Nếu kẻ số 2 đã bày tỏ rõ quyết tâm, kẻ đứng số 1 chắc chắn phải có câu trả lời: trong năm nay, Samsung được dự báo sẽ mang Snapdragon 845 lên smartphone tầm trung. Nói cách khác, khoảng cách cấu hình giữa Galaxy tầm trung và Galaxy cao cấp sẽ sớm bị xóa nhòa.
Bản sắc dẫn đầu
Nếu 2 kẻ dẫn đầu đang tìm cách đặt chân vào cuộc đua cấu hình, Xiaomi có lý do để lo ngại: cả 2 sản phẩm đình đám nhất (và đắt tiền nhất) của hãng này trong thời gian vừa qua là Mi 8 và Poco F1 đều không có lợi thế nào ngoài cấu hình cả.
Nhưng Samsung và Huawei thì khác. Samsung và Huawei không đi lên bằng cách phá giá cấu hình: 2 gã lớn tên tuổi bằng smartphone cao cấp trước tiên.
Muốn chinh phục cao cấp thì phải có bản sắc riêng. Samsung là kẻ đã mở ra khái niệm "màn hình lớn" cho cả thế giới smartphone, cũng là thế lực tiên phong phổ cập OLED. Huawei từng là một trong những tên tuổi đầu tiên mở ra trào lưu camera kép và hiện tại cũng rất "mạnh miệng" khoe AI. Cả 2 gã lớn này đều tự thiết kế chip (Samsung còn là thế lực bán dẫn số 1 thế giới), đều có camera được đánh giá cao và đều có ngôn ngữ thiết kế tương đối riêng.
Những bản sắc cao cấp này đang thẩm thấu dần vào phân khúc tầm trung. Mới đây, Samsung đã chính thức vén màn chiếc smartphone 4 ống kính đầu tiên trên thế giới: Galaxy A9. Đi kèm với A9, Samsung cũng gây chú ý khi trang bị cho phiên bản Galaxy A7 của năm nay tới 3 ống kính. Từ bỏ lớp vỏ nhôm kém ấn tượng, Galaxy A9 và A7 mang trong mình lớp vỏ gradient cao cấp, gợi nhắc nhiều đến thiết kế cao cấp của Galaxy S9 hơn là các đời A của năm 2017.
Lấy gì mang xuống?
Khi Galaxy S9 và Galaxy Note9 vẫn đang "chỉ" sử dụng ống kính kép, sự xuất hiện của Galaxy A9 và Galaxy A7 giống như một lời cảnh báo từ gã khổng lồ Hàn Quốc tới các đối thủ: Samsung năm nay sẽ quyết "ăn thua đủ" trong phân khúc tầm trung bằng các tính năng vốn là thế mạnh của Samsung.
Huawei cũng vậy. Chỉ trong vòng vài tuần lễ sau khi vén màn Mate 10 với lợi thế chủ đạo là AI, Huawei dùng luôn AI để khoe về Honor 10. Ngay cả những sản phẩm 7 triệu đồng như Nova 3i hay Honor Play cũng có AI.
Xiaomi, một lần nữa, vẫn chẳng có gì ngoài cấu hình. Hãy hỏi bất kỳ một tín đồ Xiaomi nào đó xem điểm mạnh lớn nhất của Mi 8 hay Poco F1 là gì và chắc chắn "cấu hình/giá" sẽ là điều đầu tiên mà họ nghĩ tới.
Trớ trêu thay, chính thế mạnh này đang ngày một mất dần đi ý nghĩa. Android từ các OEM đang ngày một gần hơn với Android gốc, giảm bớt sức ì lên hệ thống. Qua mỗi thế hệ Android, Google cũng tỏ rõ quyết tâm tối ưu hiệu năng cho thiết bị đời thấp. Ngay cả những con chip tầm trung như Snapdragon 660 đã có thể đạt hiệu năng ngang ngửa với Snapdragon 835 trong một số bài đánh giá nhất định.
Khi AI có thể được sử dụng để tối ưu hiệu năng, khoảng cách này sẽ càng được thu hẹp.
Smartphone đủ mượt mà
Quan trọng hơn, một khối lượng lớn người dùng không quá quan tâm đến cấu hình - họ chỉ cần smartphone đủ "mượt". Khi Snapdragon 636 cũng đã đủ "mượt" cho người dùng phổ thông, họ sẽ đi tìm những tính năng có ý nghĩa thực tiễn lớn hơn, ví dụ cho camera chụp ảnh đẹp chẳng hạn. 4 ống kính, màn hình AMOLED chất lượng cao hay thuật toán làm đẹp selfie có thể sẽ mang ý nghĩa quan trọng hơn Snapdragon 8xx.
Và 4 ống kính hay thuật toán làm đẹp selfie trên những chiếc Galaxy hay Honor sử dụng chip Snapdragon 8xx hay Kirin 9xx có thể là đòn kết liễu đối với Xiaomi. Ngay bây giờ, Samsung và Huawei đang bộc lộ rõ quyết tâm biến đòn kết liễu ấy thành hiện thực.
Theo Genk