêu cầu phải yêu quý nơi này. Người này cho rằng: "Sẽ chẳng hay ho chút nào nếu cứ phải diễn và Facebook không phải nơi tốt nhất để làm việc".
Được biết, những người chia sẻ câu chuyện trên đều là nhân viên cũ của Facebook trong giai đoạn 2016-2018. Tất cả đều giấu tên và mong muốn sẽ giúp mọi người hiểu hơn về văn hóa công ty và cách đánh giá nhân viên của Facebook.
Phía Facebook hiện từ chối bình luận sau khi các nhân viên cũ chia sẻ về công ty.
Điều đáng nói, Facebook không hẳn là công ty công nghệ duy nhất sử dụng hệ thống đánh giá hiệu suất nhân viên thông qua đồng nghiệp. Trước đó, cựu CEO Jack Welch của tập đoàn General Electric đã đưa ra hình thức xếp hạng nhân viên này vào những năm 1990. Phương pháp đánh giá này sau đó khá phổ biến ở Thung lũng Silicon và có nhiều công ty áp dụng như Microsoft (đã loại bỏ năm 2013 sau khi CEO Satya Nadella nhậm chức), Yahoo, Amazon.
Theo Vn review