torune
Film critic
Từ lúc mô hình làm phim kinh doanh phát triển vào đầu thế kỷ XIX, các hãng phim lớn đã triển khai những buổi chiếu thử, nằm trong quy trình sản xuất phim của họ.
Càng về sau, ngân sách làm phim không ngừng tăng cao, tầm quan trọng của những buổi chiếu thử ngày một lớn bởi phản hồi của khán giả tại những buổi chiếu này quyết định lớn tới thành công của phim một khi ra mắt công chúng. Thậm chí, đã có những buổi chiếu thử buộc các studio làm lại toàn bộ phim của họ.
Đến hiện tại, quan điểm của các nhà làm phim trước giá trị của những buổi chiếu thử không nhất quán. Một vài người ủng hộ số liệu nhưng một vài người tin vào 'duyên phận'.
Ví dụ như 'Seven' (1990) của David Fincher. Mặc dù phim nhận phản hồi tiêu cực sau một vài lần chiếu thử, David Fincher đã quyết đấu tranh với nhà phân phối, giữ nguyên đoạn kết. Cuối cùng thì, 'Seven' đã trở thành một cú hít với doanh thu toàn cầu đạt 327 triệu USD.
Bên cạnh đó, những buổi chiếu thử không hẳn đáng tin cậy. Những quy trình liên quan bao gồm: yêu cầu khán giả điền vào những bảng khảo sát có sẵn hoặc phỏng vấn tự do sau khi xem những phân đoạn có trong phim. Điều này dẫn đến một khả năng rằng nhà làm phim mời nhầm đối tượng khán giả bởi có thể ngay từ đầu, họ đã không thích thể loại của phim sắp chiếu. Ngoài ra, việc 'đóng khung' những câu hỏi có thể tạo nên sai số.
Điều này mở ra hướng nghiên cứu mới: theo dõi phản ứng của khán giả căn cứ vào dữ thiệu thô.
Neurocinematics (Thần kinh điện ảnh học)
Đầu những năm 2000, Uri Hasson - một giáo sư tâm lý đến từ Princeton - bắt tay nghiên cứu những gì thật sự xảy ra bên trong đầu của khán giả trong lúc họ xem phim. Hasson và đồng nghiệp tiến hành chiếu nhiều phim điện ảnh đến những đối tượng được nghiên cứu và chụp lại hình ảnh cộng hưởng từ chức năng (fMRI). Kết quả được trình bày trong một nghiên cứu khoa học, làm nảy sinh khái niệm mới - "Neurocinematics".
Bất ngờ, kết quả chụp ảnh fMRI cho thấy nhiều điểm tương đồng ở vùng não của người xem. Khi một phim thu hút khán giả, hoạt động não của họ gần như diễn ra ở những vùng giống nhau, đặc biệt ở những cảnh hành động hoặc cảnh nghẹt thở.
Chằng hạn như với 'The Good, The Bad and the Ugly' của Sergio Leone, hoạt động não của người xem diễn biến rất giống nhau [chứng tỏ phim thành công]. Những tác phẩm giật gân của Alfred Hitchcock cũng cho kết quả tương tự.
Sau đó, Hasson còn khám phá ra rằng hoạt động não càng đồng điệu khi phân đoạn phim càng có tổ chức. Vì vậy, một cảnh phim quay không chủ đích ít 'đồng bộ' hoạt động não của người xem hơn một cảnh phim được biên tập cẩn thận, có chủ đích.
Đáng chú ý, một clip trích từ series hài 'Curb Your Enthusiasm' lại cho thấy ít sự đồng điệu trong hoạt động não bộ. Giả thuyết được đưa ra: 'Hài' là một khái niệm hết sức chủ quan?
Đằng sau nghiên cứu này là một ý tưởng rằng tồn tại cách nào đó để đo đạc mức độ lôi cuốn của một phim điện ảnh một cách khách quan. Cách đo này không lệ thuộc vào phản hồi chủ quan của người xem, giảm thiểu sai số đến từ các cuộc khảo sát.
Đong đếm những 'khoảnh khắc tim-đập'
Sự xuất hiện ồ ạt của loạt thiết bị đeo thông minh mở ra phương án mới cho Hollywood trong việc thu thập dữ liệu sinh học mà không cần đến ảnh chụp fMRI. Cuối năm 2015, công ty công nghệ Lightwave đã hợp tác với 20th Century Fox để tìm cách 'định lượng' sự lôi cuốn (về mặt vật lý) của khán giả trước 'The Revenant'.
Trong những buổi chiếu thử, khán giả được đeo những thiết bị giúp đo nhịp tim, điện tim, thân nhiệt, hoạt động điện-da và chuyển động. Dữ liệu thu được cho phép nhà làm phim phân tích ảnh hưởng của sản phẩm điện ảnh lên người xem ở một khía cạnh hoàn toàn mới.
Thống kê cho thấy phim chứa 15 cảnh chạm trán, 14 khoảnh khắc khiến tim đập mạnh, 4.716 giây người xem bất động và 9 khoảnh khắc khiến họ bất ngờ tột đỉnh. Dữ liệu sinh trắc này có thể gắn liến với những khoảng khắc cụ thể của phim và các nhà làm phim mong muốn xác định trải nghiệm điện ảnh lên cơ thể vật lý của người xem như thế nào.
"Thông qua dữ liệu sinh trắc, chúng ta không còn cần đến những công cụ chủ quan, đầy tính thiên vị để xác định ảnh hưởng của nội dung lên khán giả" - trích lời Rana June (CEO của Lightwave).
Trước đó, Dolby đã thử nghiệm với dữ liệu sinh trắc thông qua kỹ thuật điện não đồ (EEG) và nhiều cảm biến khác. Mặc dù không sáng tạo nội dung nhưng Dolby đã và đang rất hứng thú với những công nghệ kích ứng khoái cảm của khán/thính giả một cách hiệu quả. Nếu công nghệ này thành công, họ dự tính bán nó cho những nhà làm phim và gây ảnh hưởng nhất định.
Giới hạn của dữ liệu?
Cách đây một vài năm, Uri Hasson (người đã tạo ra thuật ngữ 'neurocinematics') đã trình bày công trình của ông với các đại diện đến từ Hollywood. Tuy nhiên, các chuyên gia làm phim đã có những phản hồi trái chiều. Darren Aronofsky (đạo diễn 'Black Swan') bày tỏ hứng thú với loạt ảnh chụp fMRI khi nhận thấy 70% khán giả có hoạt động vùng vỏ não giống nhau. Darren đùa rằng "sớm muộn gì họ cũng chụp ảnh cộng hưởng từ với mọi khán giả xem thử".
Jon Favreau thì phản bác. Ông không đồng ý rằng những dữ liệu sinh trắc này có thể dùng để đo độ hứng khởi của khán giả trong trạng thái kích thích, tương tự như đi tàu lượn cao tốc. Nhưng, làm sao để đo được sự hứng thú ở những cảnh hài hay những cảnh lấy nước mắt?
Đây cũng là lý do mà một nhóm nghiên cứu đến từ Caltech đã và đang làm việc với Disney để thử nghiệm và phát triển một phương thức theo dõi phản ứng khán giả trong thời gian thực suốt quá trình xem phim. Điểm cộng của cách làm này là nó ít 'xâm hại' cơ thể người thí nghiệm hơn EEG hay MRI.
Nhóm nghiên cứu gọi thuật toán này là "factorized variational autoencoders" (FVAE). Hệ thống gán 68 điểm nút khác nhau trên gương mặt người, dùng camera hồng ngoại chụp lại với tốc độ 2 khung hình/giây và có khả năng phân tích cùng lúc 400 mặt người. Những điểm nút này giúp hệ thống phân biệt các trạng thái cười mỉm, cười lớn hoặc những trạng thái tâm lý khác chứng tỏ người xem bị cuốn vào phim.
"Diện mạo của con người có nhiều dữ liệu hơn là bên trong của họ" - trích lời Peter Carr, đại diện Disney.
Nghiên cứu mở ra ý tưởng: gom khán giả thành các quần thể tập trung để nghiên cứu. Mặc dù vây, mọi thứ mới ở mức ban đầu và khó áp dụng với những gương mặt ít biểu lộ cảm xúc. Nhưng, một thứ đáng sợ khác xuất hiện. Đó không phải là khả năng dịch ra biểu cảm người xem mà lại là khả năng tiên đoán diễn biến tiếp theo của người xem.
Hiện tại, hệ thống trên đây có thể tiên đoán gần chính xác phản hồi cơ mặt của người xem cho toàn bộ phim sau khi quan sát họ xem ở 10 phút đầu. Thêm nữa, nó còn có khả năng đánh giá liệu người đó sẽ cảm thấy thoải mái hay không sau khi họ bước ra khỏi rạp.
Hệ lụy!?
Sự trỗi dậy của các nghiên cứu trên đây dễ dẫn tới một hệ lụy. Các nhà làm phim sử dụng chiêu trò để gian lận, thông qua những thủ thuật biên tập sao cho điểm số xem thử cao ngất, mặc dù toàn bộ diễn biến phim của họ vẫn có khả năng khiến người xem thất vọng.
Việc Hollywood muốn tối ưu hóa doanh thu của họ không phải mới. Nhưng, càng dựa dẫm vào số liệu, sản phẩm điện ảnh của họ có khả năng trở nên 'khô cứng', mất tính nghệ thuật. Thậm chí, sẽ có viễn cảnh kiểu như nhà làm phim sẵn sàng cắt bỏ một phân đoạn nếu như chỉ có phân nửa lượng khán giả cười (không đúng chỉ tiêu của nhà làm phim).
Dù gì đi chăng nữa, có một sự thật: phim ảnh là nghệ thuật; Hollywood là kinh doanh. Và, trong kinh doanh, số liệu là tất cả.
Theo News Atlas
Chỉnh sửa lần cuối: